10 năm sau khủng hoảng tài chính 2008

Năm 2008, tin tức ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, lớn thứ 4 của Mỹ, sụp đổ lan nhanh, và sau đó kéo theo nhiều tên tuổi lớn khác cũng lung lay như Merrill Lynch, AIG, General Motors, Morgan Stanley...
NGUYỄN VŨ
04, Tháng 09, 2018 | 06:46

Năm 2008, tin tức ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, lớn thứ 4 của Mỹ, sụp đổ lan nhanh, và sau đó kéo theo nhiều tên tuổi lớn khác cũng lung lay như Merrill Lynch, AIG, General Motors, Morgan Stanley...

9c6bf_10_nam_sau_khung_hoang_600

 

Không chỉ khu trú trong nước Mỹ, cuộc khủng hoảng trải rộng và nền kinh tế toàn cầu rúng động. Lúc đó, ở Việt Nam, nền kinh tế đang ở đỉnh điểm của chu kỳ bùng nổ giá tài sản, nhờ những hỗ trợ từ cả chính sách lẫn thực tế. Và chuyện gì đến đã phải đến, Việt Nam cũng không tránh khỏi sự càn quét của cơn bão toàn cầu. Tác hại để lại cũng không ít. Bây giờ cũng là lúc để nhìn lại và rút ra những bài học cho chặng đường phát triển sắp tới.

Tháng 9-2008, chỉ trong vòng mấy ngày ngân hàng đầu tư Lehman Brothers, lớn thứ 4 của Mỹ sụp đổ, Merrill Lynch, lo sợ số phận tương tự Lehman Brothers, phải bán mình cho Bank of America với giá 50 tỉ đô la, gã khổng lồ trong ngành bảo hiểm AIG có nguy cơ là quân cờ domino đổ vỡ tiếp theo, Chính phủ Mỹ phải bỏ ra 85 tỉ đô la (nắm 80% cổ phần) để giúp AIG cầm cự. Các ngân hàng khác lâm vào cảnh nguy khốn, kể cả Morgan Stanley, Goldman Sachs, Citigroup... Tháng 10-2008, Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu nguy 700 tỉ đô la, không những để cứu các ngân hàng và các định chế tài chính khác mà còn rót tiền vào các hãng sản xuất cũng đang trên đà phá sản như General Motors và Chrysler. Nền kinh tế toàn cầu rúng động.

Nay nhìn lại, hầu như mọi ý kiến đều đồng ý nguyên nhân sâu xa của cuộc khủng hoảng là lòng tham của Wall Street, mặc dù biết các khoản cho vay mua nhà là nợ dưới chuẩn, vẫn gom các hợp đồng thế chấp này để bán ra thị trường chứng khoán dưới dạng các sản phẩm phái sinh. Ngân hàng sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức, vốn của giới chủ chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong tổng tài sản của ngân hàng. Ví dụ, từ năm 2004-2007, bảng cân đối kế toán của Lehman Brothers tăng thêm 300 tỉ đô la nhờ mua chứng khoán có nguồn gốc là các khoản vay địa ốc trong khi nguồn vốn chủ sở hữu chỉ tăng 6 tỉ đô la.

Sự giải cứu ngay tức khắc sau khi khủng hoảng xảy ra là cần thiết nhưng đáng tiếc là các tay chủ ngân hàng tham lam, vô trách nhiệm đã không bị trừng phạt theo đúng mức độ thiệt hại họ gây ra, theo nhận định của sử gia Adam Tooze cũng như của các nhà kinh tế.

Chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống Clinton đã nới quá lỏng các quy định về tài chính, rồi đến thời Tổng thống Bush lại lơ là trong việc giám sát. Điều đáng buồn là nạn nhân cuộc khủng hoảng không phải các ngân hàng mà chính là người dân trung lưu, có bao nhiêu tiền dành dụm suốt đời trước đó đã giao phó cho các quỹ hưu trí hay các công ty chứng khoán đầu tư vào những sản phẩm độc hại nói trên. Trong phút chốc tài sản của họ tan thành mây khói. Theo một nghiên cứu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), cuộc khủng hoảng nhìn chung đã khiến bình quân một người Mỹ mất đi 70.000 đô la thu nhập trong suốt cuộc đời mình.

Theo tạp chí New Yorker, cuộc khủng hoảng làm mất đi 9 triệu việc làm trong một thời gian ngắn; 9 triệu người mất nhà do thế chấp nay không có tiền giải chấp. Hàng loạt thành phố tiêu điều hoang phế. Hàng triệu gia đình Mỹ bị đẩy ra khỏi giai tầng trung lưu, trở thành những người bất mãn với thời cuộc.

Bối cảnh đó đã giúp Obama trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của nước Mỹ nhưng cũng từ đó đã làm xã hội và nền chính trị Mỹ phân hóa sâu sắc. Thoạt tiên Quốc hội Mỹ còn đồng lòng đưa ra các gói cứu trợ khẩn cấp nhưng sau đó mọi chính sách của ông Obama đều vấp phải sự kháng cự dằng dai của phe Cộng hòa, kể cả những nỗ lực cải cách Wall Street. Bản thân ông Obama, theo đánh giá của tờ New Yorker, đã tranh cử như một nhà cải cách triệt để nhưng khi đắc cử lại ứng xử như một nhà kỹ trị dè dặt. Gói giải cứu của Chính phủ Mỹ lẽ ra phải mở rộng đến tận hộ gia đình để giúp nhiều người khỏi bị tống cổ khỏi ngôi nhà họ đang sinh sống. Đằng này, sai lầm của Obama là cứu các ông chủ ngân hàng chứ không phải người dân.

Khủng hoảng để lại hậu quả to lớn như thế nhưng hầu như không ông chủ ngân hàng nào bị truy tố; các dạng lừa đảo để người dân bị mất trắng tài sản nhưng không một tay chủ môi giới chứng khoán nào bị bỏ tù. Người dân Mỹ vừa mất sạch tiền vừa mất niềm tin vào công lý nên quay sang ủng hộ ông Donald Trump, người hứa hẹn sẽ dọn sạch các “đống rác tham lam” ở Washington DC.

Họ còn phản ứng chống lại dân thiểu số da màu, dân nhập cư vì những người này lấy hết công ăn việc làm của họ. Họ từng là dân trung lưu nên lưỡng lự không chịu làm những công việc họ cho là “thấp kém” hơn trước nhưng cuối cùng chính những công việc này chọn người da màu, người nhập cư với đồng lương thấp hơn chứ không chọn họ.

Trong cuốn sách vừa xuất bản Đổ vỡ: Thập niên khủng hoảng tài chính đã thay đổi thế giới như thế nào của sử gia Adam Tooze, tác giả xác định bốn xu hướng chính nổi lên sau sự kiện 2008. Đầu tiên là các nỗ lực của Chính phủ Mỹ ngay sau khủng hoảng, trong đó ngân hàng được giải cứu, hệ thống tiền tệ và tài khóa được tháo van, bơm vốn. Thứ nhì, là khủng hoảng khu vực đồng euro, Hy Lạp và Ireland bị tác động mạnh nhất và các nước khác gồm Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha cũng lâm vào khó khăn. Thứ ba là chuyển dịch ở các nước phát triển sau năm 2010 để áp dụng chính sách tài khóa thắt lưng buộc bụng mạnh hơn và cuối cùng, xu hướng thứ tư là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy ở Mỹ và châu Âu.

Nhận định của sử gia Adam Tooze cũng như các nhà kinh tế: sự giải cứu ngay tức khắc sau khi khủng hoảng xảy ra là cần thiết nhưng đáng tiếc là các tay chủ ngân hàng tham lam, vô trách nhiệm đã không bị trừng phạt theo đúng mức độ thiệt hại họ gây ra. Việc cắt đứt các chương trình giải cứu, chuyển sang thắt lưng buộc bụng quá sớm là một sai lầm. Cộng hưởng các yếu tố này như sự bất mãn của người dân đối với giới tài chính, ngân hàng, tác động của chính sách khắc khổ đã dẫn tới Brexit (nước Anh ra khỏi EU) và sự thắng thế của Donald Trump với chính sách bảo hộ ngược với xu hướng toàn cầu hóa trước đó.

(Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25157.00 25457.00
EUR 26777.00 26885.00 28090.00
GBP 31177.00 31365.00 32350.00
HKD 3185.00 3198.00 3304.00
CHF 27495.00 27605.00 28476.00
JPY 161.96 162.61 170.17
AUD 16468.00 16534.00 17043.00
SGD 18463.00 18537.00 19095.00
THB 674.00 677.00 705.00
CAD 18207.00 18280.00 18826.00
NZD 0000000 15007.00 15516.00
KRW 0000000 17.91 19.60
       
       
       

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ