Giá thịt lợn chạm đáy, ngành chăn nuôi 'lao đao'

Nhàđầutư
Năm 2021, ngành chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn khi giá thịt lợn hơi vẫn ở mức thấp, các chi phí đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Trong khi đó, thịt nhập khẩu giá rẻ tràn lan thị trường nội địa khiến phần lớn các cơ sở chăn nuôi đều đang chịu thua lỗ.
MẠNH QUÂN
14, Tháng 01, 2022 | 06:30

Nhàđầutư
Năm 2021, ngành chăn nuôi tiếp tục gặp khó khăn khi giá thịt lợn hơi vẫn ở mức thấp, các chi phí đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Trong khi đó, thịt nhập khẩu giá rẻ tràn lan thị trường nội địa khiến phần lớn các cơ sở chăn nuôi đều đang chịu thua lỗ.

Giá thịt lợn khó bật tăng trong dịp Tết

Theo khảo sát của Tạp chí Chăn nuôi Việt Nam, giá thịt lợn ngày 13/1 có chiều hướng tăng nhưng cao nhất chỉ 3.000 đồng/kg. Theo đó, giá lợn hơi khu vực miền Bắc được ghi nhận trong khoảng 49.000-53.000 đồng/kg; tại khu vực miền Trung-Tây Nguyên dao động trong khoảng 48.000-50.000 đồng/kg; khu vực miền Nam đang dao động trong khoảng 48.000-51.000 đồng/kg.

Từ đầu tháng 8/2021, giá lợn hơi trong nước có xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tiêu thụ giảm, trong khi nguồn cung phục hồi.

thit-lon-3-1735_20211018_435-175706

Giá thịt lợn khó bật tăng mạnh trong dịp Tết. Ảnh: Báo Nông nghiệp

Trong 2 tháng cuối năm 2021, giá lợn hơi có xu hướng tăng trở lại, đạt trung bình 49.000-50.000 đồng/kg vào tháng 12/2021. Tuy nhiên, mức giá này giảm 29,9% so với cùng kỳ năm 2020.

Nhiều chuyên gia nhận định, mức giá hiện tại vẫn thấp, trong khi đó chưa đầy một tháng nữa đến Tết nguyên đán, dịch tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ và quá trình vận chuyển.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tổng đàn lợn cả nước hiện có khoảng 28,1 triệu con; tổng sản lượng thịt các loại năm 2021 đạt khoảng 6,2 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 3,82 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm trước.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng, thịt nhập khẩu ngày một nhiều

Từ cuối năm 2020 đến nửa đầu năm 2021, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước đã tăng trung bình từ 5-6 đợt với mức tăng 200-300 đồng/kg/lần. 

Trong khi đó, chi phí thức ăn chăn nuôi đang chiếm 65% giá thành sản phẩm thịt gà, thịt lợn. Từ tháng 9/2020 đến nay, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 30%, kèm theo giá cước vận tải tăng phi mã (cước vận chuyển tăng 200-300% so với bình thường) đã gây áp lực lớn lên các doanh nghiệp và tác động trực tiếp đến giá thức ăn chăn nuôi bán ra thị trường.

Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Tống Xuân Chinh, ngành công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi nước ta vẫn phải phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài. Trong khi đó, giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới tăng cao do biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa màng.

Tính riêng 9 tháng năm 2021, tổng số nguyên liệu nhập khẩu là hơn 15,9 triệu tấn (chưa bao gồm nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản), tương ứng với 5,8 tỷ USD. 

Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn, mỗi năm, sản xuất nông nghiệp trong nước chỉ có thể cung cấp tối đa 4,5-5 triệu tấn ngô hạt, 4 triệu tấn cám, 4 triệu tấn sắn làm thức ăn chăn nuôi, trong khi nhu cầu cần tới 26-27 triệu tấn sản phẩm các loại, trong đó có nhiều loại vốn không phải là cây trồng thế mạnh của Việt Nam.

Do đó, khi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu tăng thì giá thành sản xuất và giá bán thức ăn chăn nuôi thành phẩm lập tức tăng theo.

Chưa kể, việc hội nhập sâu rộng của nước ta với thế giới trong bối cảnh thực hiện hiệp định thương mại tự do cũng phải đối mặt với việc cạnh tranh ngày càng lớn về giá, về chất lượng sản phẩm trước bối cảnh sản phẩm chăn nuôi của Mỹ và châu Âu xuất vào thị trường Việt Nam.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Việt Nam chi một lượng ngoại tệ rất lớn để nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt trong năm 2021. Cụ thể, dù lượng thịt nhập khẩu những tháng cuối năm 2021 giảm đáng kể so với cùng kỳ, nhưng tính đến hết tháng 11/2021, Việt Nam đã nhập khẩu 672,63 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,29 tỷ USD, tăng 0,9% về lượng và tăng 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Thịt nhập khẩu về Việt Nam tháng 11/2021 có giá trung bình 2.298 USD/tấn (khoảng 53.000 đồng/kg), giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Riêng mặt hàng thịt lợn tươi ướp lạnh và đông lạnh, 11 tháng năm 2021, nước ta nhập khẩu khoảng 148,66 nghìn tấn, trị giá 343,2 triệu USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 17,4% về trị giá so với cùng kỳ.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ