Miền Trung 'khát' vật liệu san lấp: Bài 1 - Công trình trọng điểm ì ạch

Nhàđầutư
Hiện nay, việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung vật liệu san lấp đã khiến cho nhiều công trình dự án trọng điểm ở Quảng Nam, Đà Nẵng thi công cầm chừng, đứng trước nguy cơ chậm trễ tiến độ đề ra.  
THÀNH VÂN - NGUYỄN TRI
04, Tháng 03, 2023 | 07:00

Nhàđầutư
Hiện nay, việc thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung vật liệu san lấp đã khiến cho nhiều công trình dự án trọng điểm ở Quảng Nam, Đà Nẵng thi công cầm chừng, đứng trước nguy cơ chậm trễ tiến độ đề ra.  

Nhiều công trình "đứng bánh"

Tại thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam), việc khan hiếm nguồn đất để đắp đập ngăn mặn, nguy cơ gần 2.000ha cây trồng ở Quảng Nam "mất trắng".

Theo bà Nguyễn Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, năm nay, công trình đập thời vụ ngăn mặn, giữ ngọt trên sông Vĩnh Điện vẫn thống nhất chủ trương xây dựng trên vị trí cũ thuộc phường Điện Ngọc. Tuy nhiên, đến thời điểm mở thầu (ngày 16/2), kết quả không có đơn vị nào tham dự gói thầu thi công công trình này.

Bà Châu cho biết, căn cứ theo hồ sơ thiết kế đập được duyệt thì vật liệu dùng cho công trình chủ yếu là cát, cây bạch đàn, tre. Đặc biệt nguồn cát đắp cho đập khoảng 10.000m3 lấy từ mỏ vật liệu trên sông Thu Bồn vận chuyển bằng đường sông, đường bộ nhưng hiện nay các mỏ vật liệu trên địa bàn hết thời gian khai thác và đã đóng cửa.

Ngoài ra, các mỏ vật liệu cát, đất ở khu vực Đại Lộc, Duy Xuyên… tuy còn sản lượng khai thác nhưng không hoạt động. Do vậy, công tác đắp đập không thực hiện được nếu không có cát, gây mất mùa cho gần 2.000ha cây trồng đang trong giai đoạn phát triển.

Tương tự, nhiều công trình giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn đất san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam, hiện nay tình trạng khan hiếm vật liệu nhất là đất, cát phục vụ công trình xây dựng, đặc biệt là công trình giao thông rất lớn. Tuy nhiên nguồn cung không đáp ứng cầu, khiến cho việc thi công không đảm bảo tiến độ. 

anh-3

Nhiều dự án ở Đà Nẵng chậm tiến độ do thiếu hụt vật liệu san lấp. Ảnh: Thành Vân.

Trong khi đó, tại Đà Nẵng, theo thống kê, tổng khối lượng đất san lấp cho các công trình của Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2023 là gần 1,7 triệu m3. Trong khi đó, trữ lượng đất, đá của các mỏ khai thác trên địa bàn thành phố chỉ còn 1,5 triệu m3, không đáp ứng đủ nhu cầu cho các dự án.

Đặc biệt, trong năm 2023, thành phố này sẽ triển khai xây dựng dự án bến cảng Liên Chiểu, do đó nhu cầu vật liệu san lấp là rất lớn. Ông Lê Thành Hưng, Giám đốc Ban quản lý các dự án cơ sở hạ tầng ưu tiên TP. Đà Nẵng - chủ đầu tư dự án bến cảng Liên Chiểu cho biết, đây là dự án lớn, động lực, trọng điểm của thành phố nên đơn vị xác định trong năm 2023 quyết tâm hoàn thành khoảng 25% giá trị hợp đồng, đảm bảo giải ngân vốn trung ương đã bố trí cho dự án.

Theo ông Hưng, nhu cầu vật liệu cho dự án rất là lớn, cần hơn 2.379.000m3 đá. Trong đó, năm 2023 cần gần 1.190.000m3, năm 2024 cần gần 714.000m3 và năm 2025 cần gần 476.000m3.

"Với khối lượng đá này, Chủ tịch UBND thành phố giao Sở TN&MT rà soát lại mỏ vật liệu trên địa bàn đề xuất tăng trữ lượng. Chúng tôi đã chủ động mời các mỏ lên làm việc, họ cam kết nếu được UBND thành phố gia hạn thì các mỏ chỉ cung cấp cho dự án cảng Liên Chiểu và các dự án trọng điểm của thành phố", ông Hưng nói.

cao-toc

Nỗi lo thiếu vật liệu san lấp hiện hữu tại cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Thành Vân.

Nỗi lo hiện hữu tại cao tốc Bắc – Nam

Tại dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn (qua tỉnh Bình Định), ngày sau khi khởi công, các nhà thầu đã huy động phương tiện máy móc để triển khai, tuy nhiên việc triển khai vẫn cầm do gặp nhiều khó khăn về mặt bằng, đất san lấp…

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 5 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết, hiện, đơn vị đang thi công tuyến Hoài Nhơn - Phù Mỹ với chiều dài 23,5km (thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hoài Nhơn - Quy Nhơn), tuy nhiên, công việc chỉ được triển khai cầm chừng.

Theo ông Toàn, trước kia, để phê duyệt dự án, toàn bộ tuyến của đơn vị đi qua đất rừng trồng, đất ruộng, đất rừng tự nhiên. Tuy nhiên, nghị quyết của Quốc hội chỉ chuyển đổi đất phạm vi tuyến (tức là mặt đường 32m), còn những khu vực khác thì chưa chuyển đổi, ngoài ra, các vị trí mỏ đất cũng chưa chuyển đổi.

"Như vậy, diện tích đất để chuyển đổi rất lớn, hiện, địa phương đã bàn giao mặt bằng rồi, nhưng chúng tôi cũng gặp khó và chỉ vận dụng làm một số vị trí ruộng thôi", ông Toàn nói.

Ông Toàn còn cho hay, từ km18 đến km22 của dự án, toàn bộ qua rừng tự nhiên. Hiện, cũng mới chỉ chuyển đổi mục đích đất rừng tự nhiên trong tuyến, còn thiếu mười mấy ha rừng chưa chuyển đổi. Từ việc chưa chuyển đổi, địa phương chưa phê duyệt kế hoạch khai thác nên nhà thầu chưa thể vào tuyến.

"Đoạn rừng này là đoạn điều phối đất cho toàn tuyến. Ngoài ra, theo chỉ định của dự án, nhà thầu sẽ tận dụng toàn bộ đá nổ phá xay nghiền để thi công móng. Tuy nhiên, chúng tôi chưa tiếp cận được. Nếu cứ chậm khoảng 3 tháng, dự án sẽ bị chậm 1 năm vì công tác tiếp cận, đặt trạm xoay nổ phá rất mất thời gian", ông Toàn chia sẻ. 

z4151996782849_08159fdf64e3a316e927e09679e2654f

Thủ tướng nhấn nút khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: Thành Vân.

Trong khi đó, dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn (đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi) cũng đang được các nhà thầu khẩn trương thi công, tuy nhiên các nhà thầu vẫn chưa thể triển khai thi công đồng bộ do mặt bằng bàn giao "xôi đỗ" và chưa có đường tiếp cận dự án, khó khăn trong việc xây dựng đường điện phục vụ công tác thi công… Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả - đại diện nhà thầu chính, doanh nghiệp đã nhận diện các rủi ro về nguồn vật liệu và kiến nghị các cấp có thẩm quyền tháo gỡ.

Tương tự, trên địa bàn tỉnh Phú Yên có 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong với chiều dài 90,2 km.

Để phục vụ xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Phú Yên đã cung cấp thông tin 41 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm 28 mỏ trong quy hoạch (12 mỏ cát/405,77ha; 10 mỏ đất/234ha; 6 mỏ đá/30,84ha).

Ngoài ra, có 13 mỏ đã đươc cấp phép khai thác đang còn hiệu lực (6 mỏ cát/19ha; 2 mỏ đất/4,57ha; 5 mỏ đá /29,34ha). Tuy nhiên, các chủ đầu tư và đơn vị thi công đều phản ánh về tình trạng thiếu nguồn cung vật liệu.

Theo Ban Quản lý dự án 7, hiện, công suất 4 mỏ cát đang khai thác chỉ là 40.000m3/năm, trong khi đó khối lượng cần để sử dụng cho dự án rất lớn (nhu cầu 1,36 triệu m3). Với công suất như vậy nếu có tăng công suất tối đa cũng không đáp ứng theo yêu cầu tiến độ dự án. Đặc biệt, đối với hạng mục xử lý nền đất yếu (đường găng của dự án) sẽ được triển khai trong năm 2023 với khối lượng cát khoảng 800.000m3.

Đối với các gói thầu thuộc dự án thành phần Quy Nhơn - Chí Thành, các mỏ vật liệu được quy hoạch đều là đất lâm nghiệp hoặc đất lúa. Vì vậy, khi thu hồi để khai thác cần phải thực hiện các thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, được HĐND tỉnh Phú Yên chấp thuận. Thủ tục này mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ khai thác đất phục vụ dự án… 

(Còn tiếp)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ