Sáng 7/3, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đã thông qua 9 luật và 11 nghị quyết quan trọng, có tác động sâu rộng đến xã hội và chính sách kinh tế vĩ mô của đất nước, không chỉ có ý nghĩa đối với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024, 2025, mà còn có ý nghĩa căn cơ, chiến lược, lâu dài trong giai đoạn tiếp theo.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ác luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường thứ 5 đã quy định những vấn đề căn bản về đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; tài nguyên nước; viễn thông; các tổ chức tín dụng; căn cước; lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; kế hoạch đầu tư công trung hạn…
Chất lượng các luật, nghị quyết sau khi được ban hành bước đầu nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của nhân dân, cử tri, đồng bào ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo đẩy mạnh truyền thông, thông tin kịp thời đến cử tri, người dân về kết quả các kỳ họp và về luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua. Việc rà soát, hoàn thiện về nội dung và kỹ thuật văn bản được chú trọng, triển khai sớm nên ngay sau khi luật, nghị quyết được thông qua, các cơ quan đã có thể trình Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực nhanh, đảm bảo công bố đúng quy định, làm căn cứ để tổ chức thi hành.
Nhấn mạnh với việc thông qua Luật Đất đai, Quốc hội đã hoàn thành một trong những nhiệm vụ lập pháp quan trọng nhất của nhiệm kỳ. "Luật Đất đai với 260 điều được rà soát ngày đêm, có những điều mất cà đêm mới rà soát được, đó là 1 kỳ công", Chủ tịch Vương Đình Huệ chia sẻ.
Về công tác truyền thông, Chủ tịch Quốc hội cho hay, hiện tượng khá mới là sự tham gia của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án luật, nhất là dự án Luật Đất đai.
"Tôi theo dõi thấy mừng lắm, có những TikToker, blogger phân tích khoản 4 của Luật Đất đai tức là định nghĩa thế nào người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài gốc Việt Nam..., một buổi lên sóng như vậy thu hút hàng trăm nghìn lượt người xem", ông Huệ nói và đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cần nghiên cứu kỹ vai trò của mạng xã hội trong truyền thông.
Ngoài ra, ông Huệ cho biết, kế hoạch giám sát năm 2024 của các cơ quan của Quốc hội cũng tập trung theo dõi tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành. Đoàn giám sát của Quốc hội về "việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023" đang khẩn trương triển khai theo kế hoạch, thông qua giám sát để đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, đây cũng là cơ sở quan trọng góp phần đưa các chính sách mới của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở vào cuộc sống.
Đề xuất ban hành một số văn bản theo thủ tục rút gọn
Tại hội nghị, ông Đoàn Thái Sơn, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng trình bày tham luận và đề xuất Bộ Tư pháp xem xét trong việc áp dụng thủ tục ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn để kịp thời triển khai thi hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024.
Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đơn vị này đang đề xuất ban hành 6 văn bản quy định chi tiết bao gồm 2 nghị định và 4 thông tư.
Hai nghi định là nghị định quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và nghị định quy định về chế độ tài chính của tổ chức tín dụng.
Các thông tư gồm: Thông tư của Thống đốc ngân hàng nhà nước quy định về quỹ tín dụng nhân dân, về ngân hàng hợp tác xã, về cấp giấy phép và tổ chức, hoạt động của tổ chức tài chính vi mô, về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.
Hiện nay, ngân hàng nhà nước đang tiếp tục phối hợp với Bộ Tư pháp để hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục quy định chi tiết luật, nghị quyết và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định, ông Sơn báo cáo.
Bên cạnh danh mục văn bản quy định chi tiết Luật các tổ chức tín dụng năm 2024, ngân hàng nhà nước đã chủ động rà soát các nội dung tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 giao Chính phủ, Thủ tướng ban hành theo thẩm quyền, đề xuất phân công cơ quan chủ trì thực hiện rà soát để xem xét trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Các tổ chức tín dụng theo thẩm quyền.
Theo đó, ngân hàng nhà nước rà soát Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; Nghị định của Chính phủ quy định về điều kiện cấp phép của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Nghị định của Chính phủ quy định về thanh toán không dùng tiền mặt; Nghị định của Chính phủ quy định về chương trình tài chính vi mô của tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục đề nghị chấp thuận mức cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Bộ Tài chính rà soát Nghị định của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế tài chính của ngân hàng chính sách;
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với cán bộ, viên chức ngân hàng chính sách;
Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát Nghị định của Chính phủ quy định về đăng ký biến động đất đai đối với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
Bộ Tư pháp rà soát Nghị định của Chính phủ quy định về đăng ký thế chấp đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Lãnh đạo ngân hàng nhà nước thông tin, tại dự thảo Kế hoạch triển khai thi hành Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 (ban hành kèm theo Quyết định của Thủ tướng) dự kiến giao các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được phân công và gửi kết quả về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 4/ 2024; thực hiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với quy định của Luật và các văn bản quy định chi tiết dưới Luật.
Ở địa phương, giao UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến Luật thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý nhà nước được phân công và gửi kết quả về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 4/2024.