Thương hiệu gạo Việt Nam sẽ được bảo hộ quốc tế

Cuộc thi tìm kiếm logo thương hiệu gạo Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động đã có kết quả nhưng dự kiến đến tháng 7-2018 mới công bố vì đang làm thủ tục bảo hộ quốc tế, theo ông Lê Thanh Tùng, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam của Cục Trồng trọt thuộc Bộ.
TRUNG CHÁNH
28, Tháng 06, 2018 | 12:02

Cuộc thi tìm kiếm logo thương hiệu gạo Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát động đã có kết quả nhưng dự kiến đến tháng 7-2018 mới công bố vì đang làm thủ tục bảo hộ quốc tế, theo ông Lê Thanh Tùng, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam của Cục Trồng trọt thuộc Bộ.

a3734_20180228_164705

Chính thức đi bảo hộ quốc tế thương hiệu gạo Việt Nam. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi với TBKTSG Online về kết quả cuộc thi tìm kiếm logo thương hiệu gạo Việt Nam, ông Tùng khẳng định đã có kết quả. Tuy nhiên, theo ông, hiện thương hiệu gạo Việt Nam đang trong giai đoạn làm thủ tục bảo hộ quốc tế, cho nên, có thể bước sang tháng 7-2018 mới chính thức công bố.

Để thực hiện bảo hộ, Việt Nam đã nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu quốc tế sang hệ thống Madrid - hệ thống này được xây dựng trên cơ sở Nghị định thư Madrid và Thỏa ước Madrid. Cả hai văn bản này đều thiết lập một quy trình hành chính cho phép việc đăng ký thương hiệu ở nhiều quốc gia chỉ thông qua việc sử dụng một đơn đăng ký thương hiệu duy nhất. Do có sự tham gia của đa số các nước nên đây được xem là phương thức đăng ký bảo hộ toàn cầu.

Ông Tùng cho biết thêm, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có những quy định về việc sử dụng thương hiệu gạo Việt Nam và các tổ chức, cá nhân muốn sử dụng phải đáp ứng được những tiêu chuẩn, quy định được đặt ra.

Cụ thể, tại quyết định 1499/QĐ-BNN-CBTTNS 2018 về ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam nêu rõ tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện: được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư có nội dung đăng ký hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm gạo.

Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, kinh doanh gạo hoặc cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.

Được tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; hoàn thành nghĩa vụ thuế và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường.

Các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu được chứng nhận gồm gạo trắng, gạo trắng thơm và gạo nếp trắng.

Về chất lượng sản phẩm, gạo mang nhãn hiệu gạo Việt Nam phải đảm các yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Theo đó, đối với gạo trắng phải đáp ứng tiêu chuẩn: TCVN 11888:2017; gạo thơm trắng là TCVN 11889:2017 và gạo nếp trắng là TCVN 8368:2010. Trường hợp khi có thay đổi về tiêu chuẩn, thì phải đáp ứng theo tiêu chuẩn mới nhất.

Quyết định 1499 của Bộ Nông nghiệp quy định tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận kèm nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác cho sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.

Được khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ nhãn hiệu chứng nhận.

Được tham gia các chương trình quảng bá, phát triển nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam trên các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ: chỉ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các loại sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; đảm bảo chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận và duy trì, bảo vệ, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận; thông báo đến đơn vị quản lý nhãn hiệu chứng nhận khi không còn nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; nộp chi phí theo quy định cho hoạt động cấp và duy trì hiệu lực giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận…

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ