Xuất khẩu gạo sang EU hậu EVFTA: Rào cản nhỏ có chặn bước cơ hội lớn?

Việc xuất khẩu gạo vẫn chưa được hưởng ưu đãi do thiếu quy định hướng dẫn đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU.
NGỌC HÀ
24, Tháng 08, 2020 | 11:34

Việc xuất khẩu gạo vẫn chưa được hưởng ưu đãi do thiếu quy định hướng dẫn đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8 giúp người tiêu dùng EU tiết kiệm được hơn 1 euro khi mua mỗi bao 5kg gạo thơm VJ nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam. Có được điều này là nhờ hạn ngạch 80.000 tấn được áp thuế 0% mà EU cấp cho Việt Nam mỗi năm trong khuôn khổ hiệp định, trong đó riêng gạo thơm là 30.000 tấn.

Để thâm nhập được vào thị trường khó tính này, bản thân doanh nghiệp cũng phải trải qua một quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước. Chẳng hạn như để có loại gạo với độ dài hạt tiêu chuẩn 8 mm, màu trắng, vị thơm thanh nhẹ và vị ngọt vừa phải nêu trên, nhà sản xuất là Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed, một thành viên của Tập đoàn PAN) đã phát triển sản phẩm từ một trong những giống lúa tốt nhất nước, tiến hành kiểm soát chất lượng từ khâu chọn giống, canh tác bằng công nghệ Nhật cũng như đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Ngoài việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu chuẩn VietGap, Vinaseed đã phải đầu tư một dây chuyền hiện đại và đạt chuẩn Hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) của Hà Lan. Tính đến hết năm 2019, doanh nghiệp này đã xuất sang châu Âu được 2.000 tấn gạo với giá trị khoảng 2 triệu USD, tức là gấp đôi giá trung bình của gạo Việt Nam xuất khẩu.

Không riêng Vinaseed, trước thời điểm EVFTA có hiệu lực, ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết doanh nghiệp sẵn sàng xuất hàng vào EU bằng việc xây dựng được cánh đồng gạo sạch, hữu cơ theo tiêu chuẩn EU và Mỹ. Bên cạnh đó, đơn vị cũng đầu tư hơn 10 silo chứa lúa khô của Đức, có thể dự trữ khoảng 30.000 tấn đảm bảo nguồn cung và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của đối tác.

Trong khi đó, Công ty CP Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát cũng sẵn sàng đẩy mạnh việc xuất khẩu gạo vào thị trường có sức tiêu thụ gạo khoảng 2,5 triệu tấn mỗi năm khi đã có đủ những chứng nhận như HACCP, ISO và kinh nghiệm 5 năm xuất khẩu vào EU.

trung-tam-cong-nghiep-che-bien-9366-8201-1597736461

Để chuẩn khai thác các thị trường cao cấp như EU, từ năm 2019, Vinaseed đã đưa vào hoạt động Trung tâm Công nghiệp chế biến hạt giống và nông sản hiện đại bậc nhất Việt Nam ở tỉnh Đồng Tháp, với công nghệ đồng bộ từ Nhật Bản. Ảnh: Vinaseed

Tuy nhiên, dù có những thuận lợi nêu trên nhưng một điểm đáng chú ý đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang châu Âu là EU vừa công bố phân bổ hạn ngạch gạo được hưởng thuế suất 0% trực tiếp cho doanh nghiệp nhập khẩu của họ, thay vì để cơ quan chức năng Việt Nam làm việc này như trước. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam có đủ điều kiện xuất gạo sang EU phải liên lạc với doanh nghiệp nhập khẩu có hạn ngạch để giao dịch và chào bán.

Ngoài ra để được hưởng mức thuế suất 0%, những lô hàng gạo thơm của doanh nghiệp phải có chứng nhận đúng chủng loại được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và ghi rõ "gạo thuộc một trong những chủng loại được hưởng ưu đãi hạn ngạch thuế quan của EVFTA”.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn hiện là cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo Nghị định Hướng dẫn quy trình đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu vào EU để được hưởng ưu đãi hạn ngạch EVFTA. Dự thảo này đề xuất để được chứng nhận là gạo thơm thì sản phẩm phải được sản xuất từ giống lúa có chất lượng hạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, có thông tin rõ ràng về diện tích, địa điểm trồng lúa.

Đồng thời, trong vòng 20 ngày trước khi thu hoạch, đơn vị xuất khẩu phải gửi thông báo tới tổ chức kiểm tra đồng ruộng một lần theo mẫu quy định tại phụ lục I, II được ban hành kèm theo nghị định. Ngoài ra, đơn vị xuất khẩu gạo thơm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng giống theo quy định trong quá trình thu hoạch, phơi, sấy, sơ chế, bảo quản, xay xát, chế biến và đóng gói. Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp là cơ quan có thẩm quyền chứng nhận, chứng nhận lại và hủy bỏ chứng nhận.

Tuy nhiên, sau khoảng 3 tuần EVFTA có hiệu lực, văn bản hướng dẫn nêu trên vẫn đang dừng ở bước dự thảo. Điều này khiến việc xuất khẩu gạo vào EU vẫn phải chịu mức thuế suất 0-45% thay vì được hưởng ưu đãi theo cam kết, dù doanh nghiệp đã chuẩn bị rất bài bản và đáp ứng được cả những tiêu chuẩn cao nhất để xuất khẩu đi toàn cầu. Kéo theo đó, gạo Việt kém cạnh tranh hơn so với sản phẩm cùng loại đến từ những thị trường khác như Thái Lan, Campuchia hay Myanmar, do được bán với giá thấp hơn. 

Trường hợp doanh nghiệp không xin chứng nhận chủng loại gạo thì vẫn xuất được vào EU nhưng thuộc diện phải chịu thuế. Trước đó, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu được 6,37 triệu tấn gạo trong năm 2019 với giá trị 2,8 tỷ USD, tăng 4,2% về sản lượng so với 2018. Tuy nhiên, những thị trường nhập khẩu gạo lớn thì không có tên các nước thành viên EU mà chỉ có Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh, Philippines, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và một số thị trường châu Phi như Bờ Biển Ngà, Ghana…Vì vậy, để gia tăng thị phần gạo Việt ở thị trường EU và mang lại giá trị lớn hơn, doanh nghiệp mong sớm có hướng dẫn về đăng ký chứng nhận chủng loại gạo xuất khẩu từ Cục Trồng trọt.

Ông Nguyễn Quang Trường, Tổng Giám đốc Vinaseed kỳ vọng việc ban hành Nghị định hướng dẫn quy trình đăng ký chủng loại gạo xuất khẩu sang EU có thể được ban hành vào cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 để doanh nghiệp sớm được hưởng thuế suất 0% theo cam kết của EVFTA.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình của Công ty Trung An đề xuất Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đẩy nhanh việc giải quyết những thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo, cấp C/O..., để doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội xuất khẩu và tránh được những thiệt hại không đáng có.

EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam gồm 27 nước thành viên với dân số hơn 500 triệu người và thu nhập cao (33.248USD/người/năm). Khi EVFTA có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sau 7 năm. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cắt giảm gần 100% dòng thuế trong vòng 10 năm, trong đó 48,5% về 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực, 91,8% về 0% sau 7 năm. Việc giảm thuế không áp dụng với một số kim loại quặng quý hiếm.

(Theo NDH)

 

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25170.00 25172.00 25472.00
EUR 26456.00 26562.00 27742.00
GBP 30871.00 31057.00 32013.00
HKD 3176.00 3189.00 3292.00
CHF 27361.00 27471.00 28313.00
JPY 160.49 161.13 168.45
AUD 15933.00 15997.00 16486.00
SGD 18272.00 18345.00 18880.00
THB 671.00 674.00 701.00
CAD 18092.00 18165.00 18691.00
NZD   14693.00 15186.00
KRW   17.52 19.13
DKK   3553.00 3682.00
SEK   2267.00 2353.00
NOK   2251.00 2338.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ