Vụ 120 tấn đường phơi nắng: TAND Cấp cao xin ý kiến Chánh án Tòa Tối cao

Nhàđầutư
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định ngừng phiên tòa phúc thẩm để báo cáo Chánh án TAND Tối cao về bản án vụ kiện 120 tấn đường nhập từ Lào về Việt Nam của Công ty Hoàng Nam Giang đối với Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà.
HUY HÙNG
28, Tháng 03, 2018 | 16:34

Nhàđầutư
TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định ngừng phiên tòa phúc thẩm để báo cáo Chánh án TAND Tối cao về bản án vụ kiện 120 tấn đường nhập từ Lào về Việt Nam của Công ty Hoàng Nam Giang đối với Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà.

Ngày 27/3, Tòa án Nhân dân Cấp cao tại Đà Nẵng xử phúc thẩm vụ “kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý thuế và yêu cầu bồi thường thiệt hại”, giữa bên khởi kiện là Công ty TNHH Thương mại Hoàng Nam Giang (trụ sở số 11 đường Hồ Tùng Mậu, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) và người bị khởi kiện là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà – ông Đoàn Đình Nhi, địa chỉ tại thôn An Hải Đông, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.

120-tan-duong-phoi-nang

TAND Cấp cao tại Đà Nẵng quyết định ngừng phiên tòa phúc thẩm vụ kiện 120 tấn đường nhập từ Lào về Việt Nam của Công ty Hoàng Nam Giang đối với Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà 

Qua các phần xét hỏi, tranh luận của các đương sự và sau khi nghị án, HĐXX xem xét các quy định của pháp luật thì thấy rằng Nghị định 124/2016 ngày 1/9/2016 của Chính phủ tại Điều 4 không quy định rõ về thuế suất hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường. Nghị định 122/2016 ngày 1/9/2016 của Chính phủ có quy định về hạn ngạch thuế quan đối với mặt hàng đường, tuy nhiên Nghị định này lại quy định chung cho tất cả khu vực ASEAN. Do thấy còn có nhiều điểm khác nhau về việc áp dụng pháp luật đối với trường cụ thể này, nên căn cứ vào Điều 6 và Điều 241 của Bộ luật Tố tụng Hành chính HĐXX quyết định tạm ngừng phiên tòa này và báo cáo Chánh án TAND Tối cao để có văn bản đến cơ quan thẩm quyền để xem xét và trả lời cho thấu đáo. Thời gian cụ thể mở lại phiên tòa sẽ được TAND Cấp cao tại Đà Nẵng sẽ thông báo cụ thể cho các đương sự sau.

Ngoài ra, HĐXX cũng đề nghị Cty Hoàng Nam Giang có đơn gửi TAND cấp cao tại Đà Nẵng để xem xét có quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đó là chỉ đạo Hải quan Kỳ Hà cho thông quan, giải phóng lô hàng 120 tấn đường để tránh gây thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp, vì đường là mặt hàng dễ hư hỏng, rất khó bảo quản trong thời tiết để ngoài trời gần một năm như hiện tại.

Trước đó, ngày 14/9/2017, TAND tỉnh Quảng Nam xét xử sơ thẩm vụ án trên đã phán quyết hủy Quyết định số 24/QĐ-KH ngày 31/5/2017 của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà về việc ấn định thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Buộc Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà thực hiện nhiệm vụ công vụ theo đúng quy định của pháp luật liên quan đến lô hàng là 120 tấn đường của Cty Hoàng Nam Giang nhập từ Lào theo mức thuế suất quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định 124/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại song phương giữa Việt Nam và Lào.

Tách yêu cầu bồi thường thiệt hại của Cty Hoàng Nam Giang để giải quyết bằng một vụ án dân sự khác theo quy định của pháp luật tố tụng khi Cty Hoàng Nam Giang có yêu cầu.

Liên quan đến vụ án trên, thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào và Nghị định 124/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào, Cty Hoàng Hoàng Nam đã ký hợp đồng với Cty Mitra (Lào) nhập 2.000 tấn đường mía, mỗi tấn đường có giá trị 500 USD. Doanh nghiệp được cơ quan chức năng Lào cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) để được hưởng thuế suất ưu đãi là 2,5% (bằng 50% thuế suất ATIGA).

Tuy nhiên, khi hàng hóa về đến Việt Nam, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà cho rằng mặt hàng đường nhập từ Lào phải chịu thuế suất nhập khẩu 80%. Cty Hoàng Nam Giang không đồng ý, dẫn đến 120 tấn đường phơi ngoài nắng tại Cảng Kỳ Hà gần một năm nay khiến doanh nghiệp thiệt hại đến thời điểm này gần 3 tỷ đồng.

120-tan-duong-phoi-nang2

120 tấn đường phơi ngoài nắng tại Cảng Kỳ Hà gần một năm nay khiến doanh nghiệp thiệt hại đến thời điểm này gần 3 tỷ đồng. 

Đường nhập trực tiếp từ Lào sao không áp dụng Hiệp định thương mại Việt - Lào?

Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sự Phạm Văn Thanh – Văn phòng Luật sự Phạm và Liên danh tại Đà Nẵng, là người đại diện pháp lý cho Cty Hoàng Nam Giang nêu quan điểm bảo vệ: Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà đã căn cứ các quy định của pháp luật về hoạt động giao thương có yếu tố nước ngoài để ấn định mức thuế trong việc mua đường từ Lào về Việt Nam của Cty Hoàng Nam Giang là không phù hợp. Vì các quy định đó là quy định chung đối với các hàng hóa giao thương có yếu tố nước ngoài. Trong khi đó, trên cơ sở mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Lào, hai bên đã ký Hiệp định thương mại song phương cam kết dành cho nhau những ưu đãi đặc biệt về thương mại hàng hóa và dịch vụ thì các quy định về thương mại nói chung giữa hai nước và về thuế nhập khẩu các hàng hóa trong đó có đường mía nói riêng phải được áp dụng và thực hiện theo Hiệp định này.

Theo Hiệp định, mặt hàng đường nhập khẩu qua lại giữa hai nước không thuộc trường hợp áp dụng hạn ngạch thuế quan. Để cụ thể hoá các quy định của Hiệp định, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng riêng Nghị định 124/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 quy định về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt để thực hiện. Tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định 124 đã quy định điều kiện để được hưởng thuế suất bằng 50% thuế suất thuế nhập khẩu ATIGA đối với hàng hóa thuộc Khoản 1 Điều 4 Nghị định (có mặt hàng đường) chỉ gồm 2 điều kiện sau: (i) Được nhập khẩu và vận chuyển thẳng từ CHDCND Lào vào Việt Nam; (ii) Đáp ứng theo quy định của pháp luật hiện hành về Quy tắc xuất xứ áp dụng cho hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế quan Việt Nam - Lào theo quy định và phải có Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S (C/O form S) do cơ quan có thẩm quyền của nước CHDCND Lào cấp theo quy định. Điều này, chính tại “Hội nghị phổ biến Hiệp định thương mại, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào” tổ chức tại TP Đà Nẵng ngày 2/6/2017, Đại sứ Lào tại Việt Nam và đại diện Bộ Công Thương Việt Nam đã khẳng định: “Điều kiện được hưởng ưu đãi là hàng hóa vận chuyển thẳng từ mỗi bên sang nước còn lại, đáp ứng được quy tắc xuất xứ hàng hóa theo quy định của mỗi bên (chuẩn C/O form S)”.

Ngoài ra, theo quy định của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (Hiệp định ATIGA), tại Điểm f, Khoản 2 Điều 19 đã quy định: “Các sản phẩm trong Lộ trình F của Thái Lan và Việt Nam, lần lượt sẽ có mức thuế suất ngoài hạn ngạch cắt giảm theo lộ trình giảm thuế phù hợp với phân loại của các sản phẩm”. Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 8 Nghị định 122/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan đã quy định:  “Trường hợp theo các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký có cam kết thuế suất thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch (mức thuế cam kết) đối với các mặt hàng quy định tại Khoản 1 Điều này (có mặt hàng đường) và mức thuế suất cam kết thấp hơn mức thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này thì áp dụng theo mức thuế suất cam kết (nếu đáp ứng các điều kiện để được hưởng mức thuế suất cam kết) theo Hiệp định”.

Như vậy, theo Hiệp định thương mại song phương Việt Nam và Lào, mức thuế cam kết đối với mặt hàng đường là 50% thuế Atiga (5%), tức là bằng 2,5%, mức thuế này thấp hơn mức thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch là 80% quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 122/2016/NĐ-CP thì trường hợp của Cty Hoàng Nam Giang phải được áp dụng mức thuế suất 2,5% mới đúng quy định, không thể là 80% như Quyết định của Chi cục trưởng Hải quan Kỳ Hà.

Từ những lý do trên, căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 241 Luật Tố tụng Hành chính, luật sư Phạm Văn Thanh đề nghị HĐXX bác kháng cáo của Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà và bác kháng nghị của VKS, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam.

Các Bộ không có thẩm quyền giải thích Nghị định của Chính phủ

Nêu ý kiến quan điểm về việc tạm ngừng phiên toà của HĐXX để kiến nghị Chánh án TAND tối cáo đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải thích Nghị định 124/2016/NĐ-CP, luật sư Nguyễn Tấn Khoa thuộc Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng cho biết: Việc HĐXX tạm ngừng phiên toà với lý do để kiến nghị Chánh án TAND tối cao đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải thích Nghị định 124/2016/NĐ-CP, tôi thấy không thoả đáng vì: “Tôi được biết Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, hai bộ quản lý chuyên ngành về hoạt động giao thương có yếu tố nước ngoài đã có văn bản gởi cho cơ quan toà án nêu quan điểm về việc ấn định thuế trong trường hợp của Cty Hoàng Nam Giang, về bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Nam và Nghị định 124/2016 của Chính phủ. Các quan điểm của hai bộ này đều bảo vệ cho Quyết định ấn định thuế 80% của Chi cục trưởng Hải quan Kỳ Hà. Nếu có hỏi thì cũng chỉ có hai bộ này trả lời và việc trả lời cũng không đúng quy định vì các bộ không có chức năng giải thích văn bản là Nghị định của Chính phủ”.

Khoản 3 Điều 3 Nghị định 124 đã xác định rất rõ ràng danh mục hàng hóa có xuất xứ từ CHDCND Lào được hưởng chế độ hạn ngạch thuế quan hàng năm khi nhập khẩu vào Việt Nam tại Phụ lục III Nghị định, tại phụ lục này không có mặt hàng đường. Như vậy, mặt hàng đường không thuộc trường hợp áp dụng hạn ngạch thuế quan.

“Như vậy, việc tạm ngừng phiên toà là không cần thiết, chỉ gây tốn thời gian công sức của các bên. Theo tôi, toà án nên sớm đưa vụ án ra tiếp tục xét xử và với những quy định cụ thể, rõ ràng của Hiệp định thương mại song phương Việt – Lào và Nghị định 124/2016, quan điểm của tôi là toà án bác toàn bộ kháng cáo của Chi cục trưởng Hải quan Kỳ Hà và bác kháng nghị của VKSND tỉnh Quảng Nam, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Cty Hoàng Nam Giang, giữ nguyên bản án sơ thẩm, huỷ quyết định ấn định thuế 80% và buộc Chi cục trưởng Hải quan Kỳ Hà ấn định mức thuế 2,5% cho Cty Hoàng Nam Giang” – Luật sư này cho biết.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ