Khó khăn bộn bề khiến giá phân bón đi lên và giá lúa đi xuống

Nhàđầutư
Nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thu hoạch rộ trà lúa Đông xuân. Dù lúa được mùa nhưng lợi nhuận người trồng lúa thấp vì chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, nhân công thu hoạch tăng mạnh nhưng giá lúa lại đang có chiều hướng đi xuống.
AN HÒA
20, Tháng 03, 2022 | 13:56

Nhàđầutư
Nông dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang thu hoạch rộ trà lúa Đông xuân. Dù lúa được mùa nhưng lợi nhuận người trồng lúa thấp vì chi phí đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng dầu, nhân công thu hoạch tăng mạnh nhưng giá lúa lại đang có chiều hướng đi xuống.

Giá gạo thế giới tăng, nhưng lúa trong nước giảm

Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo trên thị trường thế giới ngày 20/3 tiếp tục có sự điều chỉnh tăng. Gạo 5% tấm của Việt Nam đang đứng ở mức 423 USD/tấn, tăng 5 USD/tấn so với 5 ngày trước đó, cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 18 USD/tấn.

E6F93E80-F386-4FD2-B94E-8826BB01A88F

Thu hoạch lúa bằng máy tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Văn Công

Gạo 25% tấm, 100 % tấm Việt Nam tăng nhẹ đang đứng ở mức 395 và 338 USD/tấn. Giá gạo thị trường trong nước đang cũng có sự điều chỉnh tăng nhẹ, dao động từ 13.000 -19.000kg tùy loại.

Thế nhưng giá lúa tại vùng ĐBSCL đang diễn biến trái chiều không những không tăng mà còn giảm từ 50 – 100 đồng/kg trong mấy ngày qua, dao động từ 5.500 – 6.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH SX-TM Phước Thành IV, xuất khẩu gạo trong hơn 2 tháng đầu năm nay rất thuận lợi. Lý do giá gạo xuất khẩu tăng nhưng giá lúa không tăng là do đa số hợp đồng xuất khẩu gạo giao ngay thời điểm này đã được ký kết trước đó với mức giá cũ.

Bên cạnh đó do diễn biến tăng mạnh giá xăng dầu và việc vận chuyển quốc tế bị hạn chế do chiến sự ở Ukraine, giá cước tàu tăng mạnh, do vậy doanh nghiệp xuất khẩu không thể tăng giá mua nguyên liệu, mặc dù giá xuất khẩu có tăng.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long cho biết, với giá lúa các loại dao động từ 5.500-6.000 đồng/kg, lợi nhuận vụ Đông xuân năm nay chỉ từ 10 - 18 triệu đồng/ha giảm gần một nửa so với vụ Đông xuân trước.

Nguyên nhân là do giá vật tư, phân bón tăng rất cao. Cụ thể như, phân DAP (tại đại lý) lên tới 1,33 triệu đồng/bao, tới tay người nông dân là khoảng 1,4 triệu đồng/bao, tăng 3 lần so với cùng kỳ, bên cạnh đó giá xăng dầu phục vụ bơm tưới, giá nhân công thu hoạch cũng tăng cao làm cho lợi nhuận của người trồng lúa giảm mạnh.

Cảnh báo rủi ro rất cao trong vụ lúa tiếp theo

Nga và Ukraine không chỉ chiếm đến hơn 50% nguồn cung dầu hướng dương, 30% lúa mỳ thế giới mà còn có vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng phân bón, vốn là nguyên liệu cần thiết cho nông nghiệp được sản xuất chính từ khí đốt.

Do chiến sự xảy ra giữa hai quốc gia này, hiện tại, Nga đã ngừng xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo an ninh nông nghiệp, trong khi Lithuania và Ukraine đã cấm vận chuyển phân bón từ Belarus qua cảng biển của họ. Tiếp đó ngày 12/3, Ukraine cũng đã chính thức cấm xuất khẩu phân bón ra nước ngoài.

Tổ chức nông lương quốc tế (FAO) đã cảnh báo về một nạn đói toàn cầu có thể diễn ra do chuỗi cung ứng nông nghiệp chịu ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị.

Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022, triển khai vụ Hè Thu, vụ Mùa 2022 khu vực Nam Bộ  diễn ra tại tỉnh Vĩnh Long, đại diện các địa phương cho biết, do giá vật tư đầu vào tăng cao nhưng giá đầu ra không tăng đã đặt người trồng lúa trước “ngã ba đường”, nếu tiếp tục sản xuất vụ tiếp theo thì có lợi nhuận hay không, không trồng lúa thì trồng cây gì, bỏ đất trống thì không quản lý được cỏ dại, ảnh hưởng vụ sản xuất kế tiếp.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, sản xuất lúa ở khu vực ĐBSCL đang đối mặt với các khó khăn như: chiến sự tại Ukraine, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng chuỗi cung ứng vật tư và tiêu thụ nông sản; giá xăng dầu, vật tư nông nghiệp, nhất là phân bón tăng cao; diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn phức tạp.

“Chi phí phân bón, thuốc bảo vệt thực vật chiếm khoảng 40% tổng chi phí sản xuất lúa. Chi phí này còn thay đổi tùy vào vụ mùa sản xuất và điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, đất đai của từng địa phương. Khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao sẽ làm giá thành sản xuất tăng. Trong khi đó, giá xuất khẩu gạo thì bất định, tùy thuộc vào giá của thị trường, đây là yếu tố rủi ro cho nông dân trồng lúa trong vụ sản xuất tiếp theo”, ông Tùng phân tích.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho biết hiện công suất sản xuất phân bón đã đáp ứng phần lớn cho sản xuất trong nước, Bộ cũng đã có chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón hạn chế xuất khẩu trong thời gian này để ưu tiên phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Tuy nhiên, thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn như: dịch COVID-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, cộng thêm chiến sự ở Ukraine đã tác động đến cả đầu vào lẫn đầu ra của sản xuất.

“Các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo sản xuất quyết liệt nhưng phải linh hoạt cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Để giảm giá thành sản xuất, cần nhân rộng nhiều mô hình canh tác như mô hình cánh đồng lớn, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái, sử dụng phân bón hữu cơ.

Hiện nay năng suất lúa đã đạt rất cao, dư địa tăng năng suất không còn, vì vậy để nâng cao thu nhập thì cần tập trung vào giảm giá thành, nâng cao chất lượng, đa dạng sản phẩm, nối dài chuỗi sản xuất ngành hàng”, Thứ trưởng Doanh nhấn mạnh.

Vụ Đông xuân 2021-2022, toàn vùng Nam Bộ xuống giống hơn 1,57 triệu ha (hiện đã thu hoạch gần 50%), giảm hơn 18.000ha; năng suất gần 72 tạ/ha, tăng 0,28 tạ/ha; sản lượng ước đạt hơn 11,3 triệu tấn, giảm 87.000 tấn so với vụ Đông xuân trước.

Trong đó, vùng ĐBSCL xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 15.000 ha; năng suất ước đạt 72,5 tạ/ha, tăng 0,22 tạ/ha; sản lượng ước đạt 11 triệu tấn, giảm 75.000 tấn.

Nguồn: Báo cáo của Cục Trồng trọt -Bộ NN&PTNT

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ