Sáng nay (16/11), Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức Diễn đàn "Khu công nghiệp Việt Nam 2023", với chủ đề: "Hướng tới tăng trưởng xanh".
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ KH&ĐT, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, các bộ, ngành, Ban quản lý khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế(KKT) các địa phương và các doanh nghiệp.
Thúc đẩy khu công nghiệp xanh, sinh thái, thông minh
Phát biểu khai mạc, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn - Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn cho biết, trong hơn 30 năm qua, các KCN và KKT đã không ngừng phát triển, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trở thành động lực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiến trình đô thị hóa, làm thay đổi diện mạo của nhiều địa phương trên cả nước. Tính đến tháng 10/2023, cả nước đã có 413 KCN được thành lập, trong đó có 295 KCN đã đi vào hoạt động.
Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, thực hiện Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng Xanh, trong thời gian qua một số KCN đã phát triển theo hướng bền vững và thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái, KCN thông minh, gắn hoạt động sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn.
Một số điển hình về phát triển KCN bền vững, thông minh như KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, KCN Nam Cầu Kiền tại Hải Phòng.. Việc thí điểm chuyển đổi từ mô hình chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang KCN sinh thái cũng đang diễn ra tại KCN Khánh Phú và KCN Gián Khẩu ở Ninh Bình, KCN Hòa Khánh tại Đà Nẵng và KCN Trà Nóc 1&2 tại Cần Thơ...
Cùng với việc chuyển đổi các KCN truyền thống sang KCN sinh thái, Việt Nam đang hướng tới việc quy hoạch và xây dựng mới các KCN sinh thái.
Cũng theo Trưởng Ban tổ chức Diễn đàn, những kết quả bước đầu đạt được trong việc chuyển đổi mô hình KCN và quy hoạch phát triển mới các KCN sinh thái là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, quá trình này cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Nổi lên là nguồn vốn rất hạn chế, chính sách tài chính xanh chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp hình thành liên kết cộng sinh công nghiệp. Nhận thức về phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn chưa đầy đủ, một số địa phương chưa quyết liệt vào cuộc; thủ tục thành lập mới các KCN nói chung và KCN sinh thái nói riêng còn phức tạp và mất nhiều thời gian…
Trong bối cảnh đó, Diễn đàn KCN Việt Nam năm 2023 được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước; phân tích, đánh giá xu hướng tất yếu và yêu cầu bức thiết về phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên thế giới; thảo luận đề xuất các chính sách, giải pháp thiết thực nhằm thúc đầy phát triển KCN xanh, KCN sinh thái và KCN thông minh tại Việt Nam.
"Diễn đàn cũng sẽ là cơ hội để quảng bá, chia sẻ thông tin và kết nối đầu tư vào các KCN - KKT tại Việt Nam trong bối cảnh mới, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp về phát triển kinh tế xanh, KCN sinh thái, góp phần thực hiện mục tiêu đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", TS. Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh.
Ban tổ chức tin tưởng rằng, với sự tham gia nhiệt tình của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dưng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, lãnh đạo Ban Quản lý KCN - KKT một số địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, Diễn đàn sẽ đạt được các mục tiêu đề ra.
Trước khi diễn ra Diễn đàn này, Ban tổ chức đã nhận được nhiều bài tham luận của các chuyên gia từ các bộ, ngành, các Ban quản lý KKT và các nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN. Các tham luận đều nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các KCN, KKT theo hướng bền vững, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi KCN theo mô hình sinh thái, thông minh; đồng thời chia sẻ bài học kinh nghiệm từ các mô hình tiên phong; chỉ ra những yếu tố thuận lợi cũng như những khó khăn trong việc đầu tư phát triển KCN nói chung và KCN sinh thái nói riêng, qua đó đề xuất giải pháp và cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển KCN sinh thái và thu hút đầu tư vào các KCN tại Việt Nam.
Thông tin về Diễn đàn này sẽ được tường thuật trực tiếp trên Nhadautu.vn và các phương tiện truyền thông đại chúng khác. Các khuyến nghị về chính sách, giải pháp từ Diễn đàn này sẽ được cơ quan chủ quản của Tạp chí Nhà đầu tư - Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tổng hợp báo cáo Bộ KH&ĐT và các cơ quan hữu quan.
PHIÊN I: PHÁT TRIỂN KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI VÀ TRIỂN VỌNG THU HÚT ĐẦU TƯ
PHẦN THAM LUẬN
Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT
Tại Diễn đàn, trình bày tham luận "Nhìn lại sự phát triển các KCN, KKT Việt Nam - yêu cầu và xu hướng tất yếu phát triển KCN sinh thái", bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhìn lại chặng đường hơn 30 năm hình thành và phát triển các KCN, hơn 25 năm xây dựng và phát triển các KKT cửa khẩu và hơn 20 năm thành lập và phát triển các KKT ven biển.
Theo bà Hiếu, các KCN và KKT đã ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là động lực đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại các địa phương và cả nước.
Việc phát triển KCN trên địa bàn cả nước thời gian qua đã góp phần hình thành nhiều khu đô thị, dịch vụ mới và hệ thống giao thông kết nối, tạo diện mạo mới cho địa phương; từng bước tác động tới quá trình đô thị hóa theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển.
Năm 1991, từ KCN đầu tiên được thành lập tại thành phố Hồ Chí Minh (KCX Tân Thuận), đến hết tháng 10/2023, cả nước đã có 413 KCN đã thành lập (bao gồm 369 KCN nằm ngoài các KKT, 37 KCN nằm trong các KKT ven biển, 7 KCN nằm trong các KKT cửa khẩu) với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng gần 120 nghìn ha. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 87,7 nghìn ha.
Trong số các KCN đã được thành lập, có 295 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng hơn 92.000 ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 63 nghìn ha và 119 KCN đang trong quá trình xây dựng với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 37,5 nghìn ha, diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 24,7 nghìn ha.
Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN cả nước đạt khoảng 51,8 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,8%. Nếu tính riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,9%.
Tính đến cuối tháng 10/2023, có khoảng 64,4 nghìn ha đất khu chức năng, đất nông lâm ngư nghiệp, đất hạ tầng kỹ thuật đã được xây dựng kết cấu hạ tầng. Trong đó, tổng diện tích đất đã cho thuê để thực hiện các dự án đầu tư sản xuất đạt khoảng 21,5 nghìn ha.
Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bao gồm 19 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 871,5 nghìn ha (tính cả diện tích mặt biển) trong đó diện tích đất liền khoảng 583,1 nghìn ha (chiếm khoảng 1,75% diện tích đất quốc gia) và 288,4 nghìn ha diện tích mặt biển.
Công tác bảo vệ môi trường trong KCN, KKT đã từng bước được các cấp, các ngành, doanh nghiệp KCN quan tâm, chú trọng. Hiện nay, trong số 295 KCN đang hoạt động có 267 KCN đã hoàn thành xây dựng và vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung (đạt tỷ lệ 90,5%). Tổng công suất xử lý nước thải của các nhà máy hiện đang hoạt động đạt hơn 1.273.740 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn xả thải của KCN.
Các KCN đang từng bước chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng cân bằng về kinh tế, xã hội và môi trường, bảo đảm sự phát triển bền vững và thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Nhìn lại chặng đường phát triển của đất nước hơn 35 năm qua, có thể khẳng định mô hình KCN, KKT đã, đang và sẽ tiếp tục đóng vai trò, vị trí ngày càng quan trọng, là động lực thúc đẩy tăng trưởng và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là kênh thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các KCN, KKT trên cả nước phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, đặc biệt đối với các mô hình KCN mới như KCN sinh thái. Trong đó, việc nghiên cứu, xây dựng Luật KCN, KKT để bảo đảm tăng cường tính cạnh tranh quốc tế của các mô hình KCN, KKT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ cùng các Bộ, ngành và địa phương triển khai trong thời gian tới.
Trước những bối cảnh hiện nay, những yếu tố vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh.
Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các KCN, KKT trong thời gian tới, bà Vương Thị Minh Hiếu cho rằng cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới, trong đó, mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN, KKT mới; lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai;
Thu hút đầu tư có chọn lọc; phát triển sản xuất, công nghiệp, dịch vụ trên nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết phát triển vùng, hình thành cụm liên kết ngành; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định (đặc biệt là đất trồng lúa) và tại các khu vực khó có khả năng đền bù, giải phóng mặt bằng;
Phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội; đảm bảo bền vững về môi trường; quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT; hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp - đô thị - dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, xây dựng nhà máy xử lý nước thải; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục một cửa tại Ban Quản lý KCN, KKT, kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư tại các KCN, KKT.
Nâng cao năng lực cạnh tranh và sức hấp dẫn của các KCN, KKT các địa phương thông qua: Cải thiện cơ sở hạ tầng (giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistic); tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam - Thách thức và cơ hội
Trình bày tham luận "Triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam - Thách thức và cơ hội", TS. Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG cho rằng: Chúng ta đã thấy rõ vấn đề tái cấu trúc kinh tế hướng theo kinh tế xanh, và ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Một ví dụ dễ thấy là trong năm 2023, đơn hàng ngành dệt may xuất khẩu sang các nước phát triển rất khó khăn, do kinh tế thế giới khó khăn; kinh tế xanh được đề cao ở các nước, đặc biệt Châu Âu.
Điều này đồng nghĩa, họ yêu cầu dùng nguyên liệu tái chế, quy trình bảo vệ người lao động… Như vậy, sẽ làm chi phí của doanh nghiệp càng cao hơn. Có 3 yếu tố ảnh hưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam, đó là: Tái cấu trúc nền kinh tế toàn cầu, phi toàn cầu; phi toàn cầu hóa; và tái cấu trúc chuỗi cung ứng.
Theo đó, về tái cấu trúc kinh tế toàn cầu, có thể thấy dấu hiệu là xu hướng xe điện lên ngôi, xu hướng bảo vệ môi trường dùng xe điện, các nước đang phát triển như Việt Nam cũng phát triển lĩnh vực này. Ở Việt Nam đang có những dự án sử dụng năng lượng LNG bên cạnh mặt trời, gió. Lĩnh vực dệt may chịu ảnh hưởng rõ ràng hơn, chúng ta thấy đơn hàng có thể phục hồi một phần, song xu hướng tương lai là dệt may Việt Nam không lặp lại sự thành công và phát triển như trước đây.
Còn với phi toàn cầu hóa, Mỹ và Châu Âu nhận ra toàn cầu hóa không mang lại an toàn cho nền kinh tế của họ, họ cho rằng cần kéo dòng vốn trở lại, phải đảm bảo nền kinh tế có sự độc lập nhất định. Đang có xu hướng phi toàn cầu hóa. Đây là một yếu tố có thể hạn chế dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam và nhiều nước khác.
Tuy vậy, Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia… nổi lên như những địa chỉ đầu tư "sáng". Với tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, chúng ta xác nhận Việt nam là một trong các quốc gia hưởng lợi. Các khu công nghiệp (KCN) ở miền Bắc hưởng lợi lớn nhất do các nhà đầu tư từ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… đầu tư nhiều hơn. Các KCN miền Bắc hưởng lợi nhờ sự tiện lợi với nhà đầu tư (NĐT) Trung Quốc cho việc di chuyển, vận chuyển nguyên vật liệu, giao thông…
Đối với tình hình FDI Việt Nam, FDI Việt Nam 9 tháng vào Việt Nam ghi nhận tăng 7,7%. Đây là con số đáng khích lệ do nền kinh tế Vệt Nam trải qua quá trình khó khăn nhất từ trước đến nay. Dự kiến 3 tháng cuối năm, dòng vốn FDI còn tăng cao nữa. Trong năm 2023, các nhà đầu tư từ Bắc Á (đặc biệt Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…) chiếm tỷ trọng lớn nhất. Chúng tôi còn kỳ vọng nhà đầu tư Hoa Kỳ tham gia nhiều hơn từ chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden.
Về ngành nghề, chúng tôi cho rằng vốn FDI sẽ tập trung mạnh ở công nghiệp chế biến chế tạo, tài chính ngân hàng, bán buôn, bán lẻ, kinh doanh bất động sản. KPMG đánh giá sẽ có sự dịch chuyển dòng vốn FDI giữa các tình thành phía Bắc. Bắc Ninh được biết đến thuộc các tỉnh phát triển công nghiệp thuộc nhóm số 1, nhưng giờ dòng vốn FDI đang có xu hướng đổi sang Bắc Giang.
Mặt khác, còn có sự đổi ngôi giữa các địa phương khi TP.HCM vẫn đóng góp vai trò quan trọng, nhưg giảm dần. Long An, Bà Rịa Vũng Tàu có vai trò lớn hơn vì đất Đồng Nai và Bình Dương không còn nhiều nữa. Chúng tôi nhìn nhận trong xu hướng 10 năm, FDI vẫn tập trung nhất ở phía Bắc, còn phía Nam sẽ tập trung ở các ngành nghề công nghẹ cao, chế biến, chế tạo…
Trong các yếu tố FDI quyết định rót vốn, khảo sát KPMG với 200 doanh nghiệp FDI, xếp theo thứ tự ưu tiên, yếu tố đầu tiên là vị trí khu công nghiệp (đường giao thông gần cảng hàng không…), nguồn nhân lực. Tiếp đến là hạ tầng điện nước, việc 1 tuần mất điện 1 tiếng/ngày, hoặc ví dụ thiếu điện như thời gian qua thì ảnh hưởng rất lớn niềm tin nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc trao đổi với chúng tôi lo lắng nếu không có điện sao có thể sản xuất, do đó cần đảm bảo nguồn điện ổn định. Chúng tôi biết một số KCN đàm phán chế độ đặc biệt với EVN, nghĩa là bán điện trực tiếp với người thuê của mình, không cần qua EVN…).
Bên cạnh đó, các yếu tố quan trọng tiếp theo là mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương; cung cấp đa dạng các loại hình sản phẩm; yếu tố giá; dịch vụ quản lý tốt; sản xuất công nghiệp với môi trường hoạt động của các KCN tạo ra hệ sinh thái phù hợp, với các KCN kết hợp dịch vụ; chính sách ưu đãi; và cuối cùng là mối quan hệ Việt Nam với các nước xuất khẩu FDI.
Về mô hình KCN, xu thế sẽ là mô hình sinh thái – xu hướng của thế giới; KCN đô thị dịch vụ - công nhân có chỗ ở và yên tâm làm việc; KCN thông minh là bắt buộc, quản lý, kết nối hệ thống điện, xử lý nước thải cần thông minh; KCN tích hợp logistics, nhà kho, bến cảng. Đối với triển vọng dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Chúng tôi nhìn nhận thứ nhất, các ngành thu hút FDI sẽ là công nghiệp ô tô, sản xuất sản phẩm điện tử, công nghiệp bán dẫn, Logistics, thực phẩm và đồ uống Chúng tôi dự báo các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ trở thành nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong những năm tới.
Với những trình bày kể trên, KPMG đề xuất Chính phủ cần có chiến lược FDI quốc gia, cần áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp nhằm thu hút FDI vào Việt nam trong bối cảnh kinh tế và địa chính trị toàn cầu phức tạp; nâng cao năng lực cạnh tranh với cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, cảng biển, cảng hàng không, dịch vụ logistics, năng lượng, viễn thông, giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ công khác thiết yếu cho việc hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Bên cạnh đó, cần tạo ra một khung pháp lý, hệ thống thuế, chế độ tỷ giá và các chính sách kinh tế vĩ mô khác thuận lợi cho đầu tư.
Cải cách thủ tục hành chính bằng việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, chống tham nhũng và quan liêu, đảm bảo minh bạch và trách nhiệm, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tăng cường tính minh bạch trong giải quyết tranh chấp và khiếu nại, nâng cao giám sát và đánh giá tác động của các dự án FDI. Xúc tiến doanh nghiệp khi tạo sự liên kết giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.
Điều này bao gồm tạo điều kiện cho việc chuyển giao công nghệ, lan tỏa kiến thức, tiếp cận thị trường, phát triển nhà cung cấp, phát triển nguồn nhân lực và các hình thức hợp tác khác Phát triển nguồn nhân lực khi triển khai đào tạo, gia tăng nhanh số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút nhà đầu tư, người sử dụng lao động tích cực tham gia vào hoạt động đào tạo, phát triển kỹ năng nghề.
PHẦN THẢO LUẬN MỞ
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Chúng ta vừa được nghe 2 tham luận cung cấp thông tin khá toàn cảnh và hữu ích cho nhà đầu tư. Trong phiên thảo luận tới đây, tôi rất muốn các diễn giả sẽ thảo luận kỹ làm rõ hơn hai vấn đề.
Thứ nhất là về thủ tục đầu tư, đây là câu chuyện có rất nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài quan tâm. Có thể thấy nước ta đang trong giai đoạn hoàn thiện thể chế, luật pháp thay đổi sửa đổi thường xuyên. Vừa rồi, sau khi có Luật Quy hoạch thì các thủ tục về thành lập KCN lại thay đổi cơ bản.
Như bà Vương Thị Minh Hiếu vừa trình bày, Nghị định 35 đã đơn giản hóa thủ tục thành lập KCN, tuy nhiên theo tôi được biết, vẫn còn nhiều nhà đầu tư lăn tăn việc thành lập KCN nằm trong quy hoạch tỉnh được TTCP phê duyệt thì địa phương có đương nhiên thẩm quyền phê duyệt thành lập KCN không?
Xin mời ý kiến từ bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đơn giản hoá nhiều thủ tục cấp phép đầu tư KCN
Bà Vương Thị Minh Hiếu: Nghị định 35 mới đây đã đơn giản hoá nhiều thủ tục cấp phép đầu tư KCN. Cụ thể, trước đây quy trình đầu tư KCN tại Nghị định 82 có 10 bước nhưng đến Nghị định 35 đã giảm bớt, thủ tục chỉ còn 6 bước, bớt đi 4 bước so với quy trình cũ.
Nghị định 82 quy trình ký duyệt quy hoạch KCN là Thủ tướng ra quyết định nhưng theo Nghị định 35 chia ra làm 2 loại, nếu quy hoạch KCN đã được kết hợp trong quy hoạch cấp tỉnh thì trên danh mục đó chủ đầu tư có thể đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư và phê duyệt luôn chủ đầu tư; hoặc UBND cấp tỉnh cũng có thể đề xuất lên Thủ tướng khi được Thủ tướng chấp nhận thì UB sẽ lựa chọn nhà đầu tư phù hợp.
Cần tiết kiệm nguồn lực cho nhà đầu tư
Ông Phan Văn Quý, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương: Tôi thấy chủ trương đầu tư mà đưa các KCN của các tỉnh, thành phố trình lên Chính phủ quyết định trước đây có thể đúng, nhưng giờ khi Luật Quy hoạch ra đời, trong đó, khoản 2 điều 34 của luật quy hoạch năm 2017 cho biết Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, điều này có nghĩa là quy hoạch tỉnh đã được các tỉnh làm cách đây gần năm, thậm chí có tỉnh còn thuê chuyên gia.
Tuy nhiên, tôi cho rằng địa phương có đủ bộ máy để thẩm định năng lực nhà đầu tư, do vậy cần tiết kiệm nguồn lực cho nhà đầu tư, tránh lãnh phí chi phí, đồng thời quy trình các bộ, ngành đỡ mất nhiều thời gian. Tôi cho rằng, bây giờ đã phê duyệt quy hoạch thì các hướng dẫn của nghị định hoặc thông tư có thể xem xét lại việc thẩm định để doanh nghiệp có cơ hội, thời gian triển khai dự án.
Hành lang pháp lý đầu tư KCN xanh như thế nào?
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM): Tôi quan tâm đến câu hỏi về khung pháp lý, chúng ta quan tâm đến mô hình KCN sinh thái, KCN xanh hay mô hình mới thì có quy định hướng dẫn cụ thể nào không?
Ví dụ như KCN Business Park TP.HCM có chuyển đổi khu công nghiệp trong khu đô thị thì tôi rất quan tâm đến hình thành khung pháp lý để tạo ra điều kiện cho lập quy hoạch, đầu tư KCN sinh thái như thế nào? Hoặc lập các khu đô thị mới có tính tiên phong, pháp huy được thế mạnh của TP.HCM?
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Với hai ý kiến đại biểu vừa nêu, một từ nhà đầu tư KCN, một từ đại diện cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương, tôi rất muốn được nghe ý kiến của ông Hồ Chí Quang, Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch kiến trúc, Bộ Xây dựng?
Sớm thúc đẩy quy hoạch vùng
Ông Hồ Chí Quang: Ý kiến có 2 khía cạnh về pháp ly, luật quy hoạch ra đời và Nghị định 35 rất cụ thể và tôi cảm tưởng nó như sách giáo khoa. Có những cái NĐT quyết định Bộ xây dựng phối hợp Bộ Tư Pháp Nghị định 35/2023 phối hợp ra nghị định ... rút gọn thủ tục liên quan mặt bằng, phát triển đô thị, thẩm định,nhà ở.
Tổng hòa lại thể hiện Chính phú quyết liệt phát triển KCN và đô thị. Trùng ngày hôm nay tại khách sạn Pullman, Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến các tỉnh Nam Trung Bộ trở vào đóng góp về Luật Quy hoạch đô thị nông thôn. Bộ Xây dựng chờ mong lấy ý kiến chuyên gia. Mọi người có thể xem dự thảo tại trang Quốc hội, Bộ KH&ĐT, Bộ Xây dựng… về dự thảo và ý kiến gửi về.
Yếu tố thứ 2 về Khu đô thị dịch vụ công nghiệp như ông Nguyễn Anh Tuấn (Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM) nói phải định nghĩa đúng, tên rất nhưng dài bản chất là Business Park. Nó được khởi đầu từ 2 mô hình ở 2 trường đại học nước ngoài là Stanford và Cambridge ở Mỹ thành công rực rỡ và thế giới bắt đầu làm theo. Đây là mô hình Bộ KH&ĐT cũng đã đưa ra nhưng do chưa đưa được cái tên bằng tiếng Anh nên nhà đầu tư lúc đầu tư không hình dung được.
Vì theo Nghị định 35, KCN đô thị dịch vụ có thể chuyển đổi và phần đô thị dịch vụ đó là không quá bao nhiêu phần trăm điều này không nói lên lý thuyết để xây dựng lên quy hoạch. Một số ý kiến tại các địa phương mà tôi theo dõi như Tây Bắc, miền Trung, Cần Thơ … có vấn đề về tư vấn quy hoạch cần điều chỉnh, traning lại về tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Tôi khuyên các nhà đầu tư đừng dễ dãi với mục tiêu đầu tư nước ngoài như ông Nguyễn Công Ái có nói có rất nhiều thứ nhưng mình lại chọn những cái dễ để làm. Nó vẫn mang tính chất bền vững tuy nhiên nhà quy hoạch cũng dễ dãi, nhà quản lý cũng đơn giản, các địa phương cũng muốn thủ tục thật nhanh làm sao cắt băng khánh thành, khởi công dẫn đến việc xáo động giữa lý thuyết quy hoạch và cơ sở pháp lý của Việt Nam cũng như định hướng về sau.
Cuối cùng thì có một điểm vướng là theo Nghị định 35, KCN đô thị dịch vụ thì nội dung của quy hoạch vùng, tỉnh nên phải đợi quy hoạch vùng, tỉnh được phê duyệt hết xong mới có sự điều chỉnh ngược lại. Từ đó mới có sự thực hiện an toàn hơn. Mong Thủ tướng, bộ, ngành sớm thúc đẩy quy hoạch vùng vì từ quy hoạch này mới có sự kết nối, chia sẻ chuỗi giá trị đề án quy hoạch của các KCN lớn và đặc biệt là nguồn dịch chuyển dân cư. Người dân dịch chuyển tạo ra nguồn lực lao động.
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn ý kiến ông Hồ Chí Quang. Câu chuyện thực tế triển khai KCN đô thị dịch vụ trong vai trò hiệp hội chúng tôi cũng nhận nhiều ý kiến nhà đầu tư, họ vẫn còn rất lăn tăn về việc xin cấp phép cho một dự án tổng thể gồm cả công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Giấy phép sẽ được cấp như nào hay mảng công nghiệp thì Bộ KH&ĐT cấp, mảng đô thị thì lại phải sang xin Bộ Xây dựng cấp...
Do vậy, ý kiến ông Hồ Chí Quang vừa nêu có thể xem là một trở ngại, cần đặt ra để có hướng dẫn. Nghị định 22 có thể xem là bước đột phá, có rất nhiều điểm mới, bước tiến mạnh mẽ về quy định KCN, tuy nhiên làm sao triển khai được vẫn cần phải có các hướng dẫn cụ thể. Cũng trong mạch này, tôi rất muốn nghe ý kiến TS. Cấn Văn Lực, ông có góp ý gì trong việc phát triển KCN theo hướng xanh hơn.
Nhiều nhà đầu tư muốn có "sổ tay" hướng dẫn quy trình đầu tư
TS. Cấn Văn Lực: TS. Cấn Văn Lực Trong khảo sát gần đây của chúng tôi với khoảng 30 nhà đầu tư là doanh nghiệp đầu tư KCN nêu ra 10 khó khăn chính. Trong đó, khó khăn hàng đầu chính là là thủ tục hành chính và pháp lý.
Chúng ta thấy, thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo và chưa rõ ràng. Nghị định 35 đã là một cấp tiến nhưng đâu đó có một số tiêu chí chưa rõ ràng. Ví dụ khi nói đến khu đô thị dịch vụ, thì một doanh nghiệp hình dung như nào, vẫn còn rất khó. Do đó, rất cần hướng dẫn một cách chi tiết.
Đặc biệt là chuyển đổi từ KCN hiện hữu sang KCN đô thị dịch vụ. Doanh nghiệp quan tâm khi đó, cơ chế ưu đãi sẽ ra sao, liệu có còn không. Kế đến liên quan đến định giá đất, tiền thuê đất. Trong 2-3 năm vừa qua, nhiều doanh nghiệp muốn nộp tiền nhưng chưa được.
Sắp tới, Thủ tướng sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 44, trong đó có 1 chương mục riêng về định giá đất. Hy vọng sẽ nghị định sửa đổi ban hành trong tháng 11. Tiếp theo là thủ tục liên quan đén chấp thuận chủ tưởng đầu tư. Với một dự án lớn, hàng trăm ha, thì doanh nghiệp họ phải phân kỳ đầu tư. Nhưng khi hết giai đoạn 1, thì họ mong muốn chuyển tiếp và đơn giản hóa thủ tục cho giai đoạn tiếp theo chứ không phải đi xin lại từ đầu.
Một khó khăn nữa là việc phân cấp, ủy quyền, đây là điều Thủ tướng rất mong muốn. Dù đã có một số kết quả nhất định nhưng vẫn còn vướng mắc. Cuối cùng, rất nhiều nhà đầu tư mong muốn có "sổ tay" hướng dẫn quy trình đầu tư đều được dễ dàng, công khai trên mạng cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh.
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Cảm ơn ý kiến chuyên gia Cấn Văn Lực với các kiến nghị rất đáng suy ngẫm. Trong phần phát biểu vừa rồi, TS. Cấn Văn Lực có đề cập đến giá đất, nhiều KCN, khu đô thị đang tắc vì giá đất, đó là một thực tế, truyền thông, báo chí kinh tế cũng đã có những bài phân tích khá sâu.
Nói đến KCN chắc chắn phải nói đến đất, hàng trăm thậm chí hàng ngàn ha, tham dự thảo luận với chúng ta hôm nay có đại diện Ủy ban Kinh tế Quốc hội, xin mời ông Phan Đức Hiếu, ông có thể chia sẻ thông tin về Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, liệu dự thảo có kịp thông qua trong kỳ họp Quốc hội hiện tại, trong các quy định về định giá đất có điểm gì mới?
Có nhiều thay đổi đặc biệt về vấn đề quy hoạch KCN
Ông Phan Đức Hiếu: Chuyển đổi mô hình tăng trưởng phát triển mô hình xanh bền vững là xu hướng tất yếu. liên quan vấn đề này, xin cung cấp thông tin để khẳng định về thể chế vẫn là số một và quan trọng nhất, một thể chế và môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ có tác động tích cực đến thu hút đầu tư.
Mặt dù có Nghị định mới ban hành, song một số Nghị định liên quan KCN đặc biệt thẩm quyền. Nếu theo tư duy phản ứng chính sách và nhanh nhạy thì không nên ngần ngại và có những chỉnh sửa. Đối với thẩm quyền KCN, theo dự thảo Luật Đất Đai, có cơ sở pháp lý để thay đổi được.
Luật Đất Đai đã có những quy định KCN do thông tư quy định, cụ thể là điểm a, Khoản 2, Điều 62 đã quy định các trường hợp thu hồi đất, trong đó có cả KCN. Cụ thể, đó là dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).
Song, dự thảo luật mới đã có những thay đổi khi không còn phân loại cụ thể các dự án thu hồi, mà là "thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng".
Trong đó, Khoản 22, Điều 78 có đề cập thêm về các dự án khu công nghiệp. Luật Đất Đai cũng sẽ có nhiều thay đổi đặc biệt về vấn đề quy hoạch KCN. Theo đó, các chỉ tiêu đất KCN trước đây là đất quốc gia phân bổ, theo cập nhật mới nhất thì không còn là chỉ tiêu phân bổ nữa.
Quy hoạch cấp tỉnh được chủ động quy hoạch đất, chỉ tiêu. Đây là thay đổi về mặt pháp lý và buộc chúng ta phải xem xét. Ngoài ra, dự thảo Luật Đất Đai sửa đổi có một số điều về thời hạn sử dụng đất KCN. Khi một dự án trong thời hạn thì tính theo thời hạn dự án đầu tư.
Còn nếu ngắn hạn, dự án đầu tư thì được gia hạn để đảm bảo thời gian đầu tư và đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Ngoài ra, sự rõ ràng trong vấn đề pháp lý là quan trọng nhất. Tôi cho là các sổ tay hướng dẫn rất quan trọng, những hướng dẫn cần mang tính chính xác và thực tiễn.
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ý kiến ông Phan Đức Hiếu. Tôi xin tạm thời kết thúc vấn đề thứ nhất phiên thảo luận liên quan đến quy hoạch và thủ tục đầu tư KCN. Thay mặt các nhà đầu tư, tôi cũng rất mong Luật Đất đai sửa đổi sẽ sớm được thông qua, phù hợp thực tiễn, có tính lâu dài và dễ thực thi.
Xin chuyển sang vấn đề thứ hai là câu chuyện thu hút đầu tư. Qua khảo sát trong tham luận của KPMG có thể thấy hạ tầng giao thông không phải yếu tố số 1 nhưng chắc chắn vẫn rất quan trọng trong các quyết định đầu tư. Trong tham luận Bộ GTVT đã trình bày rõ các công trình đầu tư trọng điểm về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không, và tiến độ thực hiện công trình.
Tại Diễn đàn có đại diện Bộ GTVT, mời bà Lã Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải có thể thông tin tóm tắt tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, công trình trọng điểm nào đang và sẽ được ưu tiên, và có thể dự báo tiến độ, các yếu tố khắc phục sự chậm trễ như các công trình trước đây?
Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông
Bà Lã Hồng Hạnh: Đối với khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt Đông Nam Bộ, kết nối hạ tầng giao thông vận tải chưa phát triển tương ứng, trong nhiệm kỳ này Bộ GTVT đã tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông khu vực cùng với TP.HCM. Như tập trung phát triển về đường bộ: Hoàn thiện đường vành đai 3, bắt đầu triển khai đường vành đai 4. Một số tuyến cao tốc đã triển khai như: TP.HCM - Mộc Bài, TP.HCM - Chơn Thành; Bến Lức - Long Thành, TP.HCM - Trung Lương.
Một số tuyến cao tốc hiện tại cũng đang triển khai, dự kiến hoàn thành vào cuối 2025: Biên Hoà - Vũng Tàu, một số tuyến kết nối về ĐBSCL. Tập trung sau giai đoạn 2025-2030 sẽ kêu gọi đầu tư, đầu tư công tập trung cho kết nối hạ tầng với các KCN-KKT với các dự án kết nối Cảng Cái Mép hạ, hạ lưu Cái Mép hạ - là dự án cảng nước sâu lớn nhất cả nước. Về đường thuỷ: một trong những đột phá quy hoạch giai đoạn 2021-2030 là sẽ lấy cảng biển làm trung tâm, đường bộ, thuỷ, sắt sẽ đều kết nối đến cảng biển.
Đây cũng là trọng tâm phát triển của các KCN với các vùng. Các KCN đều được kết nối với cảng biển và trung tâm logistic. Chúng tôi cũng tập trung vào vận tải thuỷ để tạo tuyến vận tải thuỷ từ các KCN tới trung tâm TP lớn như: Cái Mép - Thị Vải lên TP.HCM. Ngoài ra, Bộ GTVT cũng đang cải tạo nâng cao năng lực vận tải đường thủy, nâng cao khả năng tĩnh không của 2 hành lang, Cái Mép - Thị Vải lên TP.HCM, nâng cao tĩnh không cầu ĐBSCL lên TP.HCM. Cùng với đó là 2 dự án lớn đường thuỷ để vận tải từ khu vực TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Với Hà Nội, cũng đang cải tạo các dự án vận tải đường thuỷ, đang làm tĩnh không cầu Đuống, dự án khoảng gần 4.000 tỷ đồng và đang trong quá trình thi công. Theo đó, định hướng trong thời giam tới là chuyển dịch dần dần cơ cấu từ vận tải đường bộ sang đường thuỷ giúp giảm phát thải, giá thành rẻ, tại nạn giảm.
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn phần chia sẻ thông tin bà Lã Hồng Hạnh. Tiếp tục, tôi muốn có câu hỏi dành cho chuyên gia Nguyễn Mại về triển vọng dòng vốn FDI. GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là một trong những người sáng lập ra công cuộc mở cửa của đất nước, trong 35 năm qua vẫn thường xuyên theo dõi, cập nhật, nghiên cứu, tham gia góp ý nhiều chính sách. Trong phần trình bày TS. Nguyễn Công Ái về FDI ở phiên tham luận đề dự báo một số xu thế, đối tác, ngành nghề có thể trỗi dậy. GS có đưa ra đánh giá hay có bình luận gì thêm?
Việt Nam có vị thế lớn với Mỹ, EU, Hàn Quốc trong chuỗi công nghiệp bán dẫn
GS-TSKH. Nguyễn Mại: Đầu tư là dài hạn, điều này khác với thương mại và vốn đăng ký cũng không nói lên điều gì. Chúng ta không nên vội khi nói về xu thế, cái chúng ta muốn là những tín hiệu có thể hy vọng. Cho đến bây giờ, đầu tư chủ yếu của Việt Nam là châu Á, Bắc Á và Asean, còn Mỹ và châu Âu rất ít.
Chúng ta chưa bao giờ khó khăn như năm 2023, nhưng chúng ta có đất hiếm và vonfram. Hiện nay có hàng chục nhà đầu tư đã xếp hàng và đã bàn với Bộ KH&ĐT, hứa với Thủ tướng sẽ tăng cường khai thác đất hiếm. Năm 2022, chúng ta đã sản xuất 4.500 tấn đất hiềm, dự kiến các năm tới khai thác khoảng 220.000 tấn đất hiếm/mỗi năm. Điều này không những giúp đất nước mà còn cơ cấu lại thị trường đất hiếm thế giới.
Chúng ta có vị thế lớn với Mỹ, EU, Hàn Quốc về việc tham gia chuỗi công nghiệp bán dẫn của thế giới. Hai đối tác lớn nhất cạnh tranh thu hút FDI của chúng ta hiện nay là Ấn Độ, Indonesia. Do vậy, nếu không biết thách thức lớn này và tận dụng lợi thế hiện nay, cũng như sắp tới, đặc biệt với cơ hội EU và Mỹ, thì chúng ta sẽ không thể vượt qua thách thức.
Ngoài ra, thách thức lớn của tập đoàn vào Việt Nam là chúng ta chưa đáp ứng yêu cầu của họ đặc biệt là quyền sử hữu trí tuệ, tham nhũng vặt, thủ tục đầu tư phức tạp. Tất cả vấn đề này phụ thuộc cải cách hành chính quốc gia. Cải cách đồng bộ và hiệu quả hơn là hy vọng cho chúng ta trong câu chuyện sắp tới.
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ý kiến GS-TSKH Nguyễn Mại về phân tích khá cụ thể đối với các yếu tố mới Việt Nam phải đối mặt, vị thế mới mà Việt Nam đang có được. Theo các đánh giá được đưa ra nhìn chung có thách thức, nhưng các chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng dòng vốn FDI, dòng vốn ngoại vẫn sẽ được xem là một trong những bệ đỡ chắc chắn để KCN, đặc biệt là KCN xanh phát triển trong thời gian tới.
PHIÊN II: KHU CÔNG NGHIỆP SINH THÁI: MÔ HÌNH VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
PHẦN THAM LUẬN
Khu Công nghiệp Phú Mỹ 3 có nhiều điểm thu hút đầu tư
Trình bày tham luận: "Phát triển bền vững Khu công nghiệp - nhìn từ kinh nghiệm thực tiễn của KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3", ông Kazama Toshio, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình Phú Mỹ cho hay: Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chiếm 9% tổng diện tích đất Việt Nam, dân số 17%, GDP bình quân đầu người gấp 2 lần bình quân cả nước, FDI thu hút chiếm 44% của Việt Nam.
Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu sở hữu những lợi thế độc đáo, duy nhất, hấp dẫn phát triển công nghiệp nặng và hóa chất, 70% sản lượng thép tại Việt Nam được sản xuất tại đây. Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút đầu tư về dịch vụ cảng - logistics đồng bộ, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nước sạch, nguồn điện ổn định.
Địa bàn có tới 6 nhà máy khí tự nhiên có thể sản xuất cung cấp nguồn năng lượng dồi dào cho các khu công nghiệp. Ở trung tâm của khu vực này là Khu công nghiệp chuyên sâu Phú Mỹ 3 (PM3) là KCN chuyên sâu duy nhất tại Việt Nam được thành lập dựa theo thoả thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản vào tháng 12/2014.
Chính vì thế, KCN có 2 ưu đãi gồm thời hạn thuê đất 70 năm đến tháng 12 năm 2077; tiền thuê đất hằng năm được miễn 20 năm tính từ năm 2018. Dự án có diện tích 1.046 ha, đã hoàn thành giai đoạn 1, đang chuyển sang giai đoạn 2.
Chúng tôi cam kết toàn bộ khu vực giai đoạn 2 sẽ hoàn thành trong 3 năm tới. PM3 có nhiều điểm thu hút đầu tư như vị trí địa lý chiến lược, tiệm cận với Cảng Cái Mép - Thị Vải, đường cao tốc, quốc lộ. Dự án có các đường ống dẫn khí, nguồn điện, nước ổn định, cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, dịch vụ một cửa chuyên nghiệp….
Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trực tiếp rất quan tâm đến việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vũng, tìm kiếm các giá trị về môi trường, xã hội và quản trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có định hướng phát triển theo 3 mục tiêu lớn. Đó là kiện toàn cơ cấu ngành (tăng gấp đôi GDP); tỉnh tiên tiến về tăng trưởng xanh của vùng kinh tế phía Nam (lấy phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường làm chủ đạo); trở thành trung tâm logistic quốc tế (cửa ngõ mới của khu vực phía Nam).
Khu công nghiệp Phú Mỹ 3 được lựa chọn là KCN kiểu mẫu, KCN thông minh theo định hướng sinh thái và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành thuộc chương trình phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA đề xuất và đã được phê duyệt bởi chính quyền tỉnh vào tháng 9/2018. Do vậy, PM3 nâng tầm quan trọng của các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), các giá trị về môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
Bên cạnh cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, đạt tiêu chuẩn quốc tế, chúng tôi cũng xây dựng cơ sở lưu trú cho người lao động, mục tiêu tạo nơi ở cho 10.000 công nhân. Dự án dự kiến triển khai quý II/2024 và tùy theo tiến độ khách hàng.
Phú Mỹ 3 tăng tỷ lệ mảng xanh, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và sản xuất sạch, thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, đóng góp cho cộng đồng thông qua các hoạt động thiện nguyện; tăng cường liên kết cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN và giữa các KCN với nhau; nổ lực thu hút các ngành công nghiệp phù hợp với tiêu chí trung hòa carbon mà Chính phủ Việt Nam hướng đến (các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, hiện đại; năng lượng tái tạo, sản xuất xe điện và pin xe điện…).
Cuối cùng, chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường và đồng hành, hướng dẫn các nhà đầu tư thứ cấp trong KCN tuân thủ các quy định này; công tác quản lý giám sát môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố được tổ chức thực hiện bài bản, khoa học và hiệu quả bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Về thành quả, tổng vốn đầu tư các dự án đã đi vào hoạt động tại PM3 đạt 3 tỷ USD, dự kiến đến 2026 nâng lên 5,5 tỷ USD. Suất đầu tư bình quân 8-9 triệu USD/ha.
PHẦN THẢO LUẬN MỞ
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Thay mặt BTC xin được cảm ơn các chuyên gia đã trình bày 2 tham luận, một về mô hình cụ thể đã thành công, một chia sẻ kinh nghiệm của JICA trong việc hỗ trợ ODA để phát triển một KCN tại Bà Rịa Vũng Tàu. Trong phiên thảo luận này, tôi rất muốn chúng ta thảo luận chia sẻ sâu về bài học kinh nghiệm trong việc phát triển KCN sinh thái, bài học chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang mô hình sinh thái, bài học quốc tế có thể áp dụng cho Việt Nam. Mở đầu phiên thảo luận tôi muốn dành câu hỏi cho bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ CTCP Thanh Bình Phú Mỹ - Chủ đầu tư KCN Phú Mỹ 3, bà có thể chia sẻ kinh nghiệm xây dựng và phát triển Phú Mỹ 3 và tại sao từ 10 năm về trước đã quyết định đầu tư một KCN kiểu mẫu khi chính sách chưa hoàn thiện?
Công nghiệp, cộng sinh và sinh thái
Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi: Bà Rịa - Vũng Tàu đã có sự kết hợp với JICA trong phát triển mô hình KCN kiểu mẫu, với 15 KCN với tổng diện tích 8.000 ha. Trong đó, đã có 13 KCN đi vào hoạt động và KCN Phú Mỹ 3 là KCN thứ 11. Năm 2014, Phú Mỹ 3 được Thủ tướng quyết định thành lập KCN chuyên sâu. Trước đó, cuối năm 2011 đầu năm 2012, Chính phủ Việt Nam cùng Chính phủ Nhật Bản mong muốn thành lập 2 KCN hỗ trợ.
Qua tham khảo, học hỏi kinh nghiệm cũng như sự hướng dẫn của các chuyên gia quốc tế, Phú Mỹ 3 quyết định theo đuổi theo môi hình sinh thái thay vì đi theo kiểu truyền thống. Có một bài toán đặt ra là phát triển KCN nhưng phải bảo vệ được môi trường và phát triển bền vững. Như Nhật Bản đã trải qua rất đắt khi phát triển công nghiệp hóa chất. Do đó, chúng tôi phải xử lý các vấn đề về môi trường, đầu tư hạ tầng đồng bộ. Bên cạnh đó đối với việc cung cấp điện, thì một năm chúng tôi chỉ cắt điện 2 lần, không có lần thứ 3.
Cũng phải nói thêm, thời điểm đó, chúng tôi chọn chiến lược đầu tư dài hạn, nhưng chưa rõ thu hút đầu tư cái gì và có nguy cơ rủi ro. Do đó, chúng tôi làm KCN chuyên sâu, trong đó có công nghiệp, cộng sinh và sinh thái. Và tùy thời điểm, chúng tôi có quy hoạch đồng bộ. Sau thời gian như vậy, các nhà đầu tư thấy chúng tôi làm được. Và kể từ năm 2017 đã có các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Chúng tôi thu hút 3 tỷ USD với từ 41 nhà đầu tư. Vì vậy, để phát triển KCN mang tính bền vứng, trước tiên chúng ta phải xem lợi thế địa phương rồi định hướng chiến lược thu hút đầu tư và phải kiên trì với mục tiêu đó. Điểm mấu chốt đó là, chúng ta phải hiểu lắng nghe đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn.
Thu hút nhà đầu tư lớn là điều không đơn giản nên mình phải đồng hành cũng với họ ở từng bước. Các chủ đầu tư KCN phải xác định mình là trung gian để hỗ trợ kết nối giữa nhà đầu tư với chính quyền. Có sự đồng hành ấy, các nhà đầu tư sẽ đánh giá cao KCN và sẽ có nhiều lợi thế đón các nhà đầu tư khác.
Chính phủ cần có bộ tiêu chuẩn về phát triển KCN, KKT xanh
TS. Nguyễn Anh Tuấn: Theo chia sẻ có thể thấy phải dựa vào lợi thế địa phương nơi KCN được thành lập để định hướng thu hút đầu tư, thực hiện những cam kết với nhà đầu tư vào KCN, đồng hành cùng nhà đầu tư để giải quyết các vấn đề liên quan. Theo mạch này, tôi có câu hỏi dành cho ông Nha Vinh Julien Nguyen, Giám đốc quốc gia WHA Việt Nam - Tập đoàn hàng đầu Thái Lan về phát triển KCN và logistics, hiện cũng chuẩn bị đầu tư 1 dự án rất lớn tại Nghệ An, qua chia sẻ của bà Thảo Nhi, ông có thể chia sẻ gì với thực trạng đầu tư của tập đoàn tại Nghệ An, liệu một KCN lớn như vậy thì khả năng lấp đầy như thế nào, dựa vào lợi thế gì tập đoàn tin tưởng có thể lấp đầy KCN mà WHA đang chuẩn bị đầu tư?
Ông Nha Vinh Julien Nguyen: WHA Việt Nam luôn nhận sự hỗ trợ từ Chính phủ và chính quyền địa phương. Nghệ An là trung tâm rất đặc biệt với WHA vì có nhiều lợi thế đầu tư, ưu đãi thuế và hỗ trợ cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng dồi dào, chi phí nhân công hợp lý…Từ đó, chúng tôi đã tận dụng xu hướng đầu tư và ngay lập tức xây dựng mô hình tiêu chuẩn KCN thông minh.