Doanh nghiệp ‘khát’ lao động sau Tết - Bài cuối: Hàng loạt doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng thiếu lao động

Nhàđầutư
Mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong thời kỳ “dân số vàng” và vào cuối năm 2021, vùng này đã đón hàng trăm ngàn lao động hồi hương, nhưng điều kỳ lạ là không biết lao động địa phương đang ở đâu, trong khi hàng loạt doanh nghiệp đang thiếu lao động.
AN HÒA
18, Tháng 02, 2022 | 07:37

Nhàđầutư
Mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trong thời kỳ “dân số vàng” và vào cuối năm 2021, vùng này đã đón hàng trăm ngàn lao động hồi hương, nhưng điều kỳ lạ là không biết lao động địa phương đang ở đâu, trong khi hàng loạt doanh nghiệp đang thiếu lao động.

tuyen LD - PK

Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ đang có nhu cầu tuyển dụng 15.000 lao động. Ảnh: An Hòa

'Đỏ mắt' tìm lao động

Sau thời gian khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, thời điểm sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều doanh nghiệp ở khu vực ĐBSCL đã phục hồi sản xuất, nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh.

Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ (Khu công nghiệp Hưng Phú), doanh nghiệp sử dụng lao động nhiều nhất tại địa phương này đang có nhu cầu tuyển đến 15.000 công nhân với mức lương dao động từ 6-7,7 triệu đồng/người/tháng cùng nhiều chế độ, chính sách phúc lợi như thưởng, tặng quà cho người lao động dịp lễ, Tết...

Theo ông Bùi Công Thành, Trưởng nhóm tuyển dụng Công ty TNHH Taekwang Cần Thơ, để có thể tuyển dụng đủ số lao động như trên, Công ty đã “kích hoạt” tất cả các kênh tuyển dụng, đồng thời gửi văn bản đến Sở LĐ-TB&XH, Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ nhờ hỗ trợ tìm kiếm lao động, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại số lượng lao động được tuyển dụng mới còn rất ít.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, Tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp Cần Thơ đến tháng 1/2022 là 40.972 lao động (40.347 lao động chính thức, 625 lao động thời vụ), tăng 4.474 lao động so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, tổng số lao động của các doanh nghiệp FDI là 18.152 lao động. Tính đến tháng 2/2022 số lao động tại các khu công nghiệp là 41.768 lao động, tương đương với thời điểm trước khi bùng phát dịch COVID-19 tại ĐBSCL năm 2021, nhưng còn thấp hơn nhiều so với thời điểm cuối năm 2020. Hiện nay tình trạng thiếu LĐ đang diễn ra tại hầu hết các doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐ như thủy sản, dệt may, da giày…

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ, từ sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng tăng mạnh, Trung tâm đã kết nối việc làm cho gần 2.000 lao động và hiện còn gần 5.000 vị trí cần tuyển. Nhóm ngành nghề cần tuyển gấp bao gồm lao động có tay nghề và nhóm lao động phổ thông, như sản xuất may mặc, giày da, sản xuất kinh doanh nhựa, sản xuất chế biến thực phẩm với mức lương phổ biến từ 5-13 triệu/người/tháng.

Cũng theo ông Toàn, năm 2022 Trung tâm sẽ tổ chức 82 sự kiện giao dịch việc làm, như tổ chức 48 phiên “Ngày gặp gỡ nhà tuyển dụng” vào thứ hai hàng tuần và 20 điểm tư vấn việc làm, học nghề và kỹ năng; tổ chức 8 ngày hội việc làm và 6 phiên giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL và các tỉnh thành trọng điểm phía Nam.

“Ngoài các sự kiện giao dịch việc làm trên, Trung tâm vẫn duy trì tiếp nhận đăng ký nhu cầu việc cần người và người cần việc trên Website của đơn vị và các nền tảng mạng xã hội như facebook, zalo, nhóm facebook tìm việc làm Cần Thơ và các hội nhóm tìm việc làm khác trên mạng xã hội do Trung tâm dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ quản lý”, ông Toàn cho biết thêm.

thuy san thieu ld

Doanh nghiệp chế biến thủy sản tại ĐBSCL đang thiếu lao động trầm trọng. Ảnh: Cafatex

Khó giữ chân người lao động hồi hương

Theo ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Cafatex, với yêu cầu tăng lao động phục hồi sản xuất sau đại dịch COVID-19, doanh nghiệp đã đăng thông tin tuyển dụng thêm 200 lao động từ hơn 1 tháng nay nhưng chỉ mới tuyển dụng được khoảng 150 người.

Theo ông Kịch, việc thu hút lao động hồi hương vào cuối năm 2021 ở lại làm việc tại địa phương cũng không hề dễ vì đa số lao động này đã quen việc tại nơi làm trước. Hơn nữa, ở vùng công nghiệp phát triển mạnh như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cơ hội việc làm đa dạng hơn, nên khi cả gia đình lên đây thì ai cũng có cơ hội tìm được việc làm, tổng thu nhập hàng tháng của gia đình vì thế có thể cao hơn ở lại quê nhà.

“Hiện nay mức lương lao động làm trong ngành chế biến thủy sản cũng khá cao không thua so với đi Bình Dương. Tuy thu nhập cao hơn các ngành dịch vụ nhưng điều kiện làm việc có thể vất vã hơn các ngành dịch vụ nên nhiều lao động chọn việc nhẹ lương thấp cho nhàn, do đó lao động ở nông thôn vẫn có xu hướng chuyển dịch mạnh ra các đô thị lớn”, ông Kịch phân tích.

Cùng quan điểm đó, theo ông Toàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ, bên cạnh những vị trí việc làm tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Trung tâm còn có các đơn hàng tuyển dụng làm việc ngoài vùng ĐBSCL với mức lương cao, các chính sách, phúc lợi hấp dẫn. Với sự phát triển mạng lưới giao thông đi lại thuận tiện thì thị trường lao động cũng theo đó mà được liên thông, mở rộng, cạnh tranh trong thu hút lao động ngày một tăng hơn. Điều này sẽ có lợi cho người lao động, đồng cũng thời thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng chuyển đổi sản xuất hiệu quả hơn, không trông chờ vào lợi thế “lao động giá rẻ” nữa.

Ông Phan Văn Tâm, Trưởng phòng Tổ chức hành chính - Tập đoàn thủy sản Minh Phú cho biết, hiện nay Nhà máy Minh Phú tại Cà Mau có nhu cầu tuyển dụng 1.000 lao động; Nhà máy Minh Phú Hậu Giang cần tuyển 2.000 lao động nhưng việc tuyển dụng lao động hiện nay rất chậm.

“Tại Cà Mau thì nguồn lao động có khá hơn nhưng ở Hậu Giang do nơi đây tập trung khá nhiều doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nên nguồn lao động bị chia sẻ, rất khó tuyển dụng được số lượng lớn lao động đáp ứng cho sản xuất”, ông Tâm cho biết.

Tương tự như vậy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai Trương Vĩnh Thành cũng cho biết hiện nay nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu của Công ty thành viên Tập đoàn tại cụm công nghiệp Sao Mai (Đồng Tháp) có nhu cầu tuyển dụng thêm nhiều lao động với mức lương, đãi ngộ thuộc tóp cao trong khu vực nhưng cũng chưa tuyển dụng được đủ số lượng đang cần.

cong ngh nuoi tom

'Vua tôm' Minh Phú (thứ hai bên phải) tham khảo công nghệ AI nuôi tôm của Công ty Mỹ Lan (Trà Vinh). Ảnh An Hòa

Thị trường lao động sẽ chuyển dịch theo hướng nào?

Tăng sản lượng nhưng không tăng lao động, đó là giải pháp được các doanh nghiệp lựa chọn hiện nay. Để làm được như vậy thì không phải là giao việc nhiều hơn cho người lao động mà đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuyển đổi số, sử dụng máy móc làm việc thay con người nhiều hơn.

Theo ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, đứng trước khó khăn chi phí lao động ngày càng cao hơn, thuê nhân công ngày càng khó, doanh nghiệp muốn phát triển thì không còn con đường nào khác là phải chuyển đổi số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để giải quyết bài toán sản xuất của doanh nghiệp.

Bước đầu ứng dụng công nghệ trong sản xuất, Minh Phú đã gặt hái được nhiều thành quả. Ví dụ như thông thường phải cần 100 lao động để quản lý 50 ao nuôi tôm, nhưng khi ứng dụng AI thì chỉ cần 1 người là đã có thể quản lý được 50 ao tôm. Hiện nay, Minh Phú có khoảng 2.000 ao tôm, nếu áp dụng Al thì chỉ cần vài mươi lao động là đã quản lý được, tiết kiệm rất nhiều về nhân công so với trước đây.

Hay về công đoạn phân loại tôm, trước đây phải làm thủ công (luộc, ngửi mùi, phân loại dựa vào màu sắc), nhưng khi dùng trí tuệ nhân tạo, máy chỉ cần quét qua con tôm là có thể phân loại được ngay, tiết kiệm rất nhiều nhân công và độ chính xác rất cao.

“Trong tương lai, Minh Phú sẽ cắt giảm 70% nhân công nhưng, nhưng không phải là cho nghỉ việc mà xây dựng thêm nhà máy để bố trí việc làm cho 30% công nhân này. Phương châm của chúng tôi là tăng sản lượng nhưng không tăng công nhân”, ông Quang chia sẻ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25154.00 25454.00
EUR 26614.00 26721.00 27913.00
GBP 31079.00 31267.00 32238.00
HKD 3175.00 3188.00 3293.00
CHF 27119.00 27228.00 28070.00
JPY 158.64 159.28 166.53
AUD 16228.00 16293.00 16792.00
SGD 18282.00 18355.00 18898.00
THB 667.00 670.00 698.00
CAD 18119.00 18192.00 18728.00
NZD   14762.00 15261.00
KRW   17.57 19.19
DKK   3574.00 3706.00
SEK   2277.00 2364.00
NOK   2253.00 2341.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ