Hòa chung tiếng nói kiên quyết bảo vệ Biển Đông

Nhàđầutư
Mỹ cảnh báo công khai, Mỹ - Nhật- Úc trong một tuyên bố chung phản đối Trung Quốc, G7 cũng tỏ thái độ kiên quyết… Cả khu vực và thế giới lo lắng về các hoạt động đẩy mạnh quân sự hóa của Bắc Kinh trên các đảo đá Trung Quốc cưỡng chiếm từ Việt Nam và các nước ASEAN.
QUẢNG TRÍ
17, Tháng 06, 2017 | 07:30

Nhàđầutư
Mỹ cảnh báo công khai, Mỹ - Nhật- Úc trong một tuyên bố chung phản đối Trung Quốc, G7 cũng tỏ thái độ kiên quyết… Cả khu vực và thế giới lo lắng về các hoạt động đẩy mạnh quân sự hóa của Bắc Kinh trên các đảo đá Trung Quốc cưỡng chiếm từ Việt Nam và các nước ASEAN.

“Là một quốc gia lớn ở khu vực và trên thế giới, chúng tôi cho rằng Trung Quốc cần hành động có trách nhiệm và mang tính xây dựng trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên Biển Đông trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế”. Đây là tuyên bố từ bà Lê Thị Thu Hằng, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 15/6, liên quan đến tin Trung Quốc đang trong quá trình quân sự hóa các đảo, điểm đảo ở Trường Sa và Hoàng Sa.

Hiếm khi Trung Quốc bị nêu đích danh trong các hoạt động phi pháp tại khu vực Hoàng Sa và Trường Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng khẳng định, mọi hoạt động của nước ngoài mà không có sự cho phép của Việt Nam là hoàn toàn bất hợp pháp không thể làm thay đổi thực tế là Việt Nam có chủ quyền đối với hai quần đảo này.

Mỹ cảnh báo sắc lạnh

Tờ Washington Examiner (Mỹ) vừa trích đăng cảnh báo của Ngoại trưởng RexTillerson cho biết, chính sách đối ngoại hiện nay của Trung Quốc có thể "dẫn đến xung đột" tại khu vực Thái Bình Dương. Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh ông đã trực tiếp đưa ra lời cảnh báo này với Trung Quốc. Trong cuộc điều trần hôm 14/6, Ngoại trưởng Mỹ phê phán việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp và mở rộng cơ sở hạ tầng tại các hòn đảo trong vùng tranh chấp ở Biển Đông "đang gây ra bất ổn tại khu vực Thái Bình Dương. Những bất ổn ấy có thể đưa chúng ta vào một cuộc xung đột".

ntm

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson điều trần trước Ủy ban đối ngoại Thượng Viện, Washington DC, ngày 14/6/2017 

Ông Tillerson nhấn mạnh, đây là một trong những vấn đề cần giải quyết cấp bách trong quan hệ Mỹ-Trung. Về việc liệu sức mạnh kinh tế của Trung Quốc có là một mối đe dọa tiềm tàng đối với Mỹ hay không, ông Tillerson thừa nhận, Mỹ phải thích nghi với thực tế đó, nhưng không thể để Bắc Kinh biến kinh tế, thương mại thành "vũ khí" để lôi kéo các đồng minh của Washington về phía Trung Quốc. Theo Ngoại trưởng Tillerson, Washington cần gửi tới Bắc Kinh thông điệp rõ ràng về việc Trung Quốc không thể dùng chiến thuật đó để giải quyết những vấn đề gai góc như hạt nhân Triều Tiên hay tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Cùng ngày 14/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại buổi điều trần trước Ủy ban Phân bổ ngân sách của Hạ viện cũng tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục chiến dịch "khẳng định quyền tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông" bất chấp chống đối mạnh mẽ của Trung Quốc. Lý do được tướng Mattis đưa ra là tự do lưu thông hàng hải là một phần không thể tách rời trong chính sách phòng thủ của Mỹ.

Trước đó, ngày 3/6 tại diễn đàn Đối thoại Shangri-La, có thể coi là cuộc gặp thượng đỉnh về an ninh châu Á hàng năm ở Singapore, ông Mattis tố cáo việc Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông làm suy yếu sự ổn định của khu vực. Ông Mattis đã cáo buộc Trung Quốc coi thường lợi ích của các quốc gia khác và không tuân thủ luật pháp quốc tế. Trong bài diễn văn đọc trước các đại biểu, ông Mattis nói: "Chúng tôi không thể chấp nhận các hành động của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, phá hoại trật tự dựa trên luật lệ vốn phục vụ tất cả các nước có mặt hôm nay tại diễn đàn này".

 
Chúng tôi không thể chấp nhận các hành động của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của cộng đồng quốc tế, phá hoại trật tự dựa trên luật lệ vốn phục vụ tất cả các nước có mặt hôm nay tại diễn đàn này

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis

Tháng 5/2017 khu trục hạm USS Dewey của Mỹ đã áp sát Đá Vành Khăn đã bị Trung Quốc bồi lấp thành đảo nhân tạo phi pháp tại khu vực quần đảo Trường Sa. Đây là lần đầu tiên dưới chính quyền Donald Trump, Hải quân Mỹ thực thi chiến dịch tự do hàng hải tại Biển Đông khiến Trung Quốc rất tức tối. Ngay sau đó cũng trên Biển Đông, Mỹ bất ngờ tập trận phối hợp giữa khu trục hạm và các máy bay ném bom chiến lược B-1B xuất kích từ Guam, gửi một thông điệp cứng rắn tới tham vọng độc chiếm Biển Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mattis nói việc tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên không có nghĩa là Washington sẽ không thách thức các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Đây là thách thức đầu tiên của Washington đối với Bắc Kinh kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Hoa Kỳ tuyên bố sẽ tiếp tục bay, đi lại và hoạt động bất cứ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép và đã thể hiện quyết tâm này thông qua hoạt động hiện diện ở Biển Đông và xa hơn nữa.

Nhật, Úc phản đối bằng hành động

Không chỉ một một mình Mỹ, trong một tuyên bố chung tại Diễn đàn về an ninh châu Á nói trên, bộ trưởng quốc phòng ba nước Mỹ, Nhật và Úc đều thống nhất đưa ra lập trường chung, kêu gọi “đối thoại, hợp tác và can dự” với Trung Quốc, nhưng đồng thời nhấn mạnh các nước chủ động cam kết với luật pháp quốc tế cũng như tự do hàng hải và hàng không. Cả ba nước kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền (được hiểu là Trung Quốc) hãy “dừng các hoạt động bồi đắp, phi quân sự hóa các thực thể có tranh chấp và tránh các hành động khiêu khích có thể làm tăng căng thẳng”.

Tokyo và Washington từ trước tới nay đã hợp tác với nhau trong việc kiểm tra hoạt động mở rộng của Trung Quốc. Tuy nhiên Nhật Bản đang tính đến một tình huống trong đó, ông Trump vì những lý do khác nhau trong quan hệ Mỹ - Trung, nhất là muốn Trung Quốc giúp đỡ kiềm chế Bắc Triều Tiên nên có thể sẽ giảm mức độ chống lại Bắc Kinh trong lúc hợp tác.

Vì vậy, Nhật Bản đã tỏ một vai trò đặc biệt trong tranh chấp. Nước này không tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông nhưng lại có thái độ kiên quyết và rõ ràng với Bắc Kinh khi đoàn kết với các nước Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền tại đây. Tokyo kiểm soát khu vực tranh chấp các đảo không có người ở. Trung Quốc năm ngoái đã đưa tàu đến gần các đảo này trong hơn 30 ngày để khẳng định chủ quyền. Thậm chí trong một vài lần còn khiến Nhật phải đưa máy bay ra cảnh cáo.

Yun Sun, chuyên gia cao cấp của Chương trình Đông Á thuộc trung tâm nghiên cứu Stimson có trụ sở tại Washington, nhận định: “Thủ tướng Nhật rất kiên định về quan điểm là Nhật Bản cần phải có một vị trí danh dự ở Biển Đông”. Một khi Hoa Kỳ bớt chú ý đến vấn đề này, bà Yun Sun nói, “Tôi nghĩ Nhật Bản có lẽ quan ngại nhất về những gì Trung Quốc đang làm”.

G7 tỏ thái độ kiên quyết

Hội nghị thượng đỉnh nhóm G7 đã họp tại Italy trong 2 ngày 26 và 27/5 với sự tham dự của nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 7 nước công nghiệp phát triển trên thế giới là Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Italy và Nhật Bản.

Nguyên văn đoạn thông báo chung của Hội nghị thượng đỉnh nói trên về Biển Đông như sau: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết đối với việc duy trì trật tự dựa trên các luật lệ trong lĩnh vực hàng hải, dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, bao gồm các nguyên tắc được phản ánh trong UNCLOS và cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển thông qua các biện pháp ngoại giao và pháp lý, bao gồm cả cơ chế trọng tài. Chúng tôi quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, chúng tôi cực lực phản đối bất cứ hành động đơn phương nào có thể làm gia tăng căng thẳng. Chúng tôi hối thúc tất cả các bên theo đuổi việc phi quân sự hóa các thực thể trong diện tranh chấp”.

Tuyên bố G7 đã khẳng định vai trò chủ đạo của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Nhóm cũng ủng hộ giải quyết tranh chấp qua con đường ngoại giao và pháp lý, kể cả biện pháp phân xử bằng trọng tài. Không những vậy, họ còn phản đối các hành động đơn phương gây căng thẳng ở Biển Đông. Điều đặc biệt là G7 đề nghị phi quân sự hóa các thực thể tranh chấp./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25100.00 25120.00 25440.00
EUR 26325.00 26431.00 27607.00
GBP 30757.00 30943.00 31897.00
HKD 3164.00 3177.00 3280.00
CHF 27183.00 27292.00 28129.00
JPY 159.58 160.22 167.50
AUD 15911.00 15975.00 16463.00
SGD 18186.00 18259.00 18792.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 17956.00 18028.00 18551.00
NZD   14666.00 15158.00
KRW   17.43 19.02
DKK   3535.00 3663.00
SEK   2264.00 2350.00
NOK   2259.00 2347.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ