Bộ trưởng Tư pháp: Chính phủ cũng đã 'nâng lên đặt xuống, xin đưa vào rồi xin rút ra' Luật Đất đai

Nhàđầutư
Nhận phê bình của đại biểu Quốc hội khi rút Luật Đất đai sửa đổi khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định đây là một luật hết sức khó, trên thực tế Chính phủ cũng đã 'nâng lên đặt xuống" ít nhất 2 lần.
BẢO LÂM
22, Tháng 05, 2020 | 16:58

Nhàđầutư
Nhận phê bình của đại biểu Quốc hội khi rút Luật Đất đai sửa đổi khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định đây là một luật hết sức khó, trên thực tế Chính phủ cũng đã 'nâng lên đặt xuống" ít nhất 2 lần.

Ngày 22/5, Quốc hội thảo luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định đưa ra khỏi chương trình năm 2020 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, nếu kịp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung vào Chương trình năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020.

Xem xét năng lực cơ quan có trách nhiệm để báo cáo cử tri

Không đồng tình, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (đoàn Cần Thơ) đề nghị bổ sung dự án luật này vào chương trình cho ý kiến chậm nhất năm 2021 theo hướng giao Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tổng kết đánh giá làm cơ sở sửa đổi toàn diện Luật Đất đai chứ không phải một số điều để khắc phục vướng mắc, phù hợp thực tiễn.

nguyen-thanh-xuan

Đại biểu Nguyễn Thanh Xuân. Ảnh: Quốc hội.

Vị đại biểu phân tích, vấn đề đất đai luôn được cử tri đặc biệt quan tâm, nhiều lần kiến nghị Quốc hội hoàn thiện luật. Việc giải quyết đơn thư tố cáo liên quan đất đai chiếm tỷ lệ rất cao, nếu chậm xem xét sửa đổi bổ sung thì ảnh hưởng đến điều hành, quản lý thúc đẩy kinh tế xã hội và giữ vững trật an toàn xã hội.

"Tôi cho rằng cần bổ sung dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào Chương trình năm 2020 để giúp bộ ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn. Cùng với đó là làm rõ trách nhiệm, báo cáo rõ nguyên nhân của việc chậm trễ, xem xét năng lực cơ quan có trách nhiệm để báo cáo cử tri", đại biểu đoàn Cần Thơ bày tỏ.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) cũng cho rằng nguyên tắc lập Chương trình năm 2021, điều chỉnh Chương trình năm 2020 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu ra là ưu tiên đưa vào Chương trình các dự án để triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp; bảo đảm phù hợp, thống nhất với các điều ước quốc tế mới được Quốc hội phê chuẩn, các luật mới được Quốc hội ban hành; đáp ứng yêu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Ông nêu quan điểm: "Mặc dù nguyên tắc đưa ra như vậy nhưng khi đưa vào và rút ra một số dự án luật lại không đúng tinh thần này. Ví dụ Luật Đất đai, tại kỳ họp trước, đại biểu nhất trí phải đưa vào chương trình vì nó rất quan trọng. Phần lớn tranh chấp, xung đột do đất đai, doanh nghiệp nguy khốn mà người dân cũng vô cùng vất vả về đất đai".

Chính phủ 'nâng lên đặt xuống' ít nhất 2 lần

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (đoàn TP.HCM) khẳng định, bà đồng ý rút dự án Luật Đất đai chỉ vì sự chuẩn bị chưa đảm bảo để trình Quốc hội chứ không phải không cần thiết sửa luật. Theo bà, quy hoạch, xây dựng và đất đai là những dự án luật cần đồng bộ với nhau để tránh chồng chéo.

Trong khi đó, Luật Quy hoạch đã được sửa, Luật Xây dựng đang được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này thì việc đặt vấn đề sửa Luật đất đai cần triển khai sớm để tránh bất cập trên thực tế.

"Người dân sẵn sàng ủng hộ quy hoạch của chính quyền, ủng hộ thu hồi đất nhưng khi thực hiện có vấn đề. Chúng ta cần thấy độ vênh của luật so với thực tiễn, giữa quản lý Nhà nước với quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức", bà phân tích.

Nữ đại biểu cũng cho rằng quy hoạch là cần thiết nhưng nhiều quy hoạch như dự án treo với người dân và liên quan cả luật Đất đai. Bà dẫn chứng, Luật Xây dựng cho cấp phép xây dựng có thời hạn, nhưng khi thu hồi có được đền bù vật kiến trúc, tài sản trên đất hay không thì lại liên quan Luật Đất đai.

long

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến đại biểu quan tâm. Ảnh: Quốc hội.

“Tôi băn khoăn, cần định hình xem khi nào Quốc hội sửa Luật Đất đai chứ không phải nói thời điểm thích hợp. Khi nào là thích hợp thì cần đặt ra yêu cầu với Chính phủ để có sự tập trung. Cần nhìn nhận có trách nhiệm, trước đây bấm nút thông qua chương trình thì giờ bấm nút đưa ra khỏi chương trình cũng phải có lý lẽ thuyết phục", đại biểu đoàn TP.HCM nói thêm.

Giải trình về những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long khẳng định đây là một luật hết sức khó, trên thực tế Chính phủ cũng đã 'nâng lên đặt xuống" ít nhất 2 lần.

"Hai lần xin đưa vào rồi xin rút ra, sau đó đề xuất sẽ có một nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý một số vấn đề vướng mắc, bức xúc. Chúng tôi xin tiếp thu các ý kiến bức xúc và phê bình của các đại biểu Quốc hội.

Tôi thấy nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Các cơ quan chủ trì tham mưu cho Chính phủ cũng chưa đầu tư hết công sức, cũng có thể có phần khó, vướng mắc như vậy. Chúng tôi xin tiếp tục bàn với Bộ Tài nguyên và Môi trường để làm việc này", Bộ trưởng Lê Thành Long giải trình.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ