1/3 nhà máy đường trong nước đóng cửa vì đường nhập lậu, nợ ngân hàng của nông dân tăng cao

Nhàđầutư
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, số lượng đường nhập lậu hiện lên tới khoảng 800.000 tấn/năm, trong khi lượng đường gian lận thương mại khoảng 200.000 tấn/năm, chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan thẩm lậu vào Việt Nam khiến giá đường trong nước tụt thê thảm và tới 1/3 các nhà máy đường Việt Nam buộc phải đóng cửa.
QUANG DÂN
31, Tháng 10, 2019 | 12:32

Nhàđầutư
Theo Ban chỉ đạo 389 quốc gia, số lượng đường nhập lậu hiện lên tới khoảng 800.000 tấn/năm, trong khi lượng đường gian lận thương mại khoảng 200.000 tấn/năm, chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan thẩm lậu vào Việt Nam khiến giá đường trong nước tụt thê thảm và tới 1/3 các nhà máy đường Việt Nam buộc phải đóng cửa.

hinh

Hội nghị bàn về các giải pháp chống buôn lậu mặt hàng mía đường cát và tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường Việt Nam do Ban chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức.

Số liệu từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho hay, hiện nay, nước ta có 40 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, sản xuất đường (trong đó có 32 công ty sản xuất, 8 công ty thương mại); trong vụ sản xuất 2017-2018, cả nước có 37/41 nhà máy đường hoạt động (4 nhà máy Hiệp Hòa, Kiên Giang, Cà Mau và NIVL tạm ngừng hoạt động), sản lượng đường sản xuất được là 1.476.500 tấn; niên vụ 2018-2019 các nhà máy đường sản xuất được 1.173.933 tấn đường.

Tổng diện tích mía nguyên liệu hiện đã giảm khoảng 30 - 60% so với các năm trước. Việc thiếu mía nguyên liệu buộc các nhà máy duy trì sản xuất công suất thấp. Chi phí đầu tư mỗi 1.000m2 mía khoảng 7 triệu đồng nhưng chỉ thu được khoảng 3 - 4 triệu đồng khiến nông dân nợ ngân hàng rất nhiều, một số vùng thua lỗ nặng, nông dân phải bỏ ruộng vì càng đầu tư càng lỗ. Nhiều hộ dân chuyển sang trồng cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản nhưng việc này cũng không hề đơn giản. Đã có 17/30 nhà máy đường thua lỗ, mất vốn chủ sở hữu.

Năng suất mía hiện nay của Việt Nam đang là 70 tấn/ha, trong khi đó, ở Thái Lan với điều kiện tốt hơn nhiều, thậm chí còn được nhà nước hỗ trợ chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng mía nhưng họ cũng chỉ đạt được 72 - 75 tấn/ha.

Theo ông Nguyễn Văn Lộc, quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhu cầu tiêu thụ đường nội địa Việt Nam mỗi năm khoảng 1,7 - 1,8 triệu tấn. Chúng ta có quy hoạch 300.000ha trồng mía, quy ra đường khoảng 1,5 triệu tấn. Nếu chúng ta giữ được chiến lược mía đường như quy hoạch thì Việt Nam có thể đảm bảo được mặt bằng giá mía, giá đường đủ để người nông dân có thể gắn bó với nghề trồng mía.

Với việc, hiện nay nguồn đường nhập lậu khoảng 800.000 tấn/năm, đường gian lận thương mại khoảng 200.000 tấn/năm, nguồn đường nhập lậu này chủ yếu xuất xứ từ Thái Lan thẩm lậu vào thị trường Việt Nam thông qua Campuchia đã làm phá giá giá đường trong nước. Nguồn đường lậu từ Thái Lan vào thị trường Việt Nam là nguồn đường được bán dưới giá thành do có sự tài trợ của Chính phủ nước này nên mới có giá thấp như vậy.

Đánh giá của Ban chỉ đạo 389 quốc gia, gian lận thương mại, đường lậu từ Thái Lan đã gây tổn thất cho ngành mía đường Việt Nam trong thời gian dài và nghiêm trọng. Hơn hai năm vừa qua, việc gian lận thương mại, buôn lậu quy mô lớn đã khiến cho 1/3 các nhà máy đường Việt Nam đóng cửa, nhiều cánh đồng mía bỏ hoang vì thua lỗ.

Theo số liệu của các lực lượng chức năng, từ năm 2018 đến hết 9 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 876 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính trên 1 tỷ đồng, thu giữ hơn 3.000 tấn đường vi phạm trị giá trên 12,5 tỷ đồng.

Đường nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu xuất phát từ Thái Lan, qua Campuchia vào biên giới các tỉnh Tây Nam rồi đưa vào thị trường tiêu thụ. Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát Thái Lan trên các địa bàn trọng điểm nêu trên diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng, phương thức hoạt động tinh vi. Các đối tượng buôn lậu cũng thực hiện các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói, sau công đoạn đóng bao mới, đường nhập lậu sẽ biến thành đường nội địa đem đi tiêu thụ.

Trong khi đó, theo chủ trương nâng cao quyền tự do kinh doanh của nhà nước, việc cấp phép kinh doanh liên quan đến các hoạt động sản xuất, sang chiết, phối trộn đóng gói đường hiện nay rất dễ dàng theo hướng đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục cấp phép.

Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu hiện đang dùng thủ đoạn tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác. Các đối tượng buôn lậu còn dùng thủ đoạn đưa bao bì in trong nước sang nước khác đóng gói (thường là Campuchia), như vậy đường nhập lậu đã có nhãn mác Việt Nam và nếu không bắt được quả tang trên biên giới, một khi đã đưa vào kho rồi thì rất khó chứng minh có phải đường lậu hay không.

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, Ủy viên Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, “dù các lực lượng chức năng cũng đã triệt phá ngăn chặn, bắt giữ cả người cầm đầu, chủ mưu nhưng vẫn không hạn chế được hoạt động buôn lậu. Thậm chí có người cầm đầu một khu vực sau khi bắt xử lý lại núp bóng tiếp tục điều hành. Có hay không sự buông lỏng quản lý, tiếp tay của chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng".

Trước tình hình đó, Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường.

Các cơ quan chức năng trong Ban chỉ đạo 389 cũng nêu rõ, một trong những biện pháp ngăn chặn đường lậu là phải tăng cường quan tâm, hỗ trợ để phát triển kinh tế địa phương, nhất là kinh tế biên giới, địa bàn kinh tế khó khăn, hỗ trợ, tạo công việc làm ăn ổn định cho quần chúng nhân dân trong khu vực biên giới, từ đó tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật để nâng cao nhận thức của người dân đối với tác hại của đường lậu, vận động quần chúng nhân dân không tiếp tay cho đường lậu.

Song song với đó, các lực lượng chức năng sẽ tăng cường lực lượng nắm chắc tình hình phía bên kia biên giới. Tập trung bố trí lực lượng, phương tiện thường trực chốt chặn 24/24h tại các đường mòn, bến sông trên biên giới mà các đối tượng thường vận chuyển hàng lậu.

Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật còn sở hở, bất cập. Đồng thời, kiến nghị các cơ quan chức năng phân tích một cách đầy đủ tác động của việc thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), đến lợi ích của quốc gia, người nông dân trồng mía. Trên cơ sở đó, xác định một lộ trình thực hiện cam kết ATIGA phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích của quốc gia, các bên liên quan...

Trước đó, Hiệp hội mía đường Việt Nam đã có kiến nghị gửi Chính phủ, Bộ Nông nghiệp kêu cứu về thực trạng dù đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cấp công nghệ sản xuất song do các nước trong khu vực có chính sách trợ giá mía đường, đường nhập lậu lớn, nên các doanh nghiệp mía đường Việt Nam đối diện với cạnh tranh bất bình đẳng, thua thiệt trên sân nhà và có thể bị xóa bỏ.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, thời điểm Hiệp định Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) cận kề khiến nhiều DN đứng trước bờ vực phá sản. Bằng chứng là sau khi được cổ phần hóa, nhiều DN đường có tiềm lực lớn trong nước đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng nâng cấp máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại để phát triển nhà máy.

Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), hiện nay, cả nước tồn kho khoảng 650.000 tấn đường, nhiều nhất là mía đường Sơn La tồn kho gần 40.000 tấn đường, mía đường Tuy Hòa tồn 15.000 tấn...

Báo cáo của các nhà máy đường cho thấy hiện đã có 17/36 nhà máy thua lỗ 2 năm liên tiếp, một số doanh nghiệp mất vốn sản xuất do ngân hàng dừng giải ngân tín dụng. Nếu ngày 1/1/2020, nếu xóa bỏ hạn ngạch thuế quan, có 36 nhà máy đường đang hoạt động chịu tác động trực tiếp, 33 vạn hộ nông dân, 1,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp sẽ chịu tác động lớn. Riêng 22 nhà máy đường có công suất dưới 3.000 tấn/ngày có thể sẽ phải phá sản, đóng cửa do không thể cạnh tranh được với đường nhập lậu.

Theo Hiệp hội mía đường, nguyên nhân chính khiến mía đường Việt thua và bị bức tử trên sân nhà là do đường nhập lậu, đường chính ngạch từ Thái Lan được chính phủ nước này trợ giá ồ ạt vào Việt Nam.

Nếu năm 2020, thực hiệp Hiệp định ATIGA, đường nhập khẩu chính ngạch vào thị trường Việt Nam, giá đường sẽ phải giảm xuống 15-20%, doanh nghiệp đường trong nước khó cạnh tranh nổi.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25188.00 25488.00
EUR 26599.00 26706.00 27900.00
GBP 30785.00 30971.00 31939.00
HKD 3184.00 3197.00 3301.00
CHF 27396.00 27506.00 28358.00
JPY 160.58 161.22 168.58
AUD 16138.00 16203.00 16702.00
SGD 18358.00 18432.00 18976.00
THB 669.00 672.00 700.00
CAD 18250.00 18323.00 18863.00
NZD   14838.00 15339.00
KRW   17.68 19.32
DKK   3572.00 3703.00
SEK   2299.00 2388.00
NOK   2277.00 2366.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ