Hội nghị ASEAN-OECD: Cắt giảm gánh nặng để tạo quy định tốt hơn

Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổng lãnh sự quán Anh tại Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN-OECD lần thứ 6.
PV
11, Tháng 08, 2020 | 19:41

Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và Tổng lãnh sự quán Anh tại Việt Nam vừa tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến Mạng lưới Thực hành quy định tốt ASEAN-OECD lần thứ 6.

toan canh

Hội nghị ASEAN-OCED do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì.  Ảnh: chinhphu.vn

Theo báo Chính phủ, hoạt động này là nằm trong khuôn khổ năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Hội nghị ASEAN-OCED do Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chủ trì.

Hội nghị sẽ có sự tham dự của đại diện chính phủ các quốc gia thành viên ASEAN, OECD, các nhà ngoại giao, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp. 

OECD là tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong các chính sách phát triển. OECD hiện có 34 thành viên, gồm các nước: Anh, Áo, Ba Lan, Bỉ, Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Đức, Estonia, Hà Lan, Hungaria, Hy Lạp, Iceland, Ireland,  Luxembourg, Pháp, Phần Lan, CH Czech, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Na Uy, Italy, Canada, Mỹ, Mexico, Chile, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, New Zealand, Australia.

Trước đại dịch COVID-19, chính phủ các quốc gia Đông Nam Á đã tập trung giải quyết gánh nặng hành chính như một biện pháp để thúc đẩy đầu tư, thương mại và tăng trưởng. Tuy nhiên, các giải pháp đã được đưa ra chủ yếu tập trung vào việc cắt giảm các thủ tục hành chính phức tạp, quan liêu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Đại dịch COVID-19 đã đặt ra vấn đề làm thế nào để cơ chế, chính sách, quy định hành chính nặng nề không còn là rào cản đối với nỗ lực của chính phủ.

Phiên họp lần thứ nhất của hội nghị ASEAN-OECD GRPN lần thứ 6 với chủ đề "Cắt giảm gánh nặng để tạo quy định tốt hơn" sẽ là cơ hội để các quốc gia Đông Nam Á tìm hiểu về các quan điểm cắt giảm gánh nặng, hướng tới các quy định tốt hơn cũng như thảo luận để tìm ra các giải pháp cải thiện cơ chế, chính sách, quy định hành chính, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội vừa chống dịch, bảo vệ xã hội.

Chủ trì hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nêu rõ, mặc dù đại dịch COVID-19 có những diễn biến phức tạp trên cả thế giới và Việt Nam, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị sự đoàn kết đồng lòng của người dân trong cả nước, Việt Nam quyết tâm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh và khôi phục duy trì tăng trưởng kinh tế.

Ông Dũng nhấn mạnh, Việt Nam đã chú trọng các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, kích cầu tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đảm bảo an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội, phấn đấu đạt tăng trưởng dương, lạm phát dưới 4 %. 

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, từ đầu năm 2020 tới nay, chính phủ tiếp tục cắt giảm 239 điều kiện kinh doanh, nâng tổng số điều kiện kinh doanh được cắt giảm từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ Khóa XIV đến nay là 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh; cắt giảm 6.776/9.926 danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành và 30/120 thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành.

Tới đây, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử phù hợp chuẩn mực quốc tế và cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu, bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm.

Ngoài ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Việt Nam cam kết sẽ nỗ lực cùng phối hợp với các tổ chức trên toàn cầu, để giải quyết các vấn đề quốc tế.

Tại hội nghị, Phó Tổng Thư ký OECD Jeffrey Schlagenhauf cũng cam kết, OECD sẽ phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các  thành viên ASEAN để thực hiện các chương trình liên quan hội nghị. Đây là chương trình hợp tác hiệu quả để cải cách quy định cải cách thủ tục hành chính để tạo môi trường thuận lợi hơn.

Cuộc khủng hoảng COVID-19 đang diễn ra trên thế giới ảnh hưởng tiêu cực sự phát triển kinh tế-xã hội; dự báo tăng trưởng kinh tế của toàn cầu giảm 6% nếu làn sóng thứ 2 bùng phát mạnh mẽ và đến năm 2021, những hậu quả của đại dịch COVID-19 sẽ vượt xa các đại dịch từ trước đến nay trong lịch sử nhân loại, do đó thế giới phải hợp tác chặt chẽ đối phó đại dịch này.

Trong khi đó, các DN vừa và nhỏ của ASEAN được đánh giá là sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch. Do đó, OECD và ASEAN cần hợp tác để hỗ trợ các DN này, các hộ kinh doanh gia đình.

Trong hội nghị ASEAN-OECD, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Anh và Bắc Ailen tại Việt Nam, ông Gareth Ward tuyên bố, Vương Quốc Anh đang hướng đến một hiệp định thương mại tự do với Việt Nam trong tương lai. 

"Đây là một thời điểm rất quan trọng, cá nhân tôi rất ấn tượng với những gì mà chúng tôi đã chứng kiến tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã ứng phó rất tốt trong bối cảnh mới và đồng thời cũng đã đưa ra các giải pháp, cách thức mới để giải quyết những thách thức lớn hiện nay, đặc biệt trong khuôn khổ hợp tác giữa OECD và ASEAN về tăng cường các quy định tốt", ông Ward phát biểu.

Đại sứ Gareth Ward cũng nhấn mạnh, nước Anh thực sự cảm kích khi công dân mắc COVID-19 của họ đã được Việt Nam tận tình chữa khỏi và sớm trở về nước an toàn. 

Cũng tại hội nghị, các đại biểu đến từ các quốc gia thành viên đã cùng nhau chia sẻ về những điều chỉnh quy định để ứng phó với đại dịch COVID-19; Quản lý và thực thi quy định bằng công nghệ số để ứng phó với đại dịch; Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua COVID-19 mà vẫn đảm bảo chống dịch và bảo vệ xã hội.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ