Tôi bắt đầu quan tâm đến thị trường tài chính khi tôi 16 tuổi.
Tôi đang ở hiệu sách thì tình cờ đọc được cuốn "Rich Dad Poor Dad" (đã được dịch ra tiếng Việt với tựa đề: Cha giàu, cha nghèo) của Robert Kiyosaki. Đọc cuốn sách của Kiyosaki khiến tôi say mê với khái niệm đầu tư và quá trình tích lũy tài sản của một con người.
Đó là lúc tôi nhận ra rằng mình muốn theo học trường kinh doanh và theo đuổi sự nghiệp tài chính.
Thực tập và các hoạt động ngoại khóa tại trường kinh doanh
Sau khi tốt nghiệp trung học, tôi tiếp tục theo học tại Trường Kinh doanh Đại học Quốc gia Singapore, nơi tôi được trao học bổng chi trả toàn bộ học phí đại học.
Trong bốn năm học ở trường kinh doanh, tôi đã thực hiện một số đợt thực tập liên quan đến tài chính, bao gồm cả thời gian làm việc tại một ngân hàng đầu tư và một quỹ phòng hộ.
Ngoài thời gian thực tập, tôi còn tham gia các cuộc thi chào bán cổ phiếu và tham gia các câu lạc bộ sinh viên liên quan đến đầu tư.
Việc tham gia các câu lạc bộ đó đã mở rộng kiến thức đầu tư tài chính của tôi đồng thời cho phép tôi kết nối với các tiền bối và cựu sinh viên trong ngành ngân hàng.
Cuộc sống trong mơ tại JPMorgan
Tôi đã rất phấn khích khi nhận được lời đề nghị làm việc tại JPMorgan. Đó là công ty mơ ước của tôi và tôi nghĩ mình sẽ ở đó cho đến khi trở thành một giám đốc điều hành.
Năm đầu tiên của tôi với JPMorgan là tuần trăng mật. Khả năng tiếp cận thị trường thật tuyệt vời. Tôi phải tìm hiểu về tất cả các loại tài sản khi trở thành thành viên của một nhóm làm việc có năng lực cao và rất đáng khích lệ.
Tôi nhớ lúc đó tôi đã tự nhủ: "Ôi chúa ơi, tôi đang sống cuộc đời của mình với tư cách là nhà phân tích năm thứ nhất tại JPMorgan".
Cảm nhận được sức hút đối với đầu tư tác động
Trong năm thứ hai, tôi bắt đầu tham gia tình nguyện tại các sự kiện khách hàng của ngân hàng.
Tôi nhớ chuyến tham quan trụ sở chính của Tencent ở Thâm Quyến trong khuôn khổ Sàn giao dịch công nghệ JPMorgan, một sự kiện thường niên nơi ngân hàng quy tụ các nhà lãnh đạo tư tưởng và nhà đầu tư để thảo luận về cơ hội đầu tư vào công nghệ.
Một điều đọng lại trong tôi cho đến ngày hôm nay là màn trình diễn công nghệ nhận dạng khuôn mặt của Tencent và cách sử dụng nó để xác định vị trí những người mất tích ở Trung Quốc.
Sau đó, tôi đã tham dự sự kiện đầu tư tác động của ngân hàng ở Kuala Lumpur, nơi tôi biết được cách các nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận hấp dẫn khi đầu tư vào các doanh nghiệp hoạt động theo sứ mệnh.
Việc tình nguyện tham gia những sự kiện đó đã cho tôi cái nhìn rộng hơn về thị trường và cho tôi thấy những xu hướng mới nào sẽ tác động đến cuộc sống của chúng ta.
Sau đó, tôi quyết định rằng nếu muốn xây dựng sự nghiệp của mình, tôi cần phải làm việc trong lĩnh vực tăng trưởng.
Không có cái gọi là cân bằng giữa công việc và cuộc sống trong ngân hàng
Có hai điều chính đã đẩy tôi ra khỏi ngành ngân hàng.
Thứ nhất, văn hóa làm việc ở ngân hàng không phù hợp với quan điểm sống của tôi. Không có cái gọi là cân bằng giữa công việc và cuộc sống hay sự hòa nhập giữa công việc và cuộc sống.
Bởi vì tôi tham gia quá nhiều vào thị trường và thực hiện các giao dịch nên tôi phải cập nhật tin tức thị trường tài chính. Tôi cũng phải thường xuyên có mặt để trả lời các chủ ngân hàng và khách hàng cấp cao, ngay cả sau giờ làm việc và vào cuối tuần.
Bị lạc trong mạng lưới quan liêu
Làm việc trong một tổ chức lớn như JPMorgan, có trụ sở chính đặt tại Hoa Kỳ, đôi khi tôi có thể có cảm giác mình như trở thành một bánh răng trong chiếc bánh xe khổng lồ.
Nhiều sáng kiến hoặc thay đổi tích cực mà bạn muốn thực hiện có thể bị 'biến mất, lạc lối' trong mạng lưới quan liêu.
Tôi nhận ra rằng tôi thích được tự chủ hơn khi bắt đầu các dự án. Tôi muốn gần gũi hơn với những người ra quyết định quan trọng.
Nhảy vào lĩnh vực đầu tư tư nhân
Tôi tiếp tục gia nhập một công ty đầu tư tư nhân. Tôi thích làm việc tại công ty hiện tại của mình và đã từng làm việc ở Việt Nam và Seattle.
So với JPMorgan, nơi tác động từ công việc của tôi không rõ ràng, tôi cảm thấy có quyền sở hữu đối với các công ty trong danh mục đầu tư mà tôi giúp quản lý.
Điều đó nói lên rằng, tôi không hề hối tiếc khi bắt đầu sự nghiệp của mình tại JPMorgan.
Tôi thường nói với các sinh viên năm cuối của mình tại Đại học Quốc gia Singapore rằng họ nên khởi nghiệp tại một ngân hàng lớn nếu muốn theo đuổi sự nghiệp tài chính.
Các cơ hội xây dựng thương hiệu, tiếp xúc và kết nối mà bạn có được khi làm việc tại một ngân hàng hàng đầu như JPMorgan có thể là động lực tuyệt vời cho sự nghiệp của bạn.
Khi bạn đã có điều đó trong sơ yếu lý lịch của mình, bạn có thể mở rộng và làm bất cứ điều gì bạn muốn.
CHÍ THÀNH chuyển ngữ