Xuất khẩu nông sản bền vững: phải thực thi hiệu quả các giải pháp đồng bộ

Xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam 7 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan nhưng ngày càng đối mặt với nhiều thách thức. Do vậy, yếu tố tiên quyết là phải nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất xuất khẩu và tăng cường công tác xúc tiến thương mại.
NGUYỄN HỒNG (THỰC HIỆN)
01, Tháng 09, 2023 | 14:35

Xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam 7 tháng đầu năm đạt kết quả khả quan nhưng ngày càng đối mặt với nhiều thách thức. Do vậy, yếu tố tiên quyết là phải nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất xuất khẩu và tăng cường công tác xúc tiến thương mại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với phóng viên Nhadautu.vn về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản.  

Ông đánh giá như thế nào về tình hình tiêu thụ và xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian qua?

Ông Đỗ Thắng Hải: Từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, bối cảnh hậu Covid khi các nước không còn gói hỗ trợ dịch bệnh; xung đột Nga - Ucraina tác động đến xu hướng định hình lại các chuỗi cung ứng quốc tế, lạm phát cùng với hàng tồn kho nhập từ 2022 tại Mỹ, EU, Nhật là các nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm đơn hàng của nhóm nông, thủy sản. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao, thường xuyên và kịp thời của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông thủy sản 7 tháng đầu năm 2023 của Việt Nam đạt được kết quả khả quan ở mức 17,92 tỷ USD; 6/10 mặt hàng nông thủy sản có giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD; trong đó gạo và rau quả là hai mặt hàng tăng trưởng mạnh mẽ (lần lượt là 32,2% và 60,1%).

Xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2023 vẫn nỗ lực ghi nhận kết quả khả quan như: i) thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng với hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ; ii) cơ cấu chủng loại hàng hóa xuất khẩu ngày càng đa dạng, phong phú; iii) chất lượng sản phẩm ngày càng được cải thiện, nâng cao tiêu chuẩn, quy chuẩn để đáp ứng yêu cầu các thị trường nhập khẩu khó tính như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, cụ thể là: Xu hướng lạm phát tại một số nước chưa có dấu hiệu phục hồi nhiều (đặc biệt các nước tiêu thụ lớn EU, Hoa Kỳ, …), đặc biệt là hàng hoá tiêu dùng không thiết yếu;

Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam giảm do chi phí nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao trong khi mức giá xuất khẩu không tăng làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất cầm chừng tránh rủi ro;

Hàng rào kỹ thuật, biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng được các nước áp dụng phổ biến để bảo hộ hàng hóa trong nước, giảm sức cạnh tranh với hàng hóa sở tại đồng thời đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng nhất là nhóm hàng nông thủy sản;

Khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu trong nước đang là khó khăn của một số ngành xuất khẩu chủ lực như: thuỷ sản, hạt điều. Bên cạnh đó, chất lượng, giá trị hàng hóa nông sản Việt chưa cao, phần lớn chưa được tổ chức sản xuất theo chuỗi gắn với thị trường đầu ra; công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch chưa tốt, giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh các sản phẩm còn hạn chế;

Sản phẩm đặc sản địa phương nhiều nhưng chủ yếu mang tính tự phát, sản xuất thủ công, quy mô nhỏ lẻ, quy cách mẫu mã hạn chế; chưa có nhiều sân chơi lớn riêng cho nông sản để các địa phương quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm;

Năng lực của nhiều doanh nghiệp và địa phương còn khiêm tốn, kiến thức nghiệp vụ về thanh toán quốc tế, đàm phán, giao dịch chưa được quan tâm (gần 100 container hạt điều vướng mắc thanh toán tại Italia, 5 container gia vị và nông sản không được thanh toán tại UAE). Bên cạnh đó, nhận thức, trình độ, kỹ năng tổ chức sản xuất và phát triển thị trường cho người sản xuất, kinh doanh nông sản còn hạn chế.

thu-truong-do-thang-hai

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải

Nhiều tỉnh miền Trung đang loay hoay tìm đầu ra cho nông sản. Thứ trưởng có lời khuyên gì đối với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp sản xuất chế biến nông sản miền Trung?

Ông Đỗ Thắng Hải: Để góp phần tiêu thụ nông sản nói chung và khu vực miền Trung nói riêng, bên cạnh vai trò của các bộ, ngành không thể thiếu nỗ lực từ chính các địa phương và doanh nghiệp sản xuất, chế biến xuất khẩu nông sản.

Trên cơ sở đó, các địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất gắn với tín hiệu thị trường với các giải pháp cụ thể có thể triển khai như:

Thứ nhất, Ủy ban nhân dân các tỉnh sản xuất nông sản lớn phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để nâng tầm nông sản Việt, từ đó đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển. Các giải pháp quan trọng nhất bao gồm: (i) giảm sản xuất tự phát, tăng sản xuất theo tín hiệu thị trường và theo đơn đặt hàng; (ii) nâng cao và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản, thuỷ sản,

đáp ứng sự trông đợi của người tiêu dùng trong nước và ngoài nước; (iii) phổ biến và hướng dẫn các hộ nông dân về phương thức sản xuất, nuôi trồng, đóng gói, chế biến,... để đáp ứng tiêu chuẩn của từng nước, từng khu vực nhập khẩu; và (iv) đẩy mạnh việc đăng ký vùng trồng cũng như công tác truy xuất nguồn gốc để tạo điều kiện cho xuất khẩu chính ngạch và giảm thời gian thông quan hàng hóa.

Thứ hai, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, cơ quan Thương vụ tại thị trường ngoài nước, các cơ quan xúc tiến thương mại tại địa phương tiếp tục chú trọng đổi mới và nâng cao chất lượng các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu hàng nông sản theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp nhu cầu thị trường. Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối doanh nghiệp, phát triển thị trường qua: i) các hoạt động xúc tiến thương mại trực tiếp, tổ chức hội nghị, hội thảo, hội chợ,… hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp quảng bá, giao thương; ii) các hoạt động xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm mở rộng thị trường tiêu dùng nội địa và xuất khẩu, phát triển thương hiệu hàng Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế;

Thứ ba, các địa phương cần đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản tại thị trường trong nước để giảm áp lực cho thị trường xuất khẩu: (i) chỉ đạo các Sở, ban ngành chức năng điều tiết sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường; căn cứ khả năng sản xuất để phát triển công nghiệp chế biến nhằm tăng giá trị nông sản chế biến sâu, đa dạng các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời chú trọng phát triển hệ thống kho trữ, bảo quản nông sản; (ii) mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản trong nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong tiêu thụ nông sản; (iii) chỉ đạo, đôn đốc hướng dẫn các Sở, ban ngành khẩn trương thực hiện Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”; thực hiện nghiêm, thống nhất chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động vận chuyển, lưu thông hàng hóa nói chung, các mặt hàng nông sản nói riêng.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới trì trệ, sức mua giảm sút, cạnh tranh xuất khẩu trở nên gay gắt, ngành Công thương có giải pháp gì để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, thưa Thứ trưởng?

Ông Đỗ Thắng Hải: Trước hết, phải nâng cao sản phẩm và sức cạnh tranh. Sản phẩm nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam ngày càng gặp phải sự cạnh tranh gay gắt tại từng thị trường (kể cả thị trường trong nước và thị trường ngoài nước). Do vậy, yếu tố tiên quyết chính là phải nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thông qua chất lượng và giá cả để thúc đẩy xuất khẩu bền vững, duy trì và đa dạng hóa được thị trường. Sản phẩm giá trị gia tăng cao, chất lượng tốt sẽ có khả năng thâm nhập, duy trì và phát triển thị trường. Bên cạnh đó, giá sản phẩm nông thủy sản của Việt Nam cần phải cạnh tranh hơn so với các nguồn cung khác cả trong nước và thị trường xuất khẩu sẽ giúp sản phẩm nông thủy sản Việt Nam tiêu thụ và xuất khẩu thuận lợi hơn.

Thứ hai, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ sản xuất để xuất khẩu

Bộ Công Thương đang phối hợp với các địa phương, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan liên quan tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tái cơ cấu lại các ngành sản xuất để nâng tầm nông sản Việt, trong đó bao gồm cả các ngành sản xuất nông nghiệp và các ngành công nghiệp phục vụ nông nghiệp theo nguyên tắc gắn với tín hiệu, nhu cầu của thị trường, từ đó đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa phương thức vận chuyển, giảm dần sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống.

Thứ ba, xây dựng và phát triển kênh tiêu thụ trong nước

Mặc dù các Bộ, ngành đã nỗ lực triển khai công tác đổi mới và thúc đẩy phát triển các kênh phân phối hàng hóa theo chuỗi liên kết bền vững, tuy nhiên công tác này vẫn chưa được thực hiện một cách toàn diện, đồng bộ tại tất cả các thị trường chủ lực và tiềm năng. Để thực hiện hiệu quả vấn đề này trong thời gian tới, cần phải tập trung: (i) Hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại (giao thông, vận tải, logistics...) nhằm tăng khả năng kết nối phục vụ lưu thông hàng hóa; (ii) Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hóa tối đa cho thương mại, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu; (iii) Nghiên cứu xây dựng kho ngoại quan tại các nước nhập khẩu nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp; (iv) hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào các mạng phân phối tại nước ngoài; (v) Tổ chức các Hội nghị kết nối cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ trong nước, đặc biệt là các nông sản mang tính thời vụ cao.

Thứ tư, đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại

- Bộ Công Thương tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan chức năng của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kết nối cung cầu, tìm kiếm các đối tác, phát triển thị trường xuất khẩu còn tiềm năng.

- Bộ Công Thương phối hợp với các Hiệp hội ngành hàng đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Thứ năm, phát triển dịch vụ logistics, nâng cao tốc độ thông quan hàng hoá

- Bộ Công Thương chú trọng phát triển dịch vụ logistics, đặc biệt là logistics cho hoạt động xuất khẩu nông sản tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

- Nâng cao hiệu quả và điều tiết tốt tốc độ thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực cửa khẩu thuộc biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông sản, thủy sản có tính chất thời vụ; có giải pháp chuyển nhanh, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch.

nong san

 

Dự báo của Ông về xuất khẩu nông sản của nước ta năm nay?

Ông Đỗ Thắng Hải: Trong bối cảnh tình hình thế giới đang tiếp tục diễn biến khó lường, phức tạp: căng thẳng địa chính trị, tình hình an ninh lương thực toàn cầu, lạm phát,… với những nỗ lực của ngành nông sản và sự vào cuộc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương và doanh nghiệp, ngành nông nghiệp vẫn quyết tâm tận dụng cơ hội, tập trung nguồn lực vượt qua thách thức để đảm bảo mục tiêu kế hoạch ngành nông nghiệp đã đề ra là tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành đạt 3 - 3,5%.

Nông sản của Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế, đặc biệt, khi Việt Nam tham gia hội nhập vào kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Các cơ hội mở ra đồng thời có nhiều thách thức đi liền với đó là không ít những thách thức. Xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước của các nước nhập khẩu, trong đó có cả các đối tác FTA ngày càng gia tăng. Các yêu cầu về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và đăng ký mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sẽ là thách thức đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Các thị trường cao cấp (EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ,…) là các thị trường chủ lực của Việt Nam trong tiến trình đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy xuất khẩu bền vững và thu được giá trị gia tăng cao. Sự hấp dẫn của các thị trường này đồng nghĩa với sự cạnh tranh quyết liệt với những đối thủ cạnh tranh lớn như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, … là những nước tương đồng với Việt Nam về các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Bên cạnh đó, những rào cản kỹ thuật về dư lượng hóa chất, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ do các thị trường này đặt ra là những khó khăn không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi đó, thực tế nền sản xuất nông nghiệp của nước ta hiện vẫn tồn tại bất cập như manh mún, tự phát ... dẫn đến tình trạng mất kiểm soát nguồn cung. Đặc biệt, sản xuất manh mún khiến chất lượng nông, thủy sản không đồng đều, khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm và khó áp dụng các chuẩn mực của thế giới về truy xuất nguồn gốc. Đây đó vẫn xuất hiện tình trạng sản phẩm xuất khẩu bị trả về do không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm (thủy sản, hồ tiêu, trái cây), ảnh hưởng tới hình ảnh, thương hiệu của hàng Việt Nam.

Trong tình hình mới hiện nay, Việt Nam đã chuyển sang một giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu, rộng và toàn diện, đặc biệt đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản - là nhóm hàng có độ "mở" tương đối cao. Xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản gặp khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động đến nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, nếu như ta không đáp ứng được sự phát triển này sẽ dẫn tới sự "tụt hậu" về công nghệ, kỹ thuật chế biến nhóm hàng nông sản sẽ kéo theo sự mất cạnh tranh so với các đối thủ khác.

Xin cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ