Động lực mới cho các đầu tàu kinh tế

Các trung tâm kinh tế lớn được xem là những những đầu tàu kinh tế lôi kéo sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Sự ra đời của các vùng kinh tế trọng điểm (bốn vùng kinh tế trọng điểm) với hạt nhân là những thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM chính là những đầu tàu như vậy.
NGUYỄN VĂN VỊNH - VIỆN CHIẾN LỰC PHÁT TRIỂN
09, Tháng 02, 2024 | 07:20

Các trung tâm kinh tế lớn được xem là những những đầu tàu kinh tế lôi kéo sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Sự ra đời của các vùng kinh tế trọng điểm (bốn vùng kinh tế trọng điểm) với hạt nhân là những thành phố lớn như Thủ đô Hà Nội, TP.HCM chính là những đầu tàu như vậy.

Tác động lôi kéo thúc đẩy của các "đầu tàu" kinh tế

Theo thống kê chưa đầy đủ, năm 2022, các vùng kinh tế trọng điểm chiếm tới 53,19% dân số cả nước, có tới 53,46% lực lượng lao động của cả nước tạo ra 69,64% GDP và đóng góp tới 78,57% thu ngân sách cả nước. Các vùng này cũng là nơi huy động và sử dụng đến 66,3% tổng vốn đầu tư xã hội thực hiện trong năm 2022. Tương ứng, hai vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và phía Nam chiếm trên 40% dân số và lực lượng lao động cả nước, thu hút và thực hiện khoảng 57% vốn đầu tư xã hội, tạo ra trên 60% GDP và đóng góp tới 70% thu ngân sách nhà nước.

Chỉ tính riêng hai thành phố lớn nhất là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM đã đóng góp tới trên 28,3% GDP cả nước. Tương tự các thành phố này cũng huy động và sử dụng tới 16,8% lực lượng lao động, 26% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và đóng góp tới 40,1% thu ngân sách nhà nước.

Các vùng, lãnh thổ trọng điểm luôn duy trì được tăng trưởng kinh tế tương đối cao trong nhiều năm, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của cả nước. Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc trong mười năm 2011 - 2020 tăng trưởng bình quân tới 7,91%/năm, đóng góp 1,99 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của cả nước; trong giai đoạn 2021 - 2022 tăng trưởng bình quân của vùng vẫn đạt 7,69%/năm và đóng góp tới 2,05 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giai đoạn 2011- 2020 tăng trưởng bình quân khoảng 6,25%/năm, đóng góp tới 2,41 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; trong giai đoạn 2021-2022, vùng này chỉ tăng trưởng khoảng 2,64%/năm, đóng góp khoảng 0,98 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.

dji-0540

Các trung tâm kinh tế lớn được xem là những những đầu tàu kinh tế lôi kéo sự phát triển chung của toàn nền kinh tế. Ảnh: VietNamNet.

Hai thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM trong giai đoạn 2011 - 2020 cũng duy trì được mức tăng trưởng khá tới 6,83%/năm và lần lượt đóng góp vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế là 0,91 và 1,31 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, giai đoạn 2021 - 2022, TP.HCM có sự suy giảm đáng kể, chỉ tăng trưởng khoảng 1,48%/năm, đóng góp 0,28 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung. Có thể thấy, sự suy giảm tăng trưởng của các vùng lãnh thổ trọng điểm làm suy giảm nghiêm trọng tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

Các vùng, lãnh thổ trọng điểm cũng là những thị trường lớn ảnh hưởng mạnh mẽ tới tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội cả nước. Hai thành phố lớn là thị trường lớn nhất cả nước, với quy mô dân số 17,8 triệu người (17,92% cả nước) và chiếm trên 40% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước.

Tiềm lực, nguồn lực của các đầu tàu kinh tế là rất lớn

Lực lượng doanh nghiệp lớn và là chủ thể chính thúc đẩy quá trình phát triển của các đầu tàu kinh tế. Các vùng kinh tế trọng điểm đã và đang tập trung tới trên 720 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm trên 80% số doanh nghiệp cả nước đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Riêng với hai thành phố lớn là Thủ đô Hà Nội và TP.HCM có tới trên 461 ngàn doanh nghiệp chiếm tới 51,5% số doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, trong đó Thủ đô Hà Nội có trên 187 ngàn doanh nghiệp, chiếm 20,9% cả nước; trong khi Thành phố Hồ Chí Minh có trên 274 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 30,6%.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn cũng gia tăng sau suy giảm do tác động của đại dịch Covid-19 nhưng mức độ gia tăng có chậm lại. Tại Thủ đô Hà Nội, số doanh nghiệp tham gia thị trường chỉ tăng 2009 doanh nghiệp sau hai năm 2021 - 2022 thấp hơn mức gia nhập thị trường năm 2019 là 2480 doanh nghiệp. Tại TP.HCM, các số liệu tương ứng là 659 so với 1539 doanh nghiệp gia nhập trong năm 2019.

Việc tham gia và rút khỏi thị trường về nguyên tắc cũng là điều bình thường và cũng chính là cơ hội để tái cấu trúc mang lại hiệu quả hơn phù hợp với bối cảnh phát triển mới. Tuy nhiên, điều đáng nói là sự sụt giảm về tốc độ tham gia thị trường của các doanh nghiệp.

Có thể thấy rất rõ, các vùng, lãnh thổ trọng điểm là nơi "sở hữu" những tiềm năng đặc biệt có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với việc duy trì và phát huy tăng trưởng trong triển vọng dài hạn, khác biệt rất lớn so với phần còn lại của đất nước.

Năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là tiềm năng đặc biệt của các vùng lãnh thổ này. Riêng Thủ đô Hà Nội hiện có tới 77 trường đại học (chiếm 31,8% tổng số trường ĐH của cả nước); năm 2022 có tới trên 80.000 sinh viên tốt nghiệp; có tới trên 217.000 học viên của cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Tuy nhiên, nguồn lực này còn chưa thực sự được phát huy hiệu quả.

Nguồn lực đặc thù thứ hai phải kể đến chính là tài nguyên đất đai có giá trị lớn. Về quy mô, các vùng, lãnh thổ đầu tàu có diện tích đất không lớn và hầu như được huy động, khai thác và sử dụng hết cho các hoạt động kinh tế - xã hội. Vấn đề đặt ra là: hiệu quả của việc huy động, khai thác và sử dụng nguồn lực đất đai. Có nhiều lý do cho thấy việc huy động và sử dụng tài nguyên đất còn nhiều bất cập và hiệu quả còn chưa cao…

Cơ sở vật chất rất lớn nhưng chưa phát huy hết hiệu quả

Các vùng kinh tế trọng điểm là nơi được đầu tư lớn nhất về cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối; tương ứng về cơ bản hệ thống hạ tầng cấp điện (năng lượng) đáp ứng được yêu cầu phát triển trong những giai đoạn gần đây… Tuy nhiên, kết cấu hạ tầng tại các vùng lãnh thổ này còn chưa đồng bộ, làm giảm đáng kể hiệu quả và tính lan tỏa của nó.

Tại khu vực Hà Nội, hệ thống giao thông vành đai đã và đang được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, nhưng khả năng kết nối với các địa phương khác ở vùng phía Bắc còn chưa được tốt, hiện tượng ùn tắc giao thông tại đây rất lớn, hiệu quả luân chuyển thấp, lãng phí thời gian vật chất của xã hội do tốc độ lưu thông thấp vì thực tế vẫn lưu thông "xuyên tâm" qua Thủ đô, chưa có kết nối thuận lợi giữa các tuyến vành đai với các địa bàn khác nhất là với các điểm đầu mối lớn (hub) như cụm cảng biển số 1 (Hải Phòng, Quảng Ninh)… và ngay chính tại cụm cảng số 1 với phần còn lại của khu vực phía Bắc.

Ở khu vực TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối giao thông nội vùng còn hạn chế, nhất là kết nối vùng với cụm cảng số 4, đặc biệt là với các khu bến thuộc cảng đặc biệt Cái Mép – Thị Vải. Tương ứng, hạ tầng các đô thị lớn còn rất hạn chế, giao thông đô thị còn thiếu, hiện tượng ngập úng còn chưa được giải quyết.

Kinh tế đô thị tại các vùng lãnh thổ động lực chưa được phát huy, mật độ kinh tế đô thị thấp. Các vùng lãnh thổ là nơi tập trung các đô thị lớn, tỷ lệ đô thị hóa cao. So với một số đô thị phát triển trên thế giới giá trị gia tăng trên 01 ha đất đô thị còn một khoảng cách rất xa.

Mặc dù so với Singapore (một trường hợp đặc biệt, có diện tích lớn hơn không nhiều so với bốn quận nội thành cũ của Hà Nội (bao gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Đống Đa) và là một quốc gia có vị trí địa kinh tế đặc biệt) có thể là khập khiễng, nhưng có thể thấy được điều này: với diện tích hạn chế như vậy nhưng quy mô GDP của Singapore tương đương với cả nền kinh tế Việt Nam.

Môi trường khởi nghiệp (start up) và cơ chế phân bổ, phát huy nguồn lực nói chung còn nhiều bất cập và còn nhiều cản trở đối với các vùng lãnh thổ đầu tàu. Có thể nói đây là vấn đề hết sức lớn và đòi hỏi có nhiều cải cách về thể chế, cơ chế, chính sách. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm và xem thể chế, cơ chế chính sách là động lực cho sự phát triển.

Một trong những vấn đề cơ bản nổi lên đòi hỏi có cải cách sâu, rộng và đồng bộ đó là làm rõ vai trò của Nhà nước trong quản lý phát triển với nguyên tắc: Nhà nước phải "mạnh", nhưng "đúng việc". Cần phân biệt rõ phạm vi, đối tượng và phương thức quản lý phát triển của Nhà nước để từ đó có những cải cách về bộ máy, cơ chế chính sách quản lý hướng tới tạo một hệ sinh thái phát triển tốt nhất, tạo nền tảng cho mỗi một chủ thể (người dân và doanh nghiệp, nhà đầu tư…) thực hiện đầu tư phát triển, thiết lập nghề nghiệp…

Động lực mới cho các đầu tàu kinh tế

Để tạo động lực mới cho tăng trưởng dài hạn của các vùng lãnh thổ đầu tàu chính là những cải cách về thể chế, cơ chế chính sách tạo ra một môi trường sản xuất, kinh doanh "sinh lời" với tỷ suất lợi nhuận cao.

Những cải cách cần phải được thực hiện liên tục theo hướng tạo một hệ sinh thái phát triển thúc đẩy sự phát triển chung. Những cải cách đó, trước hết tập trung vào thay đổi phương thức quản lý, quản trị phát triển từ phía Nhà nước.

Trước hết, cải cách về thể chế cần hướng vào rút ngắn thời gian "ra quyết định", thông qua việc đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ quyền hạn và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước tạo lập môi trường minh bạch đảm bảo các cơ quan quản lý làm việc có hiệu quả. Công cuộc cải cách thể chế, từ môi trường pháp lý (xây dựng và thực thi pháp luật) là một việc làm cần đồng bộ và tồn nhiều thời gian vật chất (do hệ thống pháp luật hiện nay còn có nhiều bất cập, chưa đồng bộ giữa các luật cũng như các văn bản pháp quy hướng dẫn thi hành luật…), do vậy, rất cần mạnh dạn "thí điểm" những cơ chế chính sách "vượt trội" để giải quyết kịp thời những vấn đề của thực tiễn; đồng thời sớm tổng kết để hoàn thiện môi trường pháp lý.

Thứ hai, để khai thác, phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế đặc thù của các vùng lãnh thổ "đầu tàu" cơ chế chính sách (biện pháp can thiệp gián tiếp nhưng hiệu quả) cần hướng vào thúc đẩy phát triển những ngành, lĩnh vực lợi thế, tiềm năng của các vùng lãnh thổ này. Cụ thể, cần hướng tới phát triển những ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao, những ngành lĩnh vực mới nổi, phù hợp với xu thế phát triển mới trên thế giới như công nghiệp công nghệ thống tin, sản xuất, thiết kế chíp bán dẫn, công nghiệp vật liệu mới, công nghiệp cơ điện tử, công nghiệp vật liệu cơ bản…; phát triển mạnh dịch vụ gắn với lợi thế về quy mô như dịch vụ tài chính, tín dụng, dịch vụ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; dịch vụ giáo dục và đào tạo; y tế chất lượng cao; dịch vụ logistics…

Thứ ba, thúc đẩy đầu tư phát triển và đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số, hạ tầng đô thị… thông qua cải cách, có cơ chế chính sách tạo môi trường đầu tư kết cấu hạ tầng “sinh lời” để thu hút nguồn lực xã hội tham gia vào phát triển kết cấu hạ tầng. Hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại chính là một trong những nền tảng tạo ra động lực tăng trưởng trong trung và dài hạn…

Thứ tư, phát triển và nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Các cải cách cần hướng tới thúc đẩy hình thành và phát triển mạng lưới các trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có sự liên kết, chia sẻ và hợp tác… thúc đẩy khởi nghiệp, gia nhập thị trường, hình thành lực lượng doanh nghiệp lớn, có năng lực công nghệ đảm bảo duy trì năng lực cạnh tranh trong dài hạn. Phát triển và nâng cao năng lực công nghệ và đổi mới sáng tạo cần xuất phát từ phía "cầu".

Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực nhà nước. Đây là một trong những công cụ "can thiệp trực tiếp" của nhà nước vào phát triển kinh tế xã hội. Nguồn lực nhà nước cần được huy động "hợp lý" và sử dụng có hiệu quả theo hướng tạo ra một môi trường, hệ sinh thái phát triển "sinh lời" như đã nêu. Thách thức, khó khăn còn rất lớn, nhưng đất nước đang đứng trước nhiều cơ hội mới, vận hội mới. Hy vọng rằng, các vùng lãnh thổ "đầu tàu" sẽ tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng để tăng trưởng và duy trì tăng trưởng cao trong dài hạn; phát huy tốt vai trò động lực, lôi kéo và thúc đẩy tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế thực hiện thành công mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045.  

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25175.00 25177.00 25477.00
EUR 26671.00 26778.00 27961.00
GBP 31007.00 31194.00 32152.00
HKD 3181.00 3194.00 3297.00
CHF 27267.00 27377.00 28214.00
JPY 159.70 160.34 167.58
AUD 16215.00 16280.00 16773.00
SGD 18322.00 18396.00 18933.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18215.00 18288.00 18819.00
NZD   14847.00 15342.00
KRW   17.67 19.30
DKK   3582.00 3713.00
SEK   2293.00 2380.00
NOK   2270.00 2358.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ