Đưa nông sản miền Trung đến với các thị trường quốc tế khó tính

Thời gian qua, xuất khẩu nông sản của khu vực miền Trung đã có những bước tiến quan trọng, song giá trị xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một trong những nguyên nhân chính là mặt hàng nông sản chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu.
THÀNH VÂN
04, Tháng 09, 2023 | 06:47

Thời gian qua, xuất khẩu nông sản của khu vực miền Trung đã có những bước tiến quan trọng, song giá trị xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Một trong những nguyên nhân chính là mặt hàng nông sản chưa được chú trọng xây dựng thương hiệu.

Những sản phẩm tiên phong xuất ngoại

Giữa tháng 3/2023, lô hàng 7 container đầu tiên của Công ty TNHH Mỹ Phương Food (huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) chính thức xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đây là sản phẩm OCOP đầu tiên của TP. Đà Nẵng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường lớn này.

Bà Mai Thị Ý Nhi, đại diện Công ty TNHH Mỹ Phương Food cho biết, lô hàng đi Trung Quốc gồm 7 container 20 feet với khoảng 200.000 sản phẩm bánh dừa nướng thương hiệu Mỹ Phương Food. "Chúng tôi kỳ vọng với chuyến hàng sẽ mở ra thêm cơ hội cho sản phẩm tiếp cận thị trường khổng lồ này. Ngoài thị trường Trung Quốc, chúng tôi đang tiếp cận, hiện sản phẩm của Công ty đã xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Lào (tất cả đều theo đường chính ngạch). Đơn vị cũng tận dụng được các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Nhật Bản khi xuất hàng đi thị trường Nhật Bản", bà Phương nói và cho biết, sẽ nỗ lực để đưa sản phẩm của mình có thể có mặt ở các nước, khẳng định giá trị và tự hào của người Việt.

Tương tự, cuối tháng 7 vừa qua, Hợp tác xã (HTX) Chế biến Nông sản Thực phẩm Bà Ba Hội phối hợp với Công ty CP quốc tế LNS Việt Nam tổ chức lễ bàn giao lô hàng 10 tấn cá nục rim Bà Ba Hội (Quảng Nam) đầu tiên xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hoa Kỳ. Bà Huỳnh Thị Thu Thủy, đại diện HTX Bà Ba Hội cho biết, Quảng Nam có thế mạnh lớn về hải sản với nguồn dinh dưỡng cao, trong đó các món ăn chế biến từ cá nục được nhiều người yêu thích. Tuy nhiên, cá nục lại có theo mùa, giá cả không ổn định, được mùa mất giá, được giá mất mùa nên HTX trăn trở tìm cách chế biến sâu sản phẩm này.

"Với mục tiêu giới thiệu những nét ẩm thực đặc sắc của tỉnh Quảng Nam đến với người dân trong nước và quốc tế, HTX Bà Bà Hội đã đầu tư, nghiên cứu phát triển các sản phẩm từ hải sản. Không những đáp ứng được yêu cầu trong nước mà còn cả thị trường quốc tế", bà Thủy nói.

nong-san-1

Công ty TNHH Mỹ Phương Food (TP. Đà Nẵng) đã xuất khẩu lô hàng 7 container sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Thành Vân.

Là một công ty chuyên xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, sản phẩm đặc trưng xuất xứ Việt Nam đến nhiều thị trường lớn trên thế giới như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, Singapore…, ông Hồ Hùng, Giám đốc vùng Công ty CP quốc tế LNS Việt Nam đánh giá, các sản phẩm nông sản ở khu vực miền Trung rất đa dạng, ngon và đậm đà bản sắc quê hương, như: Cá nục rim, mỳ quảng, bánh tổ, bánh chưng ở Quảng Nam; Quảng Ngãi có cá bống sông Trà; Bình Định có bánh ít lá gai… Công ty LNS đang trên đà làm việc và xúc tiến để trong tương lai rất gần xuất khẩu thành công các sản phẩm trên đến với các thị trường quốc tế.

"Chúng tôi đặc biệt chú trọng đến nhu cầu của người Việt tại nước ngoài, để có thể giúp cộng đồng người Việt tận hưởng trọn vẹn hương vị sản phẩm Việt trong nỗi niềm thương nhớ quê hương. Và mong rằng sản phẩm sẽ được người tiêu dùng phổ biến rộng khắp sau khi sản phẩm được phân phối chính ngạch tại các kênh phân phối tại thị trường Hoa Kỳ", ông Hùng chia sẻ.

Cần đáp ứng các yêu cầu khắt khe

Trong những năm qua, các tỉnh thành miền Trung đã nỗ lực xuất khẩu các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP… đến các thị trường quốc tế khó tính. Song với tiêu chuẩn ngày càng cao từ các thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp phải có chiến lược đầu tư bài bản từ công nghệ đến quy trình sản xuất, từ đó giúp xuất khẩu bền vững.

Ông Jesper Clausen, Chủ tịch Ủy ban ngành Lương thực - Nông nghiệp và Thủy sản, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EUROCHAM) cho rằng, để sản phẩm Việt Nam chinh phục thị trường khó tính như EU thì ngoài đảm bảo chất lượng sản phẩm, các tiêu chuẩn cứng thì doanh nghiệp phải chú trọng đến khía cạnh "xanh-phát triển bền vững" của sản phẩm.

"Chương trình OCOP của Việt Nam là một mô hình rất tích cực. Và chủ thể sản phẩm OCOP cần phải làm sao để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm đó, tăng hàm lượng chế biến sâu; sản phẩm đó phải mang đậm giá trị bản địa. Đặc biệt, doanh nghiệp cần chủ động, không nên ngồi im chờ đợi, phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ Nhà nước hay chờ đợi các đối tác, chờ đợi họ tìm đến mình, "gõ cửa" nhà mình, mà mình phải tự tìm đến họ. Chủ động kết nối, liên hệ, tìm cơ hội từ những hoạt động xúc tiến", ông Jesper Clausen nói.

Tương tự, ông Paul Lê, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp cần nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế. Một doanh nghiệp muốn xuất khẩu sản phẩm thì trước tiên phải có năng lực cạnh tranh ở Việt Nam đủ tốt. Bên cạnh đó, cần nhanh nhạy, nắm bắt tốt các chính sách, hiệp định thương mại tự do để có chiến lược phù hợp; tận dụng cơ hội tham gia các triển lãm quốc gia và quốc tế để tăng cường cơ hội kết nối giao thương.

Trong khi đó, ông Tô Ngọc Sơn, Vụ phó Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng, thị trường châu Phi gồm 55 quốc gia với hơn 1,4 tỷ người. Do đó, thị trường này có nhu cầu lớn với hàng nông sản, lương thực thực phẩm, dệt may và không có nhiều yêu cầu kỹ thuật khắt khe. Dự báo nhu cầu thị trường trên thế giới phục hồi vào cuối năm 2023, vì vậy, các doanh nghiệp cần chuẩn bị và có chiến lược cho thời gian tới, trong đó cần định vị sản phẩm ở từng phân khúc khác nhau.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 1.000 sản phẩm từ nông nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp… Thời gian qua, tỉnh cũng đã triển khai xúc tiến thương mại ở nhiều thành phố lớn như Đà Nẵng, TP.HCM, Hà Nội… Đặc biệt, dựa vào lượng lớn khách quốc tế đến với tỉnh Quảng Nam thời gian qua, tỉnh đã “xuất khẩu tại chỗ” các sản phẩm này đến tận tay du khách.

"Quảng Nam xác định phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, đảm bảo an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Đặc biệt, tập trung phát triển dược liệu, nổi bật là cây sâm Ngọc Linh để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu", ông Bửu thông tin.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ