Xăng tăng liên tục kèm bão giá, công nhân lao đao

Xăng tăng kéo theo mọi thứ tăng, khiến cuộc sống của công nhân vốn khó khăn nay lại càng chật vật.
PHONG ĐIỀN - THẢO PHƯƠNG
07, Tháng 06, 2022 | 06:57

Xăng tăng kéo theo mọi thứ tăng, khiến cuộc sống của công nhân vốn khó khăn nay lại càng chật vật.

Gần đây, giá xăng liên tục tăng kéo theo bão giá, khiến cuộc sống của công nhân gặp nhiều khó khăn.

p12-cong-nhan03-4543

Bão giá khiến bữa ăn của công nhân càng sơ sài, đạm bạc. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Vật lộn trong bão giá

Tại khu nhà trọ công nhân ở phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM, một buổi chiều tháng 6, mọi người sau khi tan làm đều về phòng trọ vội vã chuẩn bị bữa tối.

Chị Kim Thị Tươi, 27 tuổi, công nhân Công ty TNHH Tạ Minh Quang, ở một mình trong căn phòng trọ 8 m2. Chị kể trước đây ở trọ cùng em gái nhưng em gái đã về quê lấy chồng nên chị ở một mình. "Tôi đang tính tìm người ở ghép để chia bớt tiền phòng trọ" - chị Tươi chia sẻ.

Chị Tươi cho biết dù không đi xe máy nhưng giá xăng tăng kéo theo mọi thứ tăng, cuộc sống vốn khó khăn nay lại càng khó khăn hơn. "Tôi là mẹ đơn thân, vì không đủ khả năng nên phải gửi con cho cha mẹ nuôi chăm sóc. Hằng tháng tôi chu cấp cho con một ít tiền học, còn lại cha mẹ nuôi sẽ lo ăn uống cho bé" - chị Tươi nói.

Chị Tươi nói thêm: "Ở một mình nên tôi ít khi nấu ăn, trưa ăn tại công ty, chiều ai cho bánh tráng hay gì thì tôi ăn trừ cơm. Bây giờ mua cái gì cũng mắc, ở một mình nấu cơm lại càng tốn kém nên có gì ăn đó chứ tôi ít nấu. Một tháng có khi tôi chỉ xài tầm 500.000 đồng, còn lại gửi cho cha mẹ và nuôi con, chừa lại một khoản phòng đau ốm, bệnh tật, không dám tiêu xài phung phí".

Hằng ngày chị đi bộ 10 phút ra đường lớn, rồi đi xe đưa đón công nhân đến công ty. Tuy nhiên, chị Tươi đang lo lắng vì giá xăng tăng mà chỉ có vài người đi xe đưa đón nên công ty đang tính ngưng dịch vụ đưa đón công nhân.

Phòng bên cạnh, chị TT Na Ra, 29 tuổi, công nhân Công ty Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân), cùng con đang ăn cơm tối trong căn phòng trọ chật hẹp.

Chỉ tay vào mâm cơm đạm bạc với nồi canh "đại dương" bên cạnh, chị Na Ra nói: "Cái gì cũng tăng nên trong chi tiêu hằng ngày phải tính toán nhiều lắm. Như tôi đi chợ mua đồ ăn cũng phải bớt lại, nấu một lần để dành ăn vài ngày cho đỡ tiền chợ và tiền gas. Sắm đồ đạc, tập sách cho con cũng không dám mua đồ tốt".

"Chiếc xe này tôi chỉ đi làm rồi về thẳng nhà chứ cũng không dám đi đâu hết, để tiết kiệm xăng. Chồng thì đi làm tận Bình Chánh theo ca, tôi làm ở Bình Tân, không đi chung nên không đưa đón nhau được. Mong công ty có hỗ trợ tiền xăng xe cho công nhân chúng tôi đỡ phần nào" - chị Na Ra nói thêm.

Cũng là công nhân bị ảnh hưởng bởi bão giá, chị Phạm Thị Cẩm Tú ngụ tại dãy trọ công nhân gần Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) cho biết chị bám trụ ở Công ty Pouyuen cũng được vài năm rồi. Dịch vừa qua lương giảm sút, tiền tiết kiệm không còn mà nay xăng tăng, mua gì cũng mắc nên cuộc sống càng chật vật hơn.

"Phải chi xăng tăng mà lương cũng tăng theo thì cuộc sống của chúng tôi cũng sẽ không ảnh hưởng nhiều. Nay muốn mua gì, tiêu gì cũng phải đắn đo suy nghĩ dữ lắm. Tôi phải tiết kiệm hết mức để còn lo cho con cái, còn phòng khi ốm đau, bệnh tật nữa" - chị Cẩm Tú bộc bạch.

cong-nhan01-8087

Một dãy trọ cho công nhân ở phường An Lạc A, quận Bình Tân, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Hỗ trợ tiền xăng cho công nhân

Công ty từ khi thành lập có hỗ trợ tiền xăng cho công nhân với mức 150.000 đồng/người/tháng. Hiện tại, vì giá xăng tăng liên tục nên công đoàn đang tham mưu với ban giám đốc tăng tiền xăng cho công nhân khoảng 20%.

"Xăng tăng quá, kéo theo vật giá cũng tăng nên anh chị em công nhân gặp nhiều khó khăn. Công ty mong muốn hỗ trợ thêm phần nào cho công nhân, NLĐ. Ngoài ra còn có những chính sách hỗ trợ khác như tăng lương, tăng đơn giá sản phẩm. Cụ thể, tăng công đoàn phát sinh 5%, tăng đơn giá áo 6%, tăng lương cho công nhân làm theo tháng là 10%" - bà Lê Thị Thủy, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty May Thêu Hà Giang (quận Gò Vấp).

Kiến nghị điều chỉnh lương tối thiểu vùng của người lao động

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các khu công nghiệp TP.HCM, cho biết mỗi công ty có đặc thù ngành nghề nên có chính sách chăm lo cho người lao động (NLĐ) theo cách khác nhau. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, hầu hết các ngành sản xuất đều có đơn hàng ổn định nhưng lại thiếu hụt nguồn nhân lực, do đó để thu hút công nhân, NLĐ, ổn định sản xuất, mở rộng thị trường đòi hỏi các doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ công nhân, NLĐ trong giai đoạn bão giá này như một sự chia sẻ để NLĐ bớt chật vật, gắn kết lâu dài với công ty.

Về những giải pháp giúp ổn định cuộc sống của công nhân, NLĐ, ông Nguyễn Thành Đô, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động TP, cho biết xăng tăng kéo theo bão giá, lương tối thiểu vùng hai năm chưa tăng, việc NLĐ bị ảnh hưởng là điều thấy rõ.

Theo ông Đô, cốt lõi phải có sự điều chỉnh lương tối thiểu vùng thì đời sống của NLĐ mới tăng lên. Vừa qua, Liên đoàn Lao động TP đã kiến nghị điều chỉnh lương tối thiểu vùng của NLĐ để tăng thu nhập thực tế cho NLĐ, đáp ứng được điều kiện bão giá hiện nay.

 
"Một tháng có khi tôi chỉ xài tầm 500.000 đồng, còn lại gửi cho cha mẹ và nuôi con, chừa lại một khoản phòng đau ốm, bệnh tật, không dám tiêu xài phung phí."

"Trước họ đổ xăng tầm 60.000 đồng là chạy thoải mái, nay đổ 100.000 đồng không chạy được bao nhiêu. Thời gian tới, NLĐ sẽ còn khó khăn hơn nếu chúng ta không điều chỉnh những chính sách, đặc biệt về tiền lương. Và phải xây dựng được mức lương đủ sống cho NLĐ. Chỉ có tăng lương thì NLĐ mới bớt được phần nào khó khăn" - trưởng Ban Chính sách - Pháp luật Liên đoàn Lao động TP nói.

Một đại diện Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM cho biết bão giá tác động rất lớn đến đời sống của công nhân, NLĐ do tăng chi phí sinh hoạt, xăng xe đi lại và chi phí bữa ăn. Như vậy, với nguồn thu nhập chính từ lương, tiền tăng ca, chuyên cần, NLĐ không có thêm các nguồn thu nhập khác nên khi bão giá nổi lên, anh chị em công nhân thêm chật vật do không có tích lũy để cầm cự qua ngày.

Vị này chia sẻ ngoài tiền lương và các khoản thu nhập từ tăng ca, chưa kể hai năm qua do đại dịch nên lương tối thiểu không tăng, trong khi mọi chi phí sinh hoạt, tiêu dùng đều tăng chóng mặt khiến thu nhập không đủ bù đắp tái tạo sức lao động và tích lũy. Theo thăm dò ban đầu từ công đoàn cơ sở, hiện các công ty chưa có chính sách nổi trội hỗ trợ công nhân, NLĐ về đời sống trong giai đoạn khó khăn thời bão giá. Tuy nhiên, hầu hết các công ty đang tập trung ổn định đơn hàng, tăng ca để NLĐ có thu nhập ổn định và việc làm.

Giải pháp bình ổn giá từ Chính phủ

Vừa qua, các cấp công đoàn đã rất nỗ lực thực hiện các chương trình phúc lợi đoàn viên để NLĐ được mua sắm hàng hóa chất lượng, giá thành giảm. Thành lập các điểm phúc lợi gần với doanh nghiệp, gần khu trọ cho công nhân. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động TP và các cấp công đoàn cùng ký kết với các doanh nghiệp bán giá giảm 10%-40% để NLĐ giảm bớt chi phí trong điều kiện hiện nay.

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động TP có chỉ đạo Quỹ tổ chức tài chính quy mô CEP để hỗ trợ vốn cho NLĐ. Đặc biệt quan tâm hỗ trợ những gói vay nhỏ, vay ít để NLĐ kịp thời giải quyết những khó khăn mà không bị vướng vào vay tín dụng đen và cũng không rút BHXH một lần khi gặp khó khăn.

Cơ bản vẫn phải có những giải pháp của Chính phủ về bình ổn giá, quản lý giá làm sao để đảm bảo không tăng giá đột biến, gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của NLĐ trong khi NLĐ chờ được tăng lương.

Ông NGUYỄN THÀNH ĐÔ, Trưởng ban Chính sách - Pháp luật

Liên đoàn Lao động TP

(Theo Pháp luật TP.HCM)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ