[Gặp gỡ thứ Tư] Phá sản doanh nghiệp vẫn là 'chiếc bánh vẽ' với trái chủ

Nhàđầutư
Luật sư Phạm Văn Phất cho rằng, thực tế phá sản doanh nghiệp vẫn là một "chiếc bánh vẽ", chờ giải quyết thủ tục phá sản còn khó khăn hơn tình trạng hiện nay là trái chủ có thể đàm phán gia hạn với nhà phát hành.
N.THOAN
22, Tháng 03, 2023 | 07:59

Nhàđầutư
Luật sư Phạm Văn Phất cho rằng, thực tế phá sản doanh nghiệp vẫn là một "chiếc bánh vẽ", chờ giải quyết thủ tục phá sản còn khó khăn hơn tình trạng hiện nay là trái chủ có thể đàm phán gia hạn với nhà phát hành.

Sau nửa tháng Nghị định 08 sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định trước đó quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ được ban hành, đã bắt đầu có doanh nghiệp đạt được thảo thuận nới kỳ hạn với lô trái phiếu bất động sản tới hạn nhưng doanh nghiệp không có khả năng thanh toán.

Cụ thể, ngày 18/3, trái chủ lô trái phiếu H79CH2123002 trị giá 400 tỷ đồng của CTCP Hưng Thịnh Land đã thống nhất kéo dài kỳ hạn từ 2 năm (24 tháng) lên 30 tháng (kéo dài thêm 6 tháng). Ngày đáo hạn trái phiếu chuyển sang 19/9/2023. Hội nghị trái chủ thống nhất phương án mua lại trước hạn ngay khi có thể, nhưng không muộn hơn ngày đáo hạn theo tiến độ. Đồng thời, Trái chủ không cần thực hiện thêm bất kỳ thủ tục pháp lý nào khác.

Tương tự, đối với lô trái phiếu HTLAND.2020.TV01 trị giá 500 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 20/3, trái chủ đã đồng ý điều chỉnh kỳ hạn từ 3 năm lên 43 tháng. Ngày đáo hạn mới là 20/10/2023. Thời gian nới kỳ hạn là 7 tháng.

Đây là tín hiệu lạc quan đầu tiên cho thấy Nghị định 08 đã bắt đầu đi vào thực tiễn. Song song với câu chuyện trên là việc Novaland đang xin thanh toán lô trái phiếu 1.500 tỷ đồng bằng bất động sản. 

Cụ thể, Tập đoàn Novaland công bố thông tin về việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản và điều kiện của trái phiếu mã NVLH222006. Novaland đưa ra hai phương án thay đổi việc thanh toán gốc lãi đối với lô trái phiếu trên. Một là tiền gốc trái phiếu sẽ được công ty thanh toán chậm nhất vào ngày tròn 24 tháng kể từ ngày đáo hạn trái phiếu; Hai là Novaland sẽ thanh toán trái phiếu bằng tài sản (sản phẩm bất động sản, quyền tài sản liên quan đến sản phẩm bất động sản) thuộc một dự án do công ty con của Novaland làm chủ đầu tư.

Trụ cột chính mà Nghị định 08 hướng tới là cho phép kéo dài thời hạn của trái phiếu thêm tối đa 2 năm và có thể đàm phán với trái chủ để thanh toán bằng những tài sản khác. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng cả 2 phương án trên đều phải dựa trên tinh thần "đạt được sự đồng thuận của trái chủ và nhà phát hành". Điều này dẫn tới cách đặt vấn đề rất phổ biến sau khi Nghị định 08 được ban hành là: "Nếu không đạt được sự đồng thuận giữa trái chủ và nhà phát hành?"; "Nếu trái chủ chỉ yêu cầu nhà phát hành thực hiện cam kết trong hợp đồng là thanh toán lãi và gốc bằng tiền đúng hạn?"; "Nếu doanh nghiệp phá sản...?".

Để phần nào giải đáp các câu hỏi trên, Nhadautu.vn đã có cuộc trò chuyện với luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng văn phòng luật sư An Phát Phạm - người có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư cá nhân.

IMG_20230322_112308

Luật sư Phạm Văn Phất

Xin ông cho một vài nhận định về nội dung của Nghị định 08 và trong trường hợp không thể đạt được thoả thuận khác giữa trái chủ và nhà phát hành, liệu nhà đầu tư có thể lấy lại tiền đã bỏ ra mua trái phiếu?

Luật sư Phạm Văn Phất: Về cơ bản Nghị định 08 gần như không giải quyết được những vấn đề mà phía trái chủ đang gặp phải là "không đòi được tiền" mà chỉ cung cấp thêm cho doanh nghiệp công cụ để đàm phán với các trái chủ khi không trả được nợ đến hạn. Cần nhấn mạnh rằng, Nghị định 08 chỉ thực thi được khi trái chủ và nhà phát hành đi đến được thoả thuận với nhau.

Xét về góc độ tư vấn cho khách hàng, tôi cho rằng, trong trường hợp này, đây là giao dịch phát sinh từ hợp đồng dân sự, quyền lợi là theo hợp đồng nhưng ở đây lại nảy sinh "câu chuyện muôn thuở" của các hợp đồng kinh tế là khả năng thanh toán (với bản án là điều kiện thi hành án) của doanh nghiệp. Đây mới là điểm mấu chốt. Khi doanh nghiệp đã không có điều kiện thi hành án thì chẳng có nghị định nào "cứu được" và thực ra cũng chưa nghĩ ra cách nào khả dĩ để nhà đầu tư lấy lại được tiền.

Về cơ bản, rất nhiều các trái phiếu đã "sai" ngay từ điều kiện phát hành khi không có bảo lãnh, đi vay mà không có tài sản bảo đảm, một số còn không đủ điều kiện phát hành, sau đó là sử dụng vốn không đúng mục đích dẫn tới khả năng thanh toán, chỉ trả là không có.

Về giải quyết hậu quả, ở thời điểm hiện tại, cơ quan quản lý cũng chỉ là bên thứ 3, không thể đứng ra giải quyết hậu quả và cũng sẽ không có thông tư, nghị định nào lấy lại được tiền cho nhà đầu tư.

Chúng ta có thể hình dung đơn giản, một người đi vay một người khác, theo quy định là phải trả cả lãi, gốc theo thoả thuận nhưng vấn đề là người đi vay không có điều kiện thi hành án thì bàn chuyện lấy lại tiền là rất khó. Ngay cả khi tìm được một giải pháp để lấy được tiền cho người cho vay cũng chỉ là giải pháp tình thế, chuyển rủi ro từ người này qua người khác. Ví như ngân hàng cho doanh nghiệp vay để trả nợ thì khi đáo hạn nợ, ngân hàng cũng lại gánh nợ thay cho doanh nghiệp mà thôi. Theo đó, căn cơ của câu chuyện vẫn là kiểm soát điều kiện phát hành, đó mới là gốc để nhà phát hành có khả năng, năng lực trả nợ.

Bàn tới câu chuyện "lấy lại tiền cho nhà đầu tư, các trái chủ" có một phương án gần đây được nhắc tới là "phá sản doanh nghiệp" để có thể thanh lý tài sản, trả lại tiền cho nhà đầu tư. Với thực tiễn bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư, đặc biệt với nhà đầu tư nhỏ lẻ, theo ông đây có phải là giải pháp nên được tính tới?

Luật sư Phạm Văn Phất: Phá sản đúng là một phương án khi không thể đạt được sự đồng thuận giữa trái chủ và nhà phát hành để hoán đổi nợ. Theo quy định tại Luật Phá sản, chủ nợ có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Tuy nhiên, trên thực tế phá sản chỉ như một "chiếc bánh vẽ". Luật Phá sản đã hiệu lực nhiếu năm nhưng các vụ án cơ bản là "đắp chiếu" để đấy. Để mở thủ tục phá sản thì khá đơn giản, chỉ cần một doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất thanh khoản là có thể yêu cầu phá sản được nhưng bất cập là "mở" ra nhưng lại chẳng thể "gói" lại được. Nhiều vụ án chưa biết tới khi nào doanh nghiệp mới có thể phá sản. Và kể cả có làm thủ tục phá sản đúng trình tự thì một vụ án cũng kéo dài tới 5-10 năm, chẳng khác nào là chuyển từ "kiểu chết" này sang "kiểu chết" khác.

Về cơ bản, đến nay khi xử lý một vụ việc về phá sản doanh nghiệp vẫn theo lối tư duy giống như phá sản một ngân hàng, lo ngại hậu quả là sụp đổ cả hệ thống, hệ luỵ xã hội và hiệu ứng Domino. Đặt ra vấn đề phá sản là đặt trong bối cảnh vĩ mô, không đơn giản chỉ là bảo vệ quyền lợi cho 1 bên trong hợp đồng dân sự hay thương mại.

Vậy theo ông, trong bối cảnh hiện tại trái chủ cần đồng hành cùng doanh nghiệp để giải quyết các hậu quả trên thị trường?

Luật sư Phạm Văn Phất: Đúng là đặt ra vấn đề giải quyết hậu quả của các trái phiếu đến hạn không trả được nợ hiện nay như thế nào là không hề đơn giản. Có thể thấy, một phần hậu quả thị trường hôm nay là do cách thức tổ chức giao dịch, quản lý nói chung đã bị buông lỏng. Tuy nhiên, cũng qua đây mà nhà đầu tư thấy rằng, không phải cái gì được quản lý cũng là an toàn tuyệt đối và cần học cách kiểm soát rủi ro trong đầu tư. Không thể cứ thấy trái phiếu lãi suất cao là bỏ tiền vào. Khi được thì hầu hết là giống nhau (đầu tư có lãi) nhưng khi mất thì muôn hình vạn trạng.

Đến thời điểm hiện tại có thể xác định doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ nợ, dù lớn dù nhỏ cũng có những sai phạm. Nhà đầu tư có quyền kiện doanh nghiệp ra toà để yêu cầu phá sản. Tuy nhiên, phá sản cũng chỉ là giải pháp tình thế. Chờ phá sản còn khó khăn hơn so với thực trạng hiện nay là đàm phán song phương, làm việc trực tiếp giữa doanh nghiệp và trái chủ. 

Xin cảm ơn ông!

TS. Nguyễn Đức Kiên cho rằng, khi trái chủ mua trái phiếu là đã thực hiện đúng hợp đồng kinh tế, đã giao kết, đưa đủ tiền cho doanh nghiệp, như vậy là hết trách nhiệm. Đến thời điểm này, trái chủ có quyền yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng nghĩa vụ theo cam kết là thanh toán gốc, lãi, trừ khi đạt được một thoả thuận khác.

Ba nguyên nhân chính dẫn tới hệ quả thị trường ngày hôm nay gồm: Trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan quản lý nhà nước, do buông lỏng quản lý; Thứ hai là doanh nghiệp phát hành quá tham lam nên không thấy và không thực thi trách nhiệm sau khi phát hành trái phiếu, chủ yếu chạy theo lợi nhuận; Thứ ba là nhà đầu tư ít kinh nghiệm và nhỏ lẻ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ