Doanh nghiệp TP.HCM đề nghị 'cởi trói' chính sách để thúc đẩy du lịch

Nhàđầutư
Gỡ vướng đất nông nghiệp, gỡ vướng quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC), mở rộng chính sách visa... là những kiến nghị mà doanh nghiệp TP.HCM đề xuất để phát triển ngành du lịch thành phố.
THIÊN KỲ - LIÊN THƯỢNG
31, Tháng 08, 2023 | 07:09

Nhàđầutư
Gỡ vướng đất nông nghiệp, gỡ vướng quy định phòng cháy chữa cháy (PCCC), mở rộng chính sách visa... là những kiến nghị mà doanh nghiệp TP.HCM đề xuất để phát triển ngành du lịch thành phố.

23-10-2020-thuc-day-phat-trien-5-nhom-san-pham-du-lich-tiem-nang-cua-tphcm-999CF759-details

Ngành du lịch TP.HCM kỳ vọng sẽ phục hồi nhờ Nghị quyết 98. Ảnh: ThanhuyTP.HCM

Mở rộng chính sách visa

Tại buổi đối thoại với chính quyền TP.HCM, ông Võ Việt Hòa, Giám đốc khối Du lịch quốc tế (Saigontourist) nhận định việc miễn visa cho du khách đến Việt Nam nhất là các quốc gia như Hoa Kỳ, EU, Úc, Ấn Độ… sẽ đem đến nhiều lợi ích cho ngành du lịch trong thời gian tới. Bởi từ ngày 15/8/2023, một số quy định mới về quản lý xuất nhập cảnh bắt đầu có hiệu lực.

TP.HCM đang kêu gọi kích cầu ngành du lịch sau COVID-19, nhất là các đoàn khách đến từ nước ngoài.

Các nước trong diện được miễn visa vào Việt Nam chưa nhiều khiến lượng khách từ các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng vẫn tốn chi phí xin visa cao và mất nhiều thời gian để được duyệt.

Dần dần du khách chuyển sang các thị trường khác cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong lĩnh vực du lịch như Thái Lan, Singapore.

"Chúng tôi kiến nghị về cơ chế giúp hỗ trợ mở rộng chính sách visa cho khách du lịch đến Việt Nam, cụ thể là miễn visa cho toàn bộ công dân khối EU, Mỹ, Úc, New Zealand và Ấn Độ...", đại diện một số doanh nghiệp cho biết.

Về vấn đề này, ông Võ Chiến Thắng, Phó trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM cho biết, theo quy định, hiện tại du khách nước ngoài có nhu cầu có thể xin visa điện tử.

"Trong khoảng 3 ngày làm việc là có kết quả và chỉ cần mang giấy chứng nhận tới các cửa khẩu là nhập cảnh vào Việt Nam", ông Thắng cho biết.

Hợp tác công tư, gỡ khó đất đai

Một trong những vấn đề mà doanh nghiệp ngành du lịch TP.HCM đang gặp vướng là PCCC.

Đơn cử như công ty Du lịch Hoà Bình Việt Nam. Công ty này hiện có 1 đội tàu biển chở khách nhưng theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về PCCC hiện nay, tất cả tàu dài hơn 20 m có chở khách bắt buộc phải làm thẩm định và phê duyệt PCCC để nghiệm thu, đi vào hoạt động.

"Nghị định này có hiệu lực từ năm 2021 nhưng có bất cập ở chỗ hồi tố, nghĩa là tất cả những tàu biển nào đang hoạt động ở thời điểm hiện tại, không phân biệt đóng thời gian nào, đều phải làm thẩm định phê duyệt PCCC lại", đại diện doanh nghiệp nêu khó khăn và cho biết thêm, hiện tại, phải làm lại nghiệm thu PCCC theo cơ quan công an nhưng bên đăng kiểm và cơ quan công an lại chưa liên thông.

"Cần sớm phối hợp giữa các cơ quan để tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh. Còn quy định chồng chéo như hiện tại thì DN đang rất rối", đại diện doanh nghiệp này cho hay.

Tương tự, ông Thái Doãn Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Công đoàn TP.HCM cho biết, ông có một khách sạn 94 phòng ở ngay quận 1 và phải thẩm định lại PCCC theo quy định mới. Có điều, khi công ty ông liên hệ để thiết kế lại PCCC thì được báo chi phí tới 6 tỷ đồng.

"Với những khách sạn mới xây dựng, hệ thống PCCC đã đưa vào thiết kế ban đầu thì không khó nhưng với những khách sạn cũ, đầu tư hàng tỉ đồng cho hệ thống PCCC mới là quá khó, nhất là trong bối cảnh cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn vẫn vắng khách như hiện nay", ông Hồng nêu khó khăn.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lữ hành, du lịch TP.HCM cũng kỳ vọng về Nghị quyết 98 với nhiều cơ chế đặc thù đang được kỳ vọng sẽ tháo gỡ vướng mắc, thu hút đầu tư dưới hình thức hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực văn hóa, thể thao.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng Phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM cho biết, rất nhiều dự án đang chờ đầu tư theo mô hình phù hợp định hướng sản phẩm chủ lực của ngành như sản phẩm du lịch văn hóa, thể thao, kinh tế đêm về vui chơi giải trí kết hợp thể thao, các lễ hội…

Nghị quyết 98 cho phép thành phố được quyền tự chủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất trong phạm vi dưới 500 ha, theo đó thành phố có thể chủ động điều chỉnh quy hoạch kêu gọi đầu tư sản phẩm chiến lược liên quan đến sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp. Hiện nay du lịch sinh thái nông nghiệp đang vướng rất nhiều.

"Việc phát triển du lịch cần có mặt bằng nhà nghỉ, nhà chờ, homestay... nhưng hiện trạng đất của các huyện là đất nông nghiệp nên vẫn còn nhiều vướng mắc để thực hiện", bà Nguyễn Thị Thanh Thảo cho biết.

Điều này tương đồng với nhận định trước đó của PGS.TS. Trương Thị Hiền, nguyên Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM mà Nhadautu.vn đã thông tin.

Cụ thể, bà Hiền cho rằng, để du lịch bứt phá thành ngành mũi nhọn của TP.HCM, và TP/ HCM trở thành một trung tâm du lịch của cả nước thì cần rất nhiều chính sách hỗ trợ.

Ngoài nỗ lực của chính quyền thành phố, Trung ương cũng cần có những cơ chế, chính sách vượt trội để có cơ sở đầu tư, khai thác các đặc điểm, lợi thế tự nhiên cũng như đầu tư hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch, thúc đẩy ngành kinh tế mũi nhọn du lịch.

"TP.HCM cần đẩy nhanh đầu tư trọng tâm, trọng điểm hai sản phẩm du lịch đặc sắc là khu dự trữ sinh quyển gắn với khu đô thị sinh thái lấn biển Cần Giờ và khu du lịch sinh thái ven sông Sài Gòn gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh công nghệ cao; du lịch nghỉ dưỡng kết hợp với du lịch sinh thái, khám phá, trải nghiệm gắn với du lịch thể thao dưới nước", bà Hiền nói và cho rằng xã hội hoá đầu tư là phương án tối ưu để có thể thúc đẩy triển khai hiệu quả, từ đó thúc đẩy du lịch TP.HCM.

"Trung ương cần phân cấp phân quyền, cho phép chính quyền TP.HCM chủ động trong việc phê duyệt quy hoạch và đàm phán, lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), huy động vốn xã hội hoá, tiến hành phân kỳ đầu tư và xúc tiến, quảng bá kêu gọi đầu tư trong nước", bà Hiền phân tích thêm.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25155.00 25475.00
EUR 26606.00 26713.00 27894.00
GBP 30936.00 31123.00 32079.00
HKD 3170.00 3183.00 3285.00
CHF 27180.00 27289.00 28124.00
JPY 158.79 159.43 166.63
AUD 16185.00 16250.300 16742.00
SGD 18268.00 18341.00 18877.00
THB 665.00 668.00 694.00
CAD 18163.00 18236.00 18767.00
NZD   14805.00 15299.00
KRW   17.62 19.25
DKK   3573.00 3704.00
SEK   2288.00 2376.00
NOK   2265.00 2353.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ