Hiệp hội lương thực kiến nghị nới room tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Nhàđầutư
Với dự báo giá gạo sẽ tăng cao trong thời gian tới do các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã có kiến nghị Chính phủ tăng tín dụng cho ngành lúa gạo nhằm thu mua, tồn trữ chuẩn bị nguồn cung để phục vụ thị trường.
AN HÒA
23, Tháng 09, 2022 | 10:11

Nhàđầutư
Với dự báo giá gạo sẽ tăng cao trong thời gian tới do các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ hạn chế xuất khẩu, Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) đã có kiến nghị Chính phủ tăng tín dụng cho ngành lúa gạo nhằm thu mua, tồn trữ chuẩn bị nguồn cung để phục vụ thị trường.

xk gao ngay 23-9

Dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ tăng trong những tháng cuối năm. Ảnh TL

Dự báo giá gạo sẽ tăng vào thời điểm cuối năm

Trao đổi với Nhadautu.vn, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA nhận định, nhờ Việt Nam có chính sách đúng, kịp thời về phòng chống dịch COVID-19, sản xuất đã phục hồi nhanh sau dịch. Cùng với đó là sự mở cửa trở lại của các thị trường nhập khẩu. Tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine cũng làm nhiều quốc gia nhập khẩu gạo nhiều hơn thay cho nguồn cung lúa mì bị đứt gãy.

Với nhu cầu từ thị trường tăng, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã khởi sắc ngay từ đầu năm và duy trì suốt cho đến thời điểm này. Đặc biệt mới đây với động thái, Ấn Độ-quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu (chiếm 40% sản lượng gạo thương mại toàn cầu) đã ban hành quyết định cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% đối với các mặt hàng gạo khác đã tác động rất lớn đến thị trường.

Cùng với đó, Thái Lan-quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ hai cũng đã có chính sách chi 4 tỷ USD (lớn hơn kim ngạch xuất khẩu gạo cả năm của Việt Nam) để trợ giá cho nông dân trồng lúa và hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp cho các doanh nghiệp ngành gạo thu mua, tồn trữ nhằm chờ thời điểm thích hợp mới đưa ra thị trường.

Theo ông Nam, với động thái có tính chất "găm hàng" của hai ông lớn trong xuất khẩu gạo, dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ có sự điều chỉnh tăng trong những tháng cuối năm.

"Đối với ngành lúa, gạo trong nước, hiện nay lúa trên đồng không còn nhiều nhưng giá bán lúa vẫn không tăng, đây là điều bất hợp lý khi mà nhu cầu của thị trường, giá gạo xuất khẩu tăng. Nguyên nhân của tình trạng này là do hiện nay nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã có sự dự trữ nguồn hàng đủ để đáp ứng cho đơn hàng cuối năm, nguồn vốn dành cho mua tạm trữ đã hết nên mặc dù dự báo giá gạo sẽ tăng nhưng không còn nguồn vốn để thu mua lúa tạm trữ.

Do đó, để các doanh nghiệp ngành gạo có khả năng tiếp tục thu mua lúa tạm trữ, VFA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ cho phép tăng thêm tín dụng với lãi suất ưu đãi cho ngành lúa gạo để doanh nghiệp có thêm nguồn lực, tăng thu mua tạm trữ, góp phần thúc đẩy tăng giá lúa cho bà con nông dân", Chủ tịch VFA đề xuất.

Liên quan đến việc Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo, Ngày 21/9, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn 6263/VPCP-KTTH, truyền đạt ý kiến Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương, Tài chính nghiên cứu theo dõi, bám sát tình hình thị trường để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân; kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của các bộ.

xk gao 23-9-2022

Giá gạo xuất khẩu tăng nhưng giá bán lúa giảm là một bất hợp lý hiện nay. Ảnh TA

Xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt trên 3,2 tỷ USD

Theo Chủ tịch VFA-Nguyễn Ngọc Nam, 8 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu gạo đạt gần 4,8 triệu tấn, mang về kim ngạch gần 2,4 tỷ USD, tăng gần 21% về lượng và gần 10% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt gần 500 USD/tấn, giảm hơn gần 50 USD/tấn so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, Philippines tiếp tục là thị trường số 1 và chiếm tỷ trọng 50% sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam trong 8 tháng qua. Cụ thể Philippines đã nhập khẩu 2,4 triệu tấn gạo Việt Nam, với giá trị hơn 1 tỷ USD, tăng hơn 47% so với cùng kỳ 2021.

Theo ông Nam, Philippines là thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Trước đây, khi thực hiện hiệp định thương mại gạo với Việt Nam, Philippines thường mua gạo trắng thường 15-25% tấm. Nhưng sau khi nước này mở cửa cho nhập khẩu tự do thì thương nhân của họ tập trung vào phân khúc gạo thơm, chất lượng cao, đây cũng là lợi thế của Việt Nam vì hiện không có nước xuất khẩu gạo nào thay thế được, với các giống như Đài Thơm 8, OM5451, OM18…

"Vì tính quan trọng của thị trường Philippines và lượng gạo họ nhập khẩu chiếm gần 50% gạo xuất khẩu của Việt Nam, nên Hiệp hội cùng Bộ Công Thương cũng vừa tổ chức hội nghị gạo tại Philippines và họ đặc biệt quan tâm đến gạo Việt Nam. Sau khi Ấn Độ áp thuế xuất khẩu gạo trắng và cấm xuất khẩu gạo tấm, Philippines lo ngại nguồn cung toàn cầu bị ảnh hưởng, trong khi họ không thể ngừng nhập khẩu gạo. Nhu cầu sắp tới đối với gạo thơm như Đài Thơm 8, OM5451, OM18 vẫn là chủng loại được ưa chuộng tại Philippines" - Chủ tịch VFA nhận định.

Thị trường lớn thứ hai là Trung Quốc, 8 tháng đầu năm nay Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc hơn 520.000 tấn gạo, giá trị gần 270 triệu USD, giảm 29% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 10% sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam. Thị trường này có sự thay đổi trong cơ cấu gạo nhập khẩu, tập trung nhập gạo nếp và gạo ST từ Việt Nam. Hiện tại nhu cầu gạo nếp của Trung Quốc lớn nhưng Việt Nam không đủ nguồn cung.

Thị trường Ghana, Bờ Biển Ngà chiếm tỷ trọng nhập khẩu trên 18% gạo xuất khẩu của Việt Nam với chủng loại gạo thơm như Đài thơm 8, OM5451.

"Mặc dù dự báo xuất khẩu gạo trong những tháng cuối năm và năm 2023 không thay đổi nhiều. Tuy vậy, doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn cần theo dõi thông tin biến động của thị trường tại Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ… để có chiến lược phù hợp", ông Nam lưu ý.

Theo VFA, xuất khẩu gạo năm 2022 của Việt Nam nhiều khả năng đạt khoảng 6,3 - 6,5 triệu tấn, cao hơn 100.000 - 200.000 tấn so với năm 2021; kim ngạch xuất khẩu gạo có thể đạt trên 3,2 tỷ USD.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ