Cần có bao nhiêu tiền để lọt vào danh sách 1% những người giàu nhất thế giới?

Nhàđầutư
Để gia nhập câu lạc bộ những công dân giàu có nhất nước Mỹ, bạn sẽ cần ít nhất 5,8 triệu USD, tăng khoảng 15% so với 5,1 triệu USD một năm trước, theo Báo cáo tài sản năm 2024 của công ty bất động sản toàn cầu Knight Frank. Trong khi con số đó ở Trung Quốc là 1,1 triệu USD.
AN AN
29, Tháng 02, 2024 | 10:00

Nhàđầutư
Để gia nhập câu lạc bộ những công dân giàu có nhất nước Mỹ, bạn sẽ cần ít nhất 5,8 triệu USD, tăng khoảng 15% so với 5,1 triệu USD một năm trước, theo Báo cáo tài sản năm 2024 của công ty bất động sản toàn cầu Knight Frank. Trong khi con số đó ở Trung Quốc là 1,1 triệu USD.

Báo cáo cho biết, việc tạo ra của cải mạnh mẽ, một phần nhờ nền kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, đã giúp nâng ngưỡng này lên cao hơn.

Hơn 4% cá nhân có giá trị ròng cực cao (UHNWI), trị giá ít nhất 30 triệu USD, được biết đến trong năm 2023, nâng tổng số cá nhân giàu có đạt ngưỡng này trên toàn cầu lên con số gần 627.000.

buffettbezos Getty

Các tỷ phú Warren Buffett (trái) và Jeff Bezos nằm trong số những người giàu nhất nước Mỹ và thế giới. Ảnh Lacy O’ Toole/CNBC/Getty Images

Và Hoa Kỳ chỉ đứng thứ tư trên toàn cầu về mức độ giàu có mà một người cần để tham gia nhóm 1% những người giàu nhất nước.

Đứng đầu danh sách là Monaco, nơi ngưỡng để vào danh sách 1% những người giàu có nhất là bạn phải có ít nhất 12,9 triệu USD.

Theo mô hình đo lường tài sản của Knight Frank, tài sản của một người bao gồm các khoản đầu tư, tiền mặt và các tài sản khác bao gồm nơi cư trú chính và phụ của họ.

Những số liệu mới nêu bật sự phân hóa ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo cả trên toàn cầu và tại mỗi nước. Theo báo cáo Bất bình đẳng Inequality Inc. của Oxfam America, kể từ năm 2020, 5 tỷ người trên thế giới đã trở nên nghèo hơn, trong khi 5 người giàu nhất thế giới lại có tài sản tăng hơn gấp đôi.

Theo nghiên cứu của Oxfam, các tập đoàn lớn phải chịu một phần nguyên nhân khiến tình trạng bất bình đẳng gia tăng do phản đối việc tăng lương tối thiểu và phản đối các nỗ lực thành lập công đoàn.

Ngoài ra, một sự thay đổi lớn về thế hệ trong số những người nắm giữ tài sản đang diễn ra.

Trong hai thập kỷ tới ở Mỹ, một khối lượng tài sản trị giá 90 nghìn tỷ USD sẽ được chuyển từ thế hệ im lặng (Silent Generation: là thế hệ những người được sinh ra vào khoảng thời gian từ những năm 1928 đến 1945) và thế hệ bùng nổ trẻ sơ sinh (Baby Boomer) sang thế hệ trẻ hơn bao gồm Gen X, thế hệ Millennials và Gen Z.

Millennials được kỳ vọng sẽ trở thành thế hệ giàu nhất trong lịch sử.

Theo dữ liệu của Fed, những người thuộc thế hệ bùng nổ trẻ em hiện nắm giữ 50% tổng tài sản ở Hoa Kỳ, trải rộng trên nhiều loại tài sản khác nhau.

Ben Whattam, người đồng sáng lập Modern Affluence Exchange, đã viết trong báo cáo: "Thế hệ tiếp theo sẵn sàng thừa kế những khoản tiền khổng lồ và tất cả nghiên cứu mà chúng tôi ủy thác đều xác nhận rằng họ coi trọng phúc lợi xã hội và môi trường bên cạnh lợi ích kinh tế và họ không theo đuổi tăng trưởng bằng mọi giá".

Báo cáo cũng thu hút sự chú ý đến sự phân hóa ngày càng lớn giữa các nước giàu và nước nghèo.

1 phantramgiaunhat

Năm ngoái, để vào danh sách 1% những người giàu có nhất Monaco (cũng là giàu nhất thế giới), người ta cần ít nhất 12,4 triệu USD, nhưng năm nay, con số đó đã tăng lên 12.9 triệu USD. Đồ họa của Knight Frank

Liam Bailey, người đứng đầu nghiên cứu toàn cầu tại Knight Frank cho biết trong báo cáo: "Phát hiện của chúng tôi xác nhận sự khác biệt đáng kể trong phân bổ tài sản giữa các quốc gia, với các trung tâm nhỏ hơn thể hiện xu hướng hướng tới các ngưỡng cao hơn của sự giàu có".

Điều đó một phần là do có sự tập trung cao hơn của các cá nhân cực kỳ giàu có ở các quốc gia như Monaco, chẳng hạn, điều này thu hút UHNWIs vì luật thuế thuận lợi.

Bailey nói: "Khi các nước phương Tây nói riêng đang vật lộn với thâm hụt ngân sách của chính phủ và nhu cầu tăng doanh thu thuế, họ mong đợi chính sách tập trung nhiều hơn vào vị trí của cải, cách thức phân phối tài sản giữa các nền kinh tế và cách chính phủ có thể đánh thuế tài sản và khuyến khích sự tăng trưởng của tài sản".

Ví dụ, một số bang ở Mỹ đã đề xuất đánh thuế tài sản để huy động hàng tỷ USD từ những người Mỹ giàu có nhất. Những bang này gồm California, Connecticut, Hawaii, Illinois, Maryland, Minnesota, New York và Washington.

Trong bảng xếp hạng 1% của Knight Frank, rất tiếc chưa có số liệu của Việt Nam. Tuy nhiên, theo ấn bản mới nhất của The Wealth Report, báo cáo tài sản hàng đầu của Knight Frank, số lượng cá nhân có giá trị ròng siêu cao (UHNWI) tại Việt Nam gần như tăng gấp đôi từ năm 2017 đến năm 2022.

Từ 583 cá nhân có tài sản ròng vượt quá 30 triệu USD vào năm 2017, con số đó đã tăng lên 1.059 vào cuối năm ngoái ở Việt Nam, thể hiện mức tăng trưởng 82% trong giai đoạn này.

Knight Frank dự đoán con số này sẽ tăng lên khoảng 1.300 vào năm 2027 và thể hiện mức tăng trưởng trong nhóm UHNWI là 122% trong thập kỷ này.

Giauconhat

Sự giàu có cũng chênh lệch khá nhiều, tùy từng nước trên thế giới, theo bảng xếp hạng của Knight Frank. Ảnh minh họa của Bloomberg

Đây là mức độ giàu có mà bạn cần để trở thành một phần của 1% trên toàn cầu:

Monaco - 12,9 triệu USD

Luxembourg - 10,8 triệu USD

Thụy Sĩ - 8,5 triệu USD

Hoa Kỳ — 5,8 triệu USD

Singapore – 5,2 triệu USD

Thụy Điển — 4,8 triệu USD

Úc — 4,7 triệu USD

New Zealand — 4,6 triệu USD

Ireland - 4,3 triệu USD

Đức — 3,4 triệu USD

Pháp — 3,3 triệu USD

Hồng Kông - 3,1 triệu USD

Anh — 3,1 triệu USD

Ý — 2,5 triệu USD

Tây Ban Nha - 2,5 triệu USD

Nhật Bản — 2 triệu USD

Trung Quốc đại lục — 1,1 triệu USD

Điều chỉnh kích thước chữ