Covid-19 thổi bay giấc mơ kinh tế của một thế hệ châu Á

Những người 15 - 24 tuổi tại châu Á đang dần bị bỏ lại phía sau khi bắt đầu sự nghiệp. Phụ nữ và những người nghèo nhất sẽ chịu tác động nặng nhất từ khủng hoảng việc làm giữa đại dịch Covid-19.
ĐỖ HIỀN
11, Tháng 10, 2020 | 07:55

Những người 15 - 24 tuổi tại châu Á đang dần bị bỏ lại phía sau khi bắt đầu sự nghiệp. Phụ nữ và những người nghèo nhất sẽ chịu tác động nặng nhất từ khủng hoảng việc làm giữa đại dịch Covid-19.

Nền kinh tế phát triển nhanh chóng của châu Á trong nhiều thập kỷ đã mang đến cho hàng triệu người trẻ cơ hội việc làm tốt hơn so với cha mẹ họ. Thế nhưng, con đường này đang gặp phải rủi ro khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao ở khu vực khu vực mà đa phần dân số nằm trong nhóm tuổi từ 15 đến 24 tuổi.

Những người trẻ này - ngay ở thời điểm bắt đầu sự nghiệp - đang rơi vào tình trạng mất việc làm với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các thế hệ trước. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do có tới gần một nửa nhóm lao động trẻ tuổi làm việc trong 4 lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19, bao gồm thương mại (bán buôn và bán lẻ), sản xuất, kinh doanh dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống.

Theo báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), phụ nữ trẻ và những người ở bậc thấp nhất của nấc thang việc làm là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, đồng thời cảnh báo về một “thế hệ bị phong tỏa” đang bị bỏ lại phía sau.

Pavisa Ketupanya, 26 tuổi, đến từ Bangkok, Thái Lan cũng nằm trong số này. Cô đã có bằng phi công và dự định theo bước cha, lái máy bay thương mại. Nhưng đại dịch ập đến đã phá tan mọi kế hoạch của cô.

“Khi tôi nhận được bằng trở thành phi công, tôi nghĩ đây sẽ là công việc cả đời với mức thu nhập tốt”, Pavisa chia sẻ. Giờ đây, cô phải dựa vào sở thích của mình - là nối mi - để kiếm sống cho đến khi nền kinh tế cải thiện. “Dù chỉ kiếm được một phần nhỏ so với nghề phi công, nhưng như thế còn hơn là không có tiền”.

Những câu chuyện giống như của Pavisa đang xảy ra trên khắp châu Á.

Theo báo cáo của ADB và ILO, 13 quốc gia trong khu vực châu Á và Thái Bình Dương có thể sẽ phải gánh chịu mức tổn thất 15 triệu việc làm cho thanh thiếu niên trong năm 2020.

800x-139-2681-1602303638

Pavisa Ketupanya từng nghĩ phi công sẽ là công việc cả đời của cô. Ảnh: Bloomberg

Khủng hoảng toàn cầu

Khi tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ tuổi đang trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu, trong những thập kỷ gần đây, châu Á lại đang phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng dân số tương đối trẻ và tầng lớp trung lưu ngày một gia tăng để thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Song giờ đây, động lực tăng trưởng này bị đe dọa. Năm 2019, châu Á - Thái Bình Dương chiếm hơn 2/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng năm nay, các nền kinh tế đang phát triển của khu vực dự kiến chứng kiến mức tăng trưởng âm đầu tiên kể từ thập niên 1960.

Triển vọng đó không mang đến chút lạc quan nào cho Navisha Ali, 17 tuổi sống ở thủ đô New Dehli, Ấn Độ. Suốt 6 tháng qua, cô vẫn không ngừng tìm kiếm một việc làm ổn định. Khi đại dịch bùng phát, cô mất công việc sửa kim cương giả trong một xưởng may quần áo nhỏ. Cách đây 3 năm, Ali buộc phải nghỉ học để giúp đỡ gia đình khi cha cô gặp tai nạn giao thông và bị mất sức lao động hoàn toàn.

Ali kiếm được một khoản tiền khiêm tốn, khoảng 5.500 rupee (75 USD) một tháng. Tất cả dùng để trang trải sinh hoạt phí cho cha mẹ và các em gái. Hiện cả 2 người em của cô – một người 14 và một người 16 tuổi - cũng phải nghỉ học để đi làm.

“Chúng đang học khâu vá, tôi cũng cố gắng hướng dẫn cho chúng công việc trong nhà máy mà tôi từng làm”, Ali cho hay.

'Người nghèo mới'

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), cú sốc Covid-19 đang tạo ra một tầng lớp "người nghèo mới" trên khắp Đông Á và Thái Bình Dương, đẩy thêm khoảng 38 triệu người ​​rơi vào tình cảnh nghèo đói.

Wei-Jun Jean Yeung, giám đốc sáng lập Trung tâm Nghiên cứu Gia đình và Dân số tại Đại học Quốc gia Singapore cảnh báo rằng cuộc khủng hoảng này sẽ làm căng thẳng mối quan hệ giữa người trẻ với các thế hệ lớn tuổi, khiến sức khỏe tinh thần của nhóm dân số này đi xuống và làm cuộc khủng hoảng nghề nghiệp trở nên tồi tệ hơn so với trước đây.

“Lần này tác động sẽ trầm trọng hơn vì nhiều căng thẳng đồng thời diễn ra một lúc. Nó cũng sẽ kéo dài hơn nên hậu quả để lại sẽ tệ rất nhiều”, bà Yeung khẳng định.

Câu chuyên của JM Dimaunahan, 22 tuổi, sống ở Manila, Philippines, là minh chứng cho những tác động của đại dịch lên các hộ gia đình mà bà Yeung cảnh báo. Dimaunahan đang sống dựa vào mức lương hưu ít ỏi của cha mẹ do không xin được việc sau khi tốt nghiệp ngành xã hội học. Thay vì tìm kiếm công việc tiếp thị như mong đợi, anh đang đặt mục tiêu thấp hơn là làm việc ở trung tâm hỗ trợ khách hàng.

“Một số công ty tạm ngưng tuyển dụng do tác động của đại dịch”, Dimaunahan cho biết. “Tôi đang chịu áp lực vì gia đình tôi không có nguồn thu nhập, và chúng tôi cũng không thể chỉ dựa vào lương hưu trí của cha mẹ cho chi tiêu hàng ngày được”.

Những trường hợp như Dimaunahan sẽ không thể thoát khỏi vòng luẩn quẩn nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ hoặc tốc độ cải thiện kinh tế nhanh chóng sau khi dịch bệnh được kiểm soát và thị trường việc làm ổn định trở lại.

800x-1-1-1521-1602303638

JM Dimaunahan đang sống dựa vào mức lương hưu ít ỏi của cha mẹ do không xin được việc sau khi tốt nghiệp ngành xã hội học. Ảnh: Bloomberg

Hy vọng vào tương lai

Một tia hy vọng cho thế hệ trẻ là những lĩnh vực như công nghệ vẫn đang săn lùng nhân tài. Tuy nhiên, các công việc này đều yêu cầu kỹ năng chuyên môn cao.

Winnie Tang, chủ tịch công ty Esri China, một đơn vị thành viên của hãng phần mềm Esri ở bang California, Mỹ, chịu trách nhiệm vận hành bảng điều khiển theo dõi Covid-19 ở Đại học Johns Hopkins, cho biết 30% nhân viên trong cơ quan của cô đều dưới 30 tuổi.

“Ngành công nghệ thông tin đang bùng nổ”, Tang khẳng định. Tuy nhiên, vị trợ giảng tại Đại học Hong Kong này cũng cho rằng sẽ phải mất nhiều năm để khắc phục tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ tuổi. “Lao động trẻ, ngay cả những người tốt nghiệp đại học, sẽ có mức thu nhập ít hơn trong một thập kỷ tới, thậm chí lâu hơn”, cô chia sẻ.

Các công việc không chính thức và không có hợp đồng đang dần trở nên phổ biến, và những báo báo về tỷ lệ thất nghiệp chỉ mới phản ánh được một phần nhỏ những thiệt hại đại dịch đang gây ra.

Ngay cả ở Trung Quốc, nơi nền kinh tế đang phục hồi mạnh nhất, Bắc Kinh cũng cảnh báo rằng tỷ lệ thất nghiệp ở lao động trẻ vẫn ở mức cao. Tại Nhật Bản, các công ty đang cắt giảm tuyển dụng và sinh viên mới tốt nghiệp sẽ mất cơ hội việc làm lâu dài.

Zhu Yue, 24 tuổi vừa hoàn thành chương trình thực tập ở ByteDance (Bắc Kinh) và sẽ quay lại Đại học Waseda, Nhật Bản, để tiếp tục các khóa đào tạo ở lĩnh vực truyền thông và văn hóa quốc tế vào tháng 3 năm sau. Khi Yue nhận tấm bằng đại học ở Bắc Kinh vào năm 2018, nhiều công việc chào đón cô nhưng lần này thì khác.

“Tôi rất lo lắng. Rất khó tìm việc trong năm nay”, Yue bày tỏ.

(Theo NDH/Bloomberg)

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25153.00 25453.00
EUR 26686.00 26793.00 27986.00
GBP 31147.00 31335.00 32307.00
HKD 3181.00 3194.00 3299.00
CHF 27353.00 27463.00 28316.00
JPY 161.71 162.36 169.84
AUD 16377.00 16443.00 16944.00
SGD 18396.00 18470.00 19019.00
THB 671.00 674.00 702.00
CAD 18223.00 18296.00 18836.00
NZD   14893.00 15395.00
KRW   17.76 19.41
DKK   3584.00 3716.00
SEK   2293.00 2381.00
NOK   2266.00 2355.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ