Để nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại doanh nghiệp nhà nước

Chuyện mang vốn nhà nước đi bán không dễ dàng gì và nhà đầu tư nước ngoài dù tha thiết muốn mua, sẵn sàng mua cũng khó vì đang có nhiều vướng mắc trong các quy định hiện hành.
TRI NHÂN
17, Tháng 05, 2021 | 16:22

Chuyện mang vốn nhà nước đi bán không dễ dàng gì và nhà đầu tư nước ngoài dù tha thiết muốn mua, sẵn sàng mua cũng khó vì đang có nhiều vướng mắc trong các quy định hiện hành.

dau-tu-nuoc-ngoai

Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ là vốn mà còn là trình độ quản trị và công nghệ tiên tiến

Một đề án khuyến khích khu vực đầu tư nước ngoài mua phần vốn tại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) là đại diện chủ sở hữu đang được khởi thảo nhằm góp phần cơ cấu lại DNNN theo hướng nâng cao hiệu quả trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, hình thành đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, có trình độ cao.

Thực tiễn trong thời gian qua, nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước và các doanh nghiệp trực thuộc đã hoàn thành việc cổ phần hóa, thoái vốn, như: Petrolimex, PVOil, PVPower, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn, EVN GENCO3, Sabeco… Không ít nhà đầu tư rất quan tâm đến các DNNN được cổ phần hóa và việc thoái vốn của nhà nước.

Thực tiễn cũng cho thấy, sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào doanh nghiệp sau khi mua lại được phần vốn nhà nước đã mang lại nhiều sự thay đổi đáng kể. Trong nhiều trường hợp, sau khi mua cổ phần tại doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đã mang tới kinh nghiệm quản trị hiện đại và nguồn thông tin quốc tế phong phú, xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp tốt, giúp doanh nghiệp cải thiện hiệu quả kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh. Còn nhà nước thì thu về khoản tiền không nhỏ.

Tuy nhiên theo ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của CMSC, trong quá trình thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần thì có doanh nghiệp thành công, cũng có những doanh nghiệp chưa thành công. Bên cạnh đó, ngay trong các đơn vị thu hút thành công, cũng có trường hợp tận dụng tốt được các lợi thế về kinh nghiệm quản trị, công nghệ và năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài trong quá trình xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường mang lại hiệu quả cho nhà nước, doanh nghiệp; song cũng có doanh nghiệp chưa tận dụng được các lợi thế này.

Ngay cả với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng vậy. Ông Lê Song Lai - Phó Tổng giám đốc SCIC cho biết, trong 15 năm hoạt động SCIC đã thoái vốn thành công tại 1017 doanh nghiệp trong đó có nhiều thương vụ đã bán thành công cho nhà đầu tư nước ngoài điển hình như Vinamilk và Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh. 2 thương vụ này đã thu về 22.600 tỷ đồng gấp 15 lần giá vốn (giá vốn là 1.508 tỷ đồng).

“Sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài giúp tăng cường tính cạnh tranh và nâng cao hiệu quả thoái vốn nhà nước của SCIC. Các đợt bán vốn của SCIC đã tạo được ấn tượng tốt trong giới đầu tư về chuyển nhượng vốn của nhà nước”, ông Lê Song Lai cho biết.

Nhưng chuyện mang vốn nhà nước đi bán cũng không dễ dàng gì và nhà đầu tư nước ngoài dù tha thiết muốn mua, sẵn sàng mua cũng khó vì đang có nhiều vướng mắc trong các quy định hiện hành. Vướng mắc đầu tiên là tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa được quy định rõ ràng, chưa hợp lý. “Chúng tôi hỏi cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo hiểm, nhà đầu tư được giữ bao nhiêu cổ phần, 49% hay 100% hay bao nhiêu nhưng sau 2 năm cũng chưa được trả lời. Hỏi không được, chúng tôi hỏi lại nhà đầu tư nước ngoài có được mua hay không, chỉ cần trả lời được hay không - cũng không được trả lời”, ông Lê Song Lai cho biết.

Cũng như SCIC, CTCP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng đợi suốt 9 tháng chưa được trả lời về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và bao gồm bảo hiểm sức khỏe. “Nhận được câu trả lời chúng tôi mới biết phải làm gì tiếp theo”, ông Bùi Xuân Thu - Tổng giám đốc của PTI nói. Bởi chỉ khi có được câu trả lời về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài thì PTI, SCIC và các DNNN mới thực hiện được các kế hoạch thoái vốn cũng như mới có thể tăng được vốn điều lệ.

Bất cập thứ hai là nhà đầu tư phải đặt cọc trước bằng tiền Việt Nam. Nhưng đặt cọc rồi cũng không biết mua được hay không. Nếu không trúng giá không mua được, tiền nhận lại phải đổi thành ngoại tệ để chuyển về nước. Theo ông Lai, đây cũng là một vấn đề làm nhà đầu tư nước ngoài e dè.

Bất cập nữa là về thời hạn, thời gian và thông tin. Rất nhiều thương vụ thoái vốn lớn giá trị hàng tỷ USD, nhưng thời gian quá ngắn, chỉ có 3 tháng, không đủ để nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đầu tư. Họ cũng không có cơ hội để tìm hiểu kỹ lưỡng về doanh nghiệp do thông tin họ có được chỉ là những thông tin công bố công khai và hầu hết các bản thông tin này là tiếng Việt. Ngược lại, doanh nghiệp thoái vốn cũng cần thời gian đủ để cân nhắc đàm phán và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược phù hợp.

Bên cạnh đó, nếu trúng giá, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chuyển một lượng lớn ngoại tệ vào Việt Nam và quy đổi ra tiền Việt với giá trị hàng nghìn tỷ đồng nhưng thời gian quy định là phải chuyển tiền trong 7-10 ngày. Với lượng tiền chuyển đổi lớn trong một thời gian ngắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ trong nước và khả năng đáp ứng của ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng rơi vào rủi ro nếu không kịp lo đủ hàng nghìn tỷ đồng tiền Việt để nộp đúng hạn không may trong thời gian 7-10 ngày sẽ mất khoản đặt cọc.

Đó chỉ là một số trong nhiều vướng mắc đang cản trở sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài tới các đợt thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa DNNN. Từ thực tế này, các doanh nghiệp đề nghị cần hoàn thiện cơ chế chính sách về thoái vốn, xác định rõ tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp thoái vốn. Bên cạnh đó, nên bổ sung các hình thức bán phù hợp với thông lệ quốc tế, nên cho phép sử dụng tiền USD để thanh toán tính theo tỷ giá của NHTM nhà nước trong ngày giao dịch...

"Bản đề án khuyến khích khu vực đầu tư nước ngoài mua phần vốn tại doanh nghiệp mà nhà nước thoái vốn do CMSC làm đại diện chủ sở hữu đang được cơ quan này khởi thảo sẽ hướng tới tháo gỡ các vướng mắc hiện nay để thu hút nhà đầu tư nước ngoài và giúp các doanh nghiệp tìm được đối tác nước ngoài thực sự có chất lượng từ đó nắm bắt cơ hội để chuyển mình”, ông Phạm Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của CMSC cho biết.

(Theo Thời báo Ngân hàng)

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ