Điểm mặt những đại gia công nghệ bị phạt vì độc quyền

Nhàđầutư
Những án phạt dành cho các đại gia công nghệ không chỉ dừng lại ở vấn đề tiền bạc, mà đây là lời cảnh báo các tập đoàn này phải thay đổi chính sách đối với cộng đồng công nghệ.
PHƯƠNG LINH
11, Tháng 04, 2021 | 15:45

Nhàđầutư
Những án phạt dành cho các đại gia công nghệ không chỉ dừng lại ở vấn đề tiền bạc, mà đây là lời cảnh báo các tập đoàn này phải thay đổi chính sách đối với cộng đồng công nghệ.

Alibaba

Trung Quốc vừa áp mức phạt 18,2 tỷ nhân dân tệ (2,8 tỷ USD) đối với tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma, sau cuộc điều tra chống độc quyền.

Tổng cục Quản lý giám sát thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) ngày 10/4 cho biết cuộc điều tra tiến hành từ tháng 12 năm ngoái chỉ ra Alibaba đã ngăn cản người buôn bán sử dụng các nền tảng thương mại điện tử khác.

SAMR khẳng định Alibaba cản trở lưu thông hàng hóa và xâm phạm quyền lợi kinh doanh, từ đó vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc.

Jackma-Alibaba

Tỷ phú Jack Ma, đồng sáng lập Alibaba. Ảnh: AFP

Mức phạt nói trên tương đương 4% doanh thu của Alibaba trong năm 2019 và cao gấp đôi mức 975 triệu USD mà Qualcomm, hãng cung cấp chip điện thoại di động lớn nhất thế giới của Mỹ, nộp ở Trung Quốc vào năm 2015 vì các hoạt động phản cạnh tranh.

Thông cáo của Alibaba nêu rõ họ "chấp nhận" và sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến trong ngày 12/4 để có kế hoạch thực thi án phạt.

Đế chế kinh doanh của tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba, bị giám sát chặt chẽ sau khi có thông tin ông Ma chỉ trích cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc vào cuối tháng 10/2020. Đến tháng 11 cùng năm, cơ quan chức năng đột ngột tạm ngưng kế hoạch bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trị giá 37 tỷ USD của tập đoàn Ant, nhánh tài chính của Alibaba.

Theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn tiếp theo vào tầm ngắm có thể là Tencent, với đế chế tài chính trị giá hơn 100 tỷ USD. Siêu ứng dụng WeChat của Tencent "đáp ứng mọi nhu cầu", từ tán gẫu, đặt xe đến các dịch vụ chi trả.

Nhiều tên tuổi thống trị các lĩnh vực khác cũng không thoát, bao gồm ByteDance với ứng dụng tin tức Toutiao và nền tảng Douyin Douyin (phiên bản Trung Quốc của TikTok); Meituan của dịch vụ giao thức ăn; DiDi Chuxing trong mảng đặt xe công nghệ…

Facebook

Cơ quan chống độc quyền AGCM của Italy ngày 17/2 thông báo đã áp mức phạt mới 7 triệu euro (8,45 triệu USD) đối với Facebook do sai phạm trong việc bảo vệ dữ liệu.

Trong một tuyên bố, AGCM nêu rõ, trang mạng xã hội "khổng lồ" của Mỹ đã không thông báo thích đáng cho người dùng về việc thu thập và sử dụng dữ liệu của họ vì mục đích thương mại.

TELEMMGLPICT000248178303-trans-1431-8612-1612428724

CEO Facebook Mark Zuckerberg. Ảnh: Telegraph

Trước đó, năm 2018, AGCM đã phạt Facebook 5 triệu euro do đã tiến hành những giao dịch không công bằng, đồng thời yêu cầu trang mạng này phải khắc phục sai lầm. Do đó, AGCM đã đưa ra mức phạt thứ 2 trị giá 7 triệu euro do Facebook đã phớt lờ những yêu cầu của cơ quan này.

Mạng xã hội Facebook cũng từng bị nhiều quốc gia khác nhau kiện do vi phạm quyền riêng tư, như thu thập dữ liệu trái quy định. Tại Australia, Ủy ban Cạnh tranh và Người tiêu dùng Australia (ACCC) cáo buộc Facebook có hành vi sai trái, gây hiểu lầm và lừa dối người tiêu dùng trong việc quảng cáo ứng dụng di động Onavo Protect. Đây là ứng dụng phần mềm mạng cá nhân ảo được Facebook mua lại từ một công ty của Israel vào năm 2013 và hiện không còn tồn tại.

Chưa dừng ở đó, ngày 24/7, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) đã chính thức ra thông cáo ấn định án phạt kỷ lục 5 tỷ USD đối với Facebook vì các vi phạm quyền riêng tư của người dùng.

Diễn biến này đánh dấu việc chấm dứt cuộc điều tra của FTC đối với các hoạt động bảo mật dữ liệu của gã khổng lồ truyền thông xã hội.

Bên cạnh án phạt tiền kỷ lục trên, Facebook sẽ phải cơ cấu lại cách tiếp cận quyền riêng tư của mạng xã hội này. Hội đồng thẩm phán của FTC đã bỏ phiếu với tỷ lệ 3 thuận, 2 chống qua đó thông qua thỏa thuận giải quyết cuộc điều tra với Facebook.

FTC cho biết Zuckerberg hoặc những người khác nộp chứng nhận sai có thể phải đối mặt với các hình phạt dân sự và hình sự.

Facebook cũng bị cấm yêu cầu mật khẩu email với các dịch vụ khác khi người tiêu dùng đăng ký. Facebook không được sử dụng các số điện thoại dùng trong một tính năng bảo mật, như xác thực hai yếu tố, để quảng cáo và phải được sự đồng ý của người dùng nếu họ có kế hoạch sử dụng dữ liệu từ công nghệ nhận dạng khuôn mặt.

Trong một tuyên bố, Chủ tịch FTC Joe Simons cho biết, mặc dù đã lặp đi lặp lại lời hứa với hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới về việc kiểm soát cách chia sẻ thông tin cá nhân, song Facebook vẫn làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Tuy nhiên, án phạt trên với Facebook đã bị giới chính trị gia Mỹ chỉ trích vì nó chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với doanh thu lên đến hàng chục tỷ USD của mạng xã hội này.

Google

Ngày 20/3, Cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu (EU) quyết định phạt 1,49 tỷ euro (1,7 tỷ USD) đối với Alphabet, công ty mẹ của Google, vì cố tình chặn các quảng cáo tìm kiếm trực tuyến của đối thủ.

Theo Ủy ban châu Âu (EC), Google bị phạt 1,7 tỷ USD là do có các hoạt động trái pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo tìm kiếm trực tuyến giai đoạn 2006-2016.

AdSense là một sản phẩm của Google hoạt động như một nền tảng trung gian kết nối những nhãn hàng quảng cáo và các chủ trang web đăng các nhãn hàng quảng cáo này.

171290391_483853379639523_8430371037997518960_n

CEO Google Sundar Pichai. Ảnh: CyberInject

Với thủ đoạn của Google, các nhãn hàng quảng cáo và các chủ trang web bị hạn chế các lựa chọn và theo đó sẽ đối mặt với các mức giá dịch vụ cao hơn từ sử dụng nền tảng AdSense của Google.

Các trang web sử dụng quảng cáo hiển thị AdSense bao gồm các trang tin tức, các báo điện tử hay các trang du lịch, đặt phòng.

Các nhà điều tra của Cơ quan chống độc quyền của EU còn phát hiện Google sử dụng "những điều khoản độc quyền" trong hợp đồng, ngăn không cho các báo điện tử đặt quảng cáo của các đối thủ cạnh tranh với Google (PV - Yahoo!, Microsoft) trên trang kết quả tìm kiếm của các báo này.

Nếu các báo điện tử muốn thoát khỏi "những điều khoản độc quyền" này, họ sẽ phải có được văn bản đồng ý của Google trước.

Theo EC, trong giai đoạn 2006-2016, Google chiếm 70% thị phần quảng cáo tìm kiếm trực tuyến và chỉ nhường phần còn lại cho 2 đối thủ Microsoft và Yahoo!.

Trước đó, năm 2018, Google từng bị phạt 5 tỷ USD vì độc quyền trên Android. Theo Financial Times, án phạt 5 tỷ USD được đưa ra sau khi Ủy ban châu Âu cho rằng việc cài, chạy mặc định các ứng dụng Google Play, Search, YouTube... của Google trên hệ điều hành Android sẽ khiến trải nghiệm người dùng bị hạn chế. Họ sẽ buộc phải sử dụng dịch vụ Google thay vì tự do lựa chọn ứng dụng từ bên thứ ba. Cơ quan này còn cho rằng việc cài mặc định sẽ khiến các dịch vụ nhỏ hơn bị chèn ép, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh.

Phản ứng về án phạt này, Google lập luận việc cung cấp Android miễn phí, đặc biệt dành cho các thiết bị giá rẻ giúp người dùng trên toàn thế giới có thể tiếp cận được các dịch vụ tiện ích uy tín thay vì các ứng dụng trôi nổi. Bên cạnh đó, nếu người dùng muốn tải về ứng dụng từ bên thứ ba, Google cũng không hề ngăn cấm. "Họ được tự do cài đặt, miễn là chịu trách nhiệm với hành động của mình", đại diện Google nhấn mạnh.

Việc điều tra độc quyền của Ủy ban châu Âu nhằm vào công ty Mỹ được thực hiện từ năm 2016. Tháng 6/2017, cơ quan này từng đưa ra án phạt 2,7 tỷ USD vì vi phạm luật chống độc quyền đối với Google Search. Như vậy, sau phán quyết mới nhất, Google đã bị phạt tới 7,2 tỷ USD chỉ sau 13 tháng.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 24580.00 24600.00 24920.00
EUR 26295.00 26401.00 27567.00
GBP 30644.00 30829.00 31778.00
HKD 3103.00 3115.00 3217.00
CHF 27002.00 27110.00 27956.00
JPY 159.74 160.38 167.82
AUD 15898.00 15962.00 16448.00
SGD 18065.00 18138.00 18676.00
THB 664.00 667.00 695.00
CAD 17897.00 17969.00 18500.00
NZD   14628.00 15118.00
KRW   17.74 19.37
DKK   3535.00 3666.00
SEK   2297.00 2387.00
NOK   2269.00 2359.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ