Ngày 19/3, chia sẻ thông tin tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2024 (VBF 2024), với chủ đề "Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh", đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) đánh giá ngay cả khi giá hàng hóa toàn cầu tăng đột biến, lạm phát và gián đoạn chuỗi cung ứng, Việt Nam vẫn giữ vững vị trí là một trong những nền kinh tế tăng trưởng hàng đầu thế giới.
Theo đó, đơn vị này đánh giá Việt Nam hiện đang ở vị trí thuận lợi để cho thế giới thấy tiềm năng của mình với tư cách là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về phát triển kinh tế bền vững.
Nhiều nhà bán lẻ nước ngoài đã chọn Việt Nam làm trung tâm chiến lược của chuỗi cung ứng toàn cầu. Với EVFTA, các nhà đầu tư EU đã cam kết hơn 26 tỷ USD vào gần 2.250 dự án của Việt Nam.
Ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, Nhật Bản - Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới", JCCI sẽ tích cực tham gia các chương trình nghị sự quan trọng do Chính phủ Việt Nam thúc đẩy như giảm phát thải carbon, đổi mới sáng tạo và tăng cường chuỗi cung ứng.
Doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng; quan tâm vấn đề an sinh xã hội để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững…
"Chúng tôi có niềm tin vào các doanh nghiệp FDI"
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, chia sẻ với các đối tác, nhà đầu tư, cùng góp phần vì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển.
"Tôi chưa từ chối tiếp một hiệp hội doanh nghiệp nào nếu như tôi có mặt tại Hà Nội. Chúng tôi có niềm tin vào các doanh nghiệp FDI", Thủ tướng khẳng định.
Năm 2024, kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, là một điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam (ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 là 6%, Ngân hàng HSBC dự báo 6,3%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo 6,7%; S&P dự báo 6,8%...).
Đặc biệt, mặc dù xu hướng FDI trên toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút FDI. Trong 2 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI đạt 4,3 tỷ USD tăng 38,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%.
Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ về số lượng, khu vực FDI có những đóng góp quan trọng góp phần cải thiện chất lượng của nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, khu vực FDI là một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng pháp luật, cơ chế, chính sách, khả năng quản trị quốc gia. Đầu tư của các doanh nghiệp FDI là nguồn lực quan trọng, vừa bổ sung vốn, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Thủ tướng cho biết, mục tiêu chiến lược của Việt Nam là phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 là nước phát triển, có thu nhập cao. Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030. Kết quả năm 2024 phải tốt hơn năm 2023.
Chia sẻ quan điểm tăng trưởng xanh, Thủ tướng cho biết Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong hai yếu tố cốt lõi (cùng với chuyển đổi số) của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững.
Kiên quyết không chấp nhận mô hình "tăng trưởng trước, dọn dẹp sau"; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ "nâu" sang "xanh"; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng...
Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Việt Nam đã cam kết tại COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP)…
Việt Nam ban hành nhiều chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII…
Việt Nam đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL; triển khai Kế hoạch "Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030", đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt 1 triệu ha, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai…
"Cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng"
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp FDI tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về 5 yếu tố: Nguồn vốn, thể chế, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "Ba tiên phong": Tiên phong trong nhận thức, tư duy và hành động, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về tăng trưởng xanh;
Tiên phong trong chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh; tiên phong trong triển khai thực hiện các dự án tăng trưởng xanh cụ thể, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và bổ sung các động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam theo tinh thần "Ba đẩy mạnh": Đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn chính sách cho Việt Nam, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi xanh, phát triển số; đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam; đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam cam kết "ba bảo đảm", đẩy mạnh "ba đột phá" và thực hiện "ba tăng cường".
Ba bảo đảm gồm: Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp nói chung và FDI nói riêng; Bảo đảm ổn định chính sách để các nhà đầu tư yên tâm; bảo đảm ổn định năng lượng theo hướng chuyển đổi xanh, phát triển hệ sinh thái chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số.
Thủ tướng khẳng định không để thiếu điện với nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc triển khai khuyến khích cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Việt Nam đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược gồm: Đột phá về thể chế phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; Đột phá về hạ tầng kinh tế, xã hội, y tế, giao thông, giáo dục, hạ tầng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; Đột phá về nhân lực.
Việt Nam thực hiện "ba tăng cường" gồm: Tăng cường lòng tin giữa doanh nghiệp với Chính phủ và các cấp chính quyền; tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hướng vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hợp tác công tư.
Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước với tinh thần: "Lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ"; "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng".