Giá dầu sẽ hạ nhiệt nhờ nhu cầu lao dốc?

Giới quan sát cho rằng khoảng cách cung - cầu trên thị trường dầu đang thu hẹp nhờ nhu cầu lao dốc và nỗ lực kìm giá dầu của một số nước lớn.
THẢO PHƯƠNG
15, Tháng 04, 2022 | 06:35

Giới quan sát cho rằng khoảng cách cung - cầu trên thị trường dầu đang thu hẹp nhờ nhu cầu lao dốc và nỗ lực kìm giá dầu của một số nước lớn.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022, sau khi Trung Quốc tái áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm kiểm soát làn sóng Covid-19 mới.

Theo dữ liệu của TradingEconomics, giá dầu Brent hôm 14/4 (theo giờ Việt Nam) lao dốc hơn 1% so với 24 giờ trước đó xuống mức 107,56 USD/thùng. Còn giá dầu WTI giảm 1,2% còn 103 USD/thùng.

Dù đã điều chỉnh giảm, giá dầu vẫn ở mức cao. Hôm 13/4, giá dầu thô WTI xuyên thủng ngưỡng 100 USD/thùng sau nhiều ngày dao động quanh vùng giá 93-98 USD/thùng. Giá dầu WTI và Brent tăng lần lượt 8,61% và 10,23% so với mức cách đây một tháng. 

Screen Shot 2022-04-15 at 06.31.40

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cắt giảm dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2022, sau khi Trung Quốc siết chặt các biện pháp chống dịch. Ảnh: Reuters.

Nhu cầu lao dốc

Giá dầu tăng cao lên mức kỷ lục do ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine và các đòn trừng phạt mà phương Tây giáng vào Nga. Tuy nhiên, IEA cho rằng khoảng cách cung - cầu trên thị trường dầu đang được thu hẹp. Triển vọng nhu cầu suy yếu, trong khi các quốc gia thành viên IEA nhất trí xả kho dầu.

"Các nước trên thế giới đã tìm cách giảm bớt áp lực trên thị trường dầu trong thời gian qua. Điều này phần nào giúp giá dầu sụt giảm. Nhưng nguyên nhân chính vẫn là từ những lệnh phong tỏa của Trung Quốc", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở ở London) nhận định với Zing.

Trong vài tuần qua, Trung Quốc đối mặt với đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng nhất kể từ thời kỳ đầu của đại dịch hồi năm 2020. "Kinh tế Trung Quốc hiện rất dễ tổn thương", ông Rob Subbarama - nhà kinh tế trưởng tại Research for Asia ex-Japan thuộc Nomura - bình luận.

"Các khu vực bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn có thể chiếm tới 40% GDP Trung Quốc", ông trích dẫn cuộc khảo sát của Nomura.

 
Các nhà kinh tế đang tiếp tục hạ thấp triển vọng của kinh tế thế giới. Rõ ràng điều này sẽ tác động tới nhu cầu dầu

Ông Toril Bosoni, Trưởng bộ phận Thị trường và Công nghiệp của IEA

Thành phố Thượng Hải - nơi có cảng đông đúc nhất thế giới - là một trong những nơi chịu tác động nặng nề nhất. Thành phố 26 triệu dân bị phong tỏa trong vòng 2 tuần và chỉ vừa mới được nới lỏng các quy định.

Tỉnh Cát Lâm - nơi đặt trụ sở của nhiều nhà máy ôtô - cũng chịu ảnh hưởng nặng nề ngay cả khi số ca nhiễm mới đã bắt đầu giảm đi. Các lệnh phong tỏa do đó có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu đối với hoạt động đi lại, sản xuất và vận chuyển tại Trung Quốc, thậm chí tác động lan tỏa sang toàn cầu.

Chỉ số quản lý thu mua (PMI) đối với ngành sản xuất của Trung Quốc đã lao dốc trong tháng 3. Theo dữ liệu chính thức mới được công bố, nhập khẩu của đất nước 1,4 tỷ dân cũng sụt giảm vì nhu cầu lao dốc do giá tăng cao và các biện pháp phong tỏa.

"Các nhà kinh tế đang tiếp tục hạ thấp triển vọng của kinh tế thế giới. Rõ ràng điều này sẽ tác động tới nhu cầu dầu", ông Toril Bosoni - Trưởng bộ phận Thị trường và Công nghiệp của IEA - nói với Bloomberg.

IEA đã hạ dự báo tiêu thụ nhiên liệu trên toàn cầu trong năm nay 260.000 thùng/ngày. Cơ quan này thậm chí còn hạ dự báo tiêu thụ nhiên liệu tại Trung Quốc trong tháng 4 tới 925.000 thùng/ngày.

Tuy nhiên, nhu cầu nhiên liệu toàn cầu vẫn có xu hướng tăng trong năm nay. Tiêu thụ dầu được dự báo tăng 1,9 triệu thùng dầu/ngày lên mức trung bình 99,4 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Nỗ lực kìm giá

Theo ước tính của IEA, sản lượng trong tháng 4 có thể thấp hơn tháng trước 1,5 triệu thùng/ngày. Nguyên nhân là việc Nga đổ quân vào Ukraine và các lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Moscow.

Trước đó, mức giảm được IEA dự báo lên tới 3 triệu thùng dầu/ngày. Tuy vậy, cơ quan này cảnh báo lượng dầu Nga bị mất đi có thể tăng gấp đôi vào tháng 5.

IEA cho rằng giá dầu vẫn ở mức cao và có thể đe dọa tới triển vọng kinh tế toàn cầu. "Nhu cầu dầu đang phục hồi từ cuộc khủng hoảng Covid-19", ông Bosoni nhận xét.

"Ngành hàng không đang phục hồi, nhu cầu có thể tăng mạnh sau thời gian bị kỳ hãm. Tuy nhiên, nhu cầu cũng đối mặt với rủi ro lao dốc nếu triển vọng kinh tế xấu đi", vị chuyên gia cảnh báo.

 
Ngành hàng không đang phục hồi, nhu cầu có thể tăng mạnh sau thời gian bị kỳ hãm. Tuy nhiên, nhu cầu cũng đối mặt với rủi ro lao dốc nếu triển vọng kinh tế xấu đi

Ông Toril Bosoni, Trưởng bộ phận Thị trường và Công nghiệp của IEA

Thị trường dầu cũng được hạ nhiệt phần nào do các nước xả kho dầu dự trữ. Các nước thành viên IEA vừa đồng ý xả kho 120 triệu thùng dầu thô. Con số 120 triệu thùng dầu đã bao gồm 60 triệu thùng do Mỹ đóng góp từ kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) của nước này.

Trước đó, Washington cho biết sẽ xả kho 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng vài tháng nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung do cuộc chiến ở Ukraine.

Theo IEA, Saudi Arabia và các thành viên khác của OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa) đã từ chối nâng sản lượng dầu. Họ tin rằng nguồn cung không thực sự thiếu hụt. Thêm vào đó, Nga cũng là một trong số các thành viên quan trọng của OPEC+ (OPEC và đồng minh). Các nước OPEC+ chỉ đóng góp khoảng 10% mức tăng sản lượng dự kiến vào tháng 3.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ