Quyền lựa chọn và hai lối tư duy về FDI

Nhàđầutư
Quý I/2016 là Việt Nam tiếp tục được nhiều tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới lựa chọn để đầu tư những dự án hàng tỷ USD.
GS. TSKH NGUYỄN MẠI
17, Tháng 04, 2017 | 10:41

Nhàđầutư
Quý I/2016 là Việt Nam tiếp tục được nhiều tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu thế giới lựa chọn để đầu tư những dự án hàng tỷ USD.

Cơ hội mới và quyền lựa chọn

Báo cáo đặc biệt của Công ty chứng khoán Maybank Kim Eng nhận định, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam – Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh Hải quan Á - Âu, Việt Nam - EU và Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là điểm sáng đối với FDI, tiếp tục duy trì tăng trưởng 15% - 20% trong thời gian tới nhằm đón đầu cơ hội từ các hiệp định thương mại này.

fdi

 Ảnh minh họa

Tận dụng cơ hội mới là câu chuyện thường ngày đối với cả nhà nước và doanh nghiệp; một số nghiên cứu và hội thảo khoa học đã chỉ ra không những thuận lợi cho kinh tế Việt Nam mà đối với từng ngành kinh tế, lĩnh vực hoạt động.

Thực tế cũng đã chỉ ra rằng, để tận dụng tốt cơ hội mới thì vấn đề sử dụng tối ưu quyền lựa chọn của nước tiếp nhận FDI rất quan trọng, mà hiện nay trên cơ sở luật pháp, sự chỉ đạo định hướng và giải pháp tổng thể của Chính phủ thì quyền đó thuộc về UBND tỉnh, thành phố và Ban Quản lý các KCN, KCX, KCNC (Ban Quản lý). Xin gợi ra một vài vấn đề có liên quan đến quyền lựa chọn dự án FDI.

(1) Trong số liệu thống kê ở nước ta có hai khái niệm liên quan đến FDI: vốn đăng ký và vốn thực hiện. Tính đến cuối quý I/2016, số lũy kế vốn đăng ký là 277,4 tỷ USD, vốn thực hiện là 142,5 tỷ USD, còn 134,9 tỷ USD chưa được giải ngân. Đó là số thực hay số ảo (?). Là người đã theo dõi tình hình thu hút FDI vào nước ta gần ba thập niên từ khi có Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài (tháng 12/1987), tôi cho rằng phần lớn là số ảo. Đáng tiếc là con số ảo đó vẫn được đưa vào niên giám thống kê và báo cáo kinh tế hàng năm mà thực chất chẳng có giá trị thực tế. 

Để phản ánh đúng tình hình FDI của nước ta, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chỉ đạo các địa phương kiểm tra toàn diện tình hình các dự án chưa triển khai để phân thành hai loại: 1) dự án có khả năng thực hiện trong năm 2016 và 2) dự án không thể triển khai; trên cơ sở đó kiên quyết loại bỏ khỏi số liệu thống kê các dự án loại 2, đồng thời đôn đốc, theo dõi để các dự án loại 1 nhanh chóng được triển khai. Không nên tiếp tục gây ảo tưởng với số liệu thống kê “vốn đăng ký” lũy kế, vì không phù hợp với tình hình thực tế.

(2) Quyền lựa chọn dự án cho phép chính quyền và Ban quản lý không cho đăng ký những dự án FDI không phù hợp với định hướng thu hút FDI theo ngành và lĩnh vực trên cơ sở quy hoạch phát triển ngành và vùng lãnh thổ.

Những tháng gần đây do giá dầu mỏ giảm mạnh nên một số dự án FDI lọc hóa dầu hoãn tiến hành làm thủ tục đăng ký. Khi trả lời các câu hỏi của nhiều nhà báo, tôi cho rằng, đó là điều tốt cho đất nước, vì lọc hóa dầu là công nghiệp cần phát triển đối với những quốc gia đang công nghiệp hóa như Việt Nam, nhưng quy mô tối đa tùy thuộc vào nhu cầu xăng dầu và trử lượng dầu mỏ có thể khai thác hàng năm.

Với công suất các nhà máy lọc, hóa dầu đã có, sắp đưa vào hoạt động và đã được cấp Giấy đăng ký đầu tư thì công suất đã trên 50 triệu tấn, vượt quá xa nhu cầu xăng dầu đến năm 2020 và 2025, cũng như sản lượng dầu thô khai thác khoảng 15 triệu tấn/năm; do đó không nên có thêm các dự án mới vì: (i) Nước ta đang hướng tới nền kinh tế xanh, coi trọng yếu tố môi trường, trong khi công nghiệp lọc hóa dầu dễ gây ra ô nhiễm môi trường, chưa kể đến nguy cơ cháy nổ, gây thảm họa môi trường; (ii) Giá trị giá tăng từ dầu thô đến lọc dầu khoảng 10%; nếu dựa vào nhập khẩu thì không đưa lại nhiều lợi ích cho quốc gia và địa phương; (iii) Dự án lọc, hóa dầu không tạo ra nhiều việc làm nhưng lại chiếm đất lớn, hàng ngàn ha, trong khi đất đai của nước ta thuộc loại thấp nhất thế giới (tính theo đầu người) thì nên dành đất cho những dự án thuôc công nghệ tương lai như công nghệ tin học, viễn thông, công nghệ sinh học.

Để đón đầu các Hiệp định thương mại tự do mới mà nước ta đã và sẽ tham gia, nhiều nhà đầu tư Hồng Công, Đài Loan, Trung Quốc đã và đang đàm phán để thực hiện các dự án dệt, nhuộm, may mặc. Đây là vấn đề có tính thời sự nhưng lại có quan hệ đến lợi ích lâu dài của đất nước, cần có quyết sách đúng để vừa thu hút được các dự án FDI phù hợp với định hướng mới, vừa bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp trong nước tận dụng cơ hội mới khi trong đàm phán với các đối tác thì nước ta đã phải “đánh đổi” bằng cách nhượng bộ một số lợi ích để đạt được lợi ích cao hơn khi thực hiện các hiệp định đó.

Đối với dự án FDI dệt, nhuộm do suất đầu tư lớn nên cần lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, máy móc, công nghệ hiện đại tiêu thụ ít năng lượng, bảo đảm xử lý nước thải, chất thải rắn đúng tiêu chuẩn quốc gia; khuyến khích liên kết với doanh nghiệp Việt Nam theo chuỗi giá trị sản phẩm. Nhà nước cần có chính sách tín dụng, tài chính, thuế ưu đãi để doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực đầu tư vào dự án dệt, nhuộm. Đối với dự án may mặc do suất đầu tư ít lại tạo ra nhiều việc làm thì nên dành cho doanh nghiệp Việt Nam.

Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, so sánh về năng suất thì ngành may Việt Nam lọt top 3 thế giới; tuy vậy năm 2015, Việt Nam xuất khẩu được 27,5 tỷ USD sản phẩm dệt, may thì phải nhập khẩu 14 tỷ USD nguyên liệu, 6 tỷ USD để trả tiền công, hơn 7 tỷ USD là nguyên liệu nội địa. Ông Trường đề nghị các hiệp hội, doanh nghiệp cần liên kết chặt chẽ với nhau tạo ra chuỗi giá trị chung. Nếu toàn bộ doanh nghiệp Việt cùng liên kết chặt chẽ thì các nhà đầu tư nước ngoài sẽ khó mà làm giá nguyên liệu, thị trường sẽ cạnh tranh lành mạnh và công bằng. 

Giáo sư Hansjorg Herr (Berlin School of Economics - Đức) cho rằng, Việt Nam không nên thả cho thị trường quyết định tất cả. Chính phủ cần tạo môi trường điều phối giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp, họ tiếp cận nhanh hơn với nền kinh tế sáng tạo. Bên cạnh đó, cần có chính sách công nghiệp, giải pháp phòng vệ tốt để bảo vệ doanh nghiệp trong nước.

Nâng cao năng lực của chuyên gia và lãnh đạo cơ quan thẩm định dự án, cấp đăng ký đầu tư mới có thể thực hiện có hiệu quả quyền lựa chọn nhà đầu tư và dự án FDI.

Hai lối tư duy về FDI 

Năm 2015 Indonesia chỉ được xếp hạng 109/189 môi trường kinh doanh, thấp hơn hầu hết các quốc gia trong khu vực. Tổng thống Joko Widodo tuyên bố: “Tôi xin phép được nhắc lại một lần nữa: chúng ta chỉ đứng thứ 109. Điều này thật đáng xấu hổ”. Tổng thống Joko Widodo đặt mục tiêu trong vài năm tới phải đạt được thứ hạng 40 trên bảng đánh giá môi trường kinh doanh.

Lối tư duy đó tạo được niềm tin với các nhà đầu tư Nhật Bản, Mỹ, EU vốn có tầm nhìn chiến lược, trọng chữ tín. Lời phát biểu nổi tiếng của Tổng thống Widodo cho thấy, Indonesia - nền kinh tế lớn nhất ASEAN đang là địa điểm thu hút đầu tư không có ý định tự hài lòng với những gì đang có. Cuộc cải cách mạnh mẽ về thủ tục đầu tư nước ngoài thông qua một cửa đang diễn ra chưa từng có ở Indonesia, mà điển hình là chương trình cấp giấy phép đầu tư chỉ trong 3 tiếng đồng hồ, được xem là thành tựu cải cách hành chính của đất nước vạn đảo.

Ở Việt Nam, trong khi Chính phủ đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính để thu hút nhiều hơn, có chất lượng và hiệu quả hơn vốn FDI, thì cũng có lối tư duy khác. Tại cuộc hội thảo ngày 14/3/2016 do Ủy ban giám sát tài chính quốc gia tổ chức, Viện trưởng Viện Kinh tế Trần Đình Thiên phát biểu: “Tôi không phản ứng nhận định FDI là một phần của Việt Nam nhưng khu vực nội địa cứ yếu sẽ nguy. Lúc đó tăng trưởng do ai, vì ai là quan trọng. Ta hiện tăng trưởng do áp lực dựa vào FDI là rất cao vì khu vực nội địa rất yếu”.

Ông Thiên lưu ý: “Muốn tăng trưởng cao và đạt được thành tích tăng trưởng, Việt Nam đang phải dựa vào FDI và việc dựa vào FDI khiến vị thế mặc cả của Việt Nam càng kém, sau đó Việt Nam sẽ chỉ thu hút được những doanh nghiệp “kiếm chác” (!).

Tư duy tăng trưởng dựa vào nội lực là chính luôn đúng với mọi hoàn cảnh của một quốc gia có dân số trên 90 triệu người, trên cơ sở đó, nhà nước cần hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ về vốn, tín dụng, lãi suất, môi trường kinh doanh để doanh nghiệp trong nước được thành lập nhanh và nhiều hơn, kinh doanh thuận lợi, tích lỹ vốn nhanh chóng để mở rộng quy mô, vươn lên tầm khu vực và thế giới. Tuy vậy, tư duy đó không đồng nghĩa với việc tăng trưởng dựa vào khu vực FDI “khiến vị thế mặc cả của Việt Nam càng kém, sau đó Việt Nam sẽ chỉ thu hút được những doanh nghiệp “kiếm chác”.

Hãy đến những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI như Đồng Nai, Bình Dương ở phía Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên ở phía Bắc thì thấy được thực tế trái ngược với nhận định đó. Trình độ phát triển, năng lực cạnh tranh, số lượng và chất lượng doanh nghiệp trong nước của những địa phương này cao hơn so với các tỉnh lân cận; mối lo của chính quyền địa phương không phải là tình trạng thiếu việc làm, thu nhập thấp mà ngược lại là lao động nhập cư tăng nhanh nảy sinh nhu cầu nhà ở, trường học, bệnh viện, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí.

Do vậy, tư duy đúng là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh để có thứ hạng cao hơn trên bảng xếp hạng của thế giới nhằm thu hút nhiều hơn, có hiệu quả hơn nguồn vốn FDI, đồng thời khuyến khích mạnh mẽ người dân và doanh nghiệp trong nước tham gia đầu tư bằng nhiều phương thức để tạo thành hợp lực của cả hai động lực tăng trưởng có hiệu năng cao: khu vực FDI và khu vực kinh tế trong nước.

Quý I năm nay cũng đã xảy ra sự kiện không nên có ở nước ta khi đang mở rộng cửa để hội nhập với nhiều khu vực trên thế giới. Ngày 20/3, do bất đồng về việc thu phí duy tu cơ sở hạ tầng, Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Đức (KCN Tân Đức, Đức Hòa, Long An) đã cho người đổ nhiều xe đất bít cổng công ty Tango Candy (Nhật Bản) để ngăn không cho công nhân vào làm việc, cắt nguồn nước của công ty Tango để gây thêm áp lực.

Nguyên nhân là do Công ty Tango Candy không chịu đóng phí duy tu cơ sở hạ tầng ở mức 10.018 đồng/m2 đồng mà Công ty Tân Đức quy định vì cho rằng, mức phí trên quá cao, chỉ chấp nhận ở mức 6.000 – 8.000 đồng/m2. Được biết, mức phí duy tu cơ sở hạ tầng ở các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An dao động từ 6.000 – 8.500 đồng/m2/năm. Đây là mức phí mà doanh nghiệp và chủ đầu tư tự thỏa thuận, không ép buộc trong hợp đồng thuê diện tích sử dụng đất. Các hãng truyền thông Nhật Bản đã đưa tin rộng rãi về sự việc này. 

Cách hành xử của KCN Tân Đức là không thể chấp nhận được. Với cách hành xử như vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ nghĩ sao về môi trường đầu tư của Việt Nam (?). Điều đáng tiếc là chính quyền địa phương chậm vào cuộc để làm trọng tài hòa giải giữa hai phía, bảo đảm hài hòa lợi ích trong hoạt động đầu tư. 

Sự việc ở KCN Tân Đức cuối cùng cũng đã được giải quyết. Các công nhân của Tango Candy hết cảnh leo rào để tới văn phòng, các đanh nghiệp FDI tại đây không còn bị đe dọa “cắt nhiều thứ khác” nếu không thỏa mãn yêu cầu của Công ty Tân Đức. Ai là người ra lệnh về hành vi đó cần được xử lý nghiêm để tạo lòng tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài.

Cuộc cạnh tranh thu hút FDI giữa các nước trong khu vực đang diễn ra gay gắt, nếu tư duy và hành động không phù hợp với đòi hỏi của việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh thì cơ hội mới đã được tạo ra không dễ trở thành hiện thực, do đó thách thức mới như tình trạng khô hạn, ngập mặn trên diện rộng đã tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế quý đầu của năm nay sẽ trở nên nghiêm trọng hơn và những mục tiêu đầy tham vọng của năm 2016 cho đến năm 2020 trở nên xa vời hơn.

TỪ KHÓA:
Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24610.00 24635.00 24955.00
EUR 26298.00 26404.00 27570.00
GBP 30644.00 30829.00 31779.00
HKD 3107.00 3119.00 3221.00
CHF 26852.00 26960.00 27797.00
JPY 159.81 160.45 167.89
AUD 15877.00 15941.00 16428.00
SGD 18049.00 18121.00 18658.00
THB 663.00 666.00 693.00
CAD 17916.00 17988.00 18519.00
NZD   14606.00 15095.00
KRW   17.59 19.18
DKK   3531.00 3662.00
SEK   2251.00 2341.00
NOK   2251.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ