Khi nào có thương hiệu quốc gia cho 'Yến sào Việt Nam'?

Nhàđầutư
Nghề nuôi yến đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Với chất lượng yến sào đã được khẳng định, các chuyên gia cho rằng cần tập trung xây dựng thương hiệu và xuất khẩu yến sào theo đường chính ngạch đến các thị trường tiềm năng để nâng cao giá trị sản phẩm.
NGUYỄN TRI
07, Tháng 07, 2023 | 06:45

Nhàđầutư
Nghề nuôi yến đang phát triển mạnh mẽ ở nước ta. Với chất lượng yến sào đã được khẳng định, các chuyên gia cho rằng cần tập trung xây dựng thương hiệu và xuất khẩu yến sào theo đường chính ngạch đến các thị trường tiềm năng để nâng cao giá trị sản phẩm.

Đưa yến sào đến thị trường tỷ dân

Hiện, nước ta có 42/63 tỉnh, thành nuôi chim yến. Số lượng nhà yến toàn quốc tăng rõ rệt trong những năm qua. Theo đó, năm 2017 chỉ có trên 8,3 ngàn nhà yến, đến năm 2022, số lượng đã "đạt đỉnh" với 23.665 nhà yến.

Địa phương có số lượng nhà yến tăng nhanh nhất là Kiên Giang, Khánh Hòa và Lâm Đồng. Tỉnh có số lượng nhà yến lớn nhất là Kiên Giang 2.995 nhà yến, tiếp đến là Bình Định 1.722 nhà yến.

Sản lượng tổ yến năm 2021 ước đạt 200 tấn/năm. Kế hoạch đặt ra trong chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2030 sản lượng tổ yến dự kiến đạt 350-400 tấn/năm.

yensao

Một dây chuyền sơ chế yến sào ở Khánh Hòa. Ảnh báo Khánh Hòa

Thị trường nhập khẩu chính tổ yến của nước ta là Hồng Kông, Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở các nước Mỹ, Australia, New Zealand.

Theo ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200-300 triệu USD/năm, đây thực sự là một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi.

Hiện, một số địa phương đã thực hiện quy hoạch vùng nuôi chim yến. Cùng với đó, một số công ty đã xây dựng phần mềm để quản lý chủ nhà yến, liên kết sản xuất sản phẩm theo chuỗi, truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu tổ yến, sản phẩm từ yến đi Trung Quốc.

Tuy nhiên, đại diện Cục Chăn nuôi cho rằng, sản phẩm từ yến chưa có giá trị cao đúng với giá trị thực vì chủ yếu xuất thô và tiểu ngạch.

"Việc mua, bán, thương mại sản phẩm tổ yến còn chưa có thị trường ổn định; việc đầu tư vào khâu chế biến sâu còn hạn chế, sản phẩm chủ yếu xuất khẩu dưới dạng sản phẩm thô nên giá trị chưa cao", đại diện Cục Chăn nuôi chia sẻ.

Đồng quan điểm, Ths. Trịnh Thị Hồng Vân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa cho hay, tổ yến Việt Nam dù đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng qua đường tiểu ngạch là chủ yếu và chiếm thị phần rất khiêm tốn.

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa, hiện, hai nguồn cung cấp tổ yến chính ngạch cho thị trường Trung Quốc chủ yếu là Indonesia và Malaysia.

Năm 2022, Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch 451,6 tấn tổ yến, trong đó 291,8 tấn đến từ Indonesia và 159,8 tấn đến từ Malaysia.

Bà Vân cho biết, chất lượng sản phẩm yến sào của Việt Nam được đánh giá vượt trội so với các nước trong khu vực. Sản phẩm tổ yến của Việt Nam được khách hàng Trung Quốc rất ưa chuộng. Đây chính là cơ hội cho ngành yến của Việt Nam nâng cao giá trị và thương hiệu.

Đặc biệt, với việc ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sản phẩm tổ yến sang Trung Quốc sẽ giúp cho ngành yến sào Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này trong thời gian tới.

"Đây là cơ hội để các doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản xuất yến sào xuất khẩu các sản phẩm yến sào sau chế biến đến thị trường tiềm năng, đông dân nhất thế giới này", bà Vân nói thêm.

Cần xây dựng thương hiệu "Yến sào Việt Nam"

Theo PGS.TS Nguyễn Lân Hùng Sơn, Khoa Sinh học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Việt Nam vẫn chưa ban hành được quy chuẩn nhà yến cũng như quy hoạch phát triển vùng nuôi chim yến dẫn tới thiếu kiểm soát của cơ quan nhà nước đối với hoạt động phát triển nuôi chim yến.

yen (2)

Thị trường nhập khẩu chính tổ yến của nước ta là Hồng Kông, Trung Quốc, cộng đồng người Hoa ở các nước Mỹ, Australia, New Zealand. Ảnh: Báo Công Thương

Bên cạnh đó, sự phát triển của yến nhà không chỉ gây ra sự cạnh tranh về nguồn thức ăn với yến đảo mà còn tiềm ẩn sự lai tạp giữa hai phân loài này dẫn tới sự thoái hóa gen và suy giảm quần đàn.

Cũng theo ông Sơn, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các vùng ven biển; phát triển nhanh của các nhà yến; lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; ô nhiễm không khí… đang gây sức ép thu hẹp, cạnh tranh vùng kiếm ăn của các loài chim yến đảo.

Từ đó, ông Sơn kiến nghị, các địa phương có tài nguyên chim yến đảo, khi quy hoạch phát triển vùng nuôi chim yến nhà cần xem xét, tính toán để giảm sự cạnh tranh về nguồn thức ăn giữa quần đàn yến đảo và yến nhà.

Đồng thời, khu vực nơi chim yến làm tổ ở các hang đảo cần được bảo vệ và phục hồi hệ sinh thái rừng cũng như thảm thực vật để cung cấp bổ sung nguồn thức ăn đặc biệt trong mùa sinh sản của chim yến.

"Cần chủ động bổ sung các nguồn thức ăn do con người tạo ra như nhân nuôi các loại sâu, kiến, ruồi giấm… để bổ sung thức ăn cho chim yến ở khu vực các hang yến là điều cần tiếp tục nghiên cứu", ông Sơn nói.

Còn ThS. Trịnh Thị Hồng Vân cho rằng, cần xây dựng thương hiệu "Yến sào Việt Nam" có vị thế thương trường quốc tế, khả năng cạnh tranh cao với sản phẩm các nước Indonesia, Malaysia, Tháilan.

Trong đó, thương hiệu quốc gia Yến sào Việt Nam được xây dựng, bảo vệ theo qui định của luật pháp quốc tế. Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương, các địa phương, tỉnh, thành phố thực hiện bảo vệ uy tín thương hiệu. Nhà nước đăng ký quyền sỡ hữu trí tuệ thương hiệu quốc gia Yến sào Việt Nam theo Công ước Quốc tế Madrid.

Ngoài ra, cũng cần thực hiện chiến lược xuất khẩu chọn những đơn vị, doanh nghiệp uy tín, có truyền thống bề dày kinh nghiệm, kỹ thuật chuyên ngành yến sào, thực hiện ứng dụng thành công khoa học trong công tác quản lý, khai thác và phát triển quần thể chim yến tại Việt Nam.

"Cũng cần hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận công nghệ sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia, đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc", bà Vân nói thêm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ