Các ông lớn công nghệ đầu tư tỷ USD vào sản xuất chip ở Nhật Bản

Micron Technology và TSMC đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip tại Nhật Bản, Samsung cũng đã có kế hoạch đầu tư tổ hợp nhà máy mới tại Yokohama.
TH
19, Tháng 05, 2023 | 09:59

Micron Technology và TSMC đã cam kết đầu tư hàng tỷ USD vào các nhà máy sản xuất chip tại Nhật Bản, Samsung cũng đã có kế hoạch đầu tư tổ hợp nhà máy mới tại Yokohama.

Mới đây, tại cuộc gặp với lãnh đạo một loạt công ty công nghệ lớn trên thế giới trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Thủ tướng Fumio Kishida đã kêu gọi các lãnh đạo của 7 doanh nghiệp bán dẫn chủ chốt đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và châu Âu, tăng cường đầu tư vào ngành công nghiệp chip của Nhật Bản.

Cuộc họp quy tụ các lãnh đạo công ty bán dẫn hàng đầu, gồm Mark Liu (TSMC), Pat Gelsinger (Intel), Sanjay Mehrotra (Micron Technology), cùng giám đốc điều hành của Samsung Electronics, IBM, Trung tâm nghiên cứu ứng dụng vật liệu IMEC của Bỉ.

micron

Công ty Micron Technology sẽ đầu tư 3,6 tỷ USD vào công nghiệp chip Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Fumio Kishida khẳng định Chính phủ Nhật Bản sẽ thúc đẩy mở rộng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản, qua đó nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm chip, góp phần đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu đối với loại linh kiện này.

Đáp lại kêu gọi của Thủ tướng Kishida, Công ty Micron Technology (Mỹ) cho biết sẽ đầu tư tới 500 tỷ yên (khoảng 3,6 tỷ USD) trong vài năm tới để đưa công nghệ cực tím (EUV) vào sản xuất chip nhớ thế hệ tiếp theo tại nhà máy của công ty ở tỉnh Hiroshima, miền Tây Nhật Bản, với sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ Nhật Bản.

Trong khi đó, Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới này đã nhận được hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản để xây dựng nhà máy ở tỉnh Kumamoto, phía Tây Nam Nhật Bản. Trước đó, công ty đã tiết lộ sẽ đầu tư hàng tỷ USD vào nhà máy này để sản xuất chip logic, đồng thời cân nhắc mở rộng đầu tư tại Nhật Bản nếu nhận được thêm sự hỗ trợ của chính phủ nước này.

Samsung Electronics của Hàn Quốc cũng đang có kế hoạch xây dựng một tổ hợp nhà máy tại Yokohama - thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản. Với mức đầu tư khoảng 30 tỷ yên (222 triệu USD), tổ hợp này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025 và sẽ sử dụng 72 triệu USD của chính phủ Nhật Bản để đầu tư vào ngành bán dẫn. Động thái này mở ra cơ hội hợp tác giữa ngành công nghiệp chip của Hàn Quốc và Nhật Bản sau những cải thiện gần đây về quan hệ chính trị giữa hai nước.

Trước đó, ngày 25/4, Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết chính phủ nước này sẽ trợ cấp thêm 260 tỷ yên (khoảng 1,9 tỷ USD) cho công ty sản xuất chip Rapidus để xây dựng một nhà máy mới ở hòn đảo miền Bắc Hokkaido nhằm thúc đẩy sản xuất chip trong nước.

Chính phủ Nhật Bản đã công bố khoản trợ cấp 70 tỷ yên cho Rapidus vì mục đích phát triển, nâng tổng số tiền hỗ trợ của chính phủ cho công ty này lên 330 tỷ yên.

Rapidus có kế hoạch thiết lập dây chuyền sản xuất thử nghiệm vào năm 2025 và bắt đầu hợp tác với Tập đoàn công nghệ IBM (Mỹ) để sản xuất hàng loạt chất bán dẫn tiên tiến vào năm 2027. Các chip có độ dài 2 nanomet tiên tiến nhất sắp được sản xuất đặc biệt quan trọng đối với các ngành công nghiệp thế hệ mới như sản xuất ôtô tự lái và trí tuệ nhân tạo.

Rapidus đã chọn Hokkaido để xây dựng nhà máy trên do ở đây có nguồn cung cấp nước dồi dào và có sẵn năng lượng tái tạo vì các microchip tiên tiến cần được rửa bằng loại nước siêu tinh khiết.

Nhật Bản từng là quốc gia chiếm đến 50% sản lượng bán dẫn thế giới, trước khi bị Mỹ, Hàn Quốc và Đài Loan, hay thậm chí Trung Quốc vượt mặt. Do tình trạng thiếu chất bán dẫn gần đây ảnh hưởng đến một số ngành công nghiệp thiết yếu, bao gồm ngành sản xuất ôtô, Nhật Bản đã nỗ lực tăng cường chuỗi cung ứng để mua chip.

Năm 2021, Tokyo đề ra chiến lược bán dẫn và kỹ thuật số, đồng thời thông qua khoản ngân sách 2 ngàn tỷ Yên (14,7 tỷ USD) dành cho nỗ lực phục hồi. Tháng 4/2023, Chính phủ nước này đặt mục tiêu tăng gấp 3 doanh số bán hàng bán dẫn và các sản phẩm liên quan ở trong nước, lên 15.000 tỷ Yên vào năm 2030.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ