[Gặp gỡ thứ Tư] 'Thủy sản Việt Nam có thể tận dụng lợi thế rất lớn từ EVFTA'

Nhàđầutư
Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), khi EVFTA đi vào thực hiện, sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt là ưu đãi về xuất xứ nguồn gốc đối với mặt hàng thủy sản chế biến có xuất xứ Việt Nam.
PHƯƠNG LINH
08, Tháng 07, 2020 | 06:30

Nhàđầutư
Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), khi EVFTA đi vào thực hiện, sản phẩm thủy sản Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt là ưu đãi về xuất xứ nguồn gốc đối với mặt hàng thủy sản chế biến có xuất xứ Việt Nam.

Hiệp định EVFTA đã được phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Với hiệp định này, nông nghiệp được kỳ vọng sẽ là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất khi có thể mở rộng thị trường xuất khẩu (XK) sang các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU).

Theo nhận định của các chuyên gia, Việt Nam tiếp tục bước vào giai đoạn hội nhập mới, toàn diện và sâu sắc hơn với sự tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Đặc biệt, trong bối cảnh hậu COVID-19, đây cũng là cơ hội lớn cho ngành Nông nghiệp Việt Nam bứt phá, đẩy mạnh tăng trưởng. EVFTA sẽ là đòn bẩy tăng trưởng kinh tế và mở rộng sự thâm nhập của nông sản Việt Nam vào thị trường 18.000 tỷ USD.

Bên cạnh đó, thủy sản cũng là mặt hàng Việt Nam có nhiều lợi thế khi EVFTA được thực thi. Chỉ tính riêng mặt hàng tôm, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất, chiếm tỷ trọng trên 20% trong tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Về lợi thế cạnh tranh thuế nhập khẩu vào EU so với các nước sản xuất khác, tôm sú được giảm từ mức thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP) 4,2% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm, trong khi Thái Lan không được hưởng GSP, không ký hiệp định thương mại tự do (FTA) - bị mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA chịu thuế GSP 4,2%...

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, XK tôm Việt Nam sang EU năm 2019 sụt giảm so với năm 2018. Tuy nhiên, hiệp định EVFTA có hiệu lực có thể tạo kỳ vọng cho tăng XK tôm Việt Nam sang thị trường này trong năm 2020.

unnamed (7)

Ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT)

Để tìm hiểu rõ hơn về triển vọng và thách thức của ngành thủy sản Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hòa - Phó cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) xung quanh vấn đề này.

Hiệp định EVFTA vừa được Quốc hội thông qua, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường EU sẽ có triển vọng như thế nào, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hòa: Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ được đi vào thực hiện từ ngày 1/8. Theo như các cam kết về giảm thuế đối với các mặt hàng thủy sản, EU sẽ cắt giảm 86,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào EU trong vòng 3 năm; 90,3% trong vòng 5 năm và 100% trong vòng 7 năm.

Do đó, sau 7 năm thực thi hiệp định, tất cả các mặt hàng thủy sản Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế là 0%.

Tuy nhiên, khi Hiệp định đi vào thực hiện thì 212 mã hàng sản phẩm thủy sản được gảm thuế về 0%, ngoại trừ 2 sản phẩm là cá ngừ và cá viên vẫn áp dụng hạn ngạch thuế quan. Tức là, đối với cá ngừ sẽ được miễn thuế trong phạm vi 11.500 tấn và cá viên sẽ được miễn thuế trong phạm vi 500 tấn, ngoài phạm vi đó thì sẽ áp thuế nhập khẩu bình thường.

Việt Nam là nước đầu tiên ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký Hiệp định FTA với EU. Nên bên cạnh đó, sản phẩm thủy sản Việt Nam còn được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt là ưu đãi về xuất xứ nguồn gốc đối với mặt hàng thủy sản chế biến có xuất xứ Việt Nam. Do vậy, Việt Nam có thể tận dụng ưu đãi này để thu mua các nguồn thủy sản từ các nước ASEAN khác về chế biến sâu để xuất khẩu sang EU.

Có thể thấy, thủy sản của Việt Nam đã có những ưu đãi khi EVFTA đi vào thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải đảm bảo các yêu cầu của EU, đặc biệt là vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) đối với các mặt hàng thủy sản.

EU đã và đang là thị trường XK thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, vậy khi EVFTA có hiệu lực, ngành thủy sản sẽ đứng trước cơ hội và thách thức gì?

Ông Lê Thanh Hòa: Trên thực tế, EU vẫn là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn của Việt Nam. Bên cạnh các thị trường lớn khác là Nhật Bản hay Hoa Kỳ. Nhưng ngành thủy sản Việt Nam đã chọn EU là thị trường chính. Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống quản lý ATTP đối với sản phẩm thủy sản theo EU, cũng như đáp ứng các nhu cầu cao về mặt kỹ thuật và đã triển khai thực hiện trong vòng 20 năm vừa qua và về cơ bản chúng ta đã đáp ứng được các yêu cầu cao về mặt kỹ thuật của EU.

Chúng ta cũng đã có cơ chế trao đổi danh sách các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản giữa Việt Nam và EU để tạo thuận lợi cho DN trong việc xuất khẩu. Chúng ta cũng đã xây dựng rất nhiều chương trình giám sát về ATTP đối với các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU.

Chẳng hạn, chương trình giám sát về ATTP đối với nhuyễn thể 2 mảnh vỏ xuất khẩu EU, tất cả chương trình đó chúng ta vẫn đang tiến hành triển khai. Cũng như nâng cấp hệ thống các cơ quan kiểm nghiệm về ATTP trong hệ thống Cục Quản lý chất lượng nông sản và thủy sản để đảm bảo đáp ứng yêu cầu, công nhận của EU trong việc kiểm tra, giám sát ATTP các sản phẩm thủy sản xuất khẩu EU.

Đối với thách thức, một trong những thách thức ở đây, tôi nghĩ rằng việc chúng ta giám sát toàn bộ chuỗi, quy trình đối với các nguồn nguyên liệu, thực tế chúng ta vẫn chưa làm tốt. Vào thị trường EU chúng ta phải xác định rõ, đối với từng sản phẩm EU yêu cầu chúng ta phải có quy trình giám sát từ nguồn nguyên liệu đầu vào, đến quá trình chế biến và đến sản phẩm cuối cùng khi vận chuyển xuất khẩu, EU đều có yêu cầu rất cao.

Đơn cử, đối với sản phẩm thủy sản, EU đã có quy định rất rõ về khai thác thủy sản bền vững, đánh bắt tự nhiên. Do vậy, khi thực thi EVFTA chúng ta chưa tận dụng được lợi thế do hiện tại EU áp thẻ vàng đối với thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, trong tương lai, chúng ta giải quyết vấn đề này thì sẽ tận dụng hết cơ hội mà EVFTA mang lại.

Đối với thủy sản nuôi trồng, cơ bản chúng ta đáp ứng được các quy định của EU. Tuy nhiên, EU là thị trường rất khó tính và các yêu cầu của EU rất cao về mặt xã hội cũng như phát triển bền vững và đặc biệt, EVFTA là hiệp định có cam kết rất cao.

Trước kia khi đàm phán về hàng hóa dịch vụ, chúng ta không đàm phán nhiều về vấn đề phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, vấn đề xã hội hay lao động. Tuy nhiên, trong hiệp định EVFTA này, các nội dung trên được lồng ghép vào thương mại hàng hóa. Do đó, chúng ta phải đảm bảo hàng hóa của Việt Nam trong tương lai phải đáp ứng được những quy định của EU liên quan đến các nội dung này.

Tất cả những yêu cầu đó, EU sẽ áp dụng rất chặt chẽ trong tương lai và nhất là khi xuất khẩu sang EU, những tiêu chuẩn chứng nhận tư nhân tự nguyện. Chẳng hạn, chứng nhận thủy sản phát triển bền vững (ASC), cũng sẽ là một hướng đi mà chúng ta phải nghĩ tới trong tương lai đối với ngành thủy sản nuôi trồng.

Theo ông, để tận dụng được lợi thế từ EVFTA, các DN thủy sản Việt Nam cần phải làm gì?

Ông Lê Thanh Hòa: Trước mắt, yêu cầu hàng đầu của EU là ATTP, chúng ta phải đảm bảo các sản phẩm thủy sản xuất khẩu sang EU không vi phạm các quy định của EU về ô nhiễm vi sinh vật, ô nhiễm các độc tố tự nhiên, các hóa chất kháng sinh không được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản hay bảo quản thủy sản, đây là những yêu cầu tiên quyết.

Thêm vào đó là trong quá trình bảo quản phải đảm bảo quy cách hàng hóa, đảm bảo nhiệt độ bảo quản khi hàng hóa cập cảng EU. Chúng ta đã có rất nhiều lần bị EU cảnh báo đối với nhiệt độ bảo quản hay quy cách bao bì không đảm bảo các yêu cầu của EU.

Vấn đề thẻ vàng EU đối với thủy sản Việt Nam đang được gỡ bỏ ra sao, thưa ông?

Ông Lê Thanh Hòa: Theo tôi biết, Bộ NN&PTNT đã có rất nhiều các thay đổi về pháp lý cũng như trong hệ thống quản lý để giám sát việc khai thác thủy sản tự nhiên. Đặc biệt, trong vấn đề đánh bắt trên biển cũng như các qui định về đánh bắt không khai báo, bất hợp pháp và trái qui định.

Hiện tại, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo rất sát sao việc này, Hoàn thiện cả về pháp lý và kỹ thuật, tuy nhiên theo đánh giá của EU trong đợt kiểm tra vừa rồi chúng ta vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản EU đề ra. Do đó, EU vẫn chưa gỡ thẻ vàng. Tuy nhiên trong thời gian tới với sự vào cuộc của Bộ NN&PTNT và các ban ngành địa phương, tôi nghĩ rằng vấn đề này chúng ta sẽ làm tốt hơn và sớm muộn EU cũng sẽ gỡ bỏ thẻ vàng cho thủy sản Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ