[Café cuối tuần] Dòng tiền cho doanh nghiệp và ‘cái lý’ của Thống đốc Lê Minh Hưng

Nhàđầutư
Sau đại dịch COVID-19, vấn đề lớn và nóng nhất lúc này đối với cộng đồng doanh nghiệp chính là cần tìm ra lời giải cho bài toán dòng tiền để phục hồi và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
PHONG CẦM
09, Tháng 05, 2020 | 07:58

Nhàđầutư
Sau đại dịch COVID-19, vấn đề lớn và nóng nhất lúc này đối với cộng đồng doanh nghiệp chính là cần tìm ra lời giải cho bài toán dòng tiền để phục hồi và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Sáng nay 9/5, tại Hội nghị gặp gỡ với Thủ tướng, chắc chắn cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài nước sẽ gửi gắm rất nhiều kỳ vọng về các giải pháp cụ thể, có thể triển khai nhanh và hiệu quả ngay sau khi hội nghị kết thúc.

Trước khi diễn ra hội nghị, có hàng trăm ý kiến mong muốn được tháo gỡ gửi về Văn phòng Chính phủ, trong đó nổi lên 3 vấn đề chính đó là chinh sách tài khóa, tín dụng và cơ chế thực thi. Rõ ràng đây là những vấn đề không mới, nhưng vẫn khiến cộng đồng doanh nghiệp đau đáu vì liên quan sát sườn tới chuyện "sống còn" của họ. Đặc biệt là chính sách tín dụng thế nào để doanh nghiệp phục hồi và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19.

Thực tế sau đại dịch COVID-19, ngành Ngân hàng liên tục nhận được yêu cầu hỗ trợ từ các tập đoàn lớn nhỏ về việc cho vay lãi suất thấp, nới điều kiện, hạn mức tín dụng… Có thể kể đến như, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đề xuất về việc cho 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước tiếp cận gói tín dụng 250.000 tỷ đồng hỗ trợ do ảnh hưởng bởi COVID-19 với lãi suất 0% trong thời hạn ít nhất 3 năm.

Hay như Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất cần đưa ra tiêu chuẩn cấp tín dụng đặc thù, áp dụng riêng cho năm 2020 đối với tín dụng bất động sản như giảm 30-50% lãi vay, giảm 50% giá trị tài sản bảo đảm vay vốn, nới lỏng hạn mức tín dụng với khách hàng vay vốn…

Tuy nhiên, nhiều người trong cuộc cho rằng, những đề xuất trên khó khả thi. Vì rõ ràng, đối với lĩnh vực bất động sản là ngành kinh doanh bị ảnh hưởng từ trước khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra. Hai là ngành bất động sản không liên quan đến nhiều lao động và mang tính đầu cơ nhiều hơn, doanh nghiệp kinh doanh lời ăn lỗ chịu, khó có thể yêu cầu Nhà nước hay ngân hàng hỗ trợ được.

Hơn nữa, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, vốn kinh doanh là vốn thương mại huy động từ dân cư, phải trả lãi chứ không phải vốn được cho không. Vậy phần lãi suất trên liệu ngân sách có đủ để cấp bù cho ngân hàng khi mà nguồn lực ngân sách vốn đã eo hẹp nay lại càng khó khăn hơn do ngành Ngân hàng đang phải hỗ trợ rất nhiều các đối tượng khác.

Không phủ nhận các doanh nghiệp lớn cần sự giúp đỡ nhưng với cơ chế vay lãi suất bằng 0% và thời gian ân hạn tới 3 năm nếu áp dụng, sẽ lấy đi tất cả những nguồn lực của ngân hàng để hỗ trợ các thành phần còn lại của nền kinh tế.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định hệ thống ngân hàng đảm bảo cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ tối đa khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tuy nhiên, tuyệt đối không hạ chuẩn tín dụng, không nới lỏng điều kiện cho vay. Vì nguồn vốn tín dụng này, các chương trình hỗ trợ này đều đến từ tiền gửi của người dân và chính doanh nghiệp, nên trách nhiệm đầu tiên của các TCTD là phải đảm bảo an toàn hệ thống, đảm bảo an toàn nguồn vốn. Đây là yêu cầu tiên quyết và cũng là "cái lý" có lý của người đứng đầu ngành Ngân hàng.

Đó là chưa kể, nợ xấu của hệ thống ngân hàng theo dự báo có thể cao hơn 3,67% vào cuối năm nay và như vậy, các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro tương đối nhiều. Thực tế, nợ xấu quý I/2020 đã dềnh lên, buộc các ngân hàng phải tăng mạnh trích lập dự phòng từ 50-70%.

Sau tác động của đại dịch COVID-19, dấu ấn điều hành của người đứng đầu ngành Ngân hàng là khá rõ nét. Hệ thống ngân hàng đã và đang nỗ lực đưa ra các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 170.000 khách hàng với tổng dư nợ xấp xỉ 130.000 tỷ đồng; đã miễn giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ cho trên 14.000 khách hàng với dư nợ xấp xỉ 29.000 tỷ đồng; hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho khoảng 318.000 khách hàng với dư nợ trên 980.000 tỷ đồng (mức hạ lãi suất phổ biến từ 0,5-2%, thậm chí có một số TCTD đã hạ lãi suất từ 2,5-4%); cho vay mới với lãi suất ưu đãi thấp hơn so với lãi suất cho vay trước khi có dịch từ 1-2% cho khoảng 150.000 khách hàng với doanh số cho vay mới lũy kế kể từ 23/1 tới nay là trên 500.000 tỷ đồng.

Đó là những con số cho thấy nỗ lực của ngành Ngân hàng trong việc đồng hành cùng nền kinh tế vượt qua những khó khăn hiện nay, song phải trên cơ sở đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và bảo toàn được nguồn vốn vì đây là nguồn tiền gửi của dân cư. Do đó, việc hỗ trợ tín dụng là cần thiết nhưng phải duy trì điều kiện, tiêu chuẩn để đảm bảo an toàn không chỉ cho giai đoạn hiện nay mà cho nhiều năm tới. Vì rõ ràng, hệ thống ngân hàng có an toàn, lành mạnh thì mới đảm bảo hỗ trợ cho nền kinh tế và sự phát triển đất nước.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25185.00 25187.00 25487.00
EUR 26723.00 26830.00 28048.00
GBP 31041.00 31228.00 3224.00
HKD 3184.00 3197.00 3304.00
CHF 27391.00 27501.00 28375.00
JPY 160.53 161.17 168.67
AUD 16226.00 16291.00 16803.00
SGD 18366.00 18440.00 19000.00
THB 672.00 675.00 704.00
CAD 18295.00 18368.00 18925.00
NZD   14879.00 15393.00
KRW   17.79 19.46
DKK   3588.00 3724.00
SEK   2313.00 2404.00
NOK   2291.00 2383.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ