Ứng phó biện pháp phòng vệ thương mại mới

Những năm gần đây, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đối mặt nguy cơ bị điều tra với các biện pháp phòng vệ thương mại mới.
LAM GIANG
08, Tháng 01, 2023 | 07:50

Những năm gần đây, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục đối mặt nguy cơ bị điều tra với các biện pháp phòng vệ thương mại mới.

Đây là thách thức cần có giải pháp ứng phó chủ động, thích hợp, hiệu quả, từ cả cơ quan chức năng lẫn cộng đồng doanh nghiệp, khi hàng hóa Việt Nam ngày càng được mở rộng xuất khẩu tới nhiều thị trường trên thế giới.

b1

Do gia tăng sản lượng nên thép xuất khẩu Việt Nam thường đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại tại thị trường xuất khẩu. Ảnh: Hiền Cừ

Thách thức với hàng hóa xuất khẩu

Việt Nam là quốc gia có quy mô xuất khẩu tăng trưởng mạnh thời gian qua. Đây vừa là cơ hội cũng là thách thức cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam khi các nền kinh tế gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung cho biết, đến hết năm 2022 có tổng số 225 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đáng chú ý, giai đoạn từ năm 2005 đến 2021, cứ sau 5 năm, số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại lại tăng gấp đôi. Các sản phẩm của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại khá đa dạng, như: Thép, xi măng, gỗ, mật ong, cá tra, tôm, sợi...

Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái cho biết, các nước đều có chủ trương phát triển ngành sản xuất thép nội địa. Chi phí nguyên, vật liệu đầu vào và nhân công thấp nên giá thành thép xuất khẩu của Việt Nam rẻ hơn dẫn đến thường xuyên phải đối diện với kiện phòng vệ thương mại. Quốc gia điều tra với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam không chỉ là các thị trường thường thấy như Liên minh châu Âu, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ mà xuất hiện cả với các nước trong khối Đông Nam Á, Mexico…

Đặc biệt, bên cạnh những biện pháp phòng vệ thương mại truyền thống như chống bán phá giá, chống trợ cấp, đã xuất hiện các vụ việc nước ngoài điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Đây là cách thức điều tra mới, không chỉ với những nước là đối tượng điều tra ban đầu mà có thể mở rộng áp dụng với cả các nước khác có liên quan. Ngoài ra, các tiêu chuẩn, yêu cầu, thủ tục của cơ quan điều tra nước ngoài đối với hàng hóa nhập khẩu có xu hướng chặt chẽ và khắt khe hơn.

Như với Mỹ, quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại hàng đầu thế giới và cũng là một trong những quốc gia khởi xướng điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đã có 22/51 vụ việc điều tra chống lẩn tránh với hàng hóa Việt Nam được áp dụng.

"Với những vụ việc này, Bộ Thương mại Mỹ không chỉ điều tra những hành vi gian lận mà còn điều tra hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam lớn hay không", ông Chu Thắng Trung chỉ rõ.

Thậm chí, năm 2021 Mỹ còn sửa đổi các quy định pháp luật về điều tra chống lẩn tránh và áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh để các thủ tục, điều kiện quy định chặt chẽ hơn và tạo cho cơ quan chức năng quyền hạn phù hợp hơn khi điều tra hàng hóa nhập khẩu.

Cần cải thiện năng lực ứng phó

Việc sử dụng công cụ phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục xuất hiện trong thời gian tới như một trong những hoạt động thông thường của thương mại quốc tế. Do đó, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chủ động cải thiện năng lực ứng phó.

Đối với doanh nghiệp, cần nâng cao nhận thức về phòng vệ thương mại, không e ngại, né tránh và chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước để giải quyết vụ việc. Đồng thời, cần nâng cao năng lực hệ thống quản trị của doanh nghiệp, đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc vào một thị trường xuất khẩu nhằm hạn chế rủi ro bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị, trong quá trình sản xuất và xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến nguồn gốc nguyên liệu, tránh sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc từ các nước đang bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại… Mặt khác, phải tạo được giá trị gia tăng trên sản phẩm, qua đó góp phần tăng giá trị xuất khẩu tuyệt đối, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp.

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Chu Thắng Trung cho hay, Cục Phòng vệ thương mại duy trì hệ thống cảnh báo sớm với việc theo dõi thường xuyên những biến động xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường. Nếu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của mặt hàng nào quá nhanh, chiếm thị phần tương đối lớn ở các nước nhập khẩu hoặc mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại ở một nước khác thì Cục sẽ cảnh báo sớm tới các hiệp hội ngành hàng để cùng doanh nghiệp theo dõi và chuẩn bị ứng phó.

Ngoài ra, Cục Phòng vệ thương mại cũng phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng tăng cường cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại, các nguyên tắc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tới các doanh nghiệp. Trong trường hợp xảy ra các vụ việc phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại sẽ phối hợp chặt chẽ với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cùng các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp giải quyết vụ việc, nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam.

(Theo báo Hà Nội Mới)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ