"Dân số Singapore có tuổi thọ được điều chỉnh theo sức khỏe cao nhất trên thế giới. Vì vậy, bất cứ điều gì Singapore làm, họ đều góp phần để tạo ra cuộc sống lâu dài nhất, khỏe mạnh nhất trên hành tinh", Dan Buettner, người đặt ra thuật ngữ “vùng xanh” nói với CNBC Make It.
Vùng xanh là những khu vực địa lý cụ thể ở trên thế giới, nơi mà mọi người sống ở đó được cho là sống lâu hơn mức tuổi thọ trung bình.
Vùng xanh cũng là những nơi có số người sống trên trăm tuổi cao gấp 10 lần so với Hoa Kỳ tính theo bình quân đầu người.
Năm vùng xanh ban đầu được xác định trên thế giới là: Ikaria (Hy Lạp), Okinawa (Nhật Bản), Nicoya (Costa Rica), Sardinia (Ý) và Loma Linda (Hoa Kỳ), nhưng Singapore nằm trong danh sách mới nhất của Buettner, được mệnh danh là “vùng xanh 2.0”.
Trong khi các vùng màu xanh ban đầu hình thành do hoàn cảnh tự nhiên thì các vùng màu xanh 2.0 là do con người tạo ra.
Buettner nói: "Các vùng xanh cũ đang biến mất vì chúng đang bị Mỹ hóa. Cơ giới hóa đang thay thế hoạt động thể chất và công nghệ đang khiến con người mất kết nối với các tương tác mặt đối mặt".
Năm 2004, Buettner hợp tác với National Geographic và Viện Lão hóa Quốc gia để cố gắng giải thích được "cơ chế giúp con người sống lâu".
Nhóm nghiên cứu đã xác định những khu vực trên thế giới nơi con người sống lâu hơn đáng kể, sau đó tìm hiểu lý do tại sao những người trong cộng đồng đó sống lâu hơn.
Sức mạnh số 9
Buettner và nhóm của ông đã xác định "Sức mạnh số 9" (Power 9), yếu tố cốt lõi đại diện cho thói quen của những người khỏe mạnh nhất và sống lâu nhất trên thế giới.
Chín nguyên tắc này là:
1. di chuyển tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày;
2. sống có mục đích;
3. giữ thói quen để giảm căng thẳng;
4. ngừng ăn khi đã no 80%;
5. ăn nhiều thực vật hơn;
6. uống rượu vừa phải và thường xuyên;
7. là một phần của cộng đồng;
8. giữa những người thân yêu gần gũi; và
9. được bao quanh bởi những người có thói quen lành mạnh.
Buettner trước đây đã nói rằng Singapore là một "điểm nóng về tuổi thọ được con người tạo ra".
Dưới đây là một số yếu tố thúc đẩy sức khỏe được xây dựng trong chính sách của Singapore.
Đi bộ, không đi xe
Trong khi người dân ở nhiều nơi trên thế giới lái xe từ nơi này đến nơi khác thì hầu hết người Singapore đều đi bộ, nhưng điều này thường dựa trên sự không cần thiết (trong giao thông) chứ không phải vì mục đích tập thể dục.
Buettner nói với CNBC: "Tôi nghĩ Singapore đang đánh thuế ô tô, đánh thuế xăng, đánh thuế sử dụng đường bộ một cách xuất sắc... và sau đó đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng cho việc đi bộ, đi xe đạp và cho hệ thống giao thông công cộng".
Ông nói thêm: "Đó không chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, đó là một kế hoạch rất tốt… Kết quả là, bạn đẩy mọi người ra khỏi tay lái, và [phải] đứng dậy để đi bộ".
Để mua ô tô ở Singapore, trước tiên bạn phải có giấy phép sở hữu ô tô, được gọi là COE hoặc giấy chứng nhận quyền sở hữu, chi phí cho giấy phép này có thể cao hơn chính chiếc ô tô.
Để so sánh, tính đến tháng 3/2024, giá niêm yết cho một chiếc Toyota Camry Hybrid tại Singapore là 209.888 đô la Singapore (khoảng 155.800 USD). Ở Mỹ, chiếc xe được niêm yết với mức giá chỉ bằng một phần nhỏ số tiền nói trên, tức là 28.855 USD.
Sống gần những người thân yêu
Nghiên cứu cho thấy những người ở vùng xanh có xu hướng ưu tiên sống những người thân yêu và luôn giữ họ ở gần.
Điều này được thể hiện trong chính sách của Singapore được gọi là 'Trợ cấp Nhà ở gần' nhằm khuyến khích tài chính cho mọi người sống cùng hoặc gần cha mẹ và con cái của họ.
"Thay vì đưa người già vào viện dưỡng lão như chúng tôi làm ở Hoa Kỳ, những người lớn tuổi ở đó vẫn gắn bó với gia đình. Thông thường, họ nhận được sự chăm sóc tốt hơn từ gia đình, vì vậy điều này có lợi cho tuổi thọ của người lớn tuổi", Buettner nói.
Có đức tin, thuộc về ai đó
Nghiên cứu cho thấy việc thuộc về một cộng đồng dựa trên đức tin có thể tương quan với tuổi thọ dài hơn.
Theo Buettner, "Tất cả mọi người trừ 5 trong số 263 người trăm tuổi mà chúng tôi phỏng vấn đều thuộc về một cộng đồng dựa trên đức tin nào đó. Nghiên cứu cho thấy rằng việc tham dự các buổi lễ dựa trên đức tin bốn lần mỗi tháng sẽ tăng thêm 4-14 năm tuổi thọ".
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, gần 80% người trưởng thành ở Singapore có liên quan đến tôn giáo. Ngoài ra, một nghiên cứu của Pew Research năm 2014 đã xếp hạng thành phố này là quốc gia đa dạng về tôn giáo nhất trên thế giới.
Lựa chọn những thói quen lành mạnh
Buettner cho biết Singapore đã làm rất tốt trong việc tạo ra "thực phẩm lành mạnh rẻ hơn và dễ tiếp cận hơn đồ ăn vặt". Đất nước này đã tạo ra các động lực để các cơ sở thực phẩm cung cấp các lựa chọn lành mạnh hơn.
Các lựa chọn lành mạnh hơn như gạo lứt và ngũ cốc nguyên hạt đang được Ban Xúc tiến Y tế Singapore khuyến khích. Bộ y tế cũng đã tạo ra một hệ thống dán nhãn để người dân biết những quầy hàng thực phẩm nào có những lựa chọn lành mạnh hơn.
Buettner nói rằng việc hút thuốc đã trở nên "khó khăn, kém hấp dẫn và tốn kém. Singapore đã làm rất tốt với hình thức của bao thuốc lá, với những hình ảnh về bệnh ung thư miệng… Họ là một trong những quốc gia đầu tiên đánh thuế thuốc lá".
Dễ dàng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Người dân Singapore được hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn dân, nghĩa là người dân được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng, bao gồm các dịch vụ y tế như phòng ngừa, điều trị, phục hồi chức năng và chăm sóc giảm nhẹ.
Chính phủ đã nỗ lực tạo ra các chính sách trợ cấp chi phí chăm sóc sức khỏe.
Buettner nói: "Ở Mỹ, việc chăm sóc sức khỏe cực kỳ tốn kém và không hiệu quả trong việc tạo ra sức khỏe vì các ưu tiên chi phối chính sách là kinh tế".
"Chương trình nghị sự của ông Lý Quang Diệu và các đồng sự rất khác biệt. Họ cố gắng đảm bảo mọi người được khỏe mạnh, thay vì kiếm tiền từ người dân", ông nói thêm, ám chỉ người sáng lập Singapore, thủ tướng đầu tiên của đất nước.
Luật pháp nghiêm khắc
Singapore nổi tiếng với luật pháp nghiêm ngặt. Lệnh cấm nhai kẹo cao su hoặc phạt nặng khi ăn uống trên phương tiện giao thông công cộng là những ví dụ phổ biến.
Tuy nhiên, đất nước này cũng nổi tiếng là rất nghiêm ngặt liên quan tới súng và ma túy. Hành vi phạm tội một trong hai có thể dẫn đến ngồi tù, phạt đánh roi hoặc tử hình.
"Thực tế, việc sử dụng súng là bất hợp pháp ở Singapore… Khi tính đến tuổi thọ, đó là một chính sách rất thông minh. Ở Mỹ, chúng tôi mất khoảng 55.000 người chết vì súng mỗi năm, Singapore mất có khoảng 3 người", Buettner nói.
"Luật pháp cũng rất hà khắc về sử dụng ma túy. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã mất hơn 100.000 người vì ma túy và Singapore mất đâu đó khoảng 20 người", ông nói thêm.