Trở lại Tư Chính lần 2: Trung Quốc thách thức Việt Nam và thế giới

Nhàđầutư
Ngày 16/8/2019, Bộ Ngoại giao ta đã lên tiếng phản đối việc tàu Hải Dương-8 của Trung Quốc quay trở lại (lần thứ 2) khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
TS. ĐINH HOÀNG THẮNG
02, Tháng 09, 2019 | 07:31

Nhàđầutư
Ngày 16/8/2019, Bộ Ngoại giao ta đã lên tiếng phản đối việc tàu Hải Dương-8 của Trung Quốc quay trở lại (lần thứ 2) khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã khẳng định việc Trung Quốc tái diễn vi phạm nghiêm trọng, yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền, quyền tài phansm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Việt Nam theo UNCLOS-1982 và luật pháo quốc tế. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ta vạch rõ: “Việt Nam hết sức coi trọng hòa bình, an ninh, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông và thiện chí giải quyết các bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy quan hệ hữu nghị với Trung Quốc vì lợi ích của hai nước, nhân dân hai nước và hòa bình, ổn định, an ninh khu vực và quốc tế; đồng thời kiên quyết, kiên trì bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình. Việt Nam kêu gọi các nước có liên quan và cộng đồng quốc tế đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông, khu vực và quốc tế”.

8a1c581d905b7905204a

 

Theo VTC News, từ cuộc xâm lược Hoàng Sa 45 năm trước, Trung Quốc không ngừng leo thang trong tham vọng quân sự hóa nhằm tiến tới chiếm trọn Biển Đông. Đáng chú ý, trong vòng 5 năm từ tháng 5/2014 đến tháng 5/2019, Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt các biện pháp leo thang với dã tâm độc chiếm Biển Đông. Đặc biệt, từ tháng 5/2019 đến nay, với các bước leo thang “lấn lướt kép”, Trung Quốc vừa điều tàu cảnh sát biển Hải Cảnh 35111 uy hiếp các tàu tiếp tế giàn khoan hoạt động tại mỏ Lan Đỏ trong Lô 06-01, vừa điều tàu Hải Dương-8, với các tàu hộ tống hùng hậu đến khảo sát các lô 130, 131, 132, 133, 154, 155, 156 và 157 trên một diện tích 31.000 km² trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam. Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS-1982) không cho phép bất cứ nước nào đơn phương khảo sát tài nguyên hay nghiên cứu khoa học biển trong EEZ của nước khác.

Việc báo chí chỉ nhấn mạnh tên “Bãi Tư Chính” đã không thể hiện hết tính nghiêm trọng của sự xâm lấn lần này. Thật ra, mỏ Lan Đỏ nằm trong bồn Nam Côn Sơn, gần bờ hơn Bãi Tư Chính, cạnh mỏ Lan Tây, vốn là nguồn cung cấp 30% khí đốt của Việt Nam từ năm 2003. Và thật ra sáu trong tám lô bị đội tàu Hải Dương Địa Chất 8 vi phạm, các lô 130, 131, 132, 154, 155 và 156 đều nằm phía bắc Bãi Tư Chính, với lô 130 chỉ cách đất liền Việt Nam khoảng 80 hải lý và đảo Phú Quý khoảng 37 hải lý. Năm 2017 và 2018 Trung Quốc đã gây áp lực khiến Việt Nam phải ngưng Repsol hoạt động trong các lô 07-03 và 136-03.

Trước đó, năm 2012, để trả đũa việc Việt Nam ban hành luật biển, Trung Quốc đã rao thầu cho 160.000 km² trong EEZ của Việt Nam, trong đó có các lô 130, 131, 132, 133, 154, 155, 156 và 157. Dĩ nhiên, động thái mới đây nhất của Trung Quốc là những bước tiến trong một quá trình có chủ đích và sẽ không phải là những bước cuối cùng.

Tư Chính không là vùng tranh chấp

Điều 56 của UNCLOS-1982 quy định: Trong vùng EEZ của mình, các quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật ở đó. Trong vùng EEZ, quốc gia ven biển cũng có quyền chủ quyền đối với các hoạt động khác như sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió. Chiểu theo các quy định của UNCLOS-1982, Tư Chính không thể là vùng tranh chấp. Không quốc gia nào có quyền trịch thượng “yêu cầu” Việt Nam ngừng công việc thăm dò các mỏ dầu ở khu vực biển thuộc chủ quyền của mình. Ngoài ra, mọi hoạt động của nước ngoài trên các vùng biển Việt Nam phải tuân thủ các quy định có liên quan của UNCLOS-1982, pháp luật Việt Nam và nếu không được phép của Việt Nam đều là xâm phạm vùng biển Việt Nam, vi phạm luật pháp quốc tế.

Việc cố tình quy kết Việt Nam tiến hành các hoạt động khoan thăm dò dầu khí “một cách đơn phương” tại EEZ của Việt Nam là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý. Phát ngôn này chủ yếu nhằm đưa vùng biển hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam trở thành vùng biển có tranh chấp, để rồi áp đặt cách hành xử theo kiểu “quyền lực thuộc kẻ mạnh," thực hiện mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Ngoài ra, Bãi Tư Chính có vị trí cận kề với đường hàng hải quốc tế, đóng vai trò quan trọng trong xây dựng, phát triển kinh tế và công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền trên biển của Việt Nam. Các vùng lãnh thổ, lãnh hải của Việt Nam sẽ hoàn toàn bình thường, ổn định, nếu không bị các hành vi xâm phạm, bất chấp luật pháp quốc tế, gây phức tạp tình hình.

Từng trải qua nhiều năm chiến tranh, Việt Nam luôn coi trọng hòa bình, hữu nghị, hợp tác, luôn thiện chí và sẵn sàng giải quyết các vấn đề phát sinh trong quan hệ quốc tế bằng các giải pháp chính trị. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS-1982, trước bất cứ hành vi nào xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển được xác định phù hợp với bản Hiến chương về đại dương ấy.

Việt Nam triển khai đồng bộ các biện pháp hòa bình nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trước việc nhóm tàu khảo sát Hải Dương-8 của Trung Quốc đã xâm phạm vùng EEZ và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía Nam Biển Đông, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ta cho biết: “Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam, tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.”

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nêu rõ: “Các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam”. Việc duy trì hòa bình và trật tự trong khu vực, đảm bảo an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông (trong đó có khu vực bãi Tư Chính) trên cơ sở luật pháp quốc tế đem lại lợi ích chung cho các nước trong khu vực và cho cộng đồng quốc tế.

Bởi vậy, Việt Nam đã và đang nỗ lực thể hiện vai trò của một quốc gia có trách nhiệm trong cộng động quốc tế và mong muốn các quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc thực thi nghiêm túc luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS-1982, nhằm tạo dựng một khu vực hòa bình, ổn định, góp phần thúc đẩy hòa bình và phát triển trên thế giới.

Thăm dò dầu khí - Bảo vệ chủ quyền

Khoan thăm dò dầu khí ở Bãi Tư Chính là góp phần bảo vệ chủ quyền. Chiều 5/8/2019, Liên doanh dầu khí Việt – Nga (Vietsovpetro) tổ chức chuyên đề “60 năm ngành dầu khí thực hiện ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Với 38 năm hình thành và phát triển, Vietsovpetro đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đúng với ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh 60 năm trước.

Tổng Giám đốc Vietsovpetro Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết suốt 38 năm qua, từ khi được thành lập (1981) đến nay, Liên doanh đã cụ thể hóa ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đó là thực hiện một khối lượng rất lớn thăm dò, khảo sát địa chất dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, vùng biển chủ quyền của Tổ quốc. Qua đó, phát hiện bảy mỏ dầu khí có trữ lượng công nghiệp. Có công đầu tìm ra thân dầu mới phi truyền thống trong đá móng granit nứt nẻ.

Tính đến tháng 6/2019, tổng sản lượng khai thác dầu của Vietsovpetro đạt 235 triệu tấn, tổng doanh thu bán dầu đạt 80,2 tỉ USD, cung cấp vào bờ 35 tỉ m3 khí. Ông Nguyễn Quỳnh Lâm khẳng định việc khoan giếng, thăm dò ở bãi ngầm Tư Chính của Vietsovpetro đã góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. “Vietsovpetro là đơn vị chủ lực thiết kế, thi công, lắp đặt, gia cố, sửa chữa hệ thống nhà giàn DK1 và khoan giếng thăm dò ở Bãi Tư Chính, ở vịnh Bắc Bộ, góp phần bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên thềm lục địa và vùng EEZ của Việt Nam,” ông Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết. Ông Lâm cũng nhìn nhận trong những năm tới, Liên doanh sẽ phải đối mặt với những khó khăn, thách thức vì sản lượng các mỏ dầu trước đây giảm, sản lượng mỏ mới còn khiêm tốn.

Do đó, để phát triển bền vững, Vietsovpetro sẽ nỗ lực cao nhất để thăm dò các khu vực tiềm năng, thu hồi trữ lượng dầu khí ở lô 09-1 cũng như mở rộng vùng hoạt động thăm dò, khai thác.

Đúng 60 năm trước, ngày 23/7/1959, trong chuyến thăm Khu công nghiệp dầu khí tại Bacu, thuộc Liên Xô cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi nghĩ, Việt Nam chúng tôi có biển nhất định sẽ có dầu, nhưng đang chiến tranh, chưa làm được. Tôi hi vọng và tin rằng sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, các đồng chí sẽ giúp chúng tôi tìm ra dầu rồi thì giúp khai thác và chế biến dầu, xây dựng được khu công nghiệp dầu khí như Bacu”.

Quốc tế đồng cảm với Việt Nam

Ngày 4/8/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper phát biểu trong cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Úc tại Sydney: “Chúng tôi kiên quyết chống lại hành vi hung hăng đáng lo ngại, gây mất ổn định từ Trung Quốc. Họ dùng nợ vay cho các thỏa thuận chủ quyền và thúc đẩy hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ,” ông Esper kết luận. Sau tuyên bố Bộ Ngoại giao ta hôm 19/7 lên án hành động xâm lấn của Trung Quốc, ngày 20/7/2019, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã lập tức ra tuyên bố 7 điểm, trong đó nhấn mạnh “các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại và gây bất ổn của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam cần phải được chấm dứt”. Tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định: “Các hoạt động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào các hoạt động khai thác và thăm dò dầu khí xa bờ của các bên liên quan ở Biển Đông đã đe dọa an ninh năng lượng của khu vực và phá hoại một thị trường năng lượng tự do, rộng mở ở Ấn Thái Dương”.

Ngày 1/8/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ Raveesh Kumar cho biết, các hoạt động khai thác dầu khí của Ấn Độ ngoài khơi Việt Nam vẫn tiếp tục và không bị ảnh hưởng bởi những hoạt động của tàu Trung Quốc. Nói về những căng thẳng gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn cho biết New Dehli có những lợi ích chính đáng và hợp pháp đối với hòa bình, ổn định và việc tiếp cận các tuyến đường biển lớn trong khu vực. Ông Kumar cũng nhấn mạnh rằng Ấn Độ có lập trường nhất quán và rõ ràng về Biển Đông. Đây là vùng nước có tầm quan trọng về kinh thương mại và kinh tế đối với Ấn Độ, chiếm gần 55% giao thương của Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ tiếp tục ủng hộ tự do hàng hải và tự do tiếp cận các nguồn tài nguyên theo quy định của luật pháp.

Nhật Bản cũng phản đối việc Trung Quốc gây căng thẳng ở Biển Đông. Chính phủ Nhật Bản bày tỏ “quan ngại chính đáng và phản đối mạnh mẽ” các hành động gây gia tăng căng thẳng trên Biển Đông trong một phản hồi bằng văn bản hôm 31/7/2019. Bộ Ngoại giao Nhật khẳng định: “Chính phủ Nhật Bản tin rằng những vấn đề liên quan đến Biển Đông có quan hệ trực tiếp đến hòa bình và ổn định trong khu vực và là mối quan ngại chính đáng của cộng đồng quốc tế.

Chính phủ Nhật Bản phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động nào làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông. Nhật Bản nhất quán ủng hộ việc tuân thủ toàn diện luật pháp biển và muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực đối với các giải pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế mà không thông qua việc sử dụng vũ lực hay hăm dọa, nhằm giải quyết tranh chấp liên quan đến các vấn đề tại Biển Đông đối với tất cả các nước liên quan”.

Hôm 3/8/2019, theo báo Canberra Times, trong một tuyên bố chung đầu tháng, Ngoại trưởng Úc Marise Payne, cùng với các đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo và Nhật Taro Kono, đã bày tỏ “mối quan ngại nghiêm trọng trước những thông tin đáng tin cậy” về những hoạt động cản trở các dự án dầu khí trên Biển Đông. Bản thông báo cũng bày tỏ quan ngại về “những diễn tiến tiêu cực” ở Biển Đông, trong đó có việc triển khai các hệ thống vũ khí hiện đại trên các thực thể đang tranh chấp. Ba ngoại trưởng mạnh mẽ lên án “những hành động đơn phương có thể làm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng, như bồi đắp các đảo, xây các tiền đồn, quân sự hóa các thực thể đang tranh chấp và những hành động khác gây tác hại môi trường biển ở vùng Biển Đông”.

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ