Những chiếc tàu du lịch hay du thuyền luôn là những thiết bị đắt tiền.
Theo The Points Guy, để làm ra các tàu du lịch hiện đại có thể người ta phải mất chi phí từ 500 triệu đến 900 triệu USD.
Theo Statista, con tàu Allure of the Seas của Royal Caribbean, dài khoảng 1.187 feet thực hiện chuyến đi đầu tiên vào năm 2010, có giá thành chế tạo khoảng 1,4 tỷ USD.
Đó là lý do tại sao các tàu du lịch hiếm khi bị bỏ rơi hoàn toàn nếu chúng không ngừng hoạt động hoặc nghỉ hưu do tàu đã cũ hoặc trong một số trường hợp do thảm họa thảm khốc.
Thông thường, những chiếc tàu du lịch này được đưa đến bãi phế liệu để tháo dỡ các bộ phận có giá trị như kim loại. Vật liệu tháo dỡ từ một con tàu có thể mang lại một giá trị cỡ khoảng 4 triệu USD, theo một bài báo trên Business Insider vào năm 2021.
Khi một con tàu được cho nghỉ hưu và đưa đến bãi phế liệu, nó có thể bị đưa đến một cơ sở phá dỡ tàu như Aliaga ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ.
Ở đó, các công nhân thực hiện công việc nguy hiểm là tháo rời con tàu vốn từng chứa hàng nghìn hành khách.
Tuy nhiên, việc gửi tàu đến cơ sở phá dỡ cũng đi kèm với chi phí có thể khiến các công ty phải tính toán nhiều hơn, đặc biệt trong các trường hợp như phải trục vớt một con tàu bị lật, theo Cruise Hive.
Trong một trong những trường hợp độc đáo hơn, MS World Discoverer, một tàu du lịch nhỏ của Đức được đóng vào năm 1974, đã đâm vào một rạn san hô gần Quần đảo Solomon vào tháng 4 năm 2000, theo blog du lịch.
Con tàu được tuyên bố hư hại hoàn toàn và bị bỏ rơi một phần do vị trí xác tàu nằm ở rất xa ngoài khơi cho dù nó nằm ở khu vực biển nông.
Một lý do khác khiến con tàu phải bỏ rơi là vì quần đảo Solomon đang trải qua tình trạng bất ổn dân sự. Vào tháng 6 năm 2000, một tổ chức chiến binh lúc đó đã lật đổ thủ tướngquốc đảo này trong một cuộc đảo chính.
Theo Cruise Hive, một bộ lạc địa phương đã bắn tên vào đội cứu hộ vào cuối năm đó. Vì vậy, MS World Discoverer vẫn ở gần quần đảo và mục nát dần đi.
Trong các trường hợp khác, tàu du lịch có thể được tái sử dụng như một điểm thu hút khách du lịch, khách sạn hoặc thậm chí là bệnh viện tạm thời trong các trường hợp khẩn cấp, theo Business Insider.
Ví dụ nổi tiếng nhất là tàu Queen Mary, ra khơi từ năm 1936 đến năm 1967 trước khi dừng chân cuối cùng ở Long Beach, California và chiếc tàu vẫn ở lại cảng cho đến ngày nay.
Con tàu kể từ đó đã được tái sử dụng thành một điểm thu hút khách du lịch và khách sạn với 347 phòng khách và các phòng chức năng khác.
Trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, khi ngành du lịch biển và các ngành du lịch khác bị đình trệ, một số tàu cũng được sử dụng làm 'bệnh viện nổi' dành cho bệnh nhân bị bệnh.