[Gặp gỡ thứ Tư] 'Để doanh nghiệp không còn cô đơn'

Nhàđầutư
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay do các tác động của tình hình thế giới và vĩ mô thì những đồng hành của chính quyền thành phố đối với cộng đồng doanh nghiệp rất là quan trọng, ý nghĩa. Bởi vì đây là động lực giúp cho các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển…
THÀNH VÂN
11, Tháng 10, 2023 | 10:30

Nhàđầutư
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay do các tác động của tình hình thế giới và vĩ mô thì những đồng hành của chính quyền thành phố đối với cộng đồng doanh nghiệp rất là quan trọng, ý nghĩa. Bởi vì đây là động lực giúp cho các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục phát triển…

Đó là những chia sẻ của ông Lê Minh Phúc, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng với Nhadautu.vn nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 năm nay. 

Anh-Phuc

Ông Lê Minh Phúc, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng. Ảnh: T.V.

Xin ông cho biết, những khó khăn lớn nhất mà cộng đồng doanh nghiệp Đà Nẵng đang phải đối diện?

Ông Lê Minh Phúc: Về tổng thể, những khó khăn lớn nhất của cộng đồng doanh nghiệp TP. Đà Nẵng đang phải đối diện là sự biến động về lãi suất trên thị trường thế giới, gây áp lực rất nhiều cho các chính sách về tài chính tiền tệ của quốc gia. Điều này đã đẩy lãi suất thời gian trước lên cao.

Sự thay đổi về lãi suất ngân hàng, tỉ giá và các sức ép liên quan đến khả năng huy động vốn thông qua khoản vay ngân hàng, trái phiếu thời gian qua đã khó khăn hơn rất nhiều cho doanh nghiệp.

Tiếp theo, khi một loạt khó khăn đó dẫn đến một số ngành cũng bị khó khăn theo, ví dụ như những ngành bất động sản, xây dựng hay ngành du lịch. Dù ngành du lịch đã có hồi phục nhưng không đạt được điểm hòa vốn, lượng khách chưa bằng so với thời gian trước đại dịch cũng khiến nhiều doanh nghiệp suy yếu về dòng tiền, không sinh lời.

Ngoài ra, có một số chính sách gần đây không còn phù hợp với cơ cấu chi phí của các doanh nghiệp. Nếu như trước đây, thị trường bất động sản tăng trưởng mạnh khiến giá cao, đến thời điểm này thì quá cao. Điều này dẫn đến chi phí khi tích hợp vào chi phí của doanh nghiệp, làm cho doanh nghiệp đuối sức, không có khả năng để duy trì hoạt động kinh doanh. 

doanh nghiep

Đà Nẵng hiện có 38.768 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động trên địa bàn. Ảnh: T.V.

Trước những khó khăn trên, theo ông vai trò của chính quyền thành phố sẽ giúp cộng đồng doanh nghiệp như thế nào?

Ông Lê Minh Phúc: Trong bối cảnh khó khăn hiện nay do các tác động của tình hình thế giới, và vĩ mô thì những đồng hành của chính quyền thành phố đối với cộng đồng doanh nghiệp rất quan trọng và rất ý nghĩa.

Bởi vì đây là động lực giúp cho các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn, cùng đóng góp, duy trì và khơi thông các nguồn lực của thành phố để tiếp tục phát triển. Xa hơn là tiếp tục tạo ra những tái cấu trúc phù hợp hơn với xu hướng, tầm nhìn mới của TP. Đà Nẵng.

Chính quyền cần lắng nghe ý kiến, phản hồi của doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn.

Ông Lê Phúc Minh

Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước biến động không ngừng, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức, nếu không chuẩn bị và sẵn sàng ứng biến trước những rủi ro thì sẽ tạo nên những rào cản, khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí tụt hậu trong phát triển và hội nhập.

Do đó, mối quan hệ giữa chính quyền và doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương. 

Vậy để mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính quyền phát huy tối đa hiệu quả, ông có đề xuất gì, thưa ông?

Ông Lê Minh Phúc: Để khai thác hiệu quả mối quan hệ này, phía chính quyền cần tăng cường sự phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp địa phương trong việc xây dựng, ban hành và thực thi các cơ chế, chính sách, quy định của  TP. Đà Nẵng liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

doanh-nghiep-

Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu. Ảnh: T.V.

Trong đó, chính quyền cần lắng nghe ý kiến, phản hồi của doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn. Cụ thể, hàng năm, tổ chức các hoạt động đối thoại, trao đổi giữa chính quyền và doanh nghiệp nhằm tăng cường chia sẻ thông tin, giải đáp những vướng mắc, tạo nên sự đồng thuận và gắn kết giữa chính quyền và doanh nghiệp.

Hàng tháng/hàng quý tổ chức chương trình Cafe Doanh nhân giữa chính quyền và doanh nghiệp theo ngành nghề, theo chủ đề để chính quyền và doanh nghiệp gần nhau hơn, nắm bắt nguyện vọng của doanh nghiệp nhiều hơn và sát thực tế để hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả.

Chính quyền cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng và chia sẻ thông tin về chính sách cho các doanh nghiệp. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ để tiết kiệm thời gian và chi phí. Khen thưởng, biểu dương các doanh nghiệp có thành tích trong sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

20220218-IMG_3524

Ông Phúc cho rằng, chính quyền cần lắng nghe ý kiến, phản hồi của doanh nghiệp. Ảnh: T.V.

Cập nhật và chia sẻ thông tin kịp thời về tầm nhìn, chiến lược, quy hoạch mới để cộng đồng doanh nghiệp định hướng về chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, khách hàng.

Chia sẻ và thông tin kịp thời các nhu cầu của nhà đầu tư lớn đến đầu tư tại thành phố Đà Nẵng để các doanh nghiệp địa phương được tiếp cận, giới thiệu và cung cấp sản phẩm, dịch vụ (nếu phù hợp).

Đặc biệt, chính quyền thành phố nghiên cứu thành lập đầu mối hoặc tổ hỗ trợ chính sách và có kênh truyền thông nhất quán, công khai để khi doanh nghiệp có nhu cầu có thể trực tiếp vào kênh để tìm kiếm và có đầu mối để liên hệ tư vấn khi cần. Đầu mối này cũng có thể là bộ phận trực tiếp hướng dẫn, tư vấn doanh nghiệp làm thủ tục, hồ sơ khi muốn tiếp cận với chính sách. 

20230512-IMG_2930

Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn Đà Nẵng đang phát triển ổn định. Ảnh: T.V.

Vậy phía doanh nghiệp thì cần làm gì?

Ông Lê Minh Phúc: Doanh nghiệp cần tích cực tham gia các hoạt động do chính quyền tổ chức. Đồng thời, chủ động tiếp cận thông tin về chính sách, quy hoạch của thành phố; phản hồi ý kiến, đề xuất với chính quyền về các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước trên cơ sở tầm nhìn, chiến lược và quy hoạch của thành phố để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Vừa qua, Việt Nam - Mỹ chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện, vậy ông đánh giá như thế nào về việc này?

Ông Lê Minh Phúc: Giới doanh nhân nhận định đây là sự kiện rất là tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Vì trước đây Việt Nam đã có đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc – nền kinh tế lớn số 2 thế giới, rồi có thêm Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc. Bây giờ đến Mỹ - hiện đang là nền kinh tế số 1 thế giới, như vậy Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các nền kinh tế top đầu thế giới.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần có thời gian để những sự hợp tác dần dần đi vào thực tế, tạo ra giá trị thực sự cho nền kinh tế, cũng như các doanh nghiệp.

Để tận dụng cơ hội này, cộng đồng doanh nghiệp ở Đà Nẵng cần chuẩn bị rất nhiều việc. Trong đó, chuẩn bị ngoại ngữ để giao thương quốc tế thuận lợi; các chuẩn mực quản trị; tiếp cận dần với công nghệ hoặc những công nghiệp phụ trợ nằm trong chuỗi giá trị của nền kinh tế Mỹ...

Cuối cùng, ông nhận định như thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2024?   

Ông Lê Minh Phúc: Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục, còn mức độ nhanh chậm thì còn phụ thuộc vào nhiều diễn biến của thế giới cũng như tình hình vĩ mô. Nhưng chắc chắn tình hình kinh tế năm sau sẽ tốt lên.  

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Điều chỉnh kích thước chữ