Sách 'Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong' góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh

Nhàđầutư
Sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" do Tạp chí xuất bản là một sáng kiến và nỗ lực tiếp theo nhằm phổ biến kiến thức, khuyến nghị chính sách và tạo đồng thuận xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, KTTH ở nước ta.
NHÓM PHÓNG VIÊN
21, Tháng 09, 2023 | 10:03

Nhàđầutư
Sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" do Tạp chí xuất bản là một sáng kiến và nỗ lực tiếp theo nhằm phổ biến kiến thức, khuyến nghị chính sách và tạo đồng thuận xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, KTTH ở nước ta.

Sáng 21/9, tại Hà Nội, Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" và tọa đàm về những giải pháp tiếp theo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại Việt Nam.

Góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Phát biểu khai mạc buổi lễ, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư - Chủ biên cuốn sách nhấn mạnh, phát triển nền kinh tế xanh, KTTH thân thiện với môi trường là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã chỉ rõ "Khuyến khích phát triển mô hình KTTH để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất".

Empty

Tạp chí Nhà đầu tư đã tổ chức lễ ra mắt cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong"

Các nội dung về KTTH được thể chế hóa tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 08/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Đặc biệt, Đề án "Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 đã xác định, cần "tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội".

Theo đánh giá của TS. Nguyễn Anh Tuấn, trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, xu hướng phát triển xanh, KTTH ở nước ta ngày càng thể hiện rõ và đã xuất hiện những mô hình thực tiễn sinh động.

Tuy nhiên, để KTTH phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong mọi lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thực hiện mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, hoàn thiện cơ chế - chính sách và có các giải pháp căn cốt hơn nữa để thúc đẩy phát triển và lan tỏa rộng rãi mô hình kinh tế này. Báo chí và truyền thông có vai trò hết sức quan trọng để góp phần tạo nên chuyển biến về phát triển KTTH trong cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội.

ra-mat-sach (2)

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư - Chủ biên sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" phát biểu khai mạc. Ảnh: Trọng Hiếu.

"Trong thời gian qua Tạp chí Nhà đầu tư đã có nhiều hoạt động thiết thực, như tổ chức các hội nghị, hội thảo, xây dựng nhiều nội dung tuyên truyền ấn tượng về phát triển xanh và KTTH. Cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" do Tạp chí xuất bản là một sáng kiến và nỗ lực tiếp theo nhằm phổ biến kiến thức, khuyến nghị chính sách và tạo đồng thuận xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế xanh, KTTH ở nước ta", TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng nói.

Cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" dày 540 trang khổ lớn, xuất bản song ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh, đăng tải nhiều bài viết, công trình nghiên cứu của các tác giả là các nhà quản lý, các chuyên gia có uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Các tác giả như GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ĐTNN; PGS-TS. Phạm Văn Lợi, Viện trưởng, Viện Khoa học Môi trường, Bộ TN&MT; Ths. Nguyễn Hoa Cương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW; PGS-TS. Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT, ông David David Riddle, Tổng giá đốc điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát… đã phân tích sâu những vấn đề cơ bản về KTTH, xu hướng và đòi hỏi bức thiết phát triển KTTH, chỉ ra thực trạng, cơ hội và thách thức phát triển KTTH ở Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm phát triển KTTH của các nước và mô hình KTTH của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới, qua đó đề xuất các chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, KTTH ở nước ta.

ra-mat-sach

Sách "Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" dày 540 trang khổ lớn, xuất bản song ngữ, tiếng Việt và tiếng Anh, đăng tải nhiều bài viết, công trình nghiên cứu của các tác giả là các nhà quản lý, các chuyên gia có uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ảnh: Trọng Hiếu.

Trong khi đó, các tác giả như TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp; TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch; PGS-TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (Đại học Quốc gia TP.HCM); ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc điều hành Khối Dịch vụ Nghiên cứu thị trường và Tư vấn, Công ty CP FiinGroup, phân tích sâu về mô hình kinh tế tuần hoàn trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, nông nghiệp, công nghiệp chế biến - chế tạo, du lịch, dịch vụ…

Đặc biệt, trong bài viết của mình, TS. Cấn Văn Lực và nhóm chuyên gia Viện nghiên cứu BIDV đã bàn sâu về giải pháp huy động tài chính cho phát triển KTTH của các doanh nghiệp Việt Nam.

Giới thiệu về những mô hình tiên phong phát triển kinh tế tuần hoàn

Phần II của cuốn sách được dành để giới thiệu những doanh nghiệp đi đầu, những mô hình tiên phong trong phát triển KTTH tại Việt Nam. Đó là các mô hình của Khu công nghiệp sinh thái Nam cầu Kiền; mô hình 3R của Tân Hiệp Phát; mô hình KTTH của Vinamilk; TH True milk; Nhà máy gạch Tuynel Tuyên Quang; mô hình của An Phát Holdings, Sabeco, Nestle Việt Nam, công ty Australis… Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, những mô hình này đang nhận được sự quan tâm chú ý của cộng đồng, tạo nên thiện cảm lớn đối với đông đảo người tiêu dùng và cần được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng xã hội và doanh nghiệp.

Phát biểu tại lễ ra mắt, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cùng nhiều đại biểu đánh giá rằng, đây là một cuốn sách có ý nghĩa cả về khoa học và thực tiễn, và là một tài liệu quý giá đối với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như với các cơ quan hoạch định chính sách.

ra-mat-sach (3)

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cuốn sách là tập hợp các trường hợp điển hình về kinh tế tuần hoàn (KTTH) nên chủ đề đa dạng, đầy đủ và ấn tượng. Ảnh: Trọng Hiếu.

Các đại biểu tham dự cũng đã đóng góp ý kiến nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung cuốn sách trong những lần tái bản tiếp theo.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cuốn sách là tập hợp các trường hợp điển hình về kinh tế tuần hoàn (KTTH) nên chủ đề đa dạng, đầy đủ và ấn tượng. Theo ông, không chỉ có những thông tin mang tính chất nghiên cứu mà còn có những thông tin đa chiều, người đọc từ đó vừa phản biện, vừa chắt lọc với nhiều thông tin hữu ích. Thông tin không chỉ hữu ích với bạn đọc mà còn hữu ích với các cơ quan, bộ ngành liên quan trong công tác nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ được đề ra tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về KTTH.

Về kiến nghị chính sách, ông Phan Đức Hiếu hiểu rằng không có đạo luật nào riêng về KTTH mà các cơ chế chính sách sẽ nằm nhiều ở các quy định khác, các chính sách đầu tư khác. Cá nhân ông cho rằng, trước hết cần rà soát quy định pháp luật liên quan, nếu phát hiện quy định nào không tạo thuận lợi hoặc cản trở KTTH thì bãi bỏ ngay.

"Đây có thể là giải pháp quan trọng. Trước khi có chính sách ưu đãi, thúc đẩy thì rà soát các quy định cản trở đã là hành động thiết thực. Điểm thứ 2 hiện nay là nhiều quy chuẩn. Vì vậy, nếu rà soát tiêu chuẩn sản phẩm, việc quá chi tiết, cứng nhắc sẽ làm doanh nghiệp khó thay đổi, sáng tạo để phù hợp KTTH. Nên rà soát để làm sao có quy định những gì có hại doanh nghiệp không được làm còn lại doanh nghiệp có thể tự chủ", Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất.

Empty

 

Ngoài ra, cũng theo ông, sau cuốn sách này nên có thêm 1 nghiên cứu hướng tới tập trung nghiên cứu sâu hơn để có những thực tiễn, chính sách tốt ở quốc tế, hay từ kinh nghiệm của cả Việt Nam để thúc đẩy KTTH. Đối với doanh nghiệp, cần có nhiều trường hợp điển hình nhưng cũng nên cụ thể hơn ở các hướng dẫn để bắt đầu chuyển đổi KTTH như thế nào?

GS-TSKH. Nguyễn Mại nhận định KTTH không phải vấn của riêng Việt Nam mà chung của thế giới. Tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế lớn đã có mô hình KTTH, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không có đủ nguồn lực chuyển sang KTTH.

"Do vậy cần có chính sách hỗ trợ DNNVV trong việc chuyển từ kinh tế tuyến tính sang KTTH, cần điều tra, khảo sát lý do những doanh nghiệp muốn chuyển sang KTTH nhưng quá trình lại chậm và khó khăn. Còn đối với người dân, họ cũng đã có ý thức tự giác trong việc bảo vệ môi trường, tái chế nhựa,.. Tuy vậy, số lượng người dân hiểu về KTTH rất hạn chế. Vì vậy, các cấp ban ngành cần tham gia tuyên truyền nâng cao quan điểm, nhận thức cho người dân về KTTH", GS-TSKH. Nguyễn Mại bày tỏ.

ra-mat-sach (10)

Các đại biểu tại buổi lễ. Ảnh: Trọng Hiếu.

Ông David Riddle, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát bày tỏ để KTTH đi vào đời sống là một quá trình có thể mất thời gian và đòi hỏi sự thay đổi tư duy trong nhiều thế hệ. Trong đó, cần có cách tiếp cận mới, thậm chí cần động lực có tính chất kinh tế được đưa ra để khuyến khích tái chế.

Ông dẫn chứng, như đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đã tạo ra những biện pháp ngăn cản người tiêu dùng sử dụng nhựa dư thừa. Ví dụ như thuế túi nhựa áp dụng cho tất cả các túi mua sắm bằng nhựa cho thành phố, điều này có nghĩa là nhựa dư thừa có giá trị. Hãy nghĩ đến nhựa tái chế như 1 nguyên liệu thô mới cho ngành công nghiệp rất thành công sắp tới. Điều này sẽ củng cố Việt Nam trở thành một quốc gia xanh hơn và có thể tạo ra hàng trăm ngàn nếu ko nói hàng triệu công việc mới.

Hiện tại trên thế giới đã có khá nhiều công nghệ để tạo ra và sử dụng nhựa tái chế. Thách thức nằm ở việc có cơ sở hạ tầng phù hợp để thực hiện điều này, trên quy mô lớn. Và một lần nữa đó là lý do tại sao việc hợp tác trên quy mô chưa từng có là cần thiết và cấp thiết.

"Tân Hiệp Phát tin rằng đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải tham gia một cách thực chất. Cần phải có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn quy định trách nhiệm cụ thể cho các nhà sản xuất, nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí xử lý thải cho các sản phẩm thải bỏ", ông David Riddle kiến nghị.

TS. Hạ Thúy Hạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp nhận định nông nghiệp tuần hoàn đã có nghị định hướng dẫn nhưng ứng dụng thế nào, thể chế chính sách cụ thể như thế nào phải bàn thêm, kỹ hơn. Nông nghiệp tuần hoàn, đầu ra của quá trình này là đầu vào của quá trình khác. quan trọng nhất là thay đổi thói quen tiêu dùng để có trách nhiệm với KTTH.

"Cuốn sách này tập hợp nhiều bài viết của nhà khoa học, nhà kinh tế, doanh nghiệp, đi vào thực tiễn, thực thi các vấn đề về KTTH. Mong muốn làm sao sắp tới có chính sách thực tiễn và đi vào cuộc sống của người nông dân, để có các mô hình tốt cả về kinh tế và môi trường", bà Hạnh đánh giá.

Cũng tại buổi lễ này, ông Lại Văn Mạnh, Trưởng Ban Kinh tế tài nguyên và môi trường, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT đã giới thiệu Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Các đại biểu đã chia sẻ thông tin, đề xuất các giải pháp và gợi mở những công việc cần tiếp tục triển khai để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn nữa KTTH ở nước ta.

Điều chỉnh kích thước chữ