Lâm Bình núi đứng nhìn núi

Lâm Bình chót vót trên núi cao Tuyên Quang, cách thành Tuyên cổ xưa khoảng 130 cây số, phải vượt qua hàng chục đèo cao, như đèo Bụt, đèo Kéo Thưa, Phai Tre, Khuổi Luông, mới tới được. Nơi đây, thiên nhiên đã ưu đãi cho đồng bào các dân tộc Dao Tiền, Tày, Nùng, Mông, Pà Thẻn...
Nhàn thơ HOÀNG VIỆT HẰNG
23, Tháng 01, 2023 | 07:00

Lâm Bình chót vót trên núi cao Tuyên Quang, cách thành Tuyên cổ xưa khoảng 130 cây số, phải vượt qua hàng chục đèo cao, như đèo Bụt, đèo Kéo Thưa, Phai Tre, Khuổi Luông, mới tới được. Nơi đây, thiên nhiên đã ưu đãi cho đồng bào các dân tộc Dao Tiền, Tày, Nùng, Mông, Pà Thẻn...

LBinh3

Lâm Bình là huyện có tiềm năng để phát triển du lịch. Ảnh Tuyên Quang.

Nếu đi thêm 30 cây số nữa, chạm tới Khuổi Trăng, tức là Suối Trăng, thì với tay có thể chạm mây. Suối Trăng vào dịp mưa phùn, phải đi mất cả ngày đường, qua con suối đẹp lộng lẫy như chiếc khăn dài trải xuống. Nơi đây đã khiến cho người quen ở phố như tôi phải chùn lòng, nhìn thấy đồng bào mình còn nghèo khó, để biết sống sẻ chia, nhân ái hơn với núi cao.

Lên Suối Trăng, tôi bị chinh phục bởi những nụ cười bình thản, an nhiên và ấm áp. Người dân diện quần áo thổ cẩm chào đón khách, rồi thết đãi mèn mén và xôi ngũ sắc. Họ đón khách như đón người thân về ăn Tết trong nhà. Ở Suối Trăng, hơi thở trong ngực loãng ra, núi rừng đậm màu huyền bí, đem đến cho lữ khách bao niềm hoan hỉ của mùa xuân. Ở Suối Trăng, cửa nhà không có khóa và không có then cài. Tình người như củi lửa.

Nơi đây, nhà nhà chỉ khép cửa và bếp lửa vẫn bập bùng trong mưa xuân.Từ Suối Trăng, tôi đi xuống Hồng Minh để ngắm người dân vào các lễ hội. Họ xin phép thần linh để được nhảy lửa và chơi với lửa. Một đức tin mà khoa học chưa lý giải nổi trong thế giới tâm linh. Thần linh có quyền uy cho người được bình thản mà chơi với lửa, nhảy vào lửa để cầu ước hạnh phúc cho mình. Lễ hội nhảy lửa đã làm cho nơi này trở nên nổi tiếng.

Cả năm, các trai tráng người Mông đi làm nương, đi vào rừng. Vào những ngày Tết, họ vui chơi bằng con quay tự đẽo và thổi khèn, múa khèn. Ở dân tộc Pà Thẻn, các thiếu nữ ngồi thêu áo váy và đai váy. Người Dao Tiền cũng thêu khăn, thêu áo diện Tết. Họ rất ít dùng thứ thời trang nào khác. Vào mùa xuân, họ xúng xính áo quần đầy màu sắc để đi chơi, đi tìm người tình mới và người tình cũ dướichợ ở chân núi…

Đầu xuân, tôi được ăn cơm mới với người Dao Đỏ. Họ thết đãi tôi món pắc pi. Khách quý nên chủ nhà mới làm. Món ăn ấy làm từ hoa chuối rừng trộn với lá thơm, chỉ người dân nơi đây mới biết cách hái, rồi đem nhào với thịt lợn mán đen băm nhỏ, sau đó gói lá, đồ trên chõ gỗ. Mùi thơm lan tận cửa bếp. Thịt nướng ở đây cũng gói trong lá. Bánh dày là dùng để dâng cúng tổ tiên, chứ không phải là bánh chưng như ở dưới xuôi ta. Gia vị của núi rừng bao giờ cũng đậm và ngọt hơn gia vị dưới xuôi. Hèn nào người trên núi ăn cơm dưới xuôi cứ kêu nhạt miệng. Người ăn tinh sẽ nhận ra vị núi rừng đậm đặc tới tận chân răng, hương của núi rừng còn ám ảnh mãi sau khi đã chia tay, rời bản.

Tôi xuống núi thì trời đã nhập nhoạng tối. Về tới thị trấn Lăng Can, vào những ngôi nhà sàn homestay, lại nhìn thấy rất rõ bản sắc của người Tày vùng Lâm Bình. Nhiều nhà sàn ở Nà Đông, Nà Thuôn hay Nà Liềm, nằm sát chân núi. Đi xa xa hơn thì gặp ngôi làng Chục Muông, là làng mới định cư ít lâu. Người làng này là dân từ dưới vùng sông Gâm lên bờ sinh sống. Dãy nhà sàn chênh vênh bên núi Phù Thẩm Pụt, nhìn ra phía trước là gặp những rặng tre, đồng lúa, ruộng ngô, bao quanh là núi chồng với núi. Người Tày ở nhà sàn là chủ yếu. Nhà sàn lưng tựa núi, mặt quay ra đồng ruộng tươi tốt.

Người Thượng Lâm thấy thế, đã đắp thêm một ngọn núi, thành ngọn thứ 100, nhưng chờ mãi mà chưa thấy con phượng hoàng bay về. Huyền thoại này đã được truyền miệng tới tất cả đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Dao… để nhắc nhở họ sống trong yên hàn, hạnh phúc, đợi một ngày nào đó, con chim phượng hoàng sẽ bay trở về.

Trong bữa cơm, tôi được nghe bà con kể về huyền thoại từ xa xưa, đã từng có 100 con phượng hoàng bay về vùng Thượng Lâm, là nơi đất thiêng, nhưng chỉ có 99 ngọn núi cho 99 con phượng hoàng đậu xuống, con phượng hoàng thứ 100 không có núi để đậu, nên đã bay đi. Ở nơi đây, người dân không rời đi nơi khác mà chỉ có người nơi khác tìm đến định cư, sinh sống. Người dân bảo, đây là nơi đáng sống nhất trên Trái Đất. Từ làng bản đi ra là gặp sông hồ, xung quanh có núi non, có thác nước, có rừng già che chở. Đồng ruộng thì luôn luôn đầy lên màu xanh, màu vàng của ngô, của lúa.

Sau những ngày bận bịu cấy cày trên những đồng ngô lúa, người dân ở đây còn có thể lên rừng hái rau, ra sông đánh cá. Anh Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch huyện Lâm Bình nói: “Người dân Lâm Bình chấp nhận sống nghèo để bảo vệ rừng, chứ không phá rừng. Và chính rừng đã cưu mang họ”.

Mãi đến năm 2010, Lâm Bình mới đón khách du lịch quốc tế. Đến đây, khách cứ mê mải khám phá rừng sến hàng ngàn năm tuổi, rồi hồn nhiên leo núi, tắm thác. Sau đấy là được thưởng thức các món ăn bày trên trên mẹt lá chuối, lá dong. Đặc biệt là hai món cá nướng sông Gâm và thịt dê nuôi trên núi đá cùng với xôi tím lá thơm và vừng hạt trồng chỉ một vụ trong năm. Món ngon ở Lâm Bình còn lạ ở chỗ là thịt và cá thì chấm mẻ, chứ không dùng nước mắm như dưới xuôi. Đã đi núi thì đừng ăn quen nước mắm từ dưới biển mang lên. Hơn nữa, thịt và cá chấm mẻ lại rất là ngon.

Người Tày còn có một món lạ, là canh cá bỗng (cá bỗng chứ không phải cá bống) nấu với lá theo, không có nơi nào ngon bằng. Đến Lâm Bình, không chỉ để ngắm cảnh thiên nhiên đẹp đẽ, mà còn là dịp để biết thêm nhiều vị ngon của miền rừng núi Đông Bắc, để xem nó khác với những món ngon vùng Tây Bắc hay miền cao nguyên như thế nào và điều đó làm cho cuộc đời ta phong phú với nhiều trải nghiệm tinh tế hơn.Lâm Bình có thác Khuổi Nhi. Mùa hè thác nước trắng xóa, hùng vĩ, ồn ào, mùa đông thì bình lặng. Nếu có lội suối, khi nào mệt thì hãy ngồi yên đấy, sẽ có đàn cá đến rỉa vào chân mơn man, rất thích thú. Nếu còn sức thì leo lên hang Giếng ở Khuôn Hà hay hang Khuổi Pín, sẽ được ngắm nhìn những nhũ đá rất đẹp.

Nếu đi thuyền trên sông Gâm, ta sẽ đi qua một núi đá có tên là hòn Cọc Vài, là nơi buộc đàn trâu trời và được nghe kể về sự tích người con trai hiếu thảo đi chăn trâu nuôi mẹ, yêu mẹ vô bờ bến. Câu chuyện ấy truyền cảm về tình mẫu tử ngàn đời, nặng nghĩa với nước non, với nơi chôn rau cắt rốn của con người. Hòn Cọc Vài hùng vĩ dựng trên sông Gâm, đi ngang qua là rất nhiều thuyền nan, thuyền máy. Hai bên dòng sông núi non trùng điệp.

Vào mùa nước lớn, ta sẽ thấy bàng bạc màu sắc của sơn thủy hữu tình. Còn trong mùa cạn, có thể nhìn thấy qua làn nước mỏng, dưới lòng sông Gâm hiện lên nguyên sơ một thị trấn cổ xưa nằm dưới đáy nước với bãi đá như trông như hóa thạch.

Đi bộ thư thả trên những con đường ở thị trấn Lâm Bình, ta sẽ thấy những nhà vườn với những vườn cam, vào đúng mùa là trĩu trịt và rộn ràng màu quả chín. Vui chân nữa, thì dịp ra Giêng, ta có thể đi lên vùng Na Hang ngắmhoa lê nở trắng…Về nơi đất thiêng có 99 ngọn núi, có sông, hồ, hang động và thác nước, có bản làng phủ rợp bóng tre, là nơi hồn quê Việt dấu xưa còn để lại trên núi non, để người khắp nơi tìm về mà say ngắm. Cái vùng đất đầy tiềm năng du lịch này dường như vừa mới thức dậy, chưa được quảng bá nhiều...

Rồi đây, nếu được địa phương chào đón và mời gọi, các nhà đầu tư có tầm nhìn sẽ cùng đến, thì Lâm Bình sẽ vươn vai, sẽ phát triển mạnh mẽ mà vẫn lưu giữ được những vẻ đẹp nguyên sơ từ ngàn đời nay, để càng thêm hấp dẫn du kháchtìm đến hơn nữa…

Ngoại tệ Mua tiền mặt Mua chuyển khoản Giá bán
USD 25150.00 25158.00 25458.00
EUR 26649.00 26756.00 27949.00
GBP 31017.00 31204.00 32174.00
HKD 3173.00 3186.00 3290.00
CHF 27229.00 27338.00 28186.00
JPY 158.99 159.63 166.91
AUD 16234.00 16299.00 16798.00
SGD 18295.00 18368.00 18912.00
THB 667.00 670.00 697.00
CAD 18214.00 18287.00 18828.00
NZD   14866.00 15367.00
KRW   17.65 19.29
DKK   3579.00 3712.00
SEK   2284.00 2372.00
NOK   2268.00 2357.00

Nguồn: Agribank

Điều chỉnh kích thước chữ