Hợp tác cùng đối tác Hàn Quốc, Masan Consumer đặt cược vào thịt chế biến

Mới đây, Masan Consumer đã công bố việc hợp tác với nhà sản xuất thực phẩm chế biến lâu đời của Hàn Quốc là Jinju Ham.
THẢO MAI
07, Tháng 07, 2018 | 15:34

Mới đây, Masan Consumer đã công bố việc hợp tác với nhà sản xuất thực phẩm chế biến lâu đời của Hàn Quốc là Jinju Ham.

Thông qua thương vụ này, Jinju Ham sẽ mua lại  25% của công ty con của Masan Consumer là Công ty Cổ phần Dinh dưỡng Sài Gòn (Saigon Nutri Food) thông qua đợt chào bán cổ phiếu sơ cấp. Đồng thời, công ty này cũng sẽ được đổi tên lại là “Masan Jinju”.

1

Hợp tác cùng đối tác Hàn Quốc, Masan Consumer đặt cược vào thịt chế biến

Đây là bước đi mới của Masan Consumer trong việc đẩy mạnh ngành hàng thịt chế biến, vốn đã được Masan Consumer thừa nhận là “một trong những ngành hàng tăng trưởng nhanh nhất” và “động lực thúc đẩy tăng trưởng” trong thời giân gần đây, cùng với nước tăng lực và bia. Đây là hai mũi nhọn mà Masan Consumer đang đặt rất nhiều kỳ vọng sẽ dẫn dắt tăng trưởng của công ty, trong bối cảnh các ngành thực phẩm tiện lợi và gia vị đang rất cạnh tranh.

Doanh thu ngành thịt chế biến của Masan trong Quý 1/2018 là 88 tỷ đồng, một con số khiêm tốn so với những ngành hàng khác của Masan như gia vị (1.420 tỷ, Quý 1/2018), thực phẩm tiện lợi (917 tỷ, Quý 1/2018) nhưng theo ông Park Jungjin, Tổng Giám đốc của Jinju Ham, thì thị trường thịt chế biến của Việt Nam mới ở giai đoạn sơ khai, giống như Hàn Quốc và Trung Quốc cách đây 20 năm.

“Ngành hàng này vẫn còn đang rất sơ khai, và chiếm dưới 1% vào mức tiêu thụ thịt của toàn thị trường. Chúng tôi tin rằng sự cộng hưởng của hai nền tảng hàng đầu sẽ tạo điều kiện cho Masan-Jinju thúc đẩy tỷ lệ tiêu thụ thịt chế biến lên 20%-50% trong dài hạn, bằng với tỉ lệ tiêu thụ tại Trung Quốc và Hàn Quốc ngày hôm nay.”

Do đó, nếu có thể thúc đẩy tỷ lệ tiêu thụ thịt chế biến lên như mức mà ông Park Jungjin đã nói, thì doanh thu của ngành này sẽ tăng lên hàng chục lần, và xứng đáng với kỳ vọng của Masan khi quyết định đầu tư vào ngành này. Masan là một doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, và họ sẽ không đầu tư khi không thể làm tốt hơn đối thủ, hoặc không thể trở thành doanh nghiệp dẫn dắt ngành hàng đó. Do đó, khi Masan quyết định ngành hàng nào là tiềm năng, thì chắc chắn ngành hàng đó sẽ phải đạt doanh thu khủng.

Vậy lý do gì mà Masan lẫn Jinju Ham tin rằng mức tiêu thụ thịt chế biến của người Việt sẽ tăng? Theo Nikkei Asian Review, chế độ ăn của người Việt Nam đang thay đổi, họ ăn nhiều hơn trước với lượng thịt và sản phẩm chế biến từ động vật nhiều hơn. Cách đây không lâu, chế độ ăn của người Việt Nam phần lớn là gạo và rau, thịt thường chỉ được ăn vào những dịp đặc biệt. Giờ đây, thịt xuất hiện trong tất cả bữa ăn hàng ngày. Lượng thịt một người Việt Nam tiêu thụ trung bình hiện nay gấp 4 lần so với cách đây 30 năm, bao gồm cả thịt tươi sống lẫn thịt chế biến.

Ngoài ra, phong cách ăn uống của người Việt cũng bị ảnh hưởng bởi phương Đông lẫn phương Tây. Trong khi các chuỗi thức ăn nhanh như KFC và McDonalds đại diện cho thói quen tiêu dùng nhanh, thì các chuỗi nhà hàng thịt nướng theo phong cách Nhật Bản hay Hàn Quốc ngày càng phổ biến và sử dụng rất nhiều thịt.

Đồng thời, minh chứng rõ ràng nhất cho mức tiêu thụ thịt tăng cao thể hiện ở sự phát triển về kinh tế. Sự bùng nổ về kinh tế chính là động lực cho việc tăng trưởng tiêu thụ thịt tại Việt Nam. Hiện tại, với 70% dân số trong độ tuổi lao động, mức chi tiêu của người Việt Nam được cho là sẽ đạt hơn 170 tỷ USD vào năm 2020. Theo Business Sweden Analysis, tỉ lệ đô thị hóa của Việt Nam tăng 35% trong giai đoạn 2010 – 2020 và dự đoán đến năm 2020 sẽ có 35 triệu người ở thành thị, đồng thời tầng lớp trung lưu ngày càng đông đảo hơn, đã tăng 88% trong giai đoạn 2010 – 2020, đây là nhữngđiều kiện cho sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ thịt ở một quốc gia từng coi việc có thịt trong mỗi bữa ăn là điều xa xỉ hay chỉ dành cho những gia đình giàu có.

Cũng chính vì thu nhập tăng cao và người tiêu dùng cũng bắt đầu có nhận thức cao hơn về an toàn vệ sinh thực phẩm nên nhu cầu cho các sản phẩm thịt tươi sống và thịt chế biến có thương hiệu, an toàn và nguồn gốc rõ ràng là vô cùng lớn. Masan đang đón đầu xu hướng này bằng việc áp dụng công nghệ từ Jinju Ham để làm ra các sản phẩm xúc xích tiệt trùng cao cấp, một phân khúc hoàn toàn mới tại Việt Nam. Ngoài ra, Masan cũng đang có tham vọng tung ra “thịt mát” có thương hiệu lần đầu tiên có mặt trên trị trườngtrong lĩnh vực thực tươi sống. Cả hai dòng sản phẩm mới này đều được dự kiến sẽ tung ra sớm nhất vào nửa cuối năm 2018.

Có thể thấy, Masan đã nhanh chóng nắm bắt được xu hướng tiêu thụ thịt ngày càng tăng của người Việt Nam và cũng nhanh chóng không kém trong việc triển khai ra những sản phẩm độc đáo nhằm “đặt cược” vào xu hướng này. Hiện tại, Masan đang là doanh nghiệp tiềm năng trong việc dẫn dắt thị trường thịt trị giá 9 tỷ USD (theo Bloomberg), và đang có những bước đi đầu tiên nhưng vững chắc nhằm đáp ứng nhu cầu lớn này tại Việt Nam.

Thịt mát: Thịt heo được chế biến trong môi trường khép kín, được giữ lạnh trong môi trường 0-4oC từ nhà máy cho đến khi được bày bán tại siêu thị nhằm ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi, và giữ được độ tươi ngon từ 3-5 ngày. Đây là mô hình rất phổ biến tại Châu Âu và các nước phát triển, nhưng lại hoàn toàn mới tại Việt Nam.

Điều chỉnh kích thước chữ