Ngân hàng đua kiếm lời từ phân khúc rủi ro

Nhàđầutư
Nếu như trước đây nhiều ngân hàng thờ ơ với phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương và tín dụng tiêu dùng vì rủi ro cao, thì nay chính những phân khúc khách hàng này lại đang mang lại những khoản lợi lớn cho nhiều ngân hàng.
Ngọc Quang
07, Tháng 05, 2017 | 08:16

Nhàđầutư
Nếu như trước đây nhiều ngân hàng thờ ơ với phân khúc khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, tiểu thương và tín dụng tiêu dùng vì rủi ro cao, thì nay chính những phân khúc khách hàng này lại đang mang lại những khoản lợi lớn cho nhiều ngân hàng.

IMG_7718

 Một số ngân hàng đang chuyển hướng sang khai thác mạnh phân khúc khách hàng hộ kinh doanh cá thể 

Kết thúc năm tài chính 2016, một trong những cái tên được chú ý nhiều nhất trong ngành ngân hàng là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Vài năm trước, VPBank chỉ là một ngân hàng hạng trung, doanh thu và lợi nhuận thua xa những ngân hàng cổ phần khác như Techcombank hay MBBank. Thế nhưng năm 2016, VPBank đã lần đầu tiên trở thành ngân hàng có doanh thu và lợi nhuận lớn nhất trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần. Báo cáo tài chính của ngân hàng này cho thấy, năm 2016 tổng thu nhập hoạt động là 16.864 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 4.900 tỷ đồng.

Sự dịch chuyển chiến lược

“Tại sao VPBank lại có doanh thu lớn? Vì VPBank tham gia vào các lĩnh vực rủi ro lớn. Điều này ban lãnh đạo biết và xác định từ nhiều năm nay”, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank, đưa ra lời giải thích về kết quả kinh doanh của ngân hàng trước ĐHĐCĐ tổ chức cách đây không lâu.

Những lĩnh vực rủi ro lớn mà ông Vinh đề cập là nhóm khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, khách hàng là các hộ tiểu thương và khách hàng cá nhân. Đây là những phân khúc khách hàng có năng lực tài chính thấp và thường không có tài sản bảo đảm. Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu khách hàng trong những phân khúc này, các sản phẩm của VPBank thường là những sản phẩm cho vay tín chấp có độ rủi ro khá cao.

Mặc dù vậy, những phân khúc này hiện chiếm tới 77% tổng dư nợ của VPBank, theo thông tin do ông Vinh công bố tại ĐHĐCĐ. Trong khi đó, dư nợ cho vay các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì nhưng tăng trưởng không cao và đang dần trở thành thứ yếu trong chiến lược của ngân hàng này.

Thực tế, tập trung vào phân khúc bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh cá thể hiện không phải là lối đi riêng của VPBank trong thời điểm hiện tại. Khi trao đổi với báo chí gần đây, ông Lưu Trung Thái, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank), cũng cho biết MBank đang dịch chuyển mạnh sang mảng bán lẻ, bao gồm khách hàng cá nhân và nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Quy mô của chúng tôi sẽ tăng để hai nhóm khách hàng này chiếm khoảng 70% doanh thu chung của ngân hàng”, ông Thái nói. Điều này đồng nghĩa với việc những khách hàng doanh nghiệp lớn sẽ không còn đóng vai trò quá quan trọng trong cơ cấu doanh thu của MBBank.

Để đạt được mục tiêu đó, MBBank đã ký hợp đồng liên doanh với hai đối tác Nhật Bản nhằm phát triển công ty tài chính tiêu dùng MCredit. Với MCredit, MBBank sẽ có thể cung cấp các khoản tín dụng cho những khách hàng cá nhân không đủ điều kiện vay tại ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) hồi cuối năm 2016 đã hoàn tất thủ tục mua lại Công ty tài chính tiêu dùng Vinaconex - Viettel. Hiện ngân hàng đang hoàn chỉnh bộ máy nhân sự để có thể bắt đầu kinh doanh từ cuối quý II và dự kiến sẽ có doanh thu từ quý III/2017. Năm 2017, SHB dự kiến công ty tài chính tiêu dùng sẽ đóng góp 100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho ngân hàng. 

nguyen-duc-vinh-vpbank

 

Tại sao VPBank lại có doanh thu lớn? Vì VPBank tham gia vào các lĩnh vực rủi ro lớn. Điều này ban lãnh đạo biết và xác định từ nhiều năm nay

Ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng Giám đốc VPBank

Vietcombank đã đẩy mạnh sang phân khúc bán lẻ trong những năm gần đây, với tỷ trọng dư nợ cho vay khách hàng thể nhân tăng dần từ 13,6% năm 2013 lên 25,3% năm 2016, tốc độ tăng trưởng trung bình đạt 46,2% mỗi năm. Ngân hàng này dự kiến tiếp tục giảm tỷ trọng khối khách hàng doanh nghiệp nhà nước có lãi suất thấp và tăng trưởng khối khách hàng bán lẻ để cải thiện biên lợi nhuận. Ngân hàng này sẽ tận dụng ưu thế về khách hàng bán buôn, kết hợp giữa bán buôn và bán lẻ để tăng cường hiệu quả hoạt động. Hiện tại, Vietcombank đang sở hữu một công ty cho thuê tài chính.  

Ngân hàng VIB thì có đề xuất trong ĐHĐCĐ về việc ủy quyền cho hội đồng quản trị đầu tư góp vốn, mua cổ phần tại doanh nghiệp, tổ chức tín dụng lên tới 30% vốn chủ sở hữu nhưng không quá 50% vốn điều lệ; thông qua chủ trương mua nợ của các tổ chức tín dụng khác theo cơ chế thị trường; thành lập, thoái vốn và giải thể công ty con với giá trị lên đến 30% vốn chủ sở hữu nhưng không quá 50% vốn điều lệ. Đây được coi là động thái thúc đẩy sang mảng bán lẻ, sau thất bại của ngân hàng này trong việc mua lại mảng bán lẻ của ngân hàng ANZ theo nguồn tin nước ngoài trước đó.

Các ngân hàng khác như HDBank, Techcombank, ACB cũng không chịu chậm chân để giành được những miếng bánh lớn hơn trong phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ này.

Rủi ro lớn, lợi nhuận lớn

Rõ ràng, phân khúc khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể đang là một đấu trường cạnh tranh mới của các ngân hàng trong nước. Nhưng điều gì đang khiến các ngân hàng cùng đổ xô vào phân khúc được cho là có rủi ro cao này?

Câu trả lời nằm ở lợi nhuận. Trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của VPBank, sự đóng góp của Công ty tài chính FE Credit chiếm khoảng 50%. Và ai cũng hiểu rằng mức lãi cho vay dành cho khách hàng cá nhân của các công ty tài chính không thấp chút nào. Doanh thu của khối khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ của VPBank trong năm 2016 cũng đã tăng 40%, và mức đóng góp vào lợi nhuận của toàn ngân hàng tăng gấp năm lần so với năm 2015.

Tất cả các ngân hàng đều hiểu rằng, cho khách hàng doanh nghiệp lớn vay sẽ ít rủi ro hơn so với việc cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản đảm bảo. Nhưng tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các khoản vay tín chấp dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ lại cao hơn, có nghĩa là cho vay tín chấp với các doanh nghiệp nhỏ lãi hơn nhiều so với cho vay thông thường. Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, tỷ lệ NIM của khoản vay đối với doanh nghiệp nhỏ có tài sản bảo đảm chỉ xấp xỉ 3%, trong khi đó với vay tín chấp vào khoảng 11%.

Điều đáng nói là dư địa để mở rộng thị trường ở phân khúc này còn rất nhiều. Bởi Việt Nam là một thị trường với hơn 90 triệu dân với tỷ lệ dân số trẻ cao, nhu cầu tiêu dùng là rất lớn. Hơn nữa, có tới 98% số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Hơn nữa, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tư nhân phát triển của Chính phủ đã tạo ra một làn sóng thành lập doanh nghiệp mới trong hai năm gần đây. Tất cả điều đó đồng nghĩa với việc nhu cầu vay tiêu dùng của người dân và vay vốn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng rất cao.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, năm 2016 tín dụng tiêu dùng tăng mạnh, góp phần duy trì tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ so với GDP. Tín dụng tiêu dùng ước tăng 39% so với cuối năm 2015, chiếm 11,4% tổng tín dụng. Trong đó, gần 50% tín dụng tiêu dùng tập trung vào cho vay sửa chữa nhà, mua nhà để ở với nguồn trả nợ bằng tiền lương của khách vay. Con số trên dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn nữa do nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và số lượng doanh nghiệp mới thành lập tăng nhanh.

Tất nhiên, như đã nói ở trên, các ngân hàng khi tham gia vào phân khúc này cũng phải chấp nhận rủi ro. Tỷ lệ nợ xấu của VPBank hiện đang ở mức từ 2,7%-2,9%, trong đó riêng nợ xấu của Công ty tài chính FE Credit là khoảng 4%. “Những chỉ số này cũng phản ứng thực tế rằng, phân khúc mà VPBank đang đầu tư có rủi ro hơn bình thường”, ông Vinh nói./.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ