'Chuyển đổi số là sự sống còn của doanh nghiệp trong thời đại mới'

Nhàđầutư
Bà Nguyễn Thị Thủy, hội viên Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), đồng thời là kế toán trưởng một doanh nghiệp FDI lớn về công nghệ tại Việt Nam nhận định, chuyển đổi số là sự sống còn của doanh nghiệp trong thời đại mới và nó quyết định 50% thành công của doanh nghiệp.
VĂN DŨNG
14, Tháng 01, 2024 | 10:06

Nhàđầutư
Bà Nguyễn Thị Thủy, hội viên Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), đồng thời là kế toán trưởng một doanh nghiệp FDI lớn về công nghệ tại Việt Nam nhận định, chuyển đổi số là sự sống còn của doanh nghiệp trong thời đại mới và nó quyết định 50% thành công của doanh nghiệp.

Hung ACCA

Ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) tại Việt Nam. Ảnh: Văn Dũng

Chiều 13/1, tại TP. Vinh (Nghệ An), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Hiệp hội DNNVV) phối hợp cùng UBND tỉnh Nghệ An tổ chức buổi tập huấn về "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua ứng dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế và chuyển đổi số".

Chuyển đổi số để tối ưu hóa nguồn lực của doanh nghiệp

Tại đây, ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia của Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA) tại Việt Nam đã chia sẻ những thông tin về ACCA.

Theo ông, ACCA là tổ chức nghề nghiệp quốc tế hàng đầu trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán, tài chính và quản trị, với sự phát triển nhanh chóng và hiện có hơn 526.000 học viên cùng 247.000 hội viên tại 181 quốc gia trên toàn thế giới.

ACCA đã đồng hành và tham gia tích cực trong nhiều sự kiện quan trọng của ngành kế toán, kiểm toán và tài chính tại Việt Nam, bao gồm việc đóng góp vào việc soạn thảo Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, và chiến lược phát triển ngành kế toán kiểm toán đến năm 2030 cũng như nỗ lực trong việc hỗ trợ xây dựng và ban hành lộ trình áp dụng chuẩn mực IFRS.

Ông Tô Quốc Hưng cũng chia sẻ về những nỗ lực của ACCA trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế vĩ mô và điều kiện kinh doanh đang thay đổi nhanh chóng. ACCA đã thiết kế chương trình hỗ trợ cụ thể nhằm trang bị cho doanh nghiệp những kiến thức và phương hướng cần thiết để phát triển và cạnh tranh hiệu quả hơn trên thị trường hội nhập toàn cầu.

Theo như thoả thuận hợp tác được ký kết vào tháng 7/2023 giữa Hiệp hội DNNVV và ACCA, nhằm mang đến các hoạt động đào tạo và hỗ trợ đa dạng hơn trong khối doanh nghiệp tư nhân, ACCA đã thiết kế chuyên biệt chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân với kỳ vọng cải thiện và nâng cao khả năng tiếp cận nguồn vốn cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam.

thuy

Bà Nguyễn Thị Thủy, hội viên Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), giảng viên ACCA tại Trung tâm đào tạo Audit Care Việt Nam (ACV), đồng thời là kế toán trưởng của một công ty FDI lớn về công nghệ tại Việt Nam. Ảnh: Văn Dũng.

Tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Thủy, hội viên Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA), giảng viên ACCA tại Trung tâm đào tạo Audit Care Việt Nam (ACV), đồng thời là kế toán trưởng của một doanh nghiệp FDI lớn về công nghệ tại Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới.

Bà cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là yếu tố then chốt cho sự tồn tại của doanh nghiệp mà còn đóng góp tới 50% vào thành công của những doanh nghiệp chuyển đổi số một cách hiệu quả.

Theo bà Thủy, những lợi ích rõ ràng nhất mà chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp bao gồm giảm thiểu chi phí vận hành, mở rộng quy mô tiếp cận khách hàng trên phạm vi rộng lớn và trong thời gian dài hơn.

"Điều này cũng giúp ban lãnh đạo đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và chính xác hơn nhờ vào hệ thống báo cáo thông suốt và kịp thời. Ngoài ra, chuyển đổi số còn góp phần tối ưu hóa nguồn lực của doanh nghiệp và năng suất làm việc của nhân viên, qua đó nâng cao hiệu quả hoạt động chung của doanh nghiệp", bà Thủy chia sẻ.

IFRS góp phần quan trọng trong thu hút vốn FDI

Cũng tại buổi tập huấn, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, hội viên Hiệp hội Kế toán công chứng Anh Quốc (ACCA), giảng viên ACCA tại Trung tâm đào tạo Audit Care Việt Nam (ACV), Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY đã cung cấp một cách nhìn tổng quát về lộ trình và lợi ích của việc ứng dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế đối với các doanh nghiệp (IFRS).

thao

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA), giảng viên ACCA tại Trung tâm đào tạo Audit Care Việt Nam (ACV), Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY. Ảnh: Văn Dũng

Theo bà Thảo, các lợi ích chính của IFRS, bao gồm việc gia tăng độ tin cậy của thông tin tài chính, phản ánh chính xác và minh bạch giá trị thực của tổ chức hay doanh nghiệp. IFRS còn hỗ trợ các quyết định kinh tế một cách thuận tiện hơn, đồng thời mở ra cơ hội huy động vốn từ thị trường quốc tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), và tạo thuận lợi cho việc thực hiện M&A cũng như các giao dịch kinh tế khác. Cuối cùng, việc áp dụng IFRS giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo tuân thủ các yêu cầu pháp luật liên quan.

Ngoài việc đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn tài chính quốc tế, việc áp dụng IFRS sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cấp thị trường chứng khoán Việt Nam và thu hút vốn FDI chất lượng cao. Điều này sẽ tạo lợi ích lâu dài cho sự phát triển kinh tế và tài chính của Việt Nam, cũng như tăng cường sự tin tưởng và uy tín của cộng đồng quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam, bà Thảo nhấn mạnh.

Nhìn chung, qua những nỗ lực của mình, ACCA đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp tư nhân trước những thách thức và cơ hội trong môi trường kinh doanh toàn cầu. ACCA cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra những cơ hội mới và nâng cao khả năng cạnh tranh để đối mặt với những thách thức phức tạp trong tương lai.

Điều chỉnh kích thước chữ