Đà Nẵng đến năm 2025 là hạt nhân của chuỗi đô thị vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Nhàđầutư
Đến năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.
THÀNH VÂN
21, Tháng 10, 2020 | 13:28

Nhàđầutư
Đến năm 2025, Đà Nẵng phấn đấu trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên.

Sáng 21/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc với sự tham dự của 349 đại biểu đại diện cho hơn 60.000 đảng viên toàn Đảng bộ thành phố. 

Chủ đề đại hội và đồng thời cũng là mục tiêu, động lực phấn đấu của TP. Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2020-2025 là: “Xây dựng tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; phát huy sức mạnh đoàn kết và các động lực tăng trưởng; giữ vững quốc phòng, an ninh; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn, là đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống”. 

Dịch COVID-19 ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế

Theo báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ XXI, kết quả thực hiện nhiệm kỳ 2015-2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) ước tăng bình quân 4%/năm. Trong đó, giai đoạn 2016-2019 ước tăng bình quân 7,5%/năm với quy mô GRDP năm 2019 ước khoảng 110.792 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 95,7 triệu đồng (tương đương 4.095 USD), gấp 1,3 lần năm 2015 và đạt chỉ tiêu đề ra. 

DVN_0511

Sáng 21/10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 chính thức khai mạc.

Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình dịch bệnh COVID-19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế - xã hội thành phố, GRDP năm 2020 ước giảm 9,3% so với năm 2019, kéo giảm GRDP giai đoạn 2015-2020 còn 4%/năm, GRDP bình quân đầu người còn 87,4 triệu đồng (tương đương 3.693 USD).

Đặc biệt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW, với tỷ trọng dịch vụ 65%; công nghiệp - xây dựng 22,3%; nông nghiệp 2,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 10,4%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 5,2%/năm. Tổng thu ngân sách nhà nước ước tăng 5,5%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng 3,7%/năm. 

Trong đó, dịch vụ du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh quốc tế và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tăng bình quân 10,2%/năm; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng bình quân 7,5%/năm. 

Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định; công nghiệp công nghệ thông tin phát triển tốt; đột phá về thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao có nhiều khởi sắc. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 3%/năm.

Điểm nổi bật là, bên cạnh các khu công nghiệp đang hoạt động, đã đầu tư hoàn thành cơ bản hạ tầng giai đoạn 1 và giai đoạn 2 Khu Công nghệ cao Đà Nẵng; khánh thành Khu công nghệ thông tin giai đoạn 1, phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2 và Khu công viên phần mềm số 2; chủ trương thành lập 3 khu công nghiệp mới và một số cụm công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất và thu hút đầu tư, nhất là trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin và phát triển kinh tế số. 

Kinh tế biển và cảng biển có bước phát triển, hạ tầng được đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả. Hoàn thành dự án mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, nâng năng lực bốc dỡ lên 10-12 triệu tấn/năm vào năm 2020; sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 43,1 triệu tấn, tăng bình quân 9,3%/năm. Hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu trình Bộ Giao thông vận tải thẩm định; tích cực kêu gọi đầu tư một số trung tâm logistics trên địa bàn. 

Về hoạt động thu hút đầu tư, trong giai đoạn 2016-2020, Đà Nẵng đã thu hút được hơn 77.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, gần 1,4 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; so với năm 2015, số lượng doanh nghiệp tăng gấp hai lần và số vốn tăng gấp ba lần. Tổng vốn đầu tư phát triển tăng bình quân 3,7%/năm, riêng năm 2020 ước đạt gần 38 ngàn tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2015; năm 2020 tỷ trọng vốn đầu tư phát triển chiếm 35% tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn.

GRDP bình quân đầu người đạt 5.000-5.500 USD

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh mục tiêu tổng quát đến năm 2025 là: Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chính quyền tiên phong trong đổi mới và phát triển, đưa thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; quốc phòng - an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc; phấn đấu xây dựng thành phố Đà Nẵng giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại. 

Tầm nhìn đến năm 2030: Xây dựng TP. Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống; người dân có mức sống thuộc nhóm địa phương dẫn đầu cả nước với chất lượng cuộc sống tốt, thân thiện, hạnh phúc và sáng tạo. 

DVN_0231

Phó Bí thư Thường trực Nguyễn Văn Quảng trình bày tóm tắt Báo cáo chính trị tại Đại hội. Ảnh: PV.

Theo đó, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu cũng được đề ra như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2020-2025 tăng 9-10%/năm (dịch vụ tăng 8,5-9,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 11-11,5%; nông nghiệp tăng 2-3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 11-11,5%). GRDP bình quân đầu người đạt 5.000-5.500 USD.

Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tăng 9-10%/năm, với tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021-2025 ước đạt 260-270 nghìn tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách nhà nước ước đạt 53-60 nghìn tỷ đồng, chiếm 20-22%. Thu ngân sách trên địa bàn tăng bình quân 7-10%/năm. Đến năm 2025, 100% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt chuẩn. 

Để đạt được những mục tiêu, chỉ tiêu nêu kinh tế trên, Đà Nẵng đưa ra 3 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá: Thứ nhất, xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức trong hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiên phong đổi mới và phát triển; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững.

Thứ hai, thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sớm lấy lại đà tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố. Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm là phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với đẩy nhanh xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới, nhất là kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.

Thứ ba, triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết số 119 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Trước mắt, Đà Nẵng sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp sớm khôi phục nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố sau đại dịch COVID-19. Đặc biệt, tập trung hỗ trợ phục hồi và phát triển các ngành dịch vụ phục vụ thị trường trong nước, xuất nhập khẩu, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm thấp nhất mức tăng trưởng âm những tháng cuối năm 2020.

Đà Nẵng sẽ tập trung ưu tiên 5 lĩnh vực mũi nhọn, cụ thể: Phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng. Theo đó, sớm khôi phục hoạt động dịch vụ du lịch sau đại dịch COVID-19, nhất là các hoạt động quảng bá Đà Nẵng là điểm đến an toàn. Tăng cường hợp tác, liên kết các địa phương trong nước, đặc biệt là liên kết với 5 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam - Hà Nội - TP.HCM và các tỉnh, thành phố Vùng duyên hải miền Trung để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch của vùng.

Cùng với đó phát triển cảng biển nước sâu, mở rộng và nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng gắn với phát triển dịch vụ logistics và trung chuyển quốc tế. Phối hợp triển khai đầu tư nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đáp ứng 30 triệu lượt khách/năm vào năm 2030 và hình thành cảng vận tải hàng hóa; xúc tiến nhanh dự án Cảng Liên Chiểu, di dời Ga đường sắt.

Phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thật sự trở thành động lực chính, thúc đẩy tăng trưởng. Tập trung nguồn lực hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao Đà Nẵng theo hướng đồng bộ và hiện đại. Tập trung hoàn thành đầu tư 3 khu công nghiệp mới: Hòa Cầm - giai đoạn 2, Hòa Nhơn và Hòa Ninh theo hướng khu công nghiệp đô thị, dịch vụ, sinh thái.

Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với phát triển nền kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh. Phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ thông tin, phấn đấu đến năm 2025 có 4 khu công viên phần mềm, khu công nghệ thông tin và đóng góp khoảng 10% GRDP thành phố. Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, bảo đảm đến năm 2025 có thêm 30.000 nhân lực trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số.

Đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa và thực thi tốt các chính sách kinh tế biển.  

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ