Kinh tế Việt Nam: Trắc trở phục hồi và những kỳ vọng mới

Nhàđầutư
Trong khuôn khổ Hội thảo "Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường bất động sản trong bối cảnh mới" do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức sáng 7/4, Nhadautu.vn xin giới thiệu tham luận Kinh tế Việt Nam, trắc trở phục hồi và những kỳ vọng mới của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh.
ĐĂNG KIỆT
08, Tháng 04, 2023 | 12:56

Nhàđầutư
Trong khuôn khổ Hội thảo "Khơi thông dòng vốn trong nước và nước ngoài cho thị trường bất động sản trong bối cảnh mới" do Tạp chí Nhà đầu tư/Nhadautu.vn tổ chức sáng 7/4, Nhadautu.vn xin giới thiệu tham luận Kinh tế Việt Nam, trắc trở phục hồi và những kỳ vọng mới của TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thương hiệu và cạnh tranh.

Empty

TS. Võ Trí Thành. Ảnh: Minh Thông.

Sau giai đoạn hứng chịu cơn bão Covid-19 với mức tăng tưởng rất thấp (2,9% năm 2020 và 2,6% năm 2021), kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng khá mạnh mẽ, đạt 8,0% năm 2022. Tuy nhiên, trên thực tế đà phục hồi kinh tế đã có dấu hiệu chững lại từ giữa quý III/2022. Trắc trở ngày càng lộ rõ, ập đến cả từ bên ngoài và bên trong nền kinh tế.

Năm 2023 Việt Nam được nhìn nhận là phải đối mặt với không ít thách thức; khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Bức tranh kinh tế quý I/2023 càng cho thấy điều đó. Đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% Quốc hội đề ra là vô cùng thách thức. Nỗ lực phải rất lớn. Đó là chưa nói tới có được kết quả như vậy còn tùy thuộc không nhỏ vào diễn biến (khó lường) trên thế giới.

Hai cơn gió ngược cùng bất định, rủi ro từ bên ngoài

Càng về nửa sau năm 2022, càng thấy rõ kinh tế Việt Nam phải đối mặt với hai cơn gió ngược cùng bất định, rủi ro từ bên ngoài.

Cơn gió ngược đầu tiên là sự suy giảm của kinh tế thế giới, đặc biệt là ở một số đối tác thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam. Theo đánh giá của IMF vào cuối năm 2022, từ mức 6,0% năm 2021, tăng trưởng kinh tế thế giới ước tính chỉ đạt 3,0% năm 2022. Triển vọng năm 2023 còn xấu hơn, một số nền kinh tế lớn thậm chí có thể rơi vào suy thoái.

Bức tranh ảm đạm nhiều hay ít hơn còn khó đoán định. Trong báo cáo cuối tháng 1/2023, IMF, dư báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,9% năm 2023 cao hơn con số 2,7% đưa ra vào cuối năm 2022. Sau sự sụp đổ ngân hàng SVB cùng một số ngân hàng khác ở Mỹ và châu Âu, nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ lại được dự báo có thể diễn ra sớm và nhanh hơn. 

Một cơn gió ngược nữa là các điều kiện tài chính tiền tệ trở nên khó khăn, ngặt nghèo hơn. Lạm phát cao, kéo dài. Theo IMF (tháng 10/2022), giá tiêu dùng thế giới đã tăng từ mức 4,7% năm 2021 lên 8,8% năm 2022 và vẫn còn ở mức 6,5% năm 2023.

Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt. Riêng FED rất mạnh tay chống lạm phát, với 7 lần tăng lãi suất trong năm 2022, trong đó có 3 lần tăng liên tiếp với mỗi lần là 75 điểm cơ bản. Đồng USD lên giá mạnh và “cuộc đua” tăng lãi suất của các NHTW bùng lên ở hấu khắp các quốc gia.

Thời kỳ của đồng tiền rẻ và dễ dãi chấm dứt. Tuy nhiên, việc lạm phát được cho là đã qua đỉnh cùng nguy cơ suy thoái và đổ vỡ hệ thống tài chính gia tăng có thể buộc FED cân nhắc nhẹ nhàng hơn, thậm chí có thể dừng chính sách tiền tệ thắt chặt và bắt đầu giảm ít nhiều lãi suất chính sách từ cuối năm 2023.

Trên thực tế, trong quý I/2023, FED chỉ 2 lần tăng lãi suất ở mức 50 và 25 điểm cơ bản. Góc nhìn khác, cũng không loại trừ khả năng lạm phát cao bật trở lại. Dự báo giá dầu thô có thể tăng mạnh vào cuối năm 2023, lên tới 100 USD/thùng từ mức dưới 80 USD cuối quý I/2023 do OPEC+ tuyên bố cắt giảm đáng kể sản lượng kể từ tháng 5/2023.   

Cùng với đó là các bất ổn, rủi ro vẫn hiện hữu. Cuộc khủng hoảng năng lương và lương thực chưa chấm dứt. Thời tiết, khí hậu trở nên cực đoan hơn. Thị trường tài chính rung lắc mạnh ở một số quốc gia, như tại Mỹ, châu Âu. Vấn đề nợ và vỡ nợ/nguy cơ vỡ nợ nổi lện ở nhiều nền kinh tế đang phát triển.

World Bank đã cảnh báo thế giới có thể đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ tồi tệ trong thời gian tới. Các nhân tố đằng sau rủi ro, bất định chính là cuộc chiến Ukraine - Nga bùng phát từ 24/2/2022 và chưa thấy hồi kết, là cạnh tranh địa-chính trị và cả biến đổi khí hậu. Trong một thế giới như vậy thì niềm tin đầu tư, sản xuất kinh doanh dễ giảm sút; thị trường có sự nhìn nhận thận trọng hơn về binh tình thế thái, kinh tế có, chính trị có, ngăn hạn có và dài hạn cũng có.

Khó khăn bên trong và nốt trầm kinh tế quý I/2023

Cùng với hai cơn gió ngược và sự bất định, rủi ro từ bên ngoài , bản thân nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề tài chính tiền tệ. Chương trình phục hồi và phát triễn kinh tế - xã hội 2 năm 2022-2023 với số tiền lên tới gần 350.000 tỷ VNĐ cũng đã tính đến rủi ro vĩ mô (lạm phát, nợ công, đầu cơ tài chính).

Nhưng cho đến quý II/2022, áp lực tài chính-tiền tệ vẫn chưa được nhận diện đầy đủ. Áp lực lên lãi suất, tỷ giá lớn dần nhất là vào cuối quý III - quý IV/2022. Lạm phát trung bình thấp, nhưng lạm phát so cùng kỳ vẫn tăng khá nhanh, tháng 12/2022 lên 4,6%; lạm phát lõi cũng ở mức gần 5% so với dưới 1% một năm trước đó.

Tỷ giá VND/USD có thời điểm mất giá danh nghĩa tới 8,9%. NHNN buộc phải bán lượng không nhỏ ngoại tệ, nới biên độ giao dịch tỷ giá từ 3% lên 5% quanh tỷ gia trung tâm, hai lần nâng lãi suất điều hành, mỗi lần 1 điểm phần trăm.

Vấn đề thanh khoản cả trong hệ thống ngân hàng và thị trường nổi lên. Mức tăng tín dụng (dù có quota) nhanh hơn nhiều mức tăng huy động tiền gửi. Cho vay khu vực bất động sản tăng nhanh hơn tín dụng nói chung.

Sai lệch cơ câu thời hạn trong hệ thông ngân hàng trở thành vấn đề khá nghiêm trọng. Các ngân hàng thương mại buộc phải tăng cao lãi suất huy động, nhất là đối với kỳ hạn dài. Lãi suất cho vay cao; kênh huy động trái phiếu gần như đóng băng; thực hiện đầu tu công thấp nhiều so với kế hoạch; tất cả càng làm nghẽn dòng tiền luân chuyển trên thị trường.

Bên cạnh đó là sự rung lắc thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu doanh nghiệp khi nhiều sai phạm pháp luật bị xử lý. Hàng trăm nghìn tỷ VNĐ trái phiếu doanh nghiệp, nhất là của các công ty bât động sản, đáo hạn trong các năm 2022-2023-2024, trong khi việc phát hành mới gần như không thể do niềm tin thị trường sút giảm mạnh.

Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 đạt 8,0%, vượt kỳ vọng. Sự phục hồi diễn ra trên tất cả các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, dù không đều. Dẫn dắt tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu hàng hóa và phần nào là đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, góc nhìn tổng thể che lấp thách thức và khó khăn nền kinh tế thực phải đối mặt. Rõ nhất là xuất khẩu hàng hóa, cả năm 2022 đạt hơn 371,9 tỷ USD, chỉ còn tăng 10,6% so với con số 17,3% của ba quý đầu năm; đi cùng là đơn hàng và việc làm nhiều ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm đáng kể.

Hoạt động kinh tế quý I/2023 còn gập ghềnh, trắc trở hơn, đúng như dự báo. Tăng trưởng chỉ là 3,3% so cùng kỳ năm 2022, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,6% nêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 và gần như thấp nhất trong 13 năm qua. Đặc biệt, đầu tàu kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tăng trưởng 0,7%.

Giá trị tăng thêm của toàn ngành công nghiệp giảm 0,8%. Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam suy yếu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 154,3 tỷ USD, giảm 13,3%; trong đó xuất khẩu giảm 11,9% và nhập khẩu giảm 14,7%. Tổng vốn đầu tư nước ngoài tính đến ngày 20/3/2023, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8%. Vốn FDI thực hiện giảm 1,1%.

Đáng nói hơn cả là quý I/2023, cả nước có gần 34.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm cả về số lượng (-2%), về vốn đăng ký (-34,1%) và về số lao động (-12,8%). Trong khi đó, cũng trong ba tháng đầu năm 2023, bình quân một tháng có gần 20.100 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Chỉ có một vài lĩnh vực có biểu hiện tích cực trong quý I/2023 và đây cũng là chỉ báo quan trọng về chính sách. Tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng ước tính tăng 13,9% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 10,3%). Đầu tư khu vực Nhà nước, tăng 11,5%, mức khá cao ngay từ đàu năm, dù chư được như kỳ vọng. Lạm phát còn là thách thức trong năm 2023 khi bên ngoài khó lường và nhà nước sẽ tăng lương cơ bản và có thể phải điều chỉnh tăng giá điện, song trong quý I/2023 ít nhiều giảm so với cuối năm 2022, chỉ là 4,2%.

IMG_1278

Nền kinh tế Việt Nam năm 2023 mang nhiều kỳ vọng và thách thức. Ảnh: Minh Thông

Hy vọng và nỗ lực

Gần đây, một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2023. Chẳng hạn, Ngân hàng United Overseas Bank (UOB) dự báo tăng trưởng của Việt Nam chỉ còn 6,0% so với con số 6,6% đưa ra trước đó. Ngân hàng Thế giới cũng hạ dự báo từ 6,7% xuống 6,3% trong báo cáo tháng 3/2023. Thậm chí một số dự báo (như của Nhóm nghiên cứu BIDV, đầu tháng 4/2023) dự báo nhiều khả năng kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng trong khoảng 5,5% - 6,0%.

Để giảm thiều những tăng động bất lợi từ cả bên trong và bên ngoài, hỗ trợ có ý nghĩa cho quá trình phục hồi kinh, Việt Nam, với tính cách là một nền kinh tế có độ mở lớn, cần rất nhiều nỗ lực và cả hy vọng các cơ hội mới có được để tận dụng.

Thứ nhất, hy vọng tình hình kinh tế toàn cầu bớt khó khăn hơn, nguy cơ suy thoái giảm dần ở một số nước. Không chỉ IMF như nêu ở trên, mà một số tổ chức quốc tế khác cũng có góc nhìn như vậy. Fitch Ratings đã điều chỉnh dự báo vào tháng 12/2022, thêm 0,6 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng toàn cầu lên 2% vào năm 2023.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo tốc độ tăng trưởng toàn cầu năm 2023 là 2,6%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với con số đưa ra vào tháng 11/2022. Đặc biệt, Trung Quốc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, một đối tác thương mại, đầu tư, du lịch quan trọng của Việt Nam, là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng cao hơn trong năm 2023 (5,3% so với 3,2% năm2022) do bãi bỏ chính sách zero-covid và bình ổn được thị trường bất động sản. Cùng với đó, dù còn bất định, nhưng áp lực tài chính-tiền tệ từ bên ngoài nhiều khả năng sẽ dịu bớt. Lạm phát không còn cao như trước; chính sách của FED sẽ “bồ câu” hơn.

Thứ hai, Việt Nam cần tiếp tục quyết liệt trong xử lý các vấn đề tài chính, tiền tệ, Việc tăng lãi suất huy động, điều hòa bơm hút tiền (cả gắn với việc mua ngoại tệ trở lại) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giúp hạ nhiệt vấn đề thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Áp lực từ bên ngoài giảm, biến động tỷ giá giảm mạnh, thanh khoản được cải thiện, lạm phát trong tầm kiểm soát, cầu tìn dụng thấp (chỉ tăng 2,1% quý I/2023) đã tạo điều kiện cho NHNN hai lần giảm lãi suất điều hành. Môt loạt chính sách tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đã được ban hành, bao gồm việc xử lý các vướng mắc pháp lý, hỗ trợ tài chính-tiền tệ, phục hồi thị trường trái phiếu, và tái cấu trúc thị trường, các tập đoàn bất động sản (Nghị quyết 33/NQ-CP 11/03/2023; Nghị định 08/2023/NĐ-CP 05/03/2023; gói tín dụng 120.000 tỷ VNĐ cho phát triển nhà ở xã hội…). Niềm tin và hoạt động thị trường sẽ trở lại một khi quá trình thực thi các chính sách này được đẩy nhanh.

Thứ ba, khu vực đầu tư công được kỳ vọng sẽ là trụ đỡ cho phục hồi, tăng trưởng năm 2023. Ngay từ đầu năm, Chính phủ, nhiều bộ, ngành, địa phương đã có chuyển biến khá mạnh mẽ trong đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Tạo và duy trì động lực đó là thách thức, nhưmng không phải không làm được. Nhưng chỉ chuyển biến trong khu vực đầu tư công là chưa đủ. Cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (được điều chỉnh).

Việc gia tăng khách du lich nội địa sau khi đạt đỉnh năm 2022 là không đơn giản, nhất là khi các nước hấp dẫn lại khác từ Việt Nam. Chú trọng hơn vào thay đổi chính sách visa, quảng bá ấn tượng có trọng điểm và liên kết trong ngoài nước sẽ có ý nghĩa lớn trong thu hút khách du lịch nước ngoài, góp phần hố trợ xuất khẩu dịch vụ và mức tăng tiêu dùng ở Việt Nam.

Linh hoạt đối tác, thị trường, tận dụng các FTAs cũng như cơ hội kinh tế Trung Quốc phục hồi là cách thức quan trọng để giảm thiểu tác động tiêu cực từ bên ngoài đến xuất khẩu và thương mại của Việt Nam.

Việt Nam vẫn là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư nước ngoài. Ngay mới đây, một phái đoàn Hoa Kỳ với hơn 50 tập đoàn, công ty lớn đã đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Độ hấp dẫn FDI tùy thuộc nhiều vào cách dịch chuyển các chuỗi cung ứng/chuỗi giá trị toàn cầu gắn với lợi thế so sánh, môi trường kinh doanh, khả năng kết nối và tiếp cận thị trường (như FTAs), niềm tin đối tác, việc bắt nhịp CMCN 4.0, kỷ nguyên số, kinh tế xanh. Thách thức đối với Việt Nam là biến sự quan tâm này thành cam kết và sự triển khai có hiệu quả trên thực tế.

Khó khăn - trắc trở - nỗ lực - hy vọng không chỉ là câu chuyện của năm 2022, của quý I/2023 hay cả năm 2023. Nó đặt ra nhiều điều đáng suy nghĩ hơn thế. Chúng ta đang và chắc trên đường dài phía trước, sẽ sống trong một thế giới nhiều bất trắc, đổi thay với các gam màu tối, sáng. Rất cần có cách tiếp cận nhiều chiều với các kịch bản khác nhau cũng những điều chỉnh, gải trình cần thiết. Rất cần biết "vượt nguy, tận cơ", "tư duy lại, thiết kế lại, xây dựng lại", và càng cần “hành động quyết liệt, khôn khéo, linh hoạt”. Và cao hơn là niềm tin là chúng ta làm được và nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, ổn định và phát triển bền vững.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ