Giải pháp đường dài cho gạo xuất khẩu: Nông dân và doanh nghiệp phải cùng có lợi

Nhàđầutư
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu của ngành lúa gạo Việt Nam nhận định giải pháp đường dài cho ngành lúa gạo Việt Nam thời gian tới là đồng nhất lợi nhuận giữa nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời chú trọng nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu để khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.
THIÊN KỲ
09, Tháng 01, 2024 | 12:46

Nhàđầutư
Nhiều doanh nghiệp, chuyên gia hàng đầu của ngành lúa gạo Việt Nam nhận định giải pháp đường dài cho ngành lúa gạo Việt Nam thời gian tới là đồng nhất lợi nhuận giữa nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời chú trọng nâng cao giá trị hạt gạo xuất khẩu để khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế.

415577187_851892100281764_1263686372044460201_n

Bất cập khi giá lúa cao người dân vui nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó. Ảnh: Cỏ May

Lợi nhuận kép cho nông dân, doanh nghiệp vẫn kêu khó

Theo chia sẻ của ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo Việt Nam tại tọa đàm "Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo" do báo Người Lao động tổ chức ngày 9/1 tại TP.HCM, việc Chính phủ đã không ra quyết định cấm xuất khẩu gạo trước bối cảnh thị trường quốc tế nhiều căng thẳng chứng minh Việt Nam vẫn bảo đảm an ninh lương thực trong nước, tăng xuất khẩu. Đáng nói năm 2023 nông dân trồng lúa ở các địa phương đã đạt được lợi nhuận kép khi giá vật tư thấp và giá lúa gạo tăng.

"Năm 2024 không lường trước việc gì. Góc độ sản xuất đặt vấn đề an toàn sản xuất lên hàng đầu. Nếu giá gạo có giảm như năm 2021-2022 thì vẫn bảo đảm nông dân có lợi. Tôi mong rằng nếu giá lúa gạo có lên 1000 USD/tấn, không chỉ nông dân có lời mà doanh nghiệp cũng có lãi. Phải làm sao các thành tố trong chuỗi đều có lời, dù chưa được công bằng", đại diện Hiệp hội Ngành hàng lúa gạo kỳ vọng.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cũng cho thấy năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 8,29 triệu tấn gạo, mang về giá trị 4,78 tỉ USD, tăng 16,7% về khối lượng và tăng 38,4% về giá trị so với năm 2022. Đây là con số cao kỷ lục kể từ năm 1989 khi Việt Nam bắt đầu tham gia xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên việc giá lúa gạo tăng cao hiện cũng gây nhiều bất cập cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Điển hình như trường hợp của doanh nghiệp Vinarice Group mà Nhadautu.vn vừa thông tin, dù có nhiều đơn vị quốc tế đặt hàng nhưng vì giá lúa lên cao khiến doanh nghiệp không dám ký hợp đồng.

"Chúng tôi không dám ký hợp đồng mới vì giá lúa hiện quá cao. Đơn hàng của năm 2023 thậm chí vẫn chưa trả hết cho khách hàng. Hiện chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chờ tình hình thị trường để tính toán", ông Phan Văn Có Giám đốc Marketing Vrice Group chia sẻ.

Với gần 200 doanh nghiệp liên quan đến ngành gạo, có 15 doanh nghiệp xuất khẩu gạo bà Võ Phương Thuỷ, Phó Giám đốc phụ trách Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết xuất khẩu gạo thành công về giá trị lẫn sản lượng nhưng bên trong vẫn tồn tại những khó khăn như thời điểm giá lúa cao, nông dân có lợi nhưng doanh nghiệp xuất khẩu khó khăn. Nông dân và doanh nghiệp không gắn kết được vì có nhiều trung gian.

Là chuyên gia nông nghiệp hàng đầu hiện nay của Việt Nam, GS Võ Tòng Xuân nhận định những bất cập xảy ra hiện nay là do các doanh nghiệp tranh mua, tranh bán. Nguyên nhân là do Việt Nam không có giá sàn cho gạo xuất khẩu, nên một mặt thương lái bỏ tiền ra đặt cọc giá cao, để đặt mua lúa của nông dân, mặt khác doanh nghiệp không có vùng nguyên liệu nhưng muốn đi bán gạo và họ mua giá không cao bằng thương lái.

"Chính vì không có giá sàn nên doanh nghiệp muốn bán giá này nhưng thương lái quốc tế nói doanh nghiệp kia bán giá thấp hơn. Để giải quyết bài toán này, doanh nghiệp nên ký hợp đồng 1 năm hoặc nhiều năm để có sự chuẩn bị. Việt Nam nhờ không bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên lúc nào cũng có lúa, có gạo, giữ chỗ trước trong công ty, ký kết hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp", GS Võ Tòng Xuân phân tích.

Giải pháp đường dài cho xuất khẩu gạo

Với kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực lúa gạo, ông Phạm Thái Bình Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết giải pháp đường dài cho ngành lúa gạo hiện nay chính là cánh đồng lớn tức liên kết doanh nghiệp và nông dân – đôi bên cùng có lợi.

"Chính phủ có giải pháp, chính là đề án 1 triệu ha lúa gạo chất lượng cao, phát thải thấp. Nếu triển khai thành công nông dân có lãi, doanh nghiệp có lãi", ông Bình nói.

Empty

Doanh nghiệp nông dân hợp tác, liên kết hướng đến cùng có lợi. Ảnh Lộc Trời

Là tỉnh có diện tích lúa gạo bậc nhất Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đại diện Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cho biết nhờ xây dựng chuỗi liên kết doanh nghiệp và nông dân tỉnh xác định giảm sản lượng gạo xuất khẩu nhưng tăng chất lượng và giá trị. Kết quả sản lượng gạo xuất khẩu toàn tình năm 2023 đạt 536.000 tấn, kim ngạch 400 triệu USD, tăng mạnh so với năm 2022.

Bà Thủy cho biết thêm với 25% diện tích lúa có liên kết với doanh nghiệp như hiện tại, địa phương xác định không chỉ trồng lúa bán gạo mà còn sản phẩm chế biến sâu, các phụ phẩm. Bằng chứng là Đồng Tháp hiện có nhiều đơn vị chế biến sản phẩm từ gạo, nâng giá trị cho hạt gạo.

Tương tự, các doanh nghiệp lúa gạo Long An vừa qua cũng tập trung sản xuất nhưng theo ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Long An cho biết diện tích sản xuất lớn trên địa bàn tỉnh vẫn chưa nhiều, chỉ được khoảng 20.000-30.000 ha, trong khi trên tổng diện tích 200.000 - 300.000 ha. 

"Do nông dân sản xuất với diện tích nhỏ, muốn có sản xuất lớn thì cần phải liên kết, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên nền đã được tập huấn. Tiến tới phát thải thấp, đạt được tín chỉ carbon tăng thêm thu nhập cho bà con; đồng thời tiến tới áp dụng khoa học kỹ thuật để liên kết các HTX với nhau", ông Truyền nêu giải pháp dài hạn. 

Với những tồn đọng hiện tại, GS Võ Tòng Xuân đề xuất cần sắp xếp thị trường, chia thị phần gạo của mình ra để xuất khẩu hoặc bán trong nước. Nếu làm vậy các doanh nghiệp sẽ từ từ không còn tranh mua, tranh bán, mà mỗi doanh nghiệp có vùng nguyên liệu của mình. Đây là con đường tương lai để gạo của Việt Nam có thể tiếp tục phát triển bền vững.

Cũng theo GS Xuân hiện tại nhiều thương lái của châu Âu, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Hong Kong, Ma Cao… họ phân ra gạo xuất khẩu là 2 loại: 1 là gạo thơm, hạt dài ngon cơm của Thái Lan; và hai là gạo trắng, ngon cơm. Gạo trắng của Việt Nam xuất khẩu được khoảng 250-300 USD; còn gạo thơm Thái Lan giá 800-900 USD. Vì họ biết Thái Lan sản xuất gạo chỉ 1 lần/năm là lúa mùa, năng suất không cao đành phải mua giá 800 USD.

Còn hiện tại, gạo của Việt Nam có thể bán được giá 600-700 USD, thậm chí hơn giá của Thái Lan vì giống lúa mới, giá thấp nhưng gạo vẫn ngon cơm. Gạo ngắn ngày của Thái Lan của họ không thơm như mình. Đây không hẳn là do Ấn Độ, Thái Lan bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, mà là do gạo Việt Nam khởi sắc lên nhờ giống mới, điều mà gạo Thái Lan, Ấn Độ không có. Do đó GS Xuân dự báo trong năm 2024 giá gạo vẫn sẽ tiếp tục ở mức cao. 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ