Cận cảnh cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu ngân hàng đã trở thành một trong những động lực đi lên của VN-Index quí 1 năm nay.
HẢI LÝ
19, Tháng 04, 2018 | 08:56

Cổ phiếu ngân hàng đã trở thành một trong những động lực đi lên của VN-Index quí 1 năm nay.

can_canh_co_phieu_ngan_hang

Trong quí 1, cổ phiếu MBB tăng 40% từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng. Ảnh: T.L 

Sự đi lên của nhóm này đã khiến không ít quỹ đầu tư phải thay đổi chiến thuật giao dịch, nâng tỷ trọng cổ phiếu ngân hàng lên mức cao nhất trong danh mục. Hai cổ phiếu chiếm tỷ trọng hàng đầu của quỹ VEIL - quỹ lớn nhất do Dragon Capital quản lý với tổng giá trị tài sản ròng đã vượt 1,8 tỉ đô la Mỹ vào đầu tháng 4-2018 - là ACB (Ngân hàng TMCP Á Châu) và MBB (Ngân hàng TMCP Quân đội).

Cổ phiếu ACB tăng 45% trong thời gian trên từ mức 35.000 đồng lên hơn 50.000 đồng. Cổ phiếu MBB tăng 40% từ 25.000 đồng lên 35.000 đồng. Bản tin hàng ngày dành cho khách hàng của một số công ty chứng khoán thậm chí còn khuyến cáo mua MBB với định giá 45.000 đồng/cổ phiếu.

Giải thích cho sự kỳ vọng vào cổ phiếu ngân hàng được dẫn ra khá đa dạng, nhưng tựu trung là kế hoạch lợi nhuận tăng 50%, thậm chí 100% so với năm ngoái. Tất cả những kỳ vọng đó đã phản ánh vào giá cổ phiếu của từng ngân hàng, chỉ là ở mức độ khác nhau mà thôi.  

Không gì bằng những con số thực tế. Căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, EPS của hầu hết cổ phiếu ngân hàng (trừ VPBank) quanh mức 2.000-2.500 đồng. EPS này tính trên lượng cổ phiếu niêm yết và thị giá của từng mã, cho ra chỉ số P/E vô cùng khác nhau. Tính đến ngày 9-4-2018 P/E của Vietcombank đã xấp xỉ 30 lần; MBB, ACB, HDB có chỉ số P/E khoảng 25-26 lần; BID 22 lần. Cổ phiếu ba ngân hàng có P/E còn tương đối phù hợp với mặt bằng chung toàn thị trường ở tầm 17 lần là VIB (Ngân hàng TMCP Quốc tế) và CTG (VietinBank); VPB (Việt Nam Thịnh Vượng) 15 lần và LPB (LienVietPostBank) P/E chưa đầy 9 lần.

Mối quan tâm không hề nhỏ của thị trường dành cho hai mã ngân hàng khác là Eximbank và Sacombank. Đây là những cổ phiếu ngân hàng mà sự sở hữu chưa mang lại nhiều hài lòng cho cổ đông. Thị giá cao nhất mà cổ phiếu Eximbank đạt được trong vòng một năm qua là 16.000 đồng; Sacombank là 17.000 đồng. Giới đầu tư tự hỏi bao giờ Eximbank mới có những nhóm cổ đông thực sự, những “ông chủ” tâm huyết với ngân hàng? Còn với Sacombank, cho dù ban lãnh đạo mới đã không ngừng nỗ lực, số nợ xấu phải xử lý, nhất là liên quan đến khoản mục lãi và phí phải thu, vẫn còn lớn. Sacombank cần nhiều hơn thời gian và sự hỗ trợ của cơ quan quản lý để có một bảng cân đối tài chính lành mạnh và tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% như quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Thời gian tới cổ phiếu ngân hàng biến động ra sao?

Để trả lời câu hỏi này cần căn cứ vào một số yếu tố. Thứ nhất là kết quả kinh doanh quí đầu tiên trong năm của các ngân hàng. Không ít ngân hàng đã bật mí lợi nhuận trước thuế quí 1 trong đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018. Hầu hết đều đạt, vượt chỉ tiêu đề ra và tăng ở mức hai con số so với cùng kỳ.  Thứ hai là tỷ trọng khoảng 25% tổng mức vốn hoá thị trường của nhóm ngân hàng. Dù muốn hay không, các tổ chức đầu tư đều phải để mắt đến nhóm này. Hai yếu tố trên thị trường đã tỏ tường.

Yếu tố thứ ba mang tính quyết định là câu chuyện riêng của từng ngân hàng mà nói trắng ra là tham vọng của nhóm cổ đông lớn chi phối các ngân hàng. Giá cổ phiếu càng biến động, thì các cuộc M&A ngân hàng càng dễ xảy ra. Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch VPBank, đã từng “mơ” về một VPBank có giá trị vốn hoá 10 tỉ đô la Mỹ trong vòng năm năm tới. Ngày 7-4-2018, VPBank có giá trị vốn hóa tầm 4,45 tỉ đô la Mỹ. Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông vừa qua, VPBank đã trình kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nước ngoài như đã từng tiến hành năm ngoái, vẫn phát triển tín dụng tiêu dùng và khai thác cho vay tiểu thương, tầng lớp trung lưu, giới trẻ bằng các dịch vụ mang hàm lượng công nghệ cao.

ACB công bố kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay tăng trưởng 100%. Giới thạo tin hành lang nói đến các cổ đông mới nước ngoài đã nhận chuyển nhượng số cổ phần 15% của Standard Chartered Bank. Chẳng ai trong số họ sở hữu đủ 5% để thành cổ đông lớn và cũng không có đề cử nào từ phía họ vào ứng cử viên hội đồng quản trị. Dường như đây mới là ẩn số hấp dẫn của ACB.

Ba ngân hàng lớn VCB, BID, CTG một mặt phải giải quyết vấn đề tăng vốn, mặt khác là phát triển dịch vụ để bứt phá, thoát khỏi sự theo đuổi sát nút của một số ngân hàng cổ phần. Đã có ít nhất hai tổ chức tín dụng cổ phần đặt chỉ tiêu lợi nhuận trên 10.000 tỉ đồng, bằng vai phải lứa với VCB, BID và CTG. Tạo được đẳng cấp như VCB không dễ, nhưng giữ đẳng cấp đó và vượt lên chính mình mới thật sự khó khăn. CTG chuẩn bị mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC và tăng trưởng tín dụng cũng như thu nhập lãi thuần năm ngoái và năm nay tương đối thuyết phục. Khoảng cách thị giá cổ phiếu của VCB và CTG có khả năng được thu hẹp khi mà hiện tại thị giá CTG chưa bằng một nửa của VCB.

Trong nhóm ngân hàng, cuối năm nay có thể sẽ có những vì sao đổi ngôi. 

 (Theo TBKTSG)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ