Giá gạo quốc tế tăng vọt, gạo bán ở Việt Nam liệu có 'sốt' giá?

Nhàđầutư
Giá gạo thế giới tăng từng ngày, do phản ứng dây chuyền nên giá gạo nội địa cũng đã có sự biến động mạnh. Tình trạng lợi dụng thị trường "cung" không đủ "cầu" để tăng giá bán quá mức đã nhen nhóm, nếu không được ngăn chặn thì rất có thể sẽ xảy ra một đợt sốt giá gạo tại thị trường nội địa.
PHÚ KHỞI
06, Tháng 08, 2023 | 15:50

Nhàđầutư
Giá gạo thế giới tăng từng ngày, do phản ứng dây chuyền nên giá gạo nội địa cũng đã có sự biến động mạnh. Tình trạng lợi dụng thị trường "cung" không đủ "cầu" để tăng giá bán quá mức đã nhen nhóm, nếu không được ngăn chặn thì rất có thể sẽ xảy ra một đợt sốt giá gạo tại thị trường nội địa.

xk gao 9 thang

Giá gạo xuất khẩu tăng liên tục kể từ khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo non basmati. Ảnh LT

Giá gạo thế giới tăng sốc

Theo ông Trần Duy Đông Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), khi Ấn Độ - nguồn cung gạo lớn nhất thế giới ban hành lệnh cấm xuất khẩu đã tác động mạnh đến thương mại gạo toàn cầu nói riêng và lương thực thực phẩm nói chung, ảnh hưởng đến 140 quốc gia.

Sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo phi basmati (ngày 20/7) thì đến thì ngày 28/7, UAE cũng thông báo cấm xuất khẩu gạo (dù nước này nhập khẩu 90% tổng lượng lương thực), ngày 29/7 Nga thông báo cấm xuất khẩu gạo đến hết năm.

Các nước đưa ra lệnh cấm đều với lý do bình ổn giá và kiềm chế lạm phát. Động thái này lo ngại khả năng một loạt nước sẽ đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo đặc biệt là các nước sản xuất lớn như Thái Lan, Pakistan, Trung Quốc, Hoa Kỳ… và các nước sản xuất ngũ cốc khác: ngô, đậu tương. Khủng hoảng lương thực sẽ trầm trọng trên toàn cầu đặc biệt tại các khu vực vốn đã bị ảnh hưởng trầm trọng COVID-19 như khu vưc Châu Phi.

Cũng theo ông Đông, ngay sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, giá gạo Thái Lan đã tăng khoảng 5 USD/tấn. Giá gạo xuất khẩu Việt Nam vẫn giữ ổn định trong tuần đầu tiên kể từ thời điểm Ấn Độ ra thông báo Lệnh cấm.

Đến ngày 1/8, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức 590 USD/tấn đối với chủng loại 5%, tăng 55 USD/tấn so với thời điểm 20/7 và tiến gần hơn với giá gạo của Thái Lan (625USD/tấn); đối với đơn hàng giao tháng 8/2023 giá gạo Việt Nam đã vượt mức 610 USD/tấn đối với gạo 5% tấm.

Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cho biết, lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ đã ảnh hưởng đến giá gạo nội địa và khiến các nhà máy xay xát gạo và các nhà xuất khẩu gạo của Thái Lan trì hoãn các đơn đặt hàng gạo, giá gạo nội địa có thể tăng đến 10%.

Bộ Nông Lâm Thủy sản Campuchia cho biết, ngay sau khi Ấn Độ ban hành Lệnh cấm xuất khẩu gạo,  giá gạo của các giống IR và OM Campuchia tăng lên mức cao nhất trong ba năm trở lại đây, hiện giá gạo IR đã đạt mức 1.047 riel/kg (tương 6.000 Việt Nam đồng/kg).

Chủ tịch Phòng Nông nghiệp và Lương thực Philippines (PCAFI) cũng lo ngại Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ sẽ làm tăng hoạt động đầu cơ và cạnh tranh, chuyển đơn hàng nhập khẩu các nước xuất khẩu gạo khác, đẩy giá lên cao, gây thêm áp lực lên giá gạo nội địa nước này.

Trong khi đó, Cơ quan khí tượng, khí hậu và địa vật lý Indonesia (BMKG) cho biết, hiện tượng thời tiết bất thường do El Nino có thể sẽ kéo dài tại Indonesia đến tháng 9/2023, ảnh hưởng đến mùa màng. Nước này cũng phụ thuộc vào nhập khẩu để đảm bảo lượng gạo dự trữ trong nước. Vì vậy, việc thiếu hụt nguồn cung từ cả nội địa và nhập khẩu sẽ khiến giá gạo tăng cao. Sau khi hoàn thành triển khai đợt nhập khẩu 2 triệu tấn gạo được thông báo vào tháng 3, dự kiến do tình hình lệnh cấm từ Ấn Độ, có khả năng Indonesia sẽ tiếp tục tiếp cận nguồn cung từ Việt Nam để bổ sung nguồn dự trữ.

thu hoach lua PK

Do thời tiết mưa dầm nên nhiều diện tích lúa Hè thu tại Đồng bằng sông Cửu Long bị đổ ngã, tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch cao. Ảnh PK

Liệu có xảy ra sốt giá?

Thị trường xuất khẩu gạo được đánh giá nhu cầu còn rất cao trong nhưng tháng cuối năm. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lo lắng nhất là lượng gạo tồn kho thực tế hiện nay còn ít hơn rất nhiều so với con số ước tính.

Theo bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (Thốt Nốt-Cần Thơ), vụ lúa Hè thu đang thu hoạch có nhiều diện tích lúa ở Sóc Trăng, An Giang… bị ngập úng do mưa, nước chụp, chất lượng kém, chỉ có khoảng 50% sản lượng có thể đáp ứng cho chế biến xuất khẩu.

"Theo thông tin tôi nắm được hiện nay đang có hiện tượng tàu của khách hàng Philippines vào cảng Mỹ Thới (An Giang) mua gạo từ các nhà máy xay xát, không thông qua doanh nghiệp, để đi tiểu ngạch qua Campuchia, tuồn ra ngoài. Điều này sẽ khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch gặp khó khăn vì thiếu nguyên liệu.

Do đó, theo tôi, ngành chức năng cần kiểm tra lại thông tin trên xem có chính xác không, để tránh lượng hàng mất đi quá nhiều mà không kiểm soát được. Cùng với đó là các cơ quan quản lý cũng nên xem xét phương án giãn thời gian giao hàng xuất khẩu để tránh gây nên hiện tượng khan hàng, sốt giá cục bộ", bà Huyền đề xuất.

Cùng quan điểm đó, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông Nguyễn Việt Anh cho rằng theo thông tin mà ông nắm được tỷ lệ gạo tồn kho trên tỷ lệ tiêu dùng của Việt Nam hiện chỉ khoảng 8,5 - 11%, trong khi đó mức an toàn phải là 22%.

"Bên cạnh đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang đối mặt với tình trạng nông dân bán sang tay quá nhiều trước khi đến được doanh nghiệp, cùng với câu chuyện giá lúa tăng từng ngày đã dẫn đến việc doanh nghiệp không lấy được hàng. Khi các doanh nghiệp không có gạo giao, sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng", ông Việt Anh phản ánh.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Intimex cho rằng, xuất khẩu gạo năm 2023 có nhiều thuận lợi nhưng cũng có nhiều rủi ro. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp nhận định năm nay sản lượng lúa, gạo tăng, lo ngại giá sẽ giảm nên vội ký hợp đồng, đến khi giá gạo tăng thì phải mua nguyên liệu giá cao để trả nợ hợp đồng giá thấp, dẫn đến thua lỗ.

"Thời điểm cuối vụ Hè thu hiện nay không biết gạo đi đâu mà mua rất khó mua. Hiện nay, mặc dù giá gạo thị trường nội địa chưa tăng nhiều vì còn tồn kho, nhưng với diễn biến giá gạo thế giới liên tục tăng mà nếu tồn kho còn ít thì giá gạo nội địa khó có thể không tăng. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đối với người tiêu dùng có thu nhập thấp", ông Nam lo lắng nói.

gao noi dia

Bộ Công Thương yêu cần các thương nhân tận dụng cơ hội xuất khẩu nhưng không được để xảy ra sốt giá lương thực làm ảnh hưởng đời sống người dân. Ảnh Hoàng Vũ

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tháng 7, giá thóc nội địa tăng khoảng từ 368 – 441 đồng/kg; giá gạo các loại tăng từ 850 - 940 đồng/kg so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2022, giá thóc tăng khoảng từ 1.300 - 1.900 đồng/kg; giá gạo các loại tăng từ 2.400 - 3.400 đồng/kg.

Sau Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, giá thóc gạo trong nước tăng nhanh theo từng ngày (trung bình mỗi ngày tăng từ 50 - 100 đồng/kg). Giá gạo nguyên liệu tại một số địa phương đã tăng từ 400 - 500 đồng/kg/ngày. Hiện giá một số chủng loại gạo như: IR50404, OM5451, Đài thơm 8…đã tăng từ 500 – 700 đồng/kg so với thời điểm 20/7, đà tăng giá lúa gạo vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.   

Theo Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, hoạt động xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm tăng hơn 18% về lượng và trên 30% về giá trị, xuất khẩu gạo lập kỷ lục mới, giá bán lúa của nông dân cũng cao hơn nhiều giá định hướng của Bộ Tài chính, đây là tín hiệu rất đáng mừng.

Tuy nhiên, đẩy mạnh xuất khẩu nhưng đồng thời phải bảo đảm an ninh lương thực, đảm bảo thị trường lúa gạo trong nước có giá cả hợp lý, đủ đáp ứng nhu cầu 100 triệu dân cũng rất quan trọng; mục tiêu điều hành xuất khẩu gạo được Bộ Công Thương đề ra là không để giá lương thực tăng quá cao ảnh hưởng đời sống người dân.

Ngày 5/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay.

Chỉ thị nêu rõ: Trong thời gian qua, tình hình thương mại lương thực toàn cầu diễn biến phức tạp, giá gạo có xu hướng tăng cao do một số nước cấm xuất khẩu, giảm lượng gạo bán ra, một số nước khác tăng mua dự trữ gạo; Thỏa thuận ngũ cốc biển Đen hết hiệu lực, ảnh hưởng các hiện tượng thời tiết cực đoan, thiên tai và hạn hán...

Tại Việt Nam, một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa, gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung - cầu cục bộ, đẩy giá lúa, gạo trong nước lên cao bất hợp lý.

Để đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống, đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế trong sản xuất lúa gạo và cơ hội của thị trường xuất khẩu, nâng cao thu nhập của người dân, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi bất chính, gây bất ổn thị trường và uy tín của gạo Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các bộ, cơ quan liên quan; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung chỉ đạo, quyết liệt thực hiện một số nhiệm vụ.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ TN&MT chỉ đạo các địa phương rà soát định hướng quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất lúa hàng hóa quy mô lớn, chất lượng cao, bảo đảm diện tích đất chuyên trồng lúa, theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thiên tai, dịch bệnh để kịp thời điều chỉnh sản xuất, đảm bảo mục tiêu sản xuất trên 43 triệu tấn lúa/năm trong các năm tiếp theo.

Khẩn trương triển khai xây dựng, thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam theo dõi sát diễn biến thị trường gạo khu vực và thế giới, tình hình sản xuất, sản lượng lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ trong năm để cân đối nguồn lúa, gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng lúa, gạo trong nước và xuất khẩu, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.

Chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, đẩy mạnh đàm phán, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật để mở rộng thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam. Kịp thời hướng dẫn, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp và các hộ nông dân tuân thủ nghiêm các quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật; theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo; chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam; khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các FTA nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ giao, chủ động, kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá, hỗ trợ người sản xuất lúa, xuất khẩu gạo và các thương nhân theo quy định của pháp luật; chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Bộ Công Thương tính toán, cân đối việc dự trữ gạo phù hợp, hiệu quả, dứt khoát không được để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt; xử lý nghiêm các trường hợp trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ