[Gặp gỡ thứ Tư] Du lịch cao cấp: Xu hướng đầu tư trong bối cảnh cạnh tranh bằng chất lượng

Nhàđầutư
"Nhu cầu và mức sống của người dân, của khách du lịch tiềm năng trên toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt đối với các sản phẩm cao cấp. Cạnh tranh hiện nay là cạnh tranh bằng chất lượng, cạnh tranh trong việc tiếp cận khách có khả năng chi tiêu cao", TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.
KIM NGÂN - TRÍ ĐỨC
10, Tháng 01, 2024 | 08:00

Nhàđầutư
"Nhu cầu và mức sống của người dân, của khách du lịch tiềm năng trên toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt đối với các sản phẩm cao cấp. Cạnh tranh hiện nay là cạnh tranh bằng chất lượng, cạnh tranh trong việc tiếp cận khách có khả năng chi tiêu cao", TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Một số lãnh đạo doanh nghiệp du lịch, bất động sản du lịch cho biết trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy khó khăn và cạnh tranh khắc nghiệt, họ đang hướng đến phát triển những sản phẩm cao cấp hơn để tìm kiếm dòng tiền tốt hơn ở một phân khúc có triển vọng tích cực.

Nhadautu.vn đã trao đổi với TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, về xu hướng này.

Đón đầu xu hướng trong tương lai

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam 2023 đạt 12,6 triệu, tương đương 70% con số 2019 - năm trước đại dịch, trong khi kinh tế thế giới vẫn tiếp tục suy giảm. Một số lãnh đạo doanh nghiệp du lịch, bất động sản du lịch cho biết họ đang hướng đến phát triển những sản phẩm cao cấp hơn để tìm kiếm dòng tiền tốt hơn ở một phân khúc có triển vọng tích cực. Theo quan sát của ông, đây có phải là xu hướng hiện nay không?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Đúng vậy, xu hướng này rất rõ. Nhu cầu và mức sống của người dân, của khách du lịch tiềm năng trên toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt đối với các sản phẩm cao cấp. Cạnh tranh hiện nay là cạnh tranh bằng chất lượng, cạnh tranh trong việc tiếp cận khách có khả năng chi tiêu cao.

Hơn thế, sau đại dịch, kinh tế đã có những thay đổi tích cực nên định hướng tiến tới các sản phẩm cao cấp là hoàn toàn phù hợp. Nó cũng phù hợp với chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến 2030. Chiến lược định hướng rất rõ là thay vì phát triển du lịch đại chúng, doanh nghiệp nên hướng đến cái sản phẩm cao cấp, đến đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, lưu trú dài ngày.

Empty

TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam. Ảnh: Trọng Hiếu.

Thời gian qua, Việt Nam là điểm đến đang phát triển giai đoạn đầu nên chúng ta mới hướng mạnh vào phần thu hút khách đại trà. Còn rất nhiều các thị trường mà chúng ta chưa tiếp cận. Hiện đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao, khách thuộc phân khúc cao cấp đến Việt Nam còn hạn chế. Việc các doanh nghiệp định hướng phát triển sản phẩm cao cấp chính là cách đón đầu xu hướng trong tương lai.

Là người thường xuyên góp ý cho công tác làm chính sách và có các nghiên cứu khoa học, ông có vấn cho doanh nghiệp du lịch, bất động sản du lịch trong việc phát triển các sản phẩm cao cấp?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Quan trọng nhất là doanh nghiệp phải nhanh nhậy nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường, đặc biệt là các xu hướng mới. Từ đó, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ, chứ không phải làm theo ý chí chủ quan của mình. 

Sau đại dịch, khách du lịch thích đến những nơi có thiên nhiên hoang sơ, không gian thoáng đãng, môi trường trong lành. Họ thích những nơi văn hóa bản địa độc đáo, đặc sắc và tránh xa những khu vực đông người. Họ đòi hỏi các sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao hơn, cao cấp hơn, đặc biệt là phù hợp với việc chăm sóc sức khỏe, tĩnh dưỡng.

Vì thế, chúng ta cần hướng tới du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm khám phá ở những vùng có thiên nhiên hoang sơ, văn hóa bản địa đặc sắc. Đây là xu hướng rất lớn. Doanh nghiệp nào đón đầu được xu hướng, đón đầu được nhu cầu mới thì doanh nghiệp đó sẽ thành công.

Nhìn vào cách thu hút khách du lịch cao cấp của Thái Lan, Malaysia hay Singapore, ông thấy lợi thế của Việt Nam cho phát triển phân khúc này là gì và thách thức?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Thái Lan, Malaysia, Singapore là những quốc gia phát triển du lịch trước chúng ta. Tuy nhiên, các sản phẩm của họ bắt đầu dần bão hòa, trong khi Việt Nam đang nổi lên là một điểm đến mới. Các sản phẩm cao cấp gần đây của chúng ta phát triển khá nhanh.

Việt Nam hiện có các cơ sở du lịch cao cấp hoàn toàn không thua kém các nước bạn và đã nổi lên với rất nhiều giải thưởng quốc tế. Thậm chí ta có những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp số một thế giới như Amanoi ở Ninh Thuận, và nhiều khu nghỉ dưỡng khác đạt các danh hiệu quốc tế. Rõ ràng về số lượng các cơ sở cao cấp để đón dòng khách cao cấp hiện nay, chúng ta không thua kém so với nhiều nước trong khu vực.

Anh-bai-7

"Doanh nghiệp phải nhanh nhậy nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường, đặc biệt là các xu hướng mới. Từ đó, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ, chứ không phải làm theo ý chí chủ quan của mình". TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ. Ảnh: Thành Vân.

Tuy nhiên, về mặt đồng bộ trong cung cấp dịch vụ, xúc tiến quảng bá, kết nối giữa các nhà cung cấp, kết nối cơ quan nhà nước, chính quyền với doanh nghiệp, với người dân để tạo điểm đến văn minh, đồng bộ, thân thiện thì ta đang kém hơn so với một số nước như Thái Lan, Singapore, Malaysia. 

Ngoài đồng bộ về giao thông, còn cần đồng bộ về hạ tầng bưu chính viễn thông, điện nước... Hạ tầng xử lý nước thải, chất thải cần đồng bộ theo hướng phát triển bền vững, xanh, kinh tế tuần hoàn. Khách du lịch hiện nay là những người tiêu dùng thông minh, họ thích đến những nơi chú trọng đến phát triển xanh, bền vững.

Nếu đồng bộ được ta sẽ vượt lên rất xa. Chính cái đấy là cái các quốc gia khác đang e ngại. Họ e ngại nếu Việt Nam làm được điều đấy nữa thì Việt Nam sẽ rất thành công trên thị trường và chắc chắn Việt Nam sẽ trở thành cường quốc du lịch hàng đầu trong khu vực trong thời gian tới.

Cần hỗ trợ đầu tư cho doanh nghiệp du lịch

Hiện có các chính sách khuyến khích đầu tư cụ thể cho ngành du lịch không? Nếu góp ý làm chính sách, ông có khuyến nghị gì?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong chiến lược phát triển, chúng ta nhấn mạnh quan điểm chú trọng phát triển du lịch theo hướng chất lượng, bền vững. Tuy nhiên, đối với lĩnh vực du lịch, chưa có các chính sách khuyến khích cụ thể.

Chúng tôi nghĩ cần phải có trong thời gian tới, đặc biệt đối với những vùng khó khăn nhưng có tiềm năng du lịch lớn, để thúc đẩy đầu tư, hình thành những sản phẩm cao cấp ở những vùng này. Ví dụ, sản phẩm nghỉ dưỡng giữa núi ở Cao Bằng, Lai Châu hay Yên Bái - nơi có khí hậu cảnh quan hấp dẫn, hay các khu vực đảo của Việt Nam với tiềm năng rất lớn.

Đầu tư hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông, cần mạnh hơn nữa để hỗ trợ đầu tư. Cách nữa là khuyến khích trực tiếp cho doanh nghiệp.

Anh-bai-7.1

Việt Nam đang nổi lên là điểm hút khách tổ chức sự kiện. Ảnh: Nguyễn Tri.

Việt Nam đang nổi lên là điểm hút khách tổ chức sự kiện. Nhưng chúng ta vẫn thiếu các trung tâm giải trí, mua sắm lớn, tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, ngay cả ở Hà Nội và TP.HCM. Chúng ta đang thua các nước trong khu vực ở điểm này.

Ví dụ, Quảng Ninh, với lợi thế vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, Vân Đồn, hoàn toàn có thể đầu tư những trung tâm hội nghị, hội thảo, âm nhạc tầm cỡ quốc tế. Đấy là cách chúng ta thu hút dòng khách cao cấp.

Cơ sở hạ tầng của Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi thời gian qua với nhiều đường cao tốc đến các cái điểm du lịch lớn. Các đường bay được mở liên tục. Chính sách visa được nới lỏng. Nhưng những yếu tố này vẫn đang là những thách thức, nhất là chính sách visa. Các bước cải thiện tiếp theo nên là gì?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Nếu có thay đổi nhưng vẫn thua kém các nước thì vẫn là cái khó cho doanh nghiệp. So với Malaysia, Thái Lan, Singapore, Indonesia, thậm chí Philippines, chúng ta vẫn thua về mặt số lượng các nước được miễn thị thực đơn phương.

Thái Lan có những bước đi rất mạnh mẽ trong việc miễn thị thực, thậm chí cho cả khách Trung Quốc, Ấn Độ và rất nhiều các đối tượng khách khác. Singapore gần đây cũng như vậy.

Hạ tầng cũng phải kết nối với nhau đồng bộ hơn. Trùng Khánh (Trung Quốc) là ví dụ tốt. Sự đồng bộ đã biến một vùng đất từng là bãi rác, trong vòng 10 năm, trở thành một khu vực mua sắm sầm uất, giải trí về đêm không ngủ ngay ở trung tâm Trùng Khánh và là điểm đến kết nối toàn cầu.

Đến những điểm đến không ngủ để học hỏi

Theo ông doanh thu du lịch năm 2023 ở mức 672.000 tỷ đồng là thấp hay tương xứng với mức độ phát triển của ngành du lịch Việt Nam?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Rõ ràng thu như thế là thấp do khả năng khích lệ khách tiêu tiền của ta vẫn còn hạn chế. Cần tổ chức cung cấp dịch vụ như thế nào để khách du lịch khi đến với Việt Nam tiêu hết tiền, tức là cách chúng ta “rút tiền từ hầu bao” của khách một cách hợp lý mà họ lại rất hài lòng.

Rất nhiều dịch vụ chúng ta còn thiếu, còn thua kém, nhất là dịch vụ giải trí về đêm. Chính phủ hiện đang rất quan tâm thúc đẩy kinh tế đêm và đã cho thí điểm ở 12 địa phương. Cần đến những điểm đến không ngủ để học hỏi. Nếu chúng ta quản lý quá chặt chẽ, làm khách không thấy thoải mái vào buổi tối hoặc không biết làm gì vào buổi tối, chúng ta sẽ không có nguồn thu cao.

Thái Lan có nghệ thuật tuyệt vời ở khía cạnh này. Trùng Khánh 365 ngày đỏ đèn từ đêm đến sáng. Đó là các ví dụ điển hình thành công. 

Hiện có dự báo cho thấy phải sau 2024, thậm chí còn lâu nữa du lịch Việt Nam mới phục hồi về mức trước đại dịch. Ông dự báo gì về tình hình hoạt động kinh doanh của các khách sạn, resort 4-5 sao năm nay?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Sau đại dịch kinh tế thế giới lại suy giảm nên các thị trường trọng điểm đều khó khăn, thắt chặt chi tiêu hơn. Trung Quốc là thị trường trọng điểm nhưng chưa thực sự phục hồi. Người dân Trung Quốc vẫn đang thắt chặt chi tiêu; họ có xu hướng đi du lịch trong nước nhiều hơn đi du lịch nước ngoài. Người dân ở các thị trường châu Âu cũng thắt chặt chi tiêu, có xu hướng đi du lịch gần.

Các doanh nghiệp cần tìm các thị trường tiềm năng mới - những thị trường mà trước đây chúng ta ít khách nhưng có triển vọng và kinh tế họ vẫn vững, vẫn có nhu cầu đi du lịch. Ví dụ Trung Đông, Ấn Độ là những thị trường mà Chính phủ đang mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế. Đấy chính là con đường mà các doanh nghiệp phải hướng đến.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Điều chỉnh kích thước chữ