Đâu là giới hạn nợ công của Việt Nam?

Nhàđầutư
Câu chuyện nợ công hiện đã trở thành một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội lần này. Theo cách tính phổ biến trên thế giới, hiện con số nợ công của Việt Nam đã ở mức báo động.
THÙY LINH
05, Tháng 06, 2017 | 12:03

Nhàđầutư
Câu chuyện nợ công hiện đã trở thành một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của kỳ họp Quốc hội lần này. Theo cách tính phổ biến trên thế giới, hiện con số nợ công của Việt Nam đã ở mức báo động.

Gang thep Thai Nguyen

 Dự án gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II nằm đắp chiếu đã nhiều năm 

Những năm gần đây, nợ công của Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Cuối năm 2015, tỷ lệ nợ công ở mức 61,8% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 50% GDP. Sang đến cuối năm 2016, ước tỷ lệ nợ công ở mức 64,7% GDP, chạm trần 65% do Quốc hội quy định; nợ của Chính phủ ở mức 53,6% GDP. Tại kỳ họp hồi cuối năm ngoái, Quốc hội đã quyết định nâng mức trần nợ Chính phủ lên 54%.

TRẦN NỢ CÔNG – GIỚI HẠN CỦA CHÍNH SÁCH TÀI KHÓA

Theo học thuyết kinh tế Keynes, chính phủ là một trong những yếu tố quan trọng của nền kinh tế, có thể sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa để tác động đến nền kinh tế từ đó gia tăng tổng cầu. Tuy nhiên, các lý thuyết kinh tế học cũng chỉ ra rằng, sự can thiệp của chính phủ là có giới hạn. Cụ thể, giới hạn của chính sách tiền tệ là “bẫy thanh khoản”, khi chính phủ không thể giảm lãi suất xuống thấp hơn ngưỡng zero. Giới hạn của chính sách tài khóa là trần nợ công, khi chính phủ không thể cứ đi vay mượn mãi cho mục đích chi tiêu và đầu tư công.

Điều đáng chú ý là các mức trần nợ công và nợ chính phủ so với GDP của Việt Nam có xu hướng được điều chỉnh tăng lên trong những năm gần đây. Vậy đâu là ngưỡng trần nợ công phù hợp đối với Việt Nam?

Chart 1

 Dự trữ ngoại hối chính thức trên thế giới theo loại tiền tệ 2016

 (Nguồn: Bloomberg)

Từ số liệu tỷ lệ nợ công/GDP của các nước trên thế giới, ta nhận thấy một số điểm dưới đây.

Các nước có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất là những nước có đồng tiền dự trữ quốc tế

Hầu hết các nước có tỷ lệ nợ công/GDP ở mức cao trên 80% là các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, hoặc các nước phát triển có đồng tiền nội tệ mạnh được sử dụng làm đồng tiền dự trữ quốc tế.

Chart 2

Tỷ lệ nợ công/GDP tính theo % của các nước khu vực đồng Euro 2015

(Nguồn: Bloomberg)

Cụ thể, trong khu vực đồng Euro có Hy Lạp, Italia, Bồ Đào Nha, Bỉ, Tây Ban Nha, Pháp, Áo... có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất.

Chart 3

 Tỷ lệ nợ công/GDP theo % các nước phát triển ngoài khu vực đồng Euro năm 2015

(Nguồn: Bloomberg)

Ngoài khu vực đồng Euro thì các nền kinh tế phát triển nhất thế giới như Nhật Bản, Singapore, Canada, Anh, Mỹ… đều có tỷ lệ nợ công/GDP cao. Tuy nhiên, ngoại trừ Singapore, các nước kể trên đều có đồng tiền mạnh được sử dụng trong dự trữ ngoại hối quốc tế. Riêng với trường hợp của Singapore, theo Luật chứng khoán chính phủ, khoản thu từ các chứng khoán nợ do chính phủ Singapore phát hành sẽ phải được dùng để đầu tư và lợi nhuận từ các khoản đầu tư này thu được luôn lớn hơn chi phí vay nợ. Các công ty định mức tín nhiệm đã và đang đánh giá tín nhiệm của chính phủ Singapore ở mức cao nhất là AAA cho cả nợ ngắn hạn và dài hạn. Ngoài ra, nợ nước ngoài của Singapore cũng rất lớn so với GDP, nhưng điều này là do vai trò của nước này là trung tâm tài chính và trung chuyển của khu vực, do đó có nhiều các khoản nợ vay từ nước ngoài là của các công ty nước ngoài thành lập văn phòng tại Singapore và số tiền vay về lại được đầu tư trở lại ra nước ngoài. Nếu tính số liệu ròng, Singapore lại là nước cho vay ròng ra nước ngoài.

Ưu thế đồng tiền dự trữ quốc tế trong vay nợ

Nợ công của các nước có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhất kể trên (khu vực đồng Euro và các nước phát triển) có tỷ trọng lớn bằng đồng nội tệ. Do các đồng tiền này là đồng tiền dự trữ quốc tế, luôn có nhu cầu quốc tế đối với các tài sản bằng các đồng tiền đó, và các nước này luôn có thể bán trái phiếu tại mức giá cao hơn, có nghĩa là đi vay với chi phí rẻ hơn. Thực tế, lãi suất nợ công bằng đồng nội tệ tại các nước này rất thấp, dẫn đến nghĩa vụ trả lãi hàng năm cũng rất thấp.

Ngoài ra, ưu thế của việc sở hữu đồng tiền dự trữ quốc tế cho phép các quốc gia này có thể thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng như các chương trình nới lỏng định lượng, hoặc đơn giản là in tiền ra để trả các khoản nợ bằng đồng nội tệ của mình mà không tác động nhiều đến lạm phát trong nước, hay nói cách khác là xuất khẩu lạm phát ra nước ngoài. Do vậy, Nhật Bản, Singapore, Canada, Anh, Mỹ, các nước khu vực đồng Euro... mặc dù có tỷ lệ nợ công/GDP cao nhưng vẫn duy trì được khả năng trả nợ.

Nói thêm về cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, mặc dù đồng Euro là đồng tiền dự trữ quốc tế, các nước trong khu vực đồng Euro lại có chính sách tài khóa riêng rẽ. Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bắt nguồn từ việc một số nước có tỷ lệ thâm hụt ngân sách cao, vượt trần 3% GDP của EU và có sự mất cân đối trong việc vay nợ. Tỷ lệ nợ công/GDP cao trên 100% của Hy Lạp đã khiến nước này lâm vào khủng hoảng nợ công khi không thể duy trì được thâm hụt ngân sách và nợ nước ngoài theo quy định của EU và mất khả năng trả nợ. Mặc dù vậy, do Hy Lạp chủ yếu vay nợ nội khối nên các nước khác trong khu vực đồng Euro đã có thể lên kế hoạch giúp Hy Lạp giải quyết cuộc khủng hoảng này.

GIỚI HẠN NỢ CÔNG NÀO CHO VIỆT NAM?

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, quy mô nợ công của Việt Nam thực tế có thể cao hơn so với mức công bố do cách thức xác định nợ công của Việt Nam và một số tổ chức quốc tế có sự khác biệt. Cụ thể, nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam dựa trên nguyên tắc trách nhiệm thanh toán thuộc về chủ thể đi vay, còn nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế được xác định trên cơ sở chủ sở hữu thực sự hay pháp nhân đứng sau chủ thể đi vay phải có trách nhiệm thanh toán. Theo đó, nợ công theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ bằng nợ công theo tiêu chuẩn Việt Nam cộng với nợ của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, tổ chức bảo hiểm xã hội và an sinh xã hội và chính quyền địa phương.

Nếu tính toán theo cách tính chuẩn của các nước trên thế giới thì tổng nợ công của Việt Nam đã vượt trần 65% GDP từ rất lâu, vì nợ của các DNNN và địa phương ở Việt Nam đang là một con số khổng lồ. Theo một báo cáo của Chính phủ,  tính đến cuối năm 2013 tổng nợ của các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đã lên tới 1.550.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 52,5% GDP ở thời điểm đó. Đến cuối năm 2014, con số này đã tăng lên thành 1.567.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013. Nếu tính theo cách tính chuẩn của thế giới thì tổng nợ công của Việt Nam hiện nay đang vào khoảng 100-110% GDP, kể cả khi đã trừ đi phần nợ của các DNNN được Chính phủ bảo lãnh vốn đã được tính vào dư nợ công quốc gia là trên 5%.

Như vậy, mức nợ công của Việt Nam tính theo chuẩn thế giới hiện đang ở trong nhóm cao nhất thế giới cùng với các nước phát triển có đồng tiền dự trữ quốc tế. Tuy nhiên, đồng nội tệ của Việt Nam lại không phải là đồng tiền dự trữ ngoại hối quốc tế nên chắc chắn Việt Nam không nên và không thể duy trì tỷ lệ nợ công ở mức cao như vậy. Việc giảm tỷ lệ nợ công về mức 65% GDP là việc làm cấp bách và cần phải có quyết tâm chính trị rất cao của toàn hệ thống chính trị.

Mức nợ công cao đang gây ra những khó khăn lớn cho công tác quản lý tài chính công. Cụ thể, các khoản lãi và một phần nợ gốc phải trả trong ngắn hạn đang ngày càng tăng cao, gây sức ép lớn đối với cân bằng ngân sách quốc gia và dẫn đến việc Nhà nước đang phải liên tục phát hành trái phiếu chính phủ để cân bằng ngân sách và đảo nợ. Trong khi đó, lẽ ra nguyên tắc chỉ đi vay cho mục đích đầu tư và các khoản đầu tư phải có mức sinh lợi cao hơn chi phí đi vay để đảm bảo tự trả được lãi, đồng thời có tích lũy để trả nợ gốc.

Việc liên tục phải đi vay để đảo nợ và nghĩa vụ trả nợ ngày càng tăng cũng gây sức ép buộc Chính phủ phải tìm mọi cách gia tăng GDP chỉ để đảm bảo tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ so với GDP không vượt trần. Trong khi đó, mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam vẫn phụ thuộc nặng nề vào chi tiêu công và đầu tư công, đã vô hình chung tạo ra một vòng luẩn quẩn muốn tăng GDP thì phải tăng nợ công, muốn tăng nợ công thì phải tăng GDP.

Do đó, việc Chính phủ cần làm gấp là xác định được động lực tăng trưởng mới bớt phụ thuộc vào chi tiêu và đầu tư công, thay vào đó cần hướng tới tăng cường chi tiêu hộ gia đình, đầu tư tư nhân và xuất khẩu ròng. Để làm được điều đó, điều quan trọng là phải cắt giảm mạnh chi thường xuyên, giảm bội chi ngân sách và chuyển sang thặng dư ngân sách, tăng hiệu quả chi tiêu và đầu tư công lên cao hơn mức chi phí vay, giảm lạm phát và lãi suất vay vốn, đồng thời thực thi chính sách tỷ giá hỗ trợ xuất khẩu cho khu vực doanh nghiệp nội địa./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ